Sự ra đời của hệ cao đẳng và trở ngại không đáng có

16/05/2023 06:32
TS. Đặng Văn Định
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ sau 2014 đến nay, trình độ cao đẳng không thuộc bậc đại học, và các trường đại học không còn được đào tạo trình độ cao đẳng khiến nhiều người lo lắng.

Sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị suốt hơn nửa thế kỷ (1963-2014) đã làm nên trình độ cao đẳng – một trình độ không thể thiếu của bậc đại học.

Rất tiếc, từ sau 2014 lại đây trình độ cao đẳng không thuộc bậc đại học, và các trường đại học không còn được đào tạo trình độ cao đẳng.

Điều này khiến không ít những người am tường và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đại học lo lắng. Bài viết này hồi cứu lại sự ra đời của hệ cao đẳng để bạn đọc rộng đường trao đổi.

Trước hết, thử nhìn lại hệ cao đẳng xuất hiện như thế nào?

Sau khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng, năm 1963, Hội đồng Chính phủ Việt Nam (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 171-CP ngày 20/11/1963 về Quy chế mở trường và lớp đại học và trung học chuyên nghiệp (NĐ-171).

Cho dù những năm ấy, mô hình đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam hoàn toàn mô phỏng theo cách làm của Liên bang Xô Viết (Liên Xô), nhưng Hội đồng Chính phủ đã định dạng: “các trường, các lớp đại học (hoặc cao đẳng)” là chủ thể đào tạo nhân lực trình độ cao – một đội ngũ lao động “nắm được một cách có hệ thống những lý thuyết về khoa học, kỹ thuật hoặc nghiệp vụ của ngành, nghề đã học và có khả năng vận dụng những điều đã học vào thực tế sản xuất, vào công tác nghiên cứu khoa học”; đầu vào tốt nghiệp trung học phổ thông (lớp 10); thời gian đào tạo từ 4 đến 6 năm. (Điều 1, NĐ-171)

Thống nhất đất nước (1975), công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh làm xuất hiện nhiều nhân tố mới ở nhà máy, công trường, trên đồng ruộng và cả ở cơ quan, trường học… mà mô hình đào tạo vốn có ở trình độ trung cấp ở miền Bắc Việt Nam bấy giờ tỏ ra không còn phù hợp.

Điều này dẫn đến xuất hiện những mô hình nhà trường với tên gọi trường trung cao, trường cao cấp, lớp đại học ngắn hạn.

Trải nghiệm thực tế đã dẫn đến sự khẳng định đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên với chương trình mô phỏng theo đại học nhưng giảm lượng lý thuyết, tăng thực hành. Trình độ đào tạo này gọi là cao đẳng.

Chúng khá đa dạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân loại thành những dạng chủ yếu: (i) Cao đẳng sư phạm; (ii) Cao đẳng kỹ thuật, (iii) Cao đẳng nông nghiệp, (iv) Cao đẳng y tế, (v) Cao đẳng nghiệp vụ, (vi) Cao đẳng cơ bản.

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Nhân dân

Ảnh minh họa, nguồn: Báo Nhân dân

Quá trình xây dựng hệ cao đẳng được cả hệ thống chính trị vào cuộc, xin nêu vài ví dụ.

Ví dụ 1: Sự hình thành trường cao đẳng sư phạm

Thập niên 60 của thế kỷ trước, nhìn chung trường trung cấp sư phạm làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp I, giáo viên cấp II. Đầu vào các trường này là học sinh tốt nghiệp lớp 7, học thêm 1 năm (7+1) thì ra dạy cấp I, học thêm 2 năm (7+2) hoặc 3 năm (7+3) thì ra dạy cấp II.

Do cần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, thập niên tiếp theo nhà nước cho đào tạo giáo viên dạy cấp II theo mô hình: 10+1, 10+ 2, 10+3. Từ đấy, các trường trung cấp sư phạm còn được gọi là trường 10+3.

Loại trường này tuyển thí sinh tốt nghiệp lớp 10 đào tạo 3 năm, đồng thời làm nhiệm vụ bồi dưỡng nâng chuẩn cho những giáo viên cấp II (hệ 7+2, 7+3, 10+1), đồng thời mở các khóa chuyên tu, tại chức trình độ cao đẳng.

Đó là những trải nghiệm, những tiền đề cơ bản cho sự ra đời mô hình trường cao đẳng sư phạm.

Đầu năm 1978, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 164-TTg công nhận 16 cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên là trường cao đẳng sư phạm (Điều 1). Đó là:

  1. Trường sư phạm 10 + 3 Hà Nội,

  2. Trường sư phạm 10 + 3 Hải Phòng,

  3. Trường sư phạm 10 + 3 Hà Nam Ninh,

  4. Trường sư phạm 10 + 3 Thái Bình,

  5. Trường sư phạm 10 + 3 Hải Hưng,

  6. Trường sư phạm 10 + 3 Hà Sơn Bình,

  7. Trường sư phạm 10 + 3 Vĩnh Phú,

  8. Trường sư phạm 10 + 3 Việt Bắc,

  9. Trường sư phạm 10 + 3 Thanh Hóa,

  10. Trường sư phạm 10 + 3 Nghệ Tĩnh,

  11. Trường sư phạm 10 + 3 Bình Trị Thiên,

  12. Cơ sở cao đẳng sư phạm Quảng Nam – Đà Nẵng,

  13. Trường cao đẳng sư phạm Quy Nhơn,

  14. Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang,

  15. Trường cao đẳng sư phạm Ban Mê Thuột,

  16. Trường cao đẳng sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Quyết định này đã nêu rõ: "Trường cao đẳng sư phạm có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cấp II có trình độ đại học cho địa phương. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Giáo dục có thể giao thêm cho một số trường cao đẳng sư phạm đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cấp II cho địa phương khác, sau khi đã thỏa thuận với Ủy ban nhân dân có trách nhiệm quản lý trường (Điều 2).

Các trường cao đẳng sư phạm thuộc hệ thống giáo dục đại học, nên được hưởng các chính sách, chế độ, v.v… do Nhà nước ban hành cho các trường đại học. (Điều 3.)".

Ví dụ 2: Sự hình thành các trường cao đẳng kỹ thuật

Từ năm học 1955 - 1956 trong ngành công nghiệp, các trường trung cấp kỹ thuật ở miền Bắc tuyển sinh đào tạo kỹ thuật viên.

Đến năm 1960 thì Trường Trung cấp Kỹ thuật 1 (tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đào tạo kỹ thuật viên cơ khí, điện cho ngành công nghiệp nặng; Trường Trung cấp Kỹ thuật 2 (tiền thân của Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì - Phú Thọ) đào tạo kỹ thuật viên hóa chất; Trường Trung cấp Kỹ thuật 3 (tiền thân của Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) đào tạo kỹ thuật viên cho ngành công nghiệp nhẹ.

Thập niên 1960 nhà nước cho lập thêm một loạt trường trung cấp chuyên nghiệp ở một số địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Một số tỉnh thuộc diện này là: Nam Định, Hà Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Hưng Yên…

Những thập niên tiếp theo (1970, 1980), hầu hết máy móc thiết bị công nghiệp của Việt Nam được hỗ trợ từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, được tích hợp giữa cơ khí - điện - điện tử. Nhiều người tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật mà chưa có thể làm chủ máy móc.

Thực tế đó khiến Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) hướng các trường trung cấp kỹ thuật thay đổi đầu vào từ tốt nghiệp lớp 7 sang tốt nghiệp lớp 10 và đào tạo 3 năm, đồng thời cơ cấu lại chương trình.

Việc này dẫn tới học sinh tốt nghiệp có trình độ cao hơn trước nên còn gọi là trình độ cao-trung.

Vì thế trường Trung cấp kỹ thuật 1 đổi tên là trường Trung cao cơ điện. Nhiều trường trung cấp kỹ thuật đạt chuẩn mực về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo theo quy định của nhà nước đã được nâng cấp thành trường cao đẳng kỹ thuật.

Việc thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Sơn Bình rất ấn tượng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn con em công - nông được thụ hưởng giáo dục đại học.

Ý tưởng của Người khi về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình đã được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thí điểm sáu khóa đại học ngắn hạn với gần 500 sinh viên.

Dựa vào kết quả đó, Hội đồng chính phủ ban hành Quyết định số 278-CP ngày 10/10/1977 về thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hà Sơn Bình.

