35 ngày kiên cường chống dịch của thầy và trò Đại học Y Dược Thái Bình

04/07/2021 06:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đổi mới trong cách làm khi lấy mẫu, nhập liệu, đoàn tình nguyện Đại học Y Dược Thái Bình đã giúp tiết kiệm nhân lực, vật tư y tế cho hoạt động chống dịch.

Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày những chiến binh áo trắng của Trường Đại học Y Dược Thái Bình lên đường chi viện cho tỉnh Bắc Giang.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Thị Dung – trưởng đoàn cho biết, trong tuần đầu tiên, từ ngày 2 đến ngày 8/6, đoàn được phân công nhiệm vụ lấy mẫu trong các khu phong tỏa tại cộng đồng.

Bác sĩ Phạm Thị Dung cho biết, sự phối hợp liên ngành giữa Y tế với Công An, Quân đội giúp công tác chống dịch trong khu cách ly hiệu quả hơn. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Phạm Thị Dung cho biết, sự phối hợp liên ngành giữa Y tế với Công An, Quân đội giúp công tác chống dịch trong khu cách ly hiệu quả hơn. (Ảnh: NVCC)

Đoàn đã thực hiện tốt hoạt động phối hợp với chính quyền các cấp hoàn thành công việc đúng tiến độ, thời gian theo yêu cầu của địa phương.

Tuy nhiên, sau khi xem xét khả năng, năng lực của đội ngũ nhân lực y tế của đoàn với đặc thù chủ yếu là sinh viên y đa khoa năm thứ 4, năm thứ 5 và cán bộ giảng viên các chuyên ngành nội, nhi, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, sản khoa… nên đã chủ động đề nghị về tăng cường các hoạt động trực tiếp cho trung tâm y tế huyện Việt Yên để được tham gia vào những lĩnh vực khác đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt là hỗ trợ hoạt động y tế trong các khu cách ly.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại huyện Việt Yên, đoàn đã tư vấn và tham gia tăng cường cho 5 nhóm lĩnh vực hoạt động của y tế huyện.

Nhóm thứ nhất tăng cường về 40 khu cách ly tập trung để thực hiện hoạt động chăm sóc sức khỏe, kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm chéo và thực hiện các hoạt động quản lý công dân F1;

Nhóm thứ hai được chuyển về làm tại 5 trạm y tế xã đang thiếu hụt nguồn nhân lực y tế;

Nhóm ba là đội ngũ các bác sĩ chuyên khoa về hỗ trợ cho công tác điều trị bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện;

Nhóm thứ 4 hỗ trợ công tác thống kê tình hình dịch bệnh và truy vết các đối tượng F0, F1;

Nhóm cuối cùng tham gia đội xét nghiệm phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế.

Đoàn tình nguyện của Đại học Y Dược Thái Bình sẵn sàng đến các khu cách ly làm nhiệm vụ dù điều kiện sinh hoạt khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn. (Ảnh: NVCC)

Đoàn tình nguyện của Đại học Y Dược Thái Bình sẵn sàng đến các khu cách ly làm nhiệm vụ dù điều kiện sinh hoạt khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm hơn. (Ảnh: NVCC)

"Nếu chỉ thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu như ban đầu, đoàn sẽ được sắp xếp chỗ ở với điều kiện tốt hơn, nhưng chúng tôi tình nguyện vào các khu cách ly, chấp nhận một điều kiện sống khó khăn, vất vả chấp nhận hiểm nguy hơn vì ở đây nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn rất nhiều.

Trước kia đi lấy mẫu chúng tôi được sắp xếp ở trong những căn phòng tiện nghi, có điều hòa nhiệt độ. Nhưng khi về khu cách ly, các cán bộ và các em sinh viên hầu hết đều phải nằm giường gấp, điều kiện ăn ở đều thiếu thốn hơn. Thế nhưng tất cả đều quyết tâm, chẳng ai than phiền, các em đều thấy vui vì được cống hiến nhiều hơn, giúp ích được nhiều hơn cho công tác phòng chống dịch”, cô Dung chia sẻ.

Sáng tạo trong cách làm, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chống dịch

Theo Bác sĩ Phạm Thị Dung, thời điểm đoàn về tăng cường, tại huyện Việt Yên có 61 khu cách ly tập trung quản lý hơn 6.000 công dân hầu hết là F1.

Tại 40 khu cách ly có thành viên của đoàn tham gia, các bạn đã sáng tạo lập rất nhiều nhóm zalo kết nối với các công dân trong khu cách ly để không chỉ thực hiện nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm mà còn thực hiện hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe đặc thù cho từng nhóm đối tượng.

Ví dụ như nhóm phụ nữ có thai, nhóm đối tượng có bệnh lý nền. Ngoài việc tham gia nhóm chung còn được lập nhóm riêng để theo dõi sức khỏe sát sao hơn, giúp động viên tinh thần cho các công dân tốt hơn.

Sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình lấy mẫu trong khu cách ly. (Ảnh: NVCC)

Sinh viên Đại học Y Dược Thái Bình lấy mẫu trong khu cách ly. (Ảnh: NVCC)

Các đối tượng trong khu cách ly được tầm soát lấy mẫu hàng ngày hoặc thường xuyên 2-3 ngày/lần tùy đối tượng. Việc lấy mẫu thông thường do một đoàn lấy mẫu phụ trách.

Với 61 khu cách ly trên 6.000 đối tượng ở 17 xã trải khắp huyện Việt Yên, mỗi lần lấy mẫu cần huy động một lực lượng lớn nhân lực y tế ngoài khu cách ly và các đoàn xe đưa đón nhân lực lấy mẫu. Cách làm này phải trải qua nhiều khâu và tốn kém nguồn nhân lực, và nhược điểm là làm gia tăng sự tiếp xúc giữa khu cách ly và nhân lực y tế bên ngoài.

Do đó, từ khi Bác sĩ Dung và các chiến binh trẻ tuổi của Đại học Y Dược Thái Bình về làm việc tại các khu cách ly, đoàn đã đổi mới cách làm, sáng tạo hơn, tiết kiệm thời gian, nhân lực cũng như vật tư y tế.

Bác sĩ Dung và các cán bộ giảng viên, sinh viên của trường sáng tạo trong hoạt động chống dịch giúp giảm nhân lực, vật tư y tế cũng như giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. (Ảnh: NVCC)

Bác sĩ Dung và các cán bộ giảng viên, sinh viên của trường sáng tạo trong hoạt động chống dịch giúp giảm nhân lực, vật tư y tế cũng như giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. (Ảnh: NVCC)

Đoàn đã nhận nhiệm vụ lấy mẫu trong khu cách ly và có sáng kiến sử dụng dữ liệu công dân trong khu và phối hợp với các nhân viên y tế, lưc lượng quân đội, công an quản lý khu cách ly để tổ chức thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm. Đoàn đã tập huấn lại hoạt động lấy mẫu cho tất cả các nhân viên y tế làm nhiệm vụ trong khu cách ly.

Sáng kiến này đã giảm tải được một số lượng lớn nhân lực ngoài khu cách ly vào lấy mẫu và không cần nhân lực nhập dữ liệu lấy mẫu do đoàn sử dụng dữ liệu công dân trong khu cách ly để làm danh sách lấy mẫu và mã hóa mẫu xét nghiệm.

Bình thường các đội lấy mẫu có khoảng 4 người, trong 4 người sẽ có 1 người làm nhiệm vụ chụp phiếu lấy mẫu, gửi về cho nhóm công nghệ thông tin nhập dữ liệu. Vì khu cách ly là nơi nguy cơ lây nhiễm cao nên họ không thể mang máy tính đến rồi mang về. Họ chỉ có thể chụp ảnh và gửi về cho đội nhập liệu.

