Sau năm học lớp 10, HS biết tự đánh giá năng lực và hiểu được sở thích của mình

01/06/2023 06:45
Phạm Minh - Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình mới phản ánh được xu hướng dịch chuyển ngành nghề trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Nhằm triển khai thực hiện Đề án 522 của Thủ tướng Chính phủ (giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025) vào thực tiễn hoạt động của ngành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động mang lại những kết quả bước đầu khả quan, trong đó hoạt động giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh được đưa vào thành một nội dung quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với học sinh bậc trung học phổ thông, những thắc mắc về việc học ngành gì, chọn nghề gì luôn là vấn đề trăn trở của cả học sinh và phụ huynh. Bởi ở bậc học này cũng là thời điểm các em đứng trước nhiều sự lựa chọn và có tác động lớn tới sự phát triển của bản thân trong tương lai.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường trung học phổ thông đã tích cực triển khai các chương trình, hoạt động giáo dục để thúc đẩy mạnh mẽ việc giáo dục hướng nghiệp cho người học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Trần Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng, Trưởng khối Trung học phổ thông Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, chương trình mới trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản về các lĩnh vực nghề nghiệp trong xã hội hiện nay và đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc hướng nghiệp cho các em.

Sau một năm học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học phổ thông, bước đầu, học sinh đã biết tự đánh giá năng lực của bản thân, hiểu được sở thích của mình để có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.

Học sinh khối Trung học phổ thông Trường Marie Curie, Hà Nội tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng 2023 (Nguồn: Website nhà trường).

Học sinh khối Trung học phổ thông Trường Marie Curie, Hà Nội tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học, cao đẳng 2023 (Nguồn: Website nhà trường).

Từ đầu năm học 2022-2023, Trường Marie Curie đã tổ chức các lớp học phù hợp với định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh.

Các em học sinh lớp 10 được học chung 8 môn bắt buộc, bao gồm: Ngữ văn; Toán, Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương.

Cùng với các môn học bắt buộc, các em sẽ học riêng 4 môn tự chọn theo định hướng của nhà trường.

Cụ thể là định hướng khoa học tự nhiên với 4 môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Tin học; và định hướng khoa học xã hội với 4 môn: Địa lý , Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; Vật lý, Tin học.

“Đặc biệt, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được chú trọng về giáo dục nghề nghiệp cho học sinh. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ giúp các em khám phá năng lực, sở thích của bản thân để định hướng nghề nghiệp phù hợp ngay từ đầu cấp (lớp 10).

Thực tế, qua một năm triển khai, học sinh cũng rất hứng thú với môn học này, nhưng để đánh giá hiệu quả, cần phải có thêm thời gian, vì các em chỉ mới được học năm đầu tiên”, cô Nhung chia sẻ.

Cô Trần Thị Nhung cho biết thêm, chương trình học, các hoạt động đào tạo, giáo dục của nhà trường được xây dựng và triển khai theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài ra, nhà trường có tổ chức dạy hướng nghiệp định kì do các chuyên gia của Phòng tham vấn học đường của trường trực tiếp giảng dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh để các em học sinh có được thông tin bổ ích về các loại hình nghề nghiệp, giúp các em có định hướng tốt hơn về lựa chọn ngành nghề tương lai của mình.

Song song đó, Trường Marie Curie cũng đã tổ chức các giờ dạy kĩ năng cho học sinh, trong đó có nội dung về giáo dục hướng nghiệp.

Đối với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài việc học lí thuyết trên lớp thì nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh được trải nghiệm cụ thể các hoạt động nghề nghiệp như đi thăm các làng nghề,...

“Để hoạt động giáo dục hướng nghiệp đạt hiệu quả, bản thân giáo viên phải chủ động, tích cực trong việc tìm tòi kiến thức, sáng tạo, đổi mới phương pháp để từng giờ học đạt được hiệu quả giáo dục thiết thực cho học sinh.

Quá trình dạy học, thầy cô cũng sẽ tự hoàn thiện kiến thức, sự hiểu biết của bản thân về các nghề nghiệp trong xã hội.

Từ khi thực hiện chương trình mới với mục tiêu định hướng nghề nghiệp, các em học sinh cũng rất hứng thú vì được tiếp cận với những kiến thức thực tiễn chứ không giáo điều, chung chung. Qua đó, các em rèn được kĩ năng mềm, chủ động tìm hiểu các lĩnh vực nghề nghiệp mà mình quan tâm. Và từ đó có kế hoạch chuẩn bị cho nghề nghiệp mà mình lựa chọn”, cô Nhung chia sẻ.

Cũng bàn về vấn đề trên, cô Nguyễn Thị Duyên - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Siêu nhận định, cấp trung học phổ thông là cấp định hướng nghề nghiệp, việc lựa chọn môn học theo thế mạnh của học sinh giúp các em phát huy năng lực, sở trường, được rèn luyện các kĩ năng cần thiết cho nghề nghiệp mà mình lựa chọn ở cấp đại học.

Theo đó, nhà trường đã thực hiện Hội thảo tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp hàng năm và đồng thời hướng dẫn cả cha mẹ học sinh để có lựa chọn môn học liên quan đến nhu cầu nghề nghiệp trong tương lai sao cho phù hợp nhất với các em học sinh.

Học sinh Trường Nguyễn Siêu tham gia ngày hội Hướng nghiệp và Du học dành cho học sinh năm 2023 (Nguồn: Website nhà trường).

Học sinh Trường Nguyễn Siêu tham gia ngày hội Hướng nghiệp và Du học dành cho học sinh năm 2023 (Nguồn: Website nhà trường).

Không những vậy, nội dung giáo dục hướng nghiệp cho học sinh của nhà trường được lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động giáo dục một cách phù hợp.

Trong các nội dung, hoạt động giáo dục hướng nghiệp này, các môn học có ưu thế và thể hiện vai trò rõ ràng về giáo dục hướng nghiệp là Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp.

Việc giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện chủ yếu ở các năm học cuối của trung học cơ sở và toàn bộ giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng phản ánh được xu hướng dịch chuyển ngành nghề trước những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thông qua việc thúc đẩy giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học và định hướng nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực đó cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Duyên cho biết, nhờ những thay đổi tích cực của chương trình giáo dục phổ thông mới trong việc giáo dục hướng nghiệp cho người học cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của giáo viên và nhà trường, Trường Nguyễn Siêu đã đạt được một số thành quả tiêu biểu.

Thứ nhất, tỉ lệ học sinh có nhu cầu chuyển mô hình hay chuyển tổ hợp môn của trường hầu như không có; đa số học sinh đều cảm thấy hứng thú với việc được lựa chọn môn học theo thế mạnh của mình.

Thứ hai, qua chương trình giáo dục hướng nghiệp, học sinh được tìm hiểu nhiều kĩ năng chuyên sâu cũng như những ngành nghề liên quan tới các môn học cấp trung học phổ thông, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân ở cấp học cao hơn.

Phạm Minh - Trà My