Nữ hiệu trưởng ở Bà Rịa-Vũng Tàu có bài thơ được đưa vào SGK: Tôi cứ nghĩ là mơ!

16/04/2023 07:38
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài thơ "Người giàn khoan" của cô Vũ Thị Việt Hoa được đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 4 (tập 2) thuộc bộ Cánh Diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM

Bài thơ "Người giàn khoan" được cô Vũ Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) viết ra cách đây hơn 10 năm là một trong số ít các tác phẩm thơ của nhà thơ "tay ngang" được chọn để đưa vào sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chia sẻ với phóng viên về điều này, nữ Hiệu trưởng cho biết, cô đang rất vui mừng khi biết "đứa con tinh thần" của mình được lựa chọn để đưa vào sách Tiếng Việt lớp 4 (tập 2), Bộ Cánh diều.

Cô Hoa cho hay, để bài thơ này ra đời, có nhiều chi tiết để nhớ, nhưng ấn tượng nhất mà cô Hoa còn khắc ghi đến bây giờ là bài thơ này được ấp ủ tròn suốt 3 ngày, 3 đêm và phải "xé nháp" hơn chục lần mới ra được tác phẩm cuối cùng mà cô ưng ý.

Ý thơ ra đời từ câu chuyện của người nhà giàn

Chia sẻ thêm về cơ duyên để bài thơ "Người giàn khoan" ra đời, cô Hoa bộc bạch: "Thời điểm sáng tác bài thơ này tôi vẫn đang là một giáo viên trực tiếp đứng lớp, chưa đảm nhiệm vai trò quản lý như bây giờ.

Có một cơ duyên nữa đó là, tôi từng công tác ở nhiều trường học khác nhau, nhưng ngôi trường tôi giảng dạy và sáng tác bài thơ hồi đó cũng chính là trường mà hiện nay tôi đang làm hiệu trưởng.

Cô Vũ Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, tác giả của bài thơ "Người giàn khoan" được chọn để đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4. Ảnh: NVCC

Cô Vũ Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, tác giả của bài thơ "Người giàn khoan" được chọn để đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4. Ảnh: NVCC

Ngôi trường tôi công tác nằm gần với Công ty bay trực thăng Miền Nam. Hàng ngày, nhìn thấy những chuyến trực thăng nhộn nhịp bay đi bay về giữa đất liền và biển cả để đưa đón đội ngũ kĩ sư, công nhân giàn khoan, trong tôi lại dậy lên nhiều cảm xúc về những con người làm công việc vất vả là khai thác dầu khí ngoài khơi.

Đặc biệt, hôm đó khi tôi đang ngồi cùng chị bạn để đón chồng là người nhà giàn trở vào đất liền. Khi gặp vợ mình, người chồng có chia sẻ về cuộc gặp ngắn ngủi với người bạn đã nhiều năm không gặp trên giàn khoan.

Người chồng kể rằng, vì yếu tố công việc mà cuộc gặp trên sóng nước của hai người đồng nghiệp ngắn đến mức chưa nói được chuyện gì, anh chỉ kịp đưa cho người bạn một chiếc áo phao cứu sinh rồi lại chia tay.

Câu chuyện mà tôi nghe được hôm đó cũng chỉ là một phần tạo nên cảm xúc để sáng tác thơ. Trong dịp đó, công trình tượng đài dầu khí để kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (gọi tắt là Vietsovpetro) cũng vừa khánh thành. Mỗi lần đi qua và ngắm tượng đài, có một điều gì đó mãnh liệt khiến cho hình ảnh về giàn khoan và cảm xúc muốn viết thơ về người nhà giàn lại dâng trào.

Bên cạnh đó, có sự khích lệ của một số bạn bè khuyên tôi nên viết thơ về chủ đề này nên tôi thêm động lực để đặt bút sáng tác, không lâu sau đó tác phẩm đã ra đời".

Chia sẻ thêm với phóng viên, nữ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết, sau đó bài thơ của cô được một người bạn gửi đi tham dự cuộc thi thơ nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Vietsovpetro và cũng đã đạt giải Ba.

Khi ấy, tác phẩm "Người giàn khoan" cũng là một trong rất ít tác phẩm do tác giả không hoạt động trong lĩnh vực dầu khí tham dự và đạt giải thưởng. Trong đó, hai tác phẩm đạt giải Nhất và Nhì đều là do các nhà thơ chuyên nghiệp hoặc người đang công tác trong ngành dầu khí thực hiện.

"Bài thơ của tôi sáng tác cách đây 10 năm, tưởng như đã bị lãng quên nhưng đến nay đã được chọn để đưa vào chương trình dạy học trong sách giáo khoa, nên khi biết được thông tin như vậy không khỏi khiến tôi bị ngỡ ngàng.

Cách đây khoảng 4 tháng, có người bên Vietsovpetro gọi điện cho tôi và báo rằng, sắp tới Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 sẽ gọi điện để trao đổi về việc này.

Sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại của thầy Thuyết và thầy cũng có trao đổi về ý tưởng muốn đưa một ngành năng lượng, ngành mũi nhọn vào trong sách giáo khoa. Thầy Thuyết cũng nói rằng, thầy đã đọc bài thơ của tôi và cảm thấy phù hợp", cô Hoa bộc bạch.

Nữ Hiệu trưởng cho biết thêm, sau đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gửi về tận tay cho cô cuốn sách giáo khoa có bài thơ của mình trong đó. Khi ấy, cô mới thực sự tin rằng "đứa con tinh thần của mình" được được vào trang sách giáo khoa hoàn toàn là sự thật vì trước đó cứ ngỡ nó chỉ là "giấc mơ".

Cô Hoa nói, cảm xúc lúc đó là một cái gì đó không thể diễn tả được cũng không thể nói ra bằng lời.

"Cả gia đình tôi sau khi biết được điều này, ai nấy cũng bất ngờ và vui mừng vì không ngờ một tác phẩm thơ của một nhà thơ "tay ngang" như tôi lại được lựa chọn.

Ngay chính bản thân tôi cũng rất vui khi mình đã có đóng góp một chút nào đó cho nội dung chương trình học và có cơ hội được chung tay cùng với ngành giáo dục trong việc thực hiện đổi mới sách giáo khoa", cô Hoa chia sẻ thêm.

Ước muốn một lần đặt chân lên giàn khoan sắp thành hiện thực

Chia sẻ thêm câu chuyện về bài thơ "Người giàn khoan" cô Hoa cho biết: "Có thể khi đọc bài thơ do tôi sáng tác, nhiều người nghĩ rằng đó là cảm xúc dâng trào cùng với trải nghiệm thực tế của một người đã từng đứng chân trên giàn khoan, nhưng thực tế tôi chưa một lần được đến đó.

Từ những hình ảnh và câu chuyện tôi bắt gặp liên quan đến cuộc sống của các cán bộ nhà giàn, tôi đồng cảm và thấy trân trọng sự hy sinh, vất vả của những con người đó, những ý thơ cứ thế tuôn ra. Vì thế, một lần đặt chân, bước đi trên giàn khoan để thấy cảnh lao động, sinh hoạt của các cán bộ nhà giàn ra sao cũng là ước muốn của tôi.

Bài thơ "người giàn khoan" trong bản mẫu được Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh công bố. Ảnh: hoc10.vn

Bài thơ "người giàn khoan" trong bản mẫu được Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh công bố. Ảnh: hoc10.vn

Cách đây ít ngày, có một số cán bộ của ngành dầu khí đã về hưu đến trường tôi cùng với lá thư tay với nội dung rằng "biết ơn cô giáo" vì đã có bài thơ cho cộng đồng hiểu rõ hơn về cuộc sống của những con người ngày đêm làm việc trên giàn khoan.

Ngoài ra, họ nói sẽ làm đơn đề nghị gửi tới lãnh đạo của Vietsovpetro và cùng tôi thực hiện một vài điều. Thứ nhất, là mời tôi một lần đặt chân lên giàn khoan dầu khí. Thứ hai, sẽ mời nhạc sỹ phổ nhạc cho bài thơ của tôi".

Đánh giá về việc này, cô Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Sau khi biết thông tin về bài thơ của cô Hoa được được đưa vào sách giáo khoa, ngành giáo dục cũng đã chia sẻ niềm vui này với tác giả. Sáng hôm sau, nhà xuất bản cũng gửi về Sở cuốn sách giáo khoa có bài thơ đó và chúng tôi cũng gửi về cho cô Hoa một cuốn.

Với nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới, khi đưa chương trình giáo dục địa phương phù hợp với từng vùng miền vào giảng dạy thì việc Bà Rịa - Vũng Tàu có một tác phẩm của giáo viên trong tỉnh được góp mặt vào bộ sách chung như thế là một điều vinh dự.

Điều này có thể khẳng định được tâm huyết của giáo viên khi đang sống và làm việc trên địa bàn. Chúng tôi cũng hy vọng những điển hình như vậy sẽ được nhân rộng và lan tỏa".

Cô Châu cũng nêu quan điểm về việc, hiện đang có 2 bộ sách giáo khoa phục vụ cho công tác giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới là bộ Chân trời sáng tạo và bộ Cánh Diều. Việc lựa chọn bộ sách giáo khoa để phục vụ cho công tác giảng dạy trong năm học 2023 - 2024 cũng đã được tỉnh này thực hiện.

Vị này nhận định, nếu trong trường hợp năm học 2023 - 2024, bộ sách giáo khoa tỉnh này lựa chọn không phải là bộ Cánh Diều có bài thơ "Người giàn khoan" thì bộ sách đó vẫn là nguồn tài liệu tham khảo được học sinh trên địa bàn tỉnh này đón nhận.

"Việc lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào sử dụng tại địa phương cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chí quy định để đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thực tế của địa phương.

Tất nhiên, không phải vì có một bài thơ của một giáo viên trong tỉnh được đưa vào sách giáo khoa mà địa phương "ưu tiên" lựa chọn bộ sách đó, vì nó phải đảm bảo tuân thủ theo quy trình thực hiện lựa chọn sách.

Địa phương cũng khuyến khích học sinh tìm hiểu kiến thức thông qua các tài liệu tham khảo. Tôi nghĩ rằng, điều gì cần thiết, gần gũi với cuộc sống tại địa phương thì chắc chắn các em cũng sẽ tìm đọc.

Sách giáo khoa có bài thơ "Người giàn khoan" cũng vậy, nó là thiết thực và ý nghĩa nên có thể nhiều học sinh sẽ chọn để làm tư liệu tham khảo. Bởi lẽ, không ít học sinh trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có cha hoặc mẹ công tác tại các giàn khoan " cô Châu thông tin thêm.

Trung Dũng