Ra phố gặp Miss, vào ngõ đụng Hoa khôi

04/11/2011 10:26
Chưa bao giờ các cuộc thi nhan sắc trong giới trẻ nở rộ như năm nay, từ cao cấp đến trung cấp, quy mô toàn quốc đến cấp trường, cấp khoa đều có cả.
Hoa mắt với các danh hiệu

Chỉ tính sơ sơ về các cuộc thi sắc đẹp lớn (quy mô phủ sóng rộng) đã có tới trên dưới 10 cái tên: Miss Teen, IMiss Thăng Long, Facelook… Còn các cuộc thi nhỏ cấp trường, cấp khoa thì nhiều vô kể: Miss Kinh tế, Miss Sư phạm, Hoa khôi Nông nghiệp, Hoa khôi Báo chí… “Điểm mặt” các danh hiệu đã khó chứ đừng nói đến nhớ tên các người đẹp.
Chung kết Miss Teen 2011 đang là sự kiện được chú ý đầu tháng 11 này
Chung kết Miss Teen 2011 đang là sự kiện được chú ý đầu tháng 11 này
Nhiều bạn nói đùa, không biết từng ấy cuộc thi, người đâu cho đủ. Nhưng chắc chắn bạn sẽ giật mình khi biết số lượng thí sinh tham dự mà Ban tổ chức thông báo đấy.

"Miss Teen 2011" công bố với báo giới rằng, họ có tới hơn 2.000 thí sinh trên khắp cả nước dự thi. Còn IMiss Thăng Long (Hoa khôi Sinh viên 2011) có tới hơn 100 thí sinh tham dự. Nếu con số ấy là đúng, thì có lẽ băn khoăn "người đâu cho đủ?" phải chuyển thành làm sao đủ cuộc thi để đáp ứng nguyện vọng của hàng nghìn bạn nữ.

Chưa kể điều kiện tham gia các cuộc thi nhan sắc giới trẻ năm nay cũng không quá khắt khe. Thậm chí, có cuộc thi phải hạ thấp yêu cầu và tiêu chí tham gia để thu hút thí sinh. Hầu hết, các cuộc thi chỉ yêu cầu thí sinh cao 1.60m trở lên, ngoại hình ưa nhìn, điểm tổng kết ở mức khá. Cũng không ít cuộc thi chỉ yêu cầu từ mức 6.0đ (học lực trung bình). Điều đó cho thấy ngay từ đầu, tiêu chí về học lực của ban tổ chức không quá khó khăn, thậm chí là dễ dàng cho các thí sinh.

Và câu chuyện của sự... nhạt

Truyền thông đã không ít lần nhắc đến chuyện loạn các danh hiệu và các cuộc thi Hoa hậu. Vậy còn với giới trẻ, tại sao ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp dành cho lứa tuổi này đến thế?

Chuyện hàng loạt các cuộc thi hoa hậu liên tiếp ra đời có lẽ là xu hướng mới trong thời đại phát triển. Mà đã là xu hướng, trào lưu thì tất nhiên sẽ kéo theo hàng loạt các tổ chức thi nhau mở cuộc thi. Nếu như các tổ chức có, thì các trường cũng có chứ. Và nếu trường này có, trường kia cũng không thể không... có gì. Thế nên, nơi nơi phấn khởi tổ chức các cuộc thi vinh danh các gương mặt đẹp và nổi bật.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các cuộc thi Miss, Hoa khôi còn xuất phát từ nhu cầu của chính các thí sinh. Không phải ngẫu nhiên mà ùn ùn các thí sinh từ miền núi đến đồng bằng, từ quê đến phố, từ chưa chồng đến có hai con, đều háo hức đi thi Vietnam's Next Top Model. Không phải ngẫu nhiên, mà số báo danh của cuộc thi Miss Teen lại lên đến con số hàng nghìn. Nhu cầu được thể hiện bản thân và mong muốn nổi tiếng của các nữ sinh là rất lớn. Thậm chí, với nhiều cô gái giàu tham vọng, danh hiệu của một cuộc thi có thể là bàn đạp để họ dễ dàng bước vào thế giới showbiz.
Thanh Hằng vừa đăng quang Miss Xây dựng 2011
Thanh Hằng vừa đăng quang Miss Xây dựng 2011
Sau mỗi chương trình kết thúc, không chỉ các nữ sinh đoạt giải cao được biết đến mà danh tiếng của nhà tổ chức và tài trợ cũng vang xa. Đây phải chăng là một nguyên nhân nữa cho sự xuất hiện dày đặc của các cuộc thi nhan sắc?

Không thể phủ nhận, các cuộc thi sắc đẹp cũng là món ăn tinh thần giúp các bạn trẻ thư giãn, giải trí sau giờ lên lớp. Tuy nhiên, có một sự thật đáng buồn rằng, hầu như khán giả đi xem các cuộc thi này, dù là nam hay nữ, cũng chỉ quan tâm xem thí sinh nào xinh, thí sinh nào xấu.

Chưa kể, tiếng tăm của các hoa khôi, miss nổi như cồn khi đăng quang, thế nhưng sau cuộc thi, đa số đều rơi vào tình trạng bị... quên lãng. Gần như không có nhiều hoạt động xã hội nào gắn kết họ với cộng đồng. Các thông tin cập nhật về các hoa khôi sau cuộc thi hầu như chỉ là những bộ ảnh khoe dáng, lác đác vài bài phỏng vấn về quan điểm, cách sống nhưng lại khá nhạt và trôi tuột đi sau khi đọc.
Danh hiệu IMiss Thăng Long 2011 sẽ là thách thức lớn với tân Hoa khôi Đỗ Thùy Dương (SV ĐH Luật)
Danh hiệu IMiss Thăng Long 2011 sẽ là thách thức lớn với tân Hoa khôi Đỗ Thùy Dương (SV ĐH Luật)
Không ít hoa khôi đăng quang xong cũng lặn mất tăm và họa chăng chỉ xuất hiện trong phần trao vương miện cho tân hoa khôi của năm sau. Điều đó khiến nhiều bạn đặt câu hỏi: thi để làm gì hay chỉ là cho vui?

Chưa kể, quá nhiều cuộc thi sắc đẹp đã làm cho không ít cô gái mới bước vào đời mang ảo tưởng, chỉ muốn trau chuốt hình thức hơn là nâng cao kiến thức bằng con đường học tập. Liệu điều đó có khiến họ quên đi rằng vẻ đẹp thực sự không nằm ở đôi chân dài, gương mặt đẹp mà là ở khối óc và trái tim hay không?

Theo Dân tin