Rơi nước mắt chuyện chàng lực sĩ mồ côi giành HCV SEA Games

28/11/2011 15:06
Lê Đình
(GDVN) - “Nghèo chính là động lực để em phấn đấu”, Quốc Toàn khẳng định khi tiếp chuyện phóng viên báo Giáo dục Việt Nam.
Lời tòa soạn:Tại SEA Games 26, Thạch Kim Tuấn mới là niềm hy vọng vàng của cử tạ Việt Nam ở hạng cân 56kg nhưng lực sĩ người Đà Nẵng, Trần Lê Quốc Toàn, đã tạo ra cú sốc nho nhỏ khi xuất sắc giành HCV, còn nhà vô địch Olympic trẻ chỉ có HCĐ. Tấm HCV duy nhất của Cử tạ Việt Nam ở SEA Games 26 là bằng chứng để khẳng định Quốc Toàn nay đã trưởng thành và sánh vai cùng hai ‘ngôi sao’ Hoàng Anh Tuấn và Thạch Kim Tuấn.Sau khi Quốc Toàn trở về từ Indonesia, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã tới thăm ngôi nhà nhỏ đơn sơ nơi gia đình lực sĩ 22 tuổi đang sinh sống. Lắng nghe những tâm sự của bác Nga, mẹ Toàn và lời kể của những người hàng xóm về gia cảnh của Toàn khiến chúng tôi không khỏi xúc động về nghị lực phi thường của chàng phu đá ngày nào.Tuổi thơ bỏ học đi đội đá thuê Ít có VĐV Việt Nam nào lại có hoàn cảnh đặc biệt như Quốc Toàn. Sinh ra và lớn lên trên đất Đà Thành nhưng tuổi thơ của Toàn không được êm đềm như các bạn cùng trang lứa khác. Nhà có 5 anh em, Toàn là con thứ 3 trong gia đình. Tai họa ập xuống gia đình Toàn khi người cha, chỗ dựa của gia đình qua đời vì bệnh ung thư phổi. Từ đó, cuộc sống của gia đình Toàn trông vào gánh hàng rong với tô bánh canh, ly sữa đậu nành của mẹ.
Quốc Toàn được chào đón như người hùng khi trở về từ Indonesia. Ảnh: Đình Viên
Quốc Toàn được chào đón như người hùng khi trở về từ Indonesia. Ảnh: Đình Viên
Người cha ra đi là sự mất mát vô cùng to lớn về mặt tinh thần, đồng thời để lại số nợ gần 50 triệu đồng tiền phí chữa trị. “Lúc ấy tôi nghĩ dại cũng muốn theo ông ấy luôn chứ kiếm đâu ra số tiền đó để trả cho người ta”, mẹ Toàn rớm nước mắt kể. Thương mẹ chịu vất vả một mình, đang còn ngồi trên ghế nhà trường, ở tuổi 14 và đang học lớp 8, Toàn quyết định bỏ học theo bạn đi đội đá thuê kiếm tiền trang trải nợ nần cùng mẹ.
Quốc Toàn và mẹ tại sân bay Đà Nẵng. Bác Nga đã khóc vì xúc động khi đón con. Ảnh: Đình Viên
Quốc Toàn và mẹ tại sân bay Đà Nẵng. Bác Nga đã khóc vì xúc động khi đón con. Ảnh: Đình Viên
Khổ cực là điều không thể tránh khỏi khi xa nhà đi làm thuê, nhưng với ý trí và nghị lực phi thường, Toàn đã làm được nhiều hơn thế. Cứ nghĩ về hình ảnh của cha trước khi ra đi dặn dò “Là đàn ông con trai phải biết lo lắng gánh vác mọi việc trong gia đình, cha không còn sống nữa, các con phải yêu thương nhau, gắng nghe lời mẹ”, nên khi các bạn làm một, Toàn lại gắng làm gấp hai, gấp ba để đủ tiền trả tiền lãi ngân hàng của mẹ vay khi cha mất. Nói chuyện với chúng tôi, Toàn không cầm được nước mắt khi nói về cha mình và những ngày khốn khó. “Hắn tham việc lắm, sáng đi mãi tối mới về. Lo cho mẹ và gia đình nên hắn gắng hết sức để bốc vác kiếm tiền, làm đá xong lại ghé đội bốc vác xin làm thêm, để mua cho thằng Thanh (em trai kế của Toàn - PV) cái xe đạp đi học. Có lần, Toàn đau nhưng giấu sợ mẹ lo lắng, hắn chỉ chạy ra tiệm mua mấy viên thuốc Tây uống, tối hắn sốt cao quá, tôi vừa ôm con vừa khóc, cũng may lần đó đưa đến bệnh viện kịp”, bác Nga kể với chúng tôi.Gian nan con đường đến với Cử tạ Trước khi đến với nghiệp cử tạ thì môn thể thao yêu thích của Toàn là bóng đá. Toàn đá tiền vệ, nhưng do khiêm tốn về chiều cao nên không được Trung tâm năng khiếu TDTT Đà Nẵng chấp nhận.
Quốc Toàn và mẹ cùng những tấm Huy chương đã giành được. Ảnh: Đình Viên
Quốc Toàn và mẹ cùng những tấm Huy chương đã giành được. Ảnh: Đình Viên
Về nhà một thời gian, Toàn nghe theo lời bạn khuyên rằng ngoại hình, thể lực của em phù hợp với môn cử tạ. Vậy là từ 5 giờ sáng, hai mẹ con Toàn lại lóc cóc đạp xe lên Trung tâm TDTT Đà Nẵng.
Ông Đặng Đông Hải - Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV Đà Nẵng - cho biết sau Tết Nguyên đán sẽ đưa lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn đi Bulgaria để tập huấn dài hạn nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Olympic London 2012.
Ban đầu BHL môn cử tạ kiên quyết không nhận Toàn, nhưng thấy hoàn cảnh cực khổ của gia đình, thầy Phan Văn Thiện đã đổi ý. Thầy kể: “Ban đầu tôi không định nhận Toàn vì đã đủ VĐV, nhưng thú thiệt, nhìn khuôn mặt khắc khổ, ánh mắt khát khao đến cháy bỏng của Toàn, tôi không nỡ từ chối. Toàn phải có ý chí, nỗ lực phi thường lắm mới được như ngày hôm nay”. Được nhận vào đội, ngày ngày Toàn phải dậy từ 4h sáng đạp xe đến chỗ tập, 11h chưa mới về. Buổi chiều hành trình từ 13h30 đến 17h. Sau 5 tháng trời thử việc Toàn mới có được vị trí trong ngôi nhà chung của môn cử tạ TP Đà Nẵng. Có một điều mà mãi đến giờ thầy Thiện, người trực tiếp dẫn dắt Toàn, vẫn còn bất ngờ là việc một VĐV cử tạ có thể nhịn ăn ở trung tâm để về nhà ăn cơm mà vẫn tập luyện được. Số tiền ăn ấy cuối tháng Toàn được nhận lại để đem về giúp mẹ lo việc học hành cho các em. Lần đầu tiên đoạt danh hiệu vô địch giải cử tạ miền Trung mở rộng, Toàn cầm tấm huy chương về khoe với cha. Cha Toàn hứa khi nào em tham gia giải vô địch toàn quốc sẽ đi theo cổ vũ Toàn. Nhưng lời hứa đó mãi mãi không thành hiện thực vì căn bệnh ung thư phổi...
Quốc Toàn rất thích đọc truyện tranh như một đứa trẻ con. Ảnh: Đình Viên
Quốc Toàn rất thích đọc truyện tranh như một đứa trẻ con. Ảnh: Đình Viên
Cha mất khi sự nghiệp mới bắt đầu là một cú sốc tâm lý nặng nề, tưởng như Toàn không thể đứng dậy nổi. Thế nhưng, trong lúc khó khăn và khổ cực nhất, Toàn đã làm được điều mà nhiều người khác không thể làm được. Hai năm sau khi cha mất, năm 2007 ở Hải Dương, Toàn đã trở thành nhà vô địch cử tạ toàn quốc. Cầm 700 ngàn tiền thưởng khi giành ngôi quán quân, Toàn không dám ăn hay mua thứ gì mình thích. ‘Cậu ba’ (thân mật mẹ Toàn thường gọi) cầm số tiền ấy về đưa cho mẹ. Toàn kể: “Cho dù số tiền đó không đáng là bao so với người khác nhưng đó chính là mồ hôi, nước mắt của Toàn. Ba đã mất, số tiền đó người đáng nhận nhất là mẹ. Hai mẹ con lại ôm nhau khóc”. Chia tay Toàn trong ngôi nhà nhỏ trên đường Trường Chinh, TP Đà Nẵng, tôi không quên được ánh mắt khát khao, đầy nghị lực của ‘chàng Hercules’ (như cách gọi của báo chí Việt Nam sau tấm HCV SEA Games) cùng câu nói: “Nghèo chính là động lực để em phấn đấu”.
Những điều chưa biết về nhà vô địch cử tạ Trần Lê Quốc Toàn

Trần Lê Quốc Toàn sinh năm 1989, xuất thân trong một gia đình có 5 anh em ở Hòa Vang, Đà Nẵng.

Trước khi đến với môn cử tạ, Quốc Toàn rất đam mê bóng đá, vị trí sở trường tiền vệ.

Sở thích đọc truyện tranh: Ngoài thời gian tập, Toàn rất thích đọc truyện tranh, đặc biệt là Doraemon. Nhân vật Toàn thích là Nobita.

Mơ ước: Kiếm tiền chân chính và mua cho mẹ căn nhà mới rộng rãi để gia đình có thể đoàn tụ.

Sợ nhất: Sự xa lánh của mọi người. Năm 2007, khi đang tập cùng ĐTQG, Toàn bị trả về địa phương do chấn thương. Ngoài mẹ và người thân trong gia đình, rất nhiều người đã xa lánh, lãng quên Toàn.

Ấn tượng nhất: Năm 2009, trở lại với cử tạ sau 1 năm nỗ lực, Toàn đã thắng được HCB Olympic Bắc Kinh, Hoàng Anh Tuấn, ở giải VĐQG.

Ba Toàn mất năm 2005 vì bệnh ung thư phổi. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, Toàn phải bỏ học khi đang lớp 8 để đi làm phu đá (đội đá thuế) tại làng nghề Non Nước.
Lê Đình