Đội nhập liệu ghi nhận hình ảnh và lại phải đánh máy lại toàn bộ thông tin. Quy trình trở nên phức tạp và tốn thời gian. Khi sử dụng dữ liệu công dân trong khu cách ly, đoàn các cán bộ y tế không cần đến những phiếu xét nghiệm với mã số xét nghiệm viết tay, đội quân nhập liệu cũng không cần phải đánh máy lại toàn bộ thông tin mà bộ phận xét nghiệm sẽ nhận được thông tin trực tiếp từ các khu cách ly.

Nhóm sinh viên Y Dược Thái Bình ở khu cách ly đại học nông lâm với gần 900 công dân chuẩn bị triển khai lấy mẫu xét nghiệm trong khu. (Ảnh: NVCC)
Nhóm sinh viên Y Dược Thái Bình ở khu cách ly đại học nông lâm với gần 900 công dân chuẩn bị triển khai lấy mẫu xét nghiệm trong khu. (Ảnh: NVCC)

“Thực tế, trong mỗi khu cách ly trung bình có 100-300 công dân thì thời gian làm việc của cán bộ y tế với những công việc chăm sóc sức khỏe và kiểm soát lây nhiễm sẽ không tốn nhiều thời gian. Khi nguồn lực có hạn thì chúng ta nên tích hợp công việc để tiết kiệm nhân lực mà hiệu quả công việc vẫn được đảm bảo.

Bên cạnh đó, chúng ta còn tiết kiệm được cả về vật tư y tế. Khi giảm số lượng người tham gia lấy mẫu thì giảm được việc sử dụng đồ bảo hộ, trong khi một bộ đồ bảo hộ có giá trị rất lớn nên chúng ta tiết kiệm được rất nhiều.

Trước đây các đoàn xe phải chở nhân viên y tế đến tận khu cách ly lấy mẫu thì nay chỉ cần một chuyến xe đến giao vât tư và nhận mẫu bệnh phẩm”, bác sĩ Dung cho biết.

Quyết định cắm chốt tại khu cách ly sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm tại cộng đồng, chấp nhận những nguy hiểm, rủi ro để có thể góp sức cho cuộc chiến chống dịch đươc tốt hơn. Nhưng hơn thế, những chiến binh ngành Y đã không ngừng nỗ lực học tập, nỗ lực sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhất.

Bác sĩ Dung chia sẻ, cho dù thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ lây nhiễm cao, điều kiện ăn ở tại các khu cách ly còn hạn chế nhưng các thành viên đoàn công tác luôn có tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc, không ngại khó, không ngại vất vả, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Các thành viên trong đoàn, đặc biệt là các em sinh viên đã học hỏi được rất nhiều, không chỉ học và thực hành được các kiến thức chuyên môn mà còn vận dụng được các kỹ năng mềm trong giao tiếp, ứng xử, thực hiện phối hợp liên ngành, thực hiện đối ngoại nhân dân.

Những chiến sĩ áo trắng luôn lạc quan, tin tưởng quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, bằng tất cả sức trẻ, nhiệt huyết, bằng tình yêu thương, trách nhiệm và những bài học trong ngành. (Ảnh: NVCC)

Những chiến sĩ áo trắng luôn lạc quan, tin tưởng quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, bằng tất cả sức trẻ, nhiệt huyết, bằng tình yêu thương, trách nhiệm và những bài học trong ngành. (Ảnh: NVCC)

Sau hơn một tháng tham gia chống dịch, đoàn công tác của nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Y tế, ban lãnh đạo Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Ban Chỉ đạo chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang, Ban chỉ huy tiền phương chống dịch Covid-19 huyện Việt Yên đã giao phó, khống chế được dịch COVID-19 trong cộng đồng.

"Điều tôi cảm thấy hạnh phúc là đến thời điểm hiện tại, 72 cán bộ, sinh viên của trường vẫn luôn khỏe mạnh, an toàn và vẫn luôn có tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, một lòng quyết tâm chiến thắng dịch bệnh, bằng tất cả sức trẻ, nhiệt huyết, bằng tình yêu thương, trách nhiệm và những bài học trong ngành.

Đoàn sẽ kết thúc chuyến công tác sau 35 ngày tham gia chống dịch và trở về Thái Bình vào ngày 5/7", cô Dung cho biết.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh