Nữ đảng viên xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội

03/02/2023 06:41
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Phạm Thùy Dung (23 tuổi, Yên Bái) xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa 2018 - 2023 của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Với điểm trung bình tích lũy 3.64/4.0, Phạm Thùy Dung (23 tuổi, Yên Bái) trở thành thủ khoa đầu ra toàn khóa 2018 - 2023 của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Phạm Thùy Dung (23 tuổi, Yên Bái). Ảnh: NVCC

Phạm Thùy Dung (23 tuổi, Yên Bái). Ảnh: NVCC

Ấn tượng với màu áo xanh thiên thanh của kiểm sát viên

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Dung kể, bản thân có niềm yêu thích với ngành Luật. Đặc biệt, Dung đã bị thu hút mạnh mẽ bởi hình ảnh của một nữ kiểm sát viên với màu áo xanh thiên thanh - màu sắc sáng, đẹp, giản dị, đại diện cho niềm tin và hy vọng. Hình ảnh cô gái đó đứng đọc bản cáo trạng tại phiên tòa xét xử để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự khiến Dung vô cùng ấn tượng.

Sau đó, nữ sinh đã tự tìm hiểu về đặc thù công việc của kiểm sát viên và thấy vô cùng hứng thú. Chính vì vậy, Dung quyết định chọn học ngành Luật tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội để thực hiện ước mơ của mình.

Sớm xác định được ngành và trường dự định theo học sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông nên cô gái quê Yên Bái đã lên kế hoạch để được tuyển thẳng vào trường.

“Em đã nỗ lực học tập và giành được giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý năm lớp 11 và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Trải qua hơn 4 năm học tại ngôi trường này, em thấy quyết định của mình thật đúng đắn, sau những cố gắng không ngừng, em đã nhận được thành quả xứng đáng”, Dung nói.

Là người luôn lên kế hoạch, đặt mục tiêu với từng thời kỳ, ngay từ khi mới vào đại học, Dung đã ý thức phải học tập tốt, nghiêm túc để trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc kiểm sát viên trong tương lai. Mặc dù, thành tích thủ khoa đầu ra đại học là điều nữ sinh từng nghĩ tới trong quá trình lên kế hoạch, đặt mục tiêu học đại học khi mới là sinh viên năm nhất nhưng cùng khóa có nhiều sinh viên học tốt, lại năng nổ các hoạt động phong trào, nên Dung không dám kỳ vọng quá cao.

Do vậy, khi nhận danh hiệu thủ khoa xuất sắc, được thay mặt các bạn sinh viên cùng khóa gửi lời cảm ơn tới nhà trường, Dung cảm thấy vinh dự, tự hào, xúc động. Đây cũng chính là động lực vô cùng to lớn để cô gái 23 tuổi cống hiến sức trẻ và trí tuệ cho ngành Kiểm sát nhân dân, góp một phần công sức nhỏ bé của mình để đưa ngành ngày càng phát triển vững mạnh.

Phạm Thùy Dung bày tỏ niềm vinh dự, tự hào tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Phạm Thùy Dung bày tỏ niềm vinh dự, tự hào tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

“Học thầy không tày học bạn”

Chia sẻ về phương pháp học tập, Dung cho hay, trước khi lên lớp, nữ sinh sẽ đọc trước bài, có thể lên mạng tìm thêm tài liệu. Quan trọng nhất, cô ghi chép những điều giảng viên nói, không chỉ là những kiến thức trên slide mà còn là những lưu ý mà thầy cô nhấn mạnh mỗi buổi học vì cho rằng những điều thầy cô nhấn mạnh thường xuất hiện trong đề kiểm tra.

Về nhà, Dung dành thời gian đọc lại bài, mở rộng và hiểu sâu vấn đề bằng cách tìm đọc thêm những cuốn bình luận, sách, báo, tạp chí, luận án, luận văn trong và ngoài trường.

Trước mỗi kì thi, Dung sẽ hệ thống lại tất cả kiến thức bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy và học thuộc các ý chính quan trọng trước. Điều này giúp nữ sinh không bị quên kiến thức, bài làm đủ ý và chất lượng hơn.

Dù duy trì được điểm số cao ở các môn, tuy nhiên đối với Dung vẫn có môn học “khó nhằn” khiến nữ sinh phải đầu tư khá nhiều thời gian, công sức.

“Môn học em cảm thấy khó nhất là Tư pháp hình sự so sánh. Môn học này đòi hỏi sinh viên phải nắm được nguồn kiến thức sâu rộng về pháp luật hình sự của các quốc gia trên thế giới.

Để vượt qua môn học này, em đã chủ động liên hệ với giảng viên để xin thêm tài liệu học tập. Khi gặp những kiến thức còn thắc mắc, em cũng tranh thủ hỏi trực tiếp giảng viên tại lớp để nhờ cô giải thích kĩ hơn. Bên cạnh đó, em luôn quan niệm “học thầy không tày học bạn” vì vậy, em và một số bạn trong lớp đã thành lập nhóm học tập để trao đổi kiến thức và giúp đỡ nhau trong suốt quá trình học. Thật may mắn là em đã được điểm A môn học này”, Dung cho hay.

Nhớ lại hơn 4 năm học ở Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Dung kể, khoảng thời gian khó khăn nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà trường tổ chức cho sinh viên học tập trực tuyến. Do bản thân Dung đã quen với việc học trực tiếp nên khi học qua các phần mềm, nữ sinh dễ bị mất tập trung, lượng kiến thức tiếp thu được không nhiều, không hiệu quả. Nhận thấy vấn đề, ngay sau đó, Dung đã tìm cách khắc phục bằng cách tắt hết thông báo của các thiết bị điện tử như Facebook, Zalo để không bị phân tâm và chọn cho mình một không gian học tập yên tĩnh hơn.

Chính vì vậy, kể cả khi học tập trực tuyến hay trực tiếp, điểm số các môn học của Dung trong suốt 4 năm rưỡi không biến động quá nhiều và luôn duy trì điểm tốt.

Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện

Chia sẻ về kỉ niệm thời sinh viên, Dung nói, hành trình tham gia nghiên cứu khoa học vào năm thứ 2 đại học là kỉ niệm đáng nhớ nhất.

“Với đề tài: “Nhận thức của học sinh trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội về xâm hại tình dục trẻ em”, nhóm em đã tổ chức những buổi giao lưu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các em học sinh tại một số trường trung học cơ sở trên địa bàn quận Hà Đông và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Khi không được tổ chức trực tiếp do dịch bệnh, nhóm vẫn tiếp tục có những buổi dạy trực tuyến cho các em học sinh kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục trẻ em thông qua ứng dụng Zoom.

Với sự cố gắng của cả nhóm, đề tài đã lọt vào vòng Chung kết Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học Euréka tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11/2020. Nhờ sự chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng, đề tài đã đạt giải Ba trong lĩnh vực xã hội và nhân văn, được nhận Bằng khen của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh và Bằng khen của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”, Dung nói.

Không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, giành nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học, Dung còn rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ do nhà trường, đoàn trường và các câu lạc bộ tổ chức.

Đó cũng là cơ sở để Dung hoàn thành mục tiêu vào Đảng của mình vào tháng 12/2021.

Phạm Thùy Dung và cô chủ nhiệm tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Phạm Thùy Dung và cô chủ nhiệm tại lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

“Điều may mắn nhất trong quá trình học tập là em luôn nhận được sự ủng hộ tuyệt đối và khích lệ tinh thần của gia đình; được theo học các giảng viên có chuyên môn, nghiệp vụ cao. Bên cạnh đó, tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, em có cơ hội gặp được rất nhiều người bạn tốt đến từ mọi miền Tổ quốc - những người đã luