PGS.Ngô Như Khoa: "Tự chủ tài chính ở trường đại học mới chỉ ở danh nghĩa"

19/05/2023 06:41
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Chủ trương đưa doanh nghiệp về trường vừa lao động, sản xuất, tạo môi trường thực tập, nguồn thu,...chưa thể thực hiện được do vướng mắc của các luật hiện hành

Tự chủ tài chính là một trong những yếu tố quan trọng và bắt buộc để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện được tự chủ đại học. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đang nỗ lực tháo gỡ từng vướng mắc để thực hiện tự chủ tài chính, tuy nhiên mỗi vấn đề là cả một quá trình rất dài, thậm chí không có kết quả.

Nhìn nhận từ những bài học thực tế của một cơ sở giáo dục đại học trên thế giới mới đây đã phải đóng cửa do một số nguyên nhân như xu hướng tuyển sinh thay đổi, lạm phát, sự sụt giảm của các nhà tài trợ,… Các đại học/trường đại học của nước ta cũng đang phải đứng trước những thách thức này trong tương lai khi thực hiện tự chủ.

Bởi, nguồn thu chính của các trường hiện nay hầu như chỉ dựa vào học phí (chiếm đến hơn 80%). Vấn đề đặt ra, nếu không đa dạng được nguồn thu mà chỉ dựa vào học phí, các trường sẽ đứng trước nhiều nguy cơ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên bày tỏ quan điểm, tự chủ đại học là chủ trương lớn và rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước để có thể mở ra không gian cần thiết và đúng quy luật cho phát triển giáo dục đại học. Và tự chủ tài chính là 1 trong 3 quyền quan trọng trong tự chủ đại học để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển đại học đó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Doãn Nhàn).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên (Ảnh: Doãn Nhàn).

Tuy nhiên, việc thực hiện tự chủ tài chính ở nhiều trường nói chung và đặc biệt ở Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp – một trường thành viên của đại học vùng là Đại học Thái Nguyên vẫn còn gặp không ít vướng mắc, khó khăn.

Thứ nhất, nguồn kinh phí còn hạn hẹp: nguồn kinh phí của trường chủ yếu bao gồm ngân sách nhà nước cấp cho chi thường xuyên (chiếm khoảng 18-20%) và nguồn thu từ học phí (khoảng trên 70%).

Thế nhưng, riêng việc chi cho đội ngũ đã chiếm khoảng 65% tổng các nguồn thu này. Do đó, khó khăn căn bản là tổng thu quá thấp so với nhu cầu chi. Bởi, sau khi chi các khoản bắt buộc gồm: chi cho đội ngũ con người (khoảng 65%), chi học bổng và các hoạt động của sinh viên (khoảng 11%), các phần khác như dành cho chuyên môn, đầu tư phát triển,… quá eo hẹp.

Thứ hai, tính tự chủ trong tài chính của trường hiện nay mới chỉ ở danh nghĩa vì:

Thu học phí phải theo khung quy định và mức thu này đang quá thấp không thể đủ bù đắp cho đào tạo. Học phí theo Nghị định 81 đang ở khoảng 10% so với lương của kỹ sư sau tốt nghiệp, trong khi đó ở các nước tiên tiến thường áp dụng mức học phí theo mức lương kỹ sư sau tốt nghiệp;

Các nguồn thu khác từ người học để hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo là không được phép;

Việc khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường theo hướng xã hội hóa nhằm tăng hiệu quả sử dụng, tăng nguồn thu gặp quá nhiều vướng mắc, về cơ bản không thực hiện được;

Quy định về phân cấp tài chính và sử dụng tài chính còn nhiều vướng mắc, không thông thoáng, làm giảm hiệu quả việc sử dụng nguồn kinh phí vốn đã rất hạn hẹp phục vụ cho chuyên môn, đầu tư phát triển;

Sinh viên của trường chủ yếu đến từ các vùng, địa bàn khó khăn, nên khả năng chi trả cho các dịch vụ gia tăng là rất hạn chế. Do đó việc tăng nguồn thu từ các dịch vụ gia tăng trong trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống sinh viên, tạo thêm nguồn thu cho trường gần như không thực hiện được.

Theo Phó Giáo sư Ngô Như Khoa, việc đa dạng hóa nguồn thu là một trong những nhiệm vụ của trường. Tuy nhiên, dù trường đã và đang nỗ lực tháo gỡ từng vướng mắc để thực hiện nhưng mỗi vấn đề là cả một quá trình rất dài thậm chí không có kết quả như:

Từng bước tinh giản bộ máy, thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và tác nghiệp đảm bảo hiệu lực hiệu quả; ưu tiên bố trí nhân lực để thành lập các đơn vị tự chủ nhằm khai thác tối đa nguồn lực sẵn có trong Nhà trường đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa thúc đẩy phát triển các hoạt động sự nghiệp;

Xây dựng chính sách khuyến khích các đơn vị, giảng viên ký kết và phát triển các hợp đồng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tạo ra công nghệ mới hoặc giải quyết các vấn đề vướng mắc về công nghệ của thực tiễn sản xuất;

Xây dựng và triển khai cơ chế khoán thu, khoán chi cho các đơn vị tự chủ nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, khuyến khích đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, do vướng mắc nhiều quy định về quản lý và sử dụng tài sản công, cũng như ảnh hưởng của đại dịch trong những năm qua nên những giải pháp mà Nhà trường triển khai đến nay cũng chưa có hiệu quả.

