“Quận văn hiến” và những nhầm lẫn cần xem xét làm rõ (2)

14/04/2023 06:33
Tiến sĩ Dương Xuân Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiếp tục nội dung của bài viết trước, Tiến sĩ Dương Xuân Thành nêu thêm về thông tin chưa thống nhất, đồng thời đề xuất kiến nghị với ban ngành liên quan.

Tiếp phần 1: “Quận văn hiến” và những nhầm lẫn cần xem xét làm rõ (1)

Hiện chưa tìm thấy bất kỳ tư liệu nào khẳng định chùa Sủi - Đại Dương Sùng Phúc tự chính là chùa Sùng Phúc, khánh thành vào năm 1115 tại hương Thổ Lỗi như Việt Sử Lược ghi chép, đồng thời cũng không tìm thấy tư liệu nào nói về năm khánh thành chùa Sủi.

Mặt khác, vì chưa tìm thấy năm khánh thành Đại Dương Sùng Phúc tự nên cũng không thể vội vã kết luận chùa này không phải là chùa Sùng Phúc mà Việt Sử Lược đề cập.

Tuy nhiên, với những tư liệu đã tìm thấy “rất có khả năng Đại Dương Sùng Phúc tự - chùa Sủi - chính là ngôi chùa được ghi trong Việt Sử Lược”.

Tuy nhiên đây chỉ là dự đoán, cứ liệu chưa đủ mạnh để kết luận.

Giếng cổ ở sân đình làng Sủi. Phía sau, bên phải là nhà văn bia lưu danh các vị khoa bảng làng Sủi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Giếng cổ ở sân đình làng Sủi. Phía sau, bên phải là nhà văn bia lưu danh các vị khoa bảng làng Sủi. Ảnh: Tác giả cung cấp

Một công trình nghiên cứu dữ liệu từ văn bia, câu đối tại khu di tích đình – đền – chùa làng Sủi đã được công bố. [8]

Theo “thần tích” mà tác giả công trình [8] thu thập được thì thành hoàng làng Sủi là tướng quân Đào Liên Hoa, một trong “tứ đại vương” từng giúp vua Đinh Thái Tổ dẹp loạn 12 sứ quân.

Khi vua Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế đã phong “đại vương” cho bốn vị đại công thần (tứ trụ) như sau:

Đinh Điền làm Nam vị Đại vương; Nguyễn Bặc làm Đông vị Đại vương; Đào Liên Hoa làm Tây vị Đại vương; Lưu Văn Đức làm Bắc vị Đại vương. Không rõ “Đại vương” nói ở đây là tước vị hay chỉ là sự suy tôn.

Tên tuổi của bốn vị đại công thần nhà Đinh trong một số tài liệu lịch sử là Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thượng thư Trịnh Tú, Thái sư Lưu Cơ.

Vì là hậu nhân nên không dám lạm bàn chuyện thành hoàng làng, chỉ biết rằng trong các câu đối tại đình làng, người dân Sủi đã từng gọi quê mình là Thổ Lỗi. (Những câu đối này không rõ niên đại nhưng được một số cụ già gần trăm tuổi khẳng định từ khi lớn lên đã thấy có trong đình rồi).

Xin giới thiệu ba câu đối tại đình làng Sủi đề cập chuyện nơi đây từng có tên là Thổ Lỗi và từng là doanh trại quân đội:

1. “Cờ kiếm sững uy danh, nhớ mãi Hoa Lư tài tướng giỏi; Cung đền đài thờ tự, truyền đây Thổ Lỗi trại quân xưa”.

2. “Bắc sơn ngũ khí hợp chiều Nguyên, Thổ Lỗi cử Nhiên vương tướng”.

3. “Mạo Việt lẫm uy thanh trường kỳ; Hoa Lư chân tướng lược; Cung đài long phượng, tự tương truyền, Thổ Lỗi cựu quân”. [9]

Công trình nghiên cứu “Cách đặt tên xóm, thôn, xã, tổng, huyện ở Bắc Ninh trong lịch sử” đăng trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh viết:

“Huyện Siêu Loại đầu tiên đóng trên vùng đất hương Thổ Lỗi, sau này đổi là hương Siêu Loại (tên Nôm là Sủi, nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), nên tên huyện có tên Siêu Loại”. [10]

Thuận Thành trước đây là huyện Siêu Loại nhưng tỉnh Bắc Ninh và thị xã Thuận Thành ngày nay không nơi nào nhận là “quê” hoặc “nơi sinh” của Nguyên phi Ỷ Lan, phải chăng vì các địa phương này đều đã tìm thấy những chứng cứ xác thực?

Hiện vẫn có ba nơi cùng nhận là “quê hương” hoặc “nơi sinh” của Đức Bà là làng Ghênh (thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh), xã Dương Xá và làng Sủi xã Phú Thị.

Chuyện làng Ghênh:

Tác giả Nguyễn Văn Thủy viết:

“Hoàng Thái hậu Ỷ Lan có tên thường gọi là Lê Thị Khiết, sinh năm 1044, quê ở làng Ghênh Sủi, thuộc hương Thổ Lỗi (nay là thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh). [11]

Tác giả Trí Dũng viết:

“Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, tên thường gọi là Lê Thị Khiết, sinh ngày mùng 7 tháng 3 năm 1044, Giáp Thân, quê làng Thổ Lỗi hay còn gọi là làng Ghênh Sủi, phủ Thuận An, sứ Kinh Bắc xưa, nay là thôn Ngọc Quỳnh, xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm”. [12]

Tác giả này còn viết thêm: “Cũng tại nơi này Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã cho xây dựng ngôi chùa Tư Kính tự để thờ Phật”.

Xin chỉ nêu hai câu hỏi:

1. Dựa vào tư liệu lịch sử nào để nói “Làng Ghênh Sủi” thuộc “hương Thổ Lỗi”?

2. Tác giả có thể trích dẫn tư liệu khẳng định “làng Thổ Lỗi” là “làng Ghênh Sủi” và là “quê” của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan?

Tra cứu nhiều thư tịch cổ, không thấy bất cứ tài liệu nào nhắc đến “làng Ghênh Sủi” như hai bài báo [11], [12] viện dẫn, nguyên nhân rất đơn giản bởi Thổ Lỗi xưa là “hương” không phải “làng” và tên Thổ Lỗi chỉ tồn tại đến năm 1068 thì đổi thành Siêu Loại. Sau năm 1068 không có bất kỳ tư liệu nào cho biết “Siêu Loại” được đổi thành “Ghênh Sủi”.

Chỉ có thể tìm thấy các địa danh làng Sủi, làng Ghênh, đó là hai làng cách nhau chừng 5 km! Giữa Ghênh và Sủi là xã Dương Xá nên chuyện ghép hai địa danh này thành một làng có chính xác?

Tra cứu bản đồ thôn Ngọc Quỳnh, không thấy ghi chú vị trí các ngôi chùa. Tìm trên các trang thông tin mạng cũng không có dòng nào mô tả ngôi chùa mang tên “Tư Kính tự” tọa lạc tại thôn Ngọc Quỳnh (tức làng Ghênh).

Về chùa Linh Nhân Tư Phúc tự (chùa Bà Tấm) xã Dương Xá

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ - Quyển 3 trang 116 ghi:

“Hội Tường Đại Khánh/năm thứ 6 [1115] ... Mùa xuân, tháng Giêng ...

Thái hậu dựng chùa thờ phật, trước sau hơn trăm chùa...”.

“Đinh Dậu/Hội Tường Đại Khánh/năm thứ 8 [1117] ... Mùa thu, tháng 7, ngày 25, “Lan Hoàng Thái hậu băng,... Tôn dâng tên thụy (tên hiệu sau khi qua đời) là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu”.

Sau khi Thái hậu băng hà, vua tôn xưng tên thụy là “Linh Nhân Hoàng Thái Hậu”. Vậy phải chăng tên thụy của Thái hậu (Linh Nhân) được sử dụng đặt cho ngôi chùa tại Dương Xá?

Tuy nhiên, như đã đề cập ở phần trên, “Mùa xuân, tháng Giêng” năm 1115, Thái hậu mới lệnh cho “dựng chùa thờ phật, trước sau hơn trăm chùa” thì việc khánh thành chùa Linh Nhân vào tháng 3 - tức là chỉ trong vòng 2 tháng - khó có thể xảy ra.

Dù có những điều còn chưa rõ, nhưng việc chùa Bà Tấm được mang tên thụy của Thái hậu “Linh Nhân Tư Phúc tự” cho thấy đây là ngôi chùa được đánh giá rất cao, xứng đáng là một trong những địa chỉ văn hóa tâm linh của cả nước.

Liên quan giữa chùa Sùng Phúc và chùa Linh Nhân

Nhiều tư liệu cổ và cư dân Phú Thị – Dương Xá đến năm 2023 này đều công nhận trước đây, khi di tích đền chùa Bà Tấm – Dương Xá vào hội, người dân và các bậc cao niên một số làng xã quanh Dương Xá đều tổ chức rước kiệu lên khu di tích đình – đền – chùa Sủi xin nước tại giếng cổ trong sân đình làng Sủi về Dương Xá làm lễ Mộc Dục (lễ tắm tượng).

“Ngày hội được mở đầu bằng một đám rước long trọng - rước nước. Đám rước khởi hành từ đền Bà Tấm lên tới giếng nước cạnh chùa làng Sủi (Phú Thị) cách đền khoảng 2km. Đi đầu đám rước là cờ ngũ hành, tiếp đến là Tổng cờ, rồi đến chiêng, trống, bát bửu. Liền sau đó là long đình rước bà Ỷ Lan (bài vị), có những người phục dịch theo kiệu. Đường đi từ đền theo đường 179 ngày nay lên Sủi. Sau kiệu Bà là kiệu đựng chóe dùng lấy nước”. [13]

Điều này cho thấy mối liên hệ khăng khít giữa dân chúng và truyền thống văn hóa của các thôn làng thuộc hai xã Phú Thị - Dương Xá.

Nhiều năm trở lại đây, việc xã Dương Xá bỏ tục rước nước cũng là bỏ mất một truyền thống văn hóa tâm linh có từ lâu đời.

Rất khó giải thích khi các bài viết quảng bá cho lễ hội đều mô tả tục rước nước kỹ càng như thế nhưng nhiều năm không ai nghĩ đến chuyện khôi phục lại truyền thống này.

Những kiến nghị đối với các ban ngành liên quan

Thứ nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có buổi buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm vào ngày 24/03/2023, theo Bí thư Thành ủy, Gia Lâm xác định phải trở thành “quận văn hiến, văn minh, hiện đại. [15]

Khi huyện Gia Lâm được nâng thành quận, các địa danh chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, xin kiến nghị lãnh đạo huyện Gia Lâm và thành phố Hà Nội xem xét thành lập một phường mới lấy tên là “phường Thổ Lỗi” hoặc “phường Siêu Loại” trên cơ sở ghép hai xã Phú Thị và Dương Xá.

Nếu quy mô phường khi đó quá lớn thì có thể lấy các thôn dọc theo đường Ỷ Lan – từ cầu vượt đường 5a đến dốc Lời tạo thành phường mới.

Thứ hai, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và sớm có ý kiến với các cơ quan truyền thông gỡ bỏ các bài viết, các tài liệu, công trình nghiên cứu cho rằng năm 2023 là kỷ niệm 960 năm ngày “đăng quang” của Nguyên phi Ỷ Lan.

Thứ ba, Phú Thụy – làng Sủi là đất học, là một trong 20 làng khoa bảng của cả nước, đây cũng là vùng đất địa linh nhân kiệt góp phần sản sinh ra vị Thái hậu tài năng xuất chúng hai lần nhiếp chính và nhiều danh nhân khác như Cao Bá Quát, Nguyễn Huy Nhuận,...

Ngay cạnh cụm di tích đình – đền – chùa lâu đời Nhà nước đã cho xây dựng khu lưu niệm danh nhân Cao Bá Quát, vì thế nơi đây hoàn toàn xứng đáng trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, kết nối với điểm du lịch kinh tế thương mại Dương Xá thành một tổng thể du lịch hoàn chỉnh.

Thứ tư, nếu thành lập phường Thổ Lỗi (Siêu Loại) thì bước tiếp theo là động viên nhân dân tổ chức lễ hội văn hóa tâm linh chung (cả phường), tránh để chuyện mỗi làng (tổ dân phố) tổ chức một lễ hội. Lễ hội phường Thổ Lỗi nên khôi phục tục rước nước.

Mấy đề xuất trên với mong muốn tham góp thêm về nơi sinh và sự nghiệp của Nguyên phi Ỷ Lan, loại bỏ khúc mắc giữa các thôn xã, về quê hương của Đức Bà.

Tài liệu tham khảo

[9] http://www.didulich.net/tin-tuc-su-kien/tay-vi-dai-vuong-dao-lien-hoa-danh-tuong-trieu-24195

[10] https://snv.bacninh.gov.vn/news/-/details/57424/cach-at-ten-xom-thon-xa-tong-huyen-o-bac-ninh-trong-lich-su

[11]https://baohungyen.vn/dat-va-nguoi-xu-nhan/201507/tham-khu-di-tich-den-ghenh-627032/

[12]https://dangcongsan.vn/hung-yen-tin-tuc-su-kien/hien-tai-va-tuong-lai/den-ghenh-va-cong-duc-cua-hoang-thai-hau-y-lan-419121.html

[13] http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/1000_nam_thang_long/7509/l7877%3B-h7897%3Bi-273%3B7873%3Bn-ba-t7845%3Bm

[14] https://nhandan.vn/theo-dang-rong-bay-post442756.html

[15] https://vtc.vn/bi-thu-ha-noi-tim-huong-di-lau-dai-ben-vung-khi-huyen-gia-lam-len-quan-ar760617.html

Tiến sĩ Dương Xuân Thành