Quảng Ninh: Học sinh tiểu học, mầm non dừng đến trường để phòng Covid-19

26/02/2022 06:44
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liên tục ghi nhận hơn 2.000 ca mắc Covid-19 trong một ngày, Quảng Ninh quyết định cho học sinh tiểu học và mầm non tiếp tục dừng đến trường.

Trước đó, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và phòng chống rét đậm, rét hại, tỉnh Quảng Ninh tạm thời cho trẻ mầm non nghỉ học từ 21/2 đến hết 25/2.

Đối với cấp Tiểu học sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh, hiệu trưởng xem xét và quyết định tạm thời cho học sinh chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến từ 21/2 đến hết 25/2.

Tuy nhiên, những ngày qua, tỉnh Quảng Ninh liên tục ghi nhận hàng nghìn ca F0 mỗi ngày.

Riêng trong ngày 25/2, Quảng Ninh được Bộ Y tế ghi nhận 2.325 ca mới Covid-19 (2.004 ca cộng đồng và 321 ca đã được quản lý cách ly). Hiện, 13/13 địa phương đều ghi nhận ca mắc Covid-19.

Theo đó, ngày 25/2, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục về việc tổ chức dạy học nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Học sinh tiểu học, mầm non tiếp tục dừng đến trường để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: PL)

Học sinh tiểu học, mầm non tiếp tục dừng đến trường để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: PL)

Cụ thể, đối với cấp mầm non, trẻ tiếp tục nghỉ học từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới.

Tuy nhiên, nếu gia đình trẻ nào không có người chăm sóc, trông coi trẻ ở nhà và có nguyện vọng đưa trẻ đến trường thì cơ sở giáo dục vẫn bố trí đón trẻ và tổ chức các hoạt động giáo dục đảm bảo an toàn.

Đối với cấp tiểu học, học sinh tiếp tục học trực tuyến từ ngày 28/2/2022 đến khi có thông báo mới.

Còn đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục thường xuyên (bao gồm cả các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống), Sở yêu cầu người đứng đầu các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương hằng ngày đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tình hình số ca F0, F1 của trường/đơn vị.

Qua đó, xác định đúng nguy cơ, mức độ lây lan dịch bệnh để kịp thời xem xét, quyết định hình thức dạy học cho phù hợp với điều kiện thực tế (trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp với trực tuyến).

Các cơ sở giáo dục chủ động việc tổ chức dịch vụ bán trú nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh khi tổ chức các hoạt động giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến khích các đơn vị có biện pháp tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các lớp học chưa có ca F0 và học sinh lớp 9, lớp 12 để đảm bảo chất lượng, kế hoạch năm học và chuẩn bị cho học sinh tham gia tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Trong trường hợp tổ chức triển khai dạy học trực tiếp, Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện 5K.

Đồng thời, test nhanh tầm soát định kỳ các trường hợp có nguy cơ cao, bệnh lý nền để kịp thời phát hiện, bóc tách F0, không để lây lan, bùng phát dịch bệnh trong trường học.

Đối với các cấp học còn lại, người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào tình dịch bệnh tại địa phương để quyết định hình thức dạy học (Ảnh: PL)

Đối với các cấp học còn lại, người đứng đầu cơ sở giáo dục sẽ căn cứ vào tình dịch bệnh tại địa phương để quyết định hình thức dạy học (Ảnh: PL)

Ngoài ra, đối với các trường chuyên biệt (Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long, các trường phổ thông dân tộc nội trú) khi tổ chức dạy học trực tiếp cần quản lý chặt chẽ học sinh nội trú trong trường để tránh nguy cơ lây nhiễm trong trường học.

Các trường có dịch vụ bán trú cần khuyến khích phụ huynh nếu có điều kiện nên đưa đón con về nhà ăn, nghỉ buổi trưa và chỉ xem xét phục vụ bán trú với những học sinh không có điều kiện, bắt buộc phải tham gia bán trú.

Trong quá trình tổ chức bán trú, các trường nên bố trí theo đơn vị lớp học hoặc có nhà ăn chung thì cần bố trí chia ca, đảm bảo giãn cách.

Nếu có điều kiện thì bố trí vách ngăn, sau mỗi buổi ăn phải lau khử khuẩn; có biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, nhất là khi tiếp xúc, giao dịch với các đơn vị cung ứng dịch vụ vào trường (cung ứng thực phẩm, suất ăn...) để tránh tối đa nguy cơ mang mầm bệnh từ bên ngoài vào nhà trường.

Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm “Zalo quản lý F0” để kịp thời hỗ trợ, động viên học sinh trong quá trình theo dõi, điều trị và tham gia học tập trực tuyến.

PHẠM LINH