PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM qua đời

05/04/2023 13:32
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Ưu tú Bùi Mạnh Nhị đã từ trần sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, vào hồi 04 giờ 15 phút ngày 05 tháng 4 năm 2023, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Ưu tú Bùi Mạnh Nhị - nguyên Uỷ viên thường trực Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo; nguyên Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nguyên Hiệu trường, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã từ trần sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Bùi Mạnh Nhị (thứ 2 từ trái qua phải). Ảnh: NTCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Bùi Mạnh Nhị (thứ 2 từ trái qua phải). Ảnh: NTCC

Hiện tại, gia đình và nhà trường đang chuẩn bị cho công tác lễ tang.

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Nhị sinh năm 1955 tại Nam Định, là Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1977 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (ngành Văn học), ông công tác tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Học cao học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 ngành Văn học.

Từ năm 1985, ông làm Phó Trưởng Bộ môn Văn học Việt Nam, Khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; bảo vệ luận án tiến sỹ tại Viện Hàn lâm khoa học Nga năm 1992; bảo vệ luận án tiến sỹ khoa học năm 1995 tại Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Nhị thời trẻ. Ảnh: NTCC

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Nhị thời trẻ. Ảnh: NTCC

Từ năm 1996 – 1999, ông làm Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm khoa Ngữ văn tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 1999- 2007 làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 2007 – 2015, ông làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ 2015 đến 2019, ông làm Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước. Từ tháng 2- 2019 ông là giảng viên cao cấp Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thầy Bùi Mạnh Nhị là một người Thầy đáng kính, tư duy định hướng thể hiện rõ tầm nhìn và chiến lược của một nhà sư phạm; phong thái làm việc chắc chắn nhưng nho nhã; quyết liệt nhưng mềm mại… Những ý tưởng, định hướng, kế hoạch phát triển Trường, ngành đều cho thấy tính dự báo và điểm rơi khá phù hợp. Sự gắn kết và tâm huyết của Thầy luôn là điểm tựa quan trọng cũng như là trách nhiệm ngầm mà mỗi thế hệ của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đều trân quý và thực hiện.

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Nhị đã có nhiều tác phẩm xuất bản, như: Sen Tháp Mười (Ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1980; Giáo trình Văn học dân gian, tập 2 (Viết chung), Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1984; Ca dao Dân ca Nam Bộ (Sưu tầm, biên soạn chung, Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1984; Truyện cười dân gian Nam Bộ (Sưu tầm, biên soạn chung), Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1988...

Thầy Bùi Mạnh Nhị còn là tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn các lớp 6, 7 và lớp 10 nâng cao từ năm 2006 đến 2018.

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Nhị đã nhận được nhiều giải thưởng như: Giải Ba Thơ của Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh năm 1980. Năm 2010, ông được phong tặng Nhà giáo Ưu tú; năm 2015, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

  • Thầy Bùi Mạnh Nhị cũng đã có tác phẩm văn nghị luận được đưa vào Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 trong các bộ sách Cánh diều, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021 và Chân trời sáng tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2021.
  • Thầy có nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí Văn hóa dân gian, Nghiên cứu Văn học, báo Văn nghệ, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và các Kỷ yếu Hội thảo khoa học của Bộ Văn hóa, Viện Văn học.
  • Nguyên Phương