Phụ huynh đừng kêu gọi góp tiền tri ân, thầy cô cũng không sung sướng gì đâu!

01/06/2023 06:33
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tránh những phiền toái, để giữ mãi hình ảnh đẹp của nhà giáo, nhà trường cần ngăn chặn việc quyên góp tiền để tổ chức lễ ra trường và tri ân thầy cô.

Những ngày cuối tháng 5, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện những bài viết chia sẻ sự bức xúc của nhiều phụ huynh về khoản tiền đóng góp để tổ chức hoạt động chia tay và mua quà lưu niệm tặng nhà trường, thầy cô dưới tên gọi là “lễ tri ân”.

Dưới mỗi bài viết, người ủng hộ thì ít ý kiến, bình luận lên án, chỉ trích thì nhiều. Có những ý kiến còn quy kết cả ngành và khẳng định nơi nào cũng thế, thầy cô nào cũng thích được tặng quà như vậy.

Tri ân được hiểu là lòng biết ơn. Đã là lòng biết ơn phải xuất phát từ trái tim từ mong muốn đền đáp của mỗi người. Tuy nhiên, việc kêu gọi đóng tiền thậm chí ấn định cả mức phải nộp như hiện nay một số nơi đang làm đã làm mất hoàn toàn ý nghĩa của 2 chữ tri ân đầy ân tình như thế.

“Loạn” lời kêu gọi tri ân

Một đồng nghiệp có con học tại một trường tiểu học ở Hà Nội đã gửi cho người viết một đoạn tin nhắn của hội trưởng hội cha mẹ học sinh có nội dung như sau:

“Tôi có ý kiến đề xuất như sau: chúng ta sẽ làm một món quà tặng thầy cô, cụ thể thầy (…) phong bì 5 triệu đồng + hoa + một món quà dự kiến là 6 triệu đồng.

Cô (…) phong bì 3 triệu đồng + hoa + một món quà, dự kiến khoảng 4 triệu đồng. Tuy nhiên, quỹ trường chỉ còn khoảng 4 triệu không đủ làm việc này. Nên tôi đề xuất, mỗi lớp sẽ triển khai thông báo để phụ huynh các lớp hiểu, mỗi lớp đóng góp 400k x 27 lớp= 10.800.000 đồng để chúng ta làm quà tặng khi nhờ trường tổ chức lễ chia tay thầy cô.

Tin nhắn của hội trưởng hội cha mẹ học sinh kêu gọi góp tiền làm lễ tri ân.

Tin nhắn của hội trưởng hội cha mẹ học sinh kêu gọi góp tiền làm lễ tri ân.

Có những nơi, hội trưởng chỉ đưa thông báo, ấn định ngay số tiền phải đóng và đưa ngay tài khoản để phụ huynh trong lớp chuyển tiền.

“Năm nay, ổn định tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên khối 9 cùng thống nhất tri ân Thầy Cô anh chị nhé! Chi phí dự kiến tổ chức 300k/học sinh (đã bao gồm quà tặng của Nhà trường của khoá)", trích đoạn tin nhắn thông báo của đại diện một hội phụ huynh lớp 9.

Giáo viên có vui khi nhận quà từ những lễ tri ân ồn ào?

Là giáo viên, người viết đã không ít lần phát hiện được phụ huynh bàn nhau mua quà tặng để tri ân giáo viên sau một năm đồng hành cùng lớp. Người viết đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với toàn bộ phụ huynh trong lớp như không nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào.

Thế nhưng không ít lần đã bị đưa vào tình cảnh chuyện đã rồi (như tụi em biết thế nhưng đã lỡ mua rồi, cô không nhận cũng không biết phải làm sao khi quà không thể trả lại…) nên buộc phải nhận món quà mà đại diện phụ huynh mang tới trong tâm thế đầy miễn cưỡng.

Có đồng nghiệp đã bức xúc lên tiếng khi đọc được hàng trăm lời bình luận lên án nhà trường, thầy cô khi để xảy ra tình trạng phụ huynh kêu gọi đóng góp: “Không nên chuyện gì cũng đổ lỗi cho nhà trường. Những cuộc liên hoan cuối khoá của học sinh do phụ huynh tự phát, là quyền của các bậc làm cha mẹ, ai không thích thì không tham gia, không ai ép cả.

Trong những cuộc này, không hề có trường lớp nào chỉ đạo cả. Thậm chí phụ huynh mời, các thầy cô cũng phải rất đắn đo khi tham gia. Nên đôi khi, hệ luỵ cho nhà trường và mọi thông tin làm tổn thương các thầy cô”.

“Tội các thầy cô giáo. Nhiều lắm thì được bó hoa + Bữa ăn khoảng 300 ngàn mà lại mang tiếng. Nên dừng lại để cho thầy cô giáo dạy học trực tiếp các cháu bớt xấu hổ”.

Theo kinh nghiệm của người viết và nhiều chia sẻ từ đồng nghiệp, đa phần tổ chức các hoạt động tri ân, đóng góp tiền mua hoa, quà và đãi ăn uống thì phần nhiều đều do chủ ý của một số phụ huynh có điều kiện.

Với một số gia đình có kinh tế, chuyện phải bỏ ra vài trăm ngàn, hay cả triệu đồng chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, họ thiếu đi cái nhìn tổng thể nên ít hiểu được có những gia đình kiếm được vài trăm ngàn để góp lại không dễ dàng gì.

Chuyện kêu gọi đóng góp mang tính cào bằng như vậy đã làm nhiều gia đình không vui nhưng lại không dám phản ứng vì sợ bị chê cười, bị cho là hà tiện. Họ bấm bụng lo tiền đóng góp và xả những bực tức, bất bình khắp nơi và mang lên cả lên mạng xã hội.

Để tránh những phiền toái xảy ra, để giữ mãi hình ảnh đẹp của những nhà giáo, nhà trường cần ngăn chặn ngay những kiểu quy định quyên góp thế này, tránh gây tai tiếng không tốt.

Lễ tổng kết, lễ chia tay mái trường hay lễ tri ân tránh bày vẻ rình rang, ăn uống rồi tặng quà, phong bì sẽ làm mất dần đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có. Theo người viết chỉ nên tổ chức đơn giản, gọn nhẹ bằng những hoạt động ca múa hát, trò chơi, tiểu phẩm hay mang tính giáo dục và khuyến khích học sinh bày tỏ lòng tri ân bằng những câu thơ, những đoạn văn ngắn giàu cảm xúc. Làm được như vậy, nó sẽ là kỷ niệm để học sinh nhớ mãi, nhớ không bao giờ quên.

* Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết