Phụ cấp chức vụ hiệu trưởng, hiệu phó theo hạng trường là không công bằng

23/05/2023 06:45
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc quy định mức phụ cấp chức vụ dựa vào phân biệt hạng trường I và II chưa đảm bảo tính công bằng đối với cán bộ lãnh đạo trường.

Căn cứ theo Thông tư 33/2005/TT-BGD&ĐT về hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập, tức là đối với những cán bộ là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (trong đó có bậc mầm non) ngoài mức tiền lương còn được hưởng thêm phụ cấp chức vụ.

Cụ thể theo quy định, đối với các cơ sở giáo dục mầm non hạng I, hiệu trưởng sẽ có hệ số phụ cấp là 0,5 và phó hiệu trưởng là 0,35 còn đối với hạng II hiệu trưởng hưởng hệ số phụ cấp là 0,35 và phó hiệu trưởng là 0,25. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua chia sẻ của lãnh đạo của cơ sở giáo dục cho thấy, việc quy định mức phụ cấp chức vụ dựa vào xếp hạng trường tạo ra sự không công bằng đối với các cán bộ làm công tác quản lý.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Lan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Xá (Bắc Ninh) cho biết hiện cô đang được hưởng mức phụ cấp đối với lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non hạng I với hệ số là 0,5 và phó hiệu trưởng có hệ số phụ cấp là 0,35.

Trường Mầm non Ninh Xá hiện có 20 lớp học và 760 trẻ theo học. Theo quy định về hạng trường, đối với công tác chuyên môn, quản lý cô Lan có 2 phó hiệu trưởng cùng phụ trách, san sẻ công việc và được phân chia nhiệm vụ cụ thể.

Vị Hiệu trưởng này chia sẻ, đối với cấp mầm non ở bất cứ hạng trường nào thì khối lượng công việc của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đều như nhau.

Cô Lan cho hay: “Theo quy định trường hạng I đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố sẽ có 9 lớp trở lên. Như vậy, Trường Mầm non Ninh Xá đang có 20 lớp với số học sinh đông hơn hạng II thì lãnh đạo sẽ có mức phụ cấp cao hơn, hay số lượng phó hiệu trưởng cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, các chức trách nhiệm vụ được giao, công tác chuyên môn của lãnh đạo hai hạng trường lại giống nhau, chỉ khác đơn thuần về số lượng lớp, học sinh”.

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Xá, hiện nay thành phố Bắc Ninh có 32 cơ sở giáo dục mầm non công lập, trong đó chỉ còn duy nhất một trường xếp hạng II với số lượng học sinh ít hơn 100 trẻ.

Theo đó, công việc hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của trường đó có sự tương đồng với 31 trường xếp hạng I. Việc để cùng chung mức phụ cấp bằng nhau đối với quản lý lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non là hợp lý.

Cô Lan lý giải: “Nhắc đến nghề giáo đã thấy sự vất vả, hơn nữa lại là giáo viên mầm non. Bất cứ ai làm việc cũng mong muốn công sức mình bỏ ra được công nhận và khích lệ, động viên thích đáng.

Việc chia phụ cấp theo hạng sẽ xảy đến một số bất cập, hạn chế bởi trên thực tế hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở hạng trường nào cũng đều đảm bảo được chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, kỹ năng tương đương nhau. Đôi khi sự phân chia còn làm mất tính công bằng đối với cấp quản lý”.

Công tác trong ngành giáo dục đã được hơn 20 năm, cô Lan cho biết 2 vị phó hiệu trưởng của trường đều có thâm niên tương đương. Gánh vác trọng trách quản lý của trường, nhưng mức lương bao gồm cả phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên chỉ được vỏn vẹn khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu chi trả phụ cấp theo hạng thì phần nào đó thiệt thòi đối với các trường hạng II.

Theo vị Hiệu trưởng trường, trách nhiệm của người đứng đầu là tham mưu về cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng giảng dạy và huy động trẻ đến trường.

Cô Lan phân tích: “Theo cơ chế hiện nay đang khuyến khích hoạt động tư thục để giảm áp lực cho các trường công lập. Vì vậy mà sự cạnh tranh lại càng lớn. Nếu các trường cứ giậm chân tại chỗ, không đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, làm tốt công tác huy động trẻ đến trường thì sẽ thụt lùi và không hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo đó, muốn phát triển được nhà trường, hiệu trưởng trường hạng II bắt buộc phải làm tốt các công việc đó để được nâng hạng trường. Còn đối với các trường hạng I phải tiếp tục duy trì đảm bảo giữ được hạng, chất lượng giảng dạy. Vì vậy khối lượng công việc, trách nhiệm là ngang bằng nhau.

Từ đó có thể thấy việc cào bằng mức phụ cấp đối với lãnh đạo tại các cơ sở giáo dục mầm non, không theo xếp hạng trường là hợp lý. Bởi khi cảm thấy mức phụ cấp xứng đáng với trách nhiệm, tâm huyết thì những người quản lý sẽ có thêm nhiều nguồn động lực để cố gắng hơn.

Cùng chung quan điểm trên, cô giáo Đỗ Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Nhuế 2 (Hà Nội) bày tỏ quan điểm đồng tình với ý kiến mức phụ cấp chức vụ xét theo vị trí việc làm.

Được biết, Trường Mầm non Cổ Nhuế 2 là trường hạng I với 14 lớp học và 605 trẻ. Theo cô Thu Hằng, “người đứng mũi chịu sào” luôn là người hiệu trưởng kể cả trường hạng I hay trường hạng II.

Cô Hằng lấy ví dụ từ thực tế của bản thân, cô tốt nghiệp đại học ngành sư phạm từ năm 2007 nhưng phải đến năm 2011 mới được vào biên chế và nhận mức lương trung cấp. Tiếp theo, năm 2013 cô Hằng tiếp tục học xong Thạc sĩ nhưng đến tháng 4/2022 mới được xếp lên giáo viên hạng III và nhận lương theo hệ cao đẳng.

Từ đó, cô Hằng bày tỏ quan điểm: “Có rất nhiều giáo viên tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc để đi học, phấn đấu cải thiện chuyên môn. Như vậy trong trường hợp những giáo viên trình độ cao, có kiến thức sư phạm, kinh nghiệm quản lý nhưng làm lãnh đạo ở trường hạng II lại phải nhận mức phụ cấp ít hơn hạng I thì rất bất cập, bất công đối với các người lãnh đạo, giáo viên giỏi”.

Vị Hiệu trưởng nêu thêm, không thể phủ nhận hiện nay có những hiệu trưởng chỉ học đại học, không đào tạo nâng cao trình độ làm lãnh đạo trường hạng I với kinh nghiệm, chuyên môn có khi thấp hơn hiệu trưởng hạng II nhưng được hưởng mức phụ cấp cao hơn. Theo cô Hằng, đây là một điểm nghẽn khiến cho người lãnh đạo giỏi chạnh lòng, chán nản, mất ý chí phấn đấu.

Cô Thu Hằng nhấn mạnh, đặc biệt là với thế hệ trẻ làm nghề, giáo viên mầm non vốn dĩ đã là một nghề rất vất vả, để thu hút được nguồn nhân lực đầu tiên cần đảm bảo chính sách lương, thưởng công bằng, minh bạch.

Nếu một người bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra đi học mà chỉ bằng, có khi thấp hơn những cá nhân “an phận thủ thường” thì càng khó trong việc chiêu mộ những người giỏi, yêu nghề để đứng đầu làm lãnh đạo.

“Phụ cấp là phần rất quan trọng thể hiện sự quan tâm đến người đứng đầu của một cơ sở giáo dục thì cần đảm bảo tính khách quan, hợp lý và công bằng. Nên thực hiện trả lương giáo viên, phụ cấp lãnh đạo theo vị trí việc làm là cần thiết”, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Nhuế 2 bày tỏ.

Trên cương vị là một người lãnh đạo, cô Thu Hằng mong muốn thời gian tới sẽ trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW, xây dựng một mức phụ cấp chức vụ với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để đảm bảo tính công bằng.

Phương Nga