Nữ nhà giáo tiêu biểu 2024: Lấy tình yêu trẻ, yêu nghề làm kim chỉ nam

Nữ nhà giáo tiêu biểu 2024: Lấy tình yêu trẻ, yêu nghề làm kim chỉ nam

07/12/2024 07:37
Vân Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Nghề giáo tuy không giàu về vật chất, nhưng đời sống tinh thần sẽ được vun đắp. Muốn thành công, chỉ cần lấy tình yêu thương trẻ và tình yêu nghề làm kim chỉ nam.

Với những thành tích xuất sắc và tâm huyết bền bỉ, cô Lê Thị Thương (sinh năm 1972), giáo viên dạy môn Tiếng Việt tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã không ngừng cống hiến, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực và sâu sắc trong công tác giảng dạy, truyền cảm hứng cho thế hệ học sinh.

Cream Minimal Aesthetic Business Name Facebook Cover (4).png

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Thương cho biết: “Từ khi còn nhỏ, tôi đã ước mơ làm giáo viên, nhất là những khi thấy thầy cô đứng trên bục giảng bài, tôi càng thêm khao khát. Tôi muốn dạy học sinh tiểu học, bởi sự ngây thơ trong sáng, dễ thương, ở các em có một nguồn năng lượng đặc biệt.

Ra trường năm 1996, tôi về công tác tại Trường Tiểu học Trưng Vương (nay thuộc xã Xuân Tân, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Đến năm 2007, tôi được điều chuyển về Trường Tiểu học Lý Tự Trọng và công tác cho đến nay. Thoắt cái, cũng đã gần 28 năm tôi gắn bó với nghề”.

1.png

Chia sẻ về những khó khăn trong ngày đầu bước vào nghề, cô Thương nhớ lại: “Lúc mới vào nghề tôi phải đi dạy xa nhà, mọi thứ đều trở nên lạ lẫm. Gia đình còn khó khăn, mẹ mất sớm, lại đông anh em, nên không có điều kiện sắm xe máy, tôi phải đi dạy bằng xe đạp. Nhiều hôm mưa to gió lớn, tôi phải đạp xe cả tiếng vẫn chưa đến nơi... Những lúc như vậy, lòng tôi có chút bâng khuâng, thậm chí đôi lúc thấy nản, muốn bỏ nghề...

Nhưng ba tôi khuyên: “Con ráng cố gắng... Nghề giáo là nghề cao quý, có thể rèn nhân cách, được nhiều người kính trọng. Ba rất vui khi thấy con làm giáo viên”.

Cứ mỗi khi gặp khó khăn, ba lại là người trò chuyện, truyền động lực cho tôi để tôi tiếp tục “giữ lửa” với nghề. Mỗi ngày lên lớp lại được thấy các em trò chuyện, yêu thương, tôi càng thêm yêu quý nghề và cảm thấy mọi khó khăn đều dần tan biến”.

Nữ giáo viên chia sẻ thêm về một kỷ niệm “Vào một dịp ngày 20/11, có một học trò cũ - hiện đang là giáo viên dạy bậc trung học cơ sở, đến thăm tôi. Cô trò nói chuyện vui vẻ, em nhắc lại kỷ niệm hồi học lớp 4: 'Có một bạn làm cô buồn, cô khóc, nhưng cô không trách bạn, cô chỉ nhẹ nhàng dạy dỗ bạn. Em thấy cô thật kiên nhẫn và thương cô rất nhiều, tự nhiên trong lòng em nảy ra một ước nguyện, đó là sau này lớn lên, mình sẽ làm cô giáo như cô...'. Nghe học trò cũ nói vậy, tôi thấy vui và tự hào lắm, vì mình cũng đã “truyền lửa” được cho em.

Hằng năm, có những em học sinh đã thành đạt đến thăm, các em kể về cuộc sống của mình, tôi vui và thầm cảm ơn các em, vì tôi nhận được rất nhiều tình cảm của các thế hệ học trò. Đó cũng có lẽ là món quà ý nghĩa nhất đối với nghề giáo”.

4.png

Mặc dù đã giảng dạy nhiều năm, nhưng cô Thương nhớ nhất một kỷ niệm: “Năm 2008, tôi được phân công vào giảng dạy tại cơ sở 2 của nhà trường (ở khu phố Ruộng Lớn, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh hiện nay) - cơ sở nằm trong làng đồng bào dân tộc Chơ-ro. Các em học sinh phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ít có cơ hội được học tập tại cơ sở chính của trường, nên khi đến lớp thường chỉ được học, mà rất ít khi được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Biết các em thiếu cơ hội được vui chơi, giải trí, tôi mạnh dạn đăng ký cho các em đăng ký tham gia khi nhà trường tổ chức thi văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ban đầu, giáo viên trong khối cũng cảm thấy bất ngờ vì từ trước đến giờ, cơ sở 2 rất ít khi tham gia các hoạt động này. Một phần vì xa xôi, không có phương tiện di chuyển, một phần vì chỉ có một giáo viên phụ trách, khó xây dựng tiết mục.

Thời điểm ấy, các lớp chỉ học buổi sáng, nên cô trò tranh thủ tập vào buổi chiều. Gần đến ngày thi, vì lý do thời tiết, thời gian tập của cô trò không có nhiều, nên phải tăng cường tập cả vào các buổi tối và chủ nhật. Phụ huynh cũng đồng hành, chăm chút cho mấy cô trò suốt những buổi tập. Sau khi buổi diễn văn nghệ kết thúc, cả học sinh lẫn phụ huynh đều bày tỏ niềm vui thích, mong muốn sẽ có thêm những trải nghiệm như vậy. Niềm vui của các em học sinh và sự hỗ trợ của phụ huynh qua lần tập văn nghệ năm ấy khiến tôi nhớ mãi. Đã hơn 15 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đó, lòng tôi lại dâng lên cảm xúc khó tả”.

Cream Minimal Aesthetic Business Name Facebook Cover (3).png

Bằng tình yêu thương và sự tận tâm với nghề, cô giáo Lê Thị Thương đã nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 4 lần được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; 3 lần được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Trong quá trình giảng dạy, cô Thương đã có 4 sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh được Hội đồng Sáng kiến công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh và 14 sáng kiến được công nhận cấp thành phố.

Cô Lê Thị Thương được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú và năm 2023. Đặc biệt, năm 2024, cô Thương là 1 trong 251 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc được vinh danh.

3.png

Một trong những sáng kiến nổi bật của cô Thương là “Công tác chủ nhiệm gắn với việc rèn kỹ năng sống cho học sinh qua các hoạt động giáo dục”.

Chia sẻ về sáng kiến này, cô cho biết, thực tế cho thấy, việc sử dụng các biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh qua các hoạt động trong nhà trường là điều cần thiết, có tác động tốt đến việc rèn kỹ năng sống cho học sinh, tác động tốt đến việc hình thành nhân cách của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học đòi hỏi phải có cả quá trình, bao gồm nhận thức - hình thành thái độ - thay đổi hành vi. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần kiên trì chờ đợi và tổ chức các hoạt động liên tục để học sinh duy trì hành vi mới và có thói quen mới.

Việc rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh tiểu học đòi hỏi phải có sự nhẫn nại và không ngại thử thách. Vì vậy, cần có sự hợp tác từ phía nhà trường và phụ huynh, để định hướng cho trẻ một cách tốt nhất. Việc giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh không chỉ là nhiệm vụ của nhà trường, mà đó còn là trách nhiệm của phụ huynh.

“Về phương pháp giảng dạy, tôi luôn tìm cách điều chỉnh, chọn lựa hình thức tổ chức dạy học linh hoạt phù hợp với năng lực của học sinh, tình hình, điều kiện của lớp học. Tiếp đó, tôi nâng dần yêu cầu, điều chỉnh từ từ, tăng cấp độ khó. Ngoài ra, tôi mạnh dạn đưa ra cách làm riêng, tăng tính tương tác, tạo cơ hội cho học sinh thực hành trải nghiệm” - nữ giáo viên chia sẻ.

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, cô Thương tâm sự: “Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Tôi thầm tự nhủ, mỗi người góp một phần công sức nhỏ sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho địa phương trong công tác phòng chống dịch. Vì thế, tôi cùng gia đình cũng tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Những ngày tháng khó khăn ấy, tôi cùng gia đình đã tham gia trực các chốt kiểm dịch, cập nhật dữ liệu test, nấu ăn hỗ trợ các điểm cách ly, vận chuyển rau xanh và thực phẩm đến tay người dân trong vùng dịch”.

Thầy Lê Ngọc Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết: “Khi có giáo viên được tuyên dương danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu, nhà trường rất vui và phấn khởi. Cô Thương là một giáo viên tiêu biểu trong công tác, luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cô luôn chủ động sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, đem lại hiệu quả thiết thực. Trong các mối quan hệ, cô luôn là người hòa đồng, đoàn kết, yêu thương giúp đỡ mọi người”.

Cô Trần Ngọc Sang, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cũng chia sẻ đầy tự hào về người đồng nghiệp của mình: “Trong 15 năm công tác tại trường, tôi đã được chứng kiến sự nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc và luôn năng nổ trong mọi hoạt động của cô Thương. Ngoài ra, cô Thương cũng luôn là tấm gương tiên phong trong công tác xã hội tại địa phương. Chính nhờ sự lăn xả, không ngại khó khăn, tận tâm với công việc, cô Thương luôn được học sinh và phụ huynh yêu quý”.

2.png

Cô giáo Lê Thị Thương chia sẻ, được tuyên dương Nhà giáo tiêu biểu năm 2024, cô cảm thấy vô cùng vinh dự và biết ơn: “Tôi vui vì những nỗ lực, cố gắng của bản thân luôn luôn được ghi nhận. Bản thân tôi sẽ cố gắng nhiều hơn, ý thức trách nhiệm hơn với nhiệm vụ được giao và sẵn sàng lan tỏa tình yêu nghề...”.

Nữ giáo viên cũng không quên nhắn gửi tới đồng nghiệp trẻ và những ai muốn theo đuổi nghề giáo: “Đến với nghề giáo, tuy không giàu có về vật chất, nhưng chắc chắn, đời sống tinh thần sẽ được vun đắp. Muốn thành công với nghề, chỉ cần lấy tình yêu thương dành cho trẻ và tình yêu nghề làm kim chỉ nam”.

Vân Anh