Quyết định chỉ rõ: trường do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình (nay là thành phố Hà Nội) quản lý, trường đào tạo và bồi dưỡng cán bộ thực hành kỹ thuật có trình độ đại học, trường được thụ hưởng những chính sách, chế độ, thể lệ,… áp dụng cho các trường đại học và cao đẳng.

Thứ hai, chương trình đào tạo hệ cao đẳng được kiến tạo như thế nào?

Từ sau 1975, nền kinh tế thị trường xuất hiện, khiến công tác đào tạo nhân lực lúng túng. Khoảng trống nhân lực từ sau trung học phổ thông đến trình độ đại học ngày càng rõ.

Sự xuất hiện trình độ cao đẳng đã “lột xác” hệ trung cấp, biến nó từ chỗ lỡ cỡ cả về lý thuyết và thực hành sang một loại nhân lực mới – đội ngũ kỹ thuật viên.

Bộ Giáo dục khi ấy đã nhanh chóng tiếp cận Hệ thống phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế (ISECD- được xây dựng lần đầu tiên vào những năm 70 của thế kỷ trước). Cái “gạch nối” được lựa chọn là cấp độ 5 của ISECD.

Bộ quy định “Đại học và cao đẳng là hai cấp khác nhau trong cùng bậc đại học để đào tạo hai loại nhân lực khác nhau, đáp những những yêu cầu khác nhau của xã hội”.

Đặc trưng cơ bản đào tạo trình độ cao đẳng là: (i) Đầu vào phải tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương; (ii) Thời gian đào tạo 2 đến 3 năm; (iii) Nội dung đào tạo bám sát nhu cầu đào tạo nhân lực xã hội; (iv) Quy trình đào tạo nhấn mạnh năng lực hoạt động nghề nghiệp.

Việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo được dựa vào các đặc điểm kể trên đồng thời bảo đảm: (i) mặt bằng học vấn - bao gồm kiến thức nhân văn, khoa học xã hội, ngoại ngữ, toán học và khoa học tự nhiên; (ii) kiến thức nghề nghiệp - tri thức, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết của nghề nghiệp; (iii) có sự tham gia của giảng viên và bên sử dụng lao động; (iv) bảo đảm liên thông với trình độ đại học.

Chỉ dẫn xây dựng nội dung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo khá tỉ mỉ. Ví dụ: (i) Tỷ lệ lý thuyết với thực hành phải tương xứng; phần đào tạo nghề nghiệp đã quy chuyển ra lý thuyết giữ tỷ lệ không thấp hơn 1:1; (ii) Định hướng phân bổ kiến thức khoa học cơ bản/ cơ sở ngành và liên ngành/ chuyên môn và nghiệp vụ trong chương trình đào tạo đối với cao đẳng sư phạm và cao đẳng cơ bản là 15 /50/ 35.

Riêng đối với loại hình cao đẳng kỹ thuật, quỹ thời gian đào tạo dành cho phần kiến thức chuyên môn nghề nghiệp còn có thể cao hơn.

Những con số trên không chỉ hàm chứa “tính đại học” mà còn làm sẵn những “nhịp cầu” để người tốt nghiệp cao đẳng học tiếp chương trình đại học khi có nhu cầu. Chương trình cho hệ cao đẳng đã được các cơ sở giáo dục đại học và cuộc sống tiếp nhận.

Thứ ba, đâu là trở ngại không đáng có?

Sau ba mươi năm trải nghiệm, năm 1993 trình độ cao đẳng chính thức được luật hoá bởi Nghị định số 90-CP ngày 24/11/1993 của Chính phủ.

Theo đó, giáo dục đại học Việt Nam là một bậc học. Nó bao gồm bốn trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Tinh thần này nhất quán ở các Luật Giáo dục số 11/1998/QH10, Luật Giáo dục số 38/2005/QH11, Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13.

Rất đáng tiếc, năm 2014 Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp được thông qua với số phiếu không cao (55,13% số đại biểu tán thành), tại các điều 76, 77 của luật đã bãi bỏ tất cả những quy định liên quan đến trình độ cao đẳng thuộc bậc đại học ở các luật trước đó. Chính điều này đang để lại nhiều hệ luỵ.

Phải chăng, đây là khía cạnh chính yếu khiến không ít những người am tường và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đại học không thông suốt và có ý kiến trái chiều.

TS. Đặng Văn Định