Với thế mạnh là trường kỹ thuật, trường có đủ năng lực tham gia vào thị trường đào tạo thường xuyên cho cá nhân, doanh nghiệp. Nhưng là một trường đại học, trường không có chức năng đào tạo cấp chứng chỉ nghề nghiệp trong khi, nếu đào tạo không cấp chứng chỉ lại không tham gia được thị trường này.

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên trong giờ thực hành (Nguồn: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên trong giờ thực hành (Nguồn: Website nhà trường).

Bên cạnh đó, là một trường ở khu vực Thái nguyên, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp có thế mạnh về diện tích đất, thế mạnh về đội ngũ cán bộ, thế mạnh về lượng sinh viên kỹ thuật. Thế nhưng, chủ trương đưa doanh nghiệp về trường vừa lao động, sản xuất, tạo môi trường thực tập, nguồn thu cho sinh viên chưa thể thực hiện được do vướng mắc của các luật định hiện hành.

Để việc tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục đại học được diễn ra thuận lợi hơn, thầy Khoa cho rằng, yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định đó là quan điểm của Nhà nước về đầu tư cho giáo dục đại học. Bởi, đầu tư cho giáo dục là đầu tư trực tiếp cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

"Nếu được đầu tư đúng mức, ví dụ như mức đầu tư của Nhà nước cho trường đang là 21 tỷ đồng/năm cho quy mô 7000 sinh viên (tương đương 3 triệu đồng/sinh viên/năm tức là chỉ tương đương 15 triệu đồng/1 kỹ sư/khoá học), chúng ta đào tạo được kỹ sư chỉ nhận mức lương trung bình 10-15 triệu/tháng;

Trong khi đó, nếu Nhà nước đầu tư đạt mức 50 triệu/sinh viên/năm (cộng học phí khoảng 50 triệu/sinh viên/năm) sao cho tổng mức đầu tư tương đương lương của kỹ sư sau tốt nghiệp, chúng tôi đảm bảo sẽ đào tạo được kỹ sư tốt không thua kém đào tạo tại các nước tiên tiến, họ sẽ nhận lương 20-30 triệu/tháng, dẫn đến đóng góp cho kinh tế xã hội trong 30 năm tăng lên tối thiểu là 5.400 triệu đồng. Vì vậy, theo kinh tế vĩ mô, giá trị mỗi kỹ sư tốt mang lại cho kinh tế xã hội sẽ tăng theo cấp số nhân", thầy Khoa nhấn mạnh.

Mặt khác, về quan điểm xây dựng các quy định về tự chủ tài chính của Nhà nước, theo thầy Khoa, tự chủ tài chính là giao cho các trường công lập quyền tự quyết về các vấn đề liên quan đến thu chi tài chính dựa trên khung quy định, giảm thiểu những ràng buộc hành chính, xin phép các cấp, các ngành.

Do vậy, chúng ta phải làm sao cho việc thu, chi tài chính của các trường công lập tương tự trường tư, sử dụng tài chính được hiệu quả như chính tiền của mình, tránh quan điểm tự chủ tài chính là tự lo tài chính, trong khi đó việc thu, chi và sử dụng, khai thác nguồn lực cơ sở vật chất bị nhiều quy định hạn chế.

Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như sau:

Thứ nhất, cho phép trường được quyết định giá dịch vụ trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết theo khung giá do cấp có thẩm quyền ban hành (Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng định mức).

Thứ hai, trường cần được quyền quyết định việc sử dụng tiền vốn, tài sản gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao và được huy động vốn cho đầu tư qua góp vốn liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế khác để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch đào tạo.

Thứ ba, trường cần được tự quyết định biên chế và trả lương trên cơ sở hiệu quả, chất lượng hoạt động.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên, trong xu hướng nguồn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên cho trường đã rất thấp lại còn giảm dần, mức học phí quy định cũng quá thấp so với nhu cầu chi cho đào tạo chất lượng.

Vậy nên, việc không được tăng học phí trong những năm qua, trường chỉ đáp ứng chi thường xuyên ở mức tối thiểu, các hoạt động chuyên môn phải cắt giảm, việc đầu tư nâng cấp thiết bị thí nghiệm cũng như cơ sở vật chất phục vụ đào tạo không có kinh phí để thực hiện.

Tường San