Sau hơn 5 tháng khởi công, đường Tân Phúc - Võng Phan đã dần lộ diện

09/12/2024 15:56
Bài, ảnh: Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan là công trình trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, được khởi công tháng 7/2024 với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan là công trình trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, được khởi công tháng 7/2024 với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Tuyến đường đi qua địa bàn của 14 xã thuộc 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ. Công trình được xem là "trục xương sống" thứ 3 của tỉnh này sau tuyến Quốc lộ 39 và đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuyến đường dự kiến thi công trong vòng 720 ngày. Để triển khai dự án, tỉnh Hưng Yên phải giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 175ha.

Dự án đường Tân Phúc - Võng Phan dài 29,2km, cắt qua đường nối Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với Quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa phận tỉnh Hưng Yên tại Km 5+400, giao cắt Quốc lộ 38B tại Km 15+850, giao cắt tuyến tránh Quốc lộ 38B tại Km 19+800, điểm cuối tuyến đấu nối vào ĐT378.

Tuyến nhánh kết nối đường dẫn cầu La Tiến và nhánh thuộc nút đầu tuyến kết nối với Quốc lộ 38 quy mô đường II đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h theo Tiêu chuẩn TCVN 4054:2005.

GDVN_16.jpg
Vị trí nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn xã Tân Phúc, huyện Ân Thi đã hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Vị trí nút giao này sẽ được kết nối với đường Tân Phúc - Võng Phan sau khi hoàn thiện.

Tuyến đường này được cho là có ý nghĩa quan trọng, tính khả thi cao, nhất là giúp địa phương phá thế độc đạo của 3 huyện (Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ) khó khăn nhất tỉnh Hưng Yên.

Dự án được đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025. Các đơn vị trúng thầu thi công dự án là Công ty Cổ phần Tập đoàn LIZEN, Công ty Cổ phần Vinadelta, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng số 1 Mekong và Công ty Cổ phần Xây dựng công trình hàng không 647. Tư vấn giám sát dự án là Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Xây dựng công trình giao thông Miền Bắc. (1)

Theo đại diện đơn vị tư vấn giám sát, khó khăn, vướng mắc hiện nay ở dự án chủ yếu là công tác rà soát nguồn gốc một số thửa đất, bản đồ quản lý đất đai không đồng bộ, thiếu chính xác so với thực tiễn, một số công trình kiến trúc không có trong đơn giá bồi thường.

Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ dự án, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện: Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ tập trung quyết liệt thực hiện các khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng. Đối với các nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát, tư vấn quản lý dự án sẽ phải tập trung huy động máy móc, thiết bị hiện đại nhất, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện dự án; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng trước 30/9/2025. (2)

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong ngày 8/12, nghĩa là sau 5 tháng sau khi chính thức khởi công, tuyến đường đã dần lộ rõ hình hài.

Trên công trường, xe tải cỡ lớn ra vào liên tục để cung cấp vật liệu, đất đá phục vụ thi công. Máy móc, thiết bị chuyên dụng và công nhân làm việc với khí thế khẩn trương.

Trao đổi với phóng viên ông Lê Lâm, trú tại xã Mão Cầu (nay là xã Hồ Tùng Mậu), huyện Ân Thi cho biết, tại xã có nghề làm nón lá truyền thống, việc xây dựng tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan đi gần qua làng tạo ra lợi thế rất lớn cho việc đi lại và buôn bán các sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương.

GDVN_12.jpg
Sau 5 tháng được khởi công, hình hài tuyến đường dần lộ diện

Ông Lâm bày tỏ: "Trong những năm gần đây, chính quyền tỉnh Hưng Yên và huyện Ân Thi đã cho khởi công xây dựng nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm. Kết hợp với việc xây dựng đường làng, xã theo mô hình nông thôn mới đã tạo ra sự thay đổi rất lớn đối với bộ mặt địa phương.

Ngày trước, nếu muốn buôn bán, trao đổi hàng hóa với các địa phương của Hà Nội chúng tôi thường chọn đi qua bến đò vườn chuối để qua Phú Xuyên, Hà Nội hoặc chọn đi phà ở bến phà Giáng qua sông Hồng để qua Hà Nam với lộ trình ngắn nhất.

Tuy nhiên, việc di chuyển bằng phà thường bị động vì nó phụ thuộc rất lớn vào thời tiết nên việc lưu thông hàng hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng theo vì bắt buộc chúng tôi phải di chuyển quảng đường xa gấp 2, 3 lần để đi vòng qua cầu Thanh Trì hoặc cầu Yên Lệnh.

Vì thế, việc xây dựng tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan sau khi hoàn thiện kết nối với đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội hoặc kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thuận tiện hơn. Điều này góp phần thúc đẩy hàng hóa lưu thông và không phụ thuộc vào thời tiết, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.

Người dân không chỉ địa bàn xã Hồ Tùng Mậu mà nhiều người dân khác trong vùng có tuyến đường đi qua đều mong tuyến đường sớm được hoàn thiện và đưa vào sử dụng".

Một số hình ảnh khác được phóng viên ghi nhận thêm trên dự án đường Tân Phúc - Võng Phan:

GDVN_3.jpg
Một vòng xuyến trên dự án đang được thi công.
GDVN_1.jpg
Theo đại diện đơn vị tư vấn giám sát, khó khăn, vướng mắc hiện nay ở dự án chủ yếu là công tác rà soát nguồn gốc một số thửa đất, bản đồ quản lý đất đai không đồng bộ.
GDVN_7.jpg
Dự án chủ yếu đi qua đất canh tác nông nghiệp nên phần san ủi, chống lún được tính toán kỹ lưỡng
GDVN_15.jpg
Vị trí nối với tuyến Quốc lộ 38 đã cơ bản hoàn thiện.
GDVN_9.jpg
Một điểm giao cắt với đường Đồng Mối, xã Tân Phúc, huyện Ân Thi.
GDVN_10.jpg
Tại đây công nhân và máy móc khẩn trương thi công hạng mục cống thoát nước.
GDVN_11.jpg
Xe tải chở đất đá phục vụ xây dựng dự án.
GDVN_2.jpg
GDVN_5.jpg
GDVN_13.jpg
Máy móc chuyên dụng trên công trường hoạt động liên tục, chạy đua với thời tiết.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://baoxaydung.com.vn/hung-yen-khoi-cong-duong-tan-phuc-vong-phan-gan-3000-ty-dong-378869.html

(2) https://baodantoc.vn/hung-yen-dau-tu-gan-3000-ty-dong-cho-du-an-giao-thong-trong-diem-duong-tan-phuc-vong-phan-1727348717694.htm

Bài, ảnh: Trung Dũng