“Quận văn hiến” và những nhầm lẫn cần xem xét làm rõ (1)

13/04/2023 06:32
Tiến sĩ Dương Xuân Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- TS Dương Xuân Thành có những ý kiến trao đổi để làm rõ hơn những chi tiết về quê hương của Nguyên Phi Ỷ Lan thông qua những tài liệu, thư tịch cổ.

Sau khi bài viết “Một số người làm văn hóa của Hà Nội có nên tiếp tục nhầm lẫn” [1] được đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả bài viết đã nhận được khá nhiều ý kiến của độc giả đề nghị cung cấp thêm thông tin giải thích chuyện ba địa phương là làng Ghênh (thôn Ngọc Quỳnh) – Hưng Yên, làng Phú Thụy (Sủi) và xã Dương Xá – Gia Lâm, Hà Nội đưa ra một số tư liệu khẳng định địa phương mình chính là “quê” của Nguyên phi Ỷ Lan (hàm ý đó là nơi duy nhất).

Công văn phản hồi của Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm gửi Tạp chí Giáo dục Việt Nam và tác giả nêu: “Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm sẽ phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan chức năng để làm rõ những vấn đề liên quan. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân địa phương nhận thức sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đối với quê hương, đất nước”. [2]

Người viết đánh giá cao phản hồi của Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm và mong muốn bài viết này sẽ thêm câu trả lời cho bạn đọc, đồng thời cũng là tham góp giúp Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lâm trong việc “phối hợp với các nhà khoa học, cơ quan chức năng” tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đối với quê hương, đất nước.

Với tinh thần đó, bài viết muốn làm rõ vài vấn đề:

- Những nhầm lẫn của một vài cơ quan truyền thông

- Thổ Lỗi - Siêu Loại xưa là vùng đất nào ngày nay?

- Một số kiến nghị với các cơ quan chức năng liên quan huyện Gia Lâm và thành phố Hà Nội.

Tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tại đền thờ bà ở Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Vov.vn

Tượng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tại đền thờ bà ở Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Vov.vn

Quan điểm của người viết là chỉ dựa vào chính sử và những tài liệu thành văn được đánh giá là đáng tin cậy, các tư liệu trích từ truyền thuyết, thần phả, thần tích chỉ sử dụng để tham khảo.

Gần một nghìn năm nay, chính sử và phần lớn cư dân nước Việt đều thống nhất Nguyên phi Ỷ Lan quê gốc tại hương Thổ Lỗi, năm 1068 hương Thổ Lỗi được vua Lý Thánh Tông đổi thành hương Siêu Loại. Hiện chưa tìm thấy bất kỳ tác giả hay công trình nghiên cứu nào phủ nhận hoặc nêu nghi vấn nơi sinh thành của Nguyên phi Ỷ Lan.

Hai vấn đề ghi chép trong chính sử được coi là tư liệu tin cậy, đó là:

- Quê hương của Đức Bà là hương (vùng đất, huyện) mang tên Siêu Loại.

- Nơi sinh của Đức Bà là hương (trang) Thổ Lỗi, năm 1068 đổi thành Siêu Loại.

Sử sách ghi nhận việc vua Lý Thánh Tông cho đổi tên Thổ Lỗi thành Siêu Loại nhưng không nói rõ việc đổi tên có kèm theo sự thay đổi quy mô, diện tích và dân cư, điều này sẽ được lý giải ở phần sau bài viết.

Theo cách hiểu ngày nay, “quê hương” của một nhân vật lịch sử là khái niệm mở, có thể là một thôn, xã, huyện, phủ hay cả quốc gia, còn “nơi sinh” thì bắt buộc chỉ có thể là một địa điểm nhỏ, cụ thể như làng (thôn) hoặc cùng lắm là một xã (với nhân vật hiện đại có thể là bệnh viện, số nhà, phố, phường,...).

Về quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan người viết cho rằng những địa phương thuộc “vùng Siêu Loại” đều có quyền nhận là “quê hương” của Đức Bà.

Nói cách khác, một số thôn, xã ở Thuận Thành – Bắc Ninh, Gia Lâm - Hà Nội, Văn Lâm – Hưng Yên đều có quyền nhận là “quê hương” của Nguyên phi Ỷ Lan nếu chứng minh được trong quá khứ các địa danh này đều thuộc hương (huyện, vùng) Siêu Loại.

I. Những nhầm lẫn không đáng có

Xin dẫn một vài thông tin do các cơ quan báo chí đăng tải:

Chùa có tên “Linh Nhân Tư Phúc Tự” do chính Linh Nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan) xây dựng và khánh thành vào tháng 3 năm Ất Mùi (1115)”. [3]

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – Bản Kỷ, quyển 3, trang 116 viết:

“Năm Ất Mùi /Hội Tường Đại Khánh/năm thứ 6 [1115], Mùa xuân, tháng Giêng... Thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa (tục truyền rằng Thái hậu hối về việc Thượng Dương Thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan)”.

Tháng Giêng cho xây chùa, tháng 3 khánh thành, vậy chùa này làm trong mấy tháng có thuyết phục?

Đền thờ Quốc mẫu Nguyên Phi Ỷ Lan hay còn gọi là chùa Bà Tấm tọa lạc tại xã Dương Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội)”. [4]

Đền còn gọi là chùa?

Nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 960 năm Ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang”. [5]

Chuyện “đăng quang” đã đề cập trong bài báo [1] nên không nhắc lại.

Theo người viết, còn không ít sự ngộ nhận, thông tin chưa chính xác, tác giả sẽ đề cập ở phần sau.

II. Tìm hiểu thư tịch cổ về “quê” và “nơi sinh” của Nguyên phi Ỷ Lan.

Sau gần nghìn năm, các địa danh cổ có sự thay đổi rất nhiều cả về quy mô lẫn tên gọi nên việc tìm tư liệu thực sự khó khăn bởi phải đối chiếu nhiều thư tịch thuộc hai dạng là “chính sử” và “dư địa chí”.

Một làng, (hương, thôn, hoặc xã - gọi chung là làng) muốn được công nhận là “nơi sinh” của Nguyên phi Ỷ Lan, bắt buộc phải thỏa mãn các tiêu chí sau đây:

Thứ nhất, làng đó phải có tên cổ là Thổ Lỗi, đời Lý Thánh Tông đổi thành Siêu Loại;

Thứ hai, làng đó phải có ngôi chùa cổ mang tên là chùa “Sùng Phúc”;

Thứ ba, chùa Sùng Phúc phải được khánh thành vào năm 1115.

Ba tiêu chí này được đưa ra là dựa vào hai cuốn sử.

Hai cuốn sử Việt Sử Lược và Đại Việt Sử Ký Toàn Thư không cho biết chính xác Thổ Lỗi hay Siêu Loại rộng thế nào. Tuy nhiên có thể tìm thấy ở đây những tư liệu quan trọng liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Nguyên phi Ỷ Lan.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư quyển 3, phần Thánh Tông Hoàng Đế (trang 107) viết:

“Mậu Thân, [Long Chương Thiên Tự] năm thứ 3 [1068], Đổi hương Thổ Lỗi làm Hương Siêu Loại, vì là nơi sinh của Nguyên Phi (Ỷ Lan – NV)”.

Xin lưu ý là chính sử đã ghi rõ Thổ Lỗi – Siêu Loại là “nơi sinh của Nguyên Phi”.

“Đại Việt Sử Lược” là cuốn sử của Việt Nam, bị phong kiến Trung Hoa cướp về và được triều nhà Thanh (thời vua Càn Long) cho in thành sách với tên gọi “Việt Sử Lược”.

Cuốn “Việt Sử Lược” do Giáo sư Trần Quốc Vượng dịch và hiệu đính, nhà xuất bản Thuận Hóa, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phát hành, trang 114 ghi:

“Năm Ất Mùi, Hội Tường Đại Khánh năm thứ 6 (1115),...

“Tháng 3, chùa Sùng Phúc ở hương Siêu loại làm xong”...

Vào năm 1115, Việt Sử Lược chỉ ghi nhận “chùa Sùng Phúc ở hương Siêu Loại làm xong” mà không nhắc đến bất kỳ chùa nào khác. Điều này đưa đến hai kết luận:

Một là chùa Sùng Phúc bắt đầu “làm” (hoặc trùng tu) từ nhiều năm trước năm 1115, cũng có nghĩa là “cổ” hơn các chùa Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng từ năm 1115 về sau.

Hai là việc được đưa tên vào chính sử cho thấy chùa Sùng Phúc giữ vị trí quan trọng hơn các chùa khác, dù các chùa đó đều được Thái hậu Ỷ Lan xây dựng. Nói cách khác, chùa Sùng Phúc mới đúng là ngôi chùa giữ vai trò là “chùa Cả” hoặc “chùa Mẫu”.

Siêu Loại là vùng đất nào hiện tại?

Từ thời nhà Ngô, nhà Đinh nước Việt đã có địa danh Siêu Loại.

Sách “Việt Sử Lược” trang 50 phần “Thập nhị sứ quân” (12 sứ quân) viết:

“Nguyễn (Lý) Lãng Công tên là Khuê, giữ Siêu Loại. (Lý Lãng Công tên là Lý Khuê chiếm cứ vùng Siêu Loại).

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, phần “Kỷ Nhà Đinh”, trang 58 viết:

“Bấy giờ mười hai sứ quân đều tự xưng hùng trưởng, cát cứ đất đai. Ngô Xương Xí chiếm Bình Kiều, Ngô Nhật Khánh chiếm Đường Lâm, Kiều Tam Chế chiếm Phong Châu, Nguyễn Thái Bình chiếm Nguyễn Gia Loan, Đỗ Cảnh Thạc chiếm miền sông Đỗ Động.... Nguyễn Lệnh Công chiếm Tây Phù Liệt, Tế Giáng thì có Lữ Tá Đường, Tiên Du có Nguyễn Thủ Tiệp, Siêu Loại có Lý Lãng Công, Hồi Hồ có Kiều Lệnh Công, Đằng Châu có Phạm Phòng Át, Bố Hải có Trần Minh Công. Vua một phen cất quân là dẹp yên”.

Dữ liệu từ hai cuốn cổ sử nêu trên khẳng định thời nhà Ngô, nhà Đinh, đất nước bị 12 sứ quân “cát cứ”. Vùng đất một sứ quân “cát cứ” không thể nhỏ cỡ một thôn, xã. Có thể cho rằng vùng Siêu Loại - do sứ quân Lý Uyên cát cứ - phải rộng cỡ huyện hoặc phủ.

Phải chăng sau khi có con trai nối dõi, vua Lý Thánh Tông lấy tên một vùng đất rộng lớn là “vùng Siêu Loại” đặt cho hương Thổ Lỗi là để ban thưởng Lan phu nhân đã sinh ra Thái tử Càn Đức (kiểu như vua ban đất phong cho các công thần)?

Tra cứu trong sách “Đồng Khánh Địa Dư Chí” (bản dịch), trang 484, cho biết huyện Siêu Loại thuộc “phủ Thuận Thành” còn huyện Gia Lâm thuộc “phân phủ Thuận Thành”

Ảnh chụp một phần trang 484 sách Đồng Khánh Địa Dư Chí (bản dịch)

Ảnh chụp một phần trang 484 sách Đồng Khánh Địa Dư Chí (bản dịch)

Tại trang 505 mô tả huyện Siêu Loại phía tây giáp huyện Gia Lâm, trang 514 mô tả huyện Gia Lâm phía đông giáp địa giới huyện Siêu Loại.

Kích thước huyện Siêu Loại từ đông sang tây rộng 20 dặm 86 trượng. Nam - Bắc cách nhau 8 dặm 58 trượng (1 dặm = 1.600 m, 1 trượng = 4 mét).

Huyện Siêu Loại có 10 tổng gồm 75 xã , thôn (trang 505).

Với hai chiều kích thước như trên, nói Siêu Loại ngày nay “thuộc xã Dương Xá” là không phù hợp.

Tại khu di tích thờ Kinh Dương Vương hiện còn lưu giữ một số sắc chỉ của vua lệnh cho dân chúng và xã trưởng Á Lữ xã, Siêu Loại huyện thực hiện việc thờ phụng tại đền.

Đạo sắc chỉ Gia Long cửu niên (1810) viết: “Siêu Loại huyện, Á Lữ xã, viên sắc xã trưởng toàn xã đẳng hệ luôn xã tòng tiền phụng sự Kinh Dương Vương nhất vị hữu linh triều gia tôn mỹ tự chuẩn hứa y cựu phụng sự chỉ thần kính ý cố sắc”. [6]

Xã Á Lữ ngày nay là thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành.

Vì đền thờ Kinh Dương Vương nằm ngay trên bờ phía nam sông Đuống nên huyện Siêu Loại phải là vùng đất dọc theo bờ nam sông Đuống, gần với thôn Á Lữ.

Để xác định chính xác vị trí của Siêu Loại, phải tìm nơi có chùa Sùng Phúc. Trong phạm vi các vùng đất Thuận Thành, Gia Lâm có thể tìm được rất nhiều chùa cổ:

Chùa Dâu - Cổ Châu tự (Pháp Vân tự hoặc chùa Cả, Diên Ứng Tự);

Chùa Đậu – Pháp Vũ tự (chùa Thành Đạo);

Chùa Tướng – Pháp Lôi tự (chùa Phi Tướng);

Chùa Dàn – Pháp Điện tự (chùa Phương Quang);

Chùa Keo - Báo Ân Trùng Nghiêm tự;

Chùa Sủi – Sùng Phúc tự (Đại Dương Sùng Phúc tự);

Chùa Bà Tấm – Linh Nhân Tư (Từ?) Phúc tự;

Chùa Nôm - Linh Thông cổ tự (xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm);

Chùa Ông – Bản Tịch tự (Tân Quang, huyện Văn Lâm),...

Trong số các chùa nêu trên, duy nhất có chùa Sủi gắn với tên gọi “Sùng Phúc tự”.

Công trình nghiên cứu “Hệ thống bia ở cụm di tích đình-đền-chùa làng Phú Thị (Gia Lâm, Hà Nội), đăng trong “Thông báo Hán Nôm học 2004 (trang 158-167)” công bố nghiên cứu về tấm bia “Đại Dương Sùng Phúc tự ký (mặt trước), Cúng dưỡng hương hỏa điền bi (mặt sau, N. 3159-60) như sau:

“Bia được đặt trên tòa sen hai tầng, rộng 70cm, cao 22cm, diềm bia mặt sau khắc cảnh chim hạc, hoa cúc; tạo ngày tốt tháng tám năm Khánh Đức thứ ba (1651)”. [7]

Điều quan trọng từ văn bia này là cho biết từ thế kỷ 16, chùa Sủi đã có tên “Đại Dương Sùng Phúc tự” và tên này đã được khắc trên bia đặt tại khu vực chùa.

Để bảo đảm sự khách quan, cần tìm thêm các “Sùng Phúc tự” khác.

Trên lãnh thổ Việt Nam nhiều nơi có chùa Sùng Phúc, bên cạnh tên gọi chính, một số chùa còn có tên gọi khác, ví dụ:

Chùa Tây Phương - Sùng Phúc tự, xây dựng vào thời nhà Mạc (Mạc Phúc Nguyên, 1547 – 1561);

Chùa Thổ Khối - Sùng Phúc Tự, (phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội). Không có tài liệu nào nói về năm xây dựng. Tương truyền được xây dựng vào thời Hậu Lê, nằm ở ven đê sông Hồng.

Chùa Quan Nhân - Sùng Phúc Tự, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17.

Chùa Sùng Phúc (thôn Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) không rõ năm xây dựng.

Chùa Sùng Phúc thôn Đồng Xép, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Không rõ năm xây dựng.

Chùa Sùng Phúc (Thiền Viện Sùng Phúc), tổ dân phố 10, phường Cự Khối, Quận Long Biên. (Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, 17 thuộc chốn Tổ Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm).

Chùa Sùng Phúc xã Lệnh Cấm, châu Hạ Lang, nay là thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng được xây dựng vào thời vua Trần Nhân Tông (1279-1293).

Loại trừ những chùa Sùng Phúc nằm cách xa vùng Siêu Loại như các chùa tại Cao Bằng, Tiên Du, Thạch Thất, Kim Động hoặc xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, 17 như các chùa Thổ Khối, Quan Nhân, còn lại là chùa Đại Dương Sùng Phúc tự (chùa Sủi).

Vậy chùa Sùng Phúc làng Sủi có phải là chùa Sùng Phúc ghi trong Việt Sử Lược?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/mot-so-nguoi-lam-van-hoa-cua-ha-noi-co-nen-tiep-tuc-nham-lan-post233646.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/huyen-gia-lam-tiep-thu-va-se-nghien-cuu-gop-y-tu-bai-bao-cua-ts-duong-xuan-thanh-post233858.gd

[3]http://hanoi.qdnd.vn/van-hoa-the-thao/dau-nam-di-le-hoi-den-ba-tam-476333

[4]https://kinhtemoitruong.vn/den-nguyen-phi-y-lan-kien-truc-co-doc-dao-thoi-nha-ly-5409.html

[5] https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nhieu-hoat-dong-y-nghia-ky-niem-960-nam-ngay-nguyen-phi-y-lan-dang-quang-721394

[6] https://vufo.org.vn/Lang-va-den-tho-Thuy-to-Kinh-Duong-Vuong-35-2797.html

[7] http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=575&Catid=479

Tiến sĩ Dương Xuân Thành