Quảng Trị yêu cầu đảm bảo trật tự trường học và phòng, chống bạo lực học đường

27/04/2023 09:17
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cơ quan ban ngành, phối hợp chấn chỉnh, không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường. 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tiếp xảy ra một số vụ bạo lực học đường ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, tinh thần, tính mạng gây bức xúc trong xã hội.

Gần đây nhất, sự việc nữ sinh lớp 8 tại Gio Linh bị hành hung trong nhà vệ sinh rồi tung clip lên mạng xã hội.

Trước những sự việc xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã có văn bản chỉ đạo về việc triển khai các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng, chống bạo lực học đường.

Sáng ngày 27/4, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết cơ quan này đã có tham mưu, đồng thời Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có công văn số 1293/UBND-KGVX triển khai các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo An ninh trật tự trường học và phòng, chống bạo lực học đường.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị yêu cầu các sở, ban ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng, chống bạo lực học đường.

Nữ sinh bị bạo lực học đường ở Quảng Trị.. Ảnh cắt ra từ clip

Nữ sinh bị bạo lực học đường ở Quảng Trị.. Ảnh cắt ra từ clip

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong các hoạt động giáo dục đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh.

Ngoài ra, đơn vị này cần triển khai tập huấn, hội thảo về tâm lý học đường cho cán bộ quản lý, giáo viên trên toàn tỉnh để làm tốt công tác tham vấn, tư vấn cho học sinh.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường; trong đó đặc biệt quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống cho học sinh.

Ngoài việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống vào nội dung, chương trình môn học nhà trường cần phải trang bị cho học sinh các kỹ năng sống, đặc biệt là các kỹ năng về quản lý cảm xúc, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, giáo dục kỹ năng sử dụng mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội. Đồng thời, các cơ sở tạo cho các em nhiều sân chơi, hoạt động lành mạnh, ý nghĩa và phù hợp với đặc thù lứa tuổi… giúp học sinh nhận thức được các bài học của lòng nhân ái, bao dung, sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân với những người xung quanh.

Xây dựng và thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, nhất là cơ chế chia sẻ thông tin chính xác, kịp thời khi có dấu hiệu của vụ việc bạo lực học đường.

Thường xuyên giữ mối liên lạc với chính quyền địa phương, cơ quan Công an cùng cấp quản lý nắm bắt tình hình học sinh, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trường học. Đồng thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội của học sinh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trường học, các tổ chức trong trường học trong việc chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn xô xát trong học sinh. Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong các hoạt động giáo dục tại nhà trường.

Siết chặt kỷ cương, nền nếp, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa trong học sinh. Kiên quyết xử lý nghiêm những học sinh tham gia và có hành động gây ra bạo lực học đường để làm gương, răn đe các em học sinh khác; vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định.

Phát huy hiệu quả vai trò của “Tổ Tư vấn tâm lý học đường”; bố trí phòng Tư vấn tâm lý, Hòm thư góp ý cho học sinh; có kế hoạch phòng ngừa, can thiệp sớm những biểu hiện tiêu cực về sức khỏe tâm thần cho học sinh. Nhà trường cần niêm yết Tổng đài quốc gia “Bảo vệ chăm sóc trẻ em: 111” và điện thoại của nhà trường để học sinh biết và liên lạc khi cần thiết. Xây dựng quy trình, rà soát, phát hiện nguy cơ có ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu công an các huyện, thị xã, thành phố và Công an xã, phường, thị trấn tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị trường học và địa phương hướng dẫn, tập huấn tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm đạo đức và bạo lực học đường; tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trường học, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục.

Công an tỉnh Quảng Trị cần chỉ đạo công an các xã, phường, thị trấn phối hợp với các trường học trong công tác phát hiện vấn đề, có dấu hiệu bạo lực xử lý ngay; khi có vụ việc Công an vào cuộc; rà soát, xử lý, thông tin kịp thời cho các trường cùng triển khai thực hiện.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung, chương trình, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vui tươi, lành mạnh; hướng dẫn các địa phương sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, có cơ chế để học sinh, sinh viên được hưởng chế độ ưu tiên khi vui chơi, tham quan tại các công trình văn hóa, sử dụng khu vực thể thao, sân chơi bãi tập công cộng.

Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; tổ chức các giải pháp tăng cường xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm môi trường thân thiện, không bạo lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có kế hoạch tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục Đoàn viên thanh niên và thiếu niên nhi đồng giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tổ chức, tạo điều kiện để Đoàn viên thanh niên và thiếu niên nhi đồng nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Sở Thông tin và Truyền thông cần tổ chức xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về các nội dung của công tác giáo dục văn hóa học đường; tăng cường lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt trong học sinh, sinh viên; lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống.

Bên cạnh đó, đơn vị này phải kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa dành cho học sinh, sinh viên có yếu tố bạo lực, mang định kiến về giới, dân tộc, người khuyết tật, trái với truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; kịp thời có biện pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa học đường của học sinh, sinh viên.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn trong việc trao đổi thông tin những trường hợp học sinh chậm tiến để có biện pháp giáo dục; theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện. Có các giải pháp hiệu quả, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và bạo lực học đường trên địa bàn.

Trần Phương