4 người tử vong do ngộ độc thực phẩm trong tháng 7/2020

05/08/2020 09:09
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phân tích các vụ ngộ độc thực phẩm từ năm 2010 đến 2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%).

Trong tháng 7/2020, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 122 người bị ngộ độc, trong đó có 4 người tử vong. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 50 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.209 người bị ngộ độc, trong đó có 19 người tử vong.

Qua phân tích các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%).

Tiếp đến là do độc tố tự nhiên (chiếm 28,4%), hóa chất (chiếm 4,2%)… Kiến thức của các nhóm đối tượng, gồm: Người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế.

Thời tiết nắng nóng thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng gia tăng do thực phẩm dễ bị ôi thiu. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Thời tiết nắng nóng thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng gia tăng do thực phẩm dễ bị ôi thiu. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa tốt. Mặt khác, điều kiện kinh tế khó khăn và thói quen đơn giản của người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm cũng như các yếu tố thuận lợi về thời tiết, môi trường đã tạo điều kiện xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Từ đầu mùa hè đến nay, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch vào cấp cứu do ngộ độc thực phẩm và đã có những ca tử vong đầy thương tâm.

Qua phân tích các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận từ năm 2010 đến năm 2020, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), tiếp đến là do độc tố tự nhiên (chiếm 28,4%), hóa chất (chiếm 4,2%)…

Thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng gia tăng do thực phẩm dễ bị ôi thiu.

Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, giám sát của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt.

Để ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Khi phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm, thậm chí cho đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở chế biến thực phẩm và công khai các vi phạm.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Mùa hè luôn là mùa cao điểm của ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn phát triển mạnh trong khi sức khỏe, sức đề kháng con người bị giảm sút vì nắng nóng.

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn là không ít người không tuân thủ nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm như: Ăn chín, uống sôi, rửa sạch rau, củ, quả, thực phẩm trước khi ăn và chế biến…

Đặc biệt, thực phẩm không đảm bảo an toàn, thậm chí chứa độc tố, hóa chất độc hại vẫn còn nhiều trên thị trường mà chưa kiểm soát được.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên nêu thực trạng cần cảnh báo: “Tình trạng ngộ độc thực phẩm do hóa chất có nguy cơ tăng và phức tạp dần lên do ngày càng nhiều loại hóa chất. Người dân ăn rồi bị ngộ độc phải đi bệnh viện cấp cứu thì bác sĩ chẩn đoán cũng gặp khó khăn. Do việc xét nghiệm độc chất cần máy móc chuyên dụng, trong khi các bệnh viện lại không có”.

Khuyến cáo phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Để phòng chống ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm trong mùa hè, cách tốt nhất là người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.

Cùng đó, bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ, thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm vệ sinh; đặc biệt là thực hiện ăn chín, uống sôi.

Ngoài ra, nên lưu ý chế biến thực phẩm vừa đủ và ăn ngay sau khi chế biến. Khi chưa sử dụng ngay thì cần che đậy, bảo quản thực phẩm cẩn thận.

Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ nên sử dụng khi bảo quản trong một thời gian nhất định. Không nên để thực phẩm qua đêm và hâm đi hâm lại nhiều lần.

Điều quan trọng nữa là người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đề cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Tùng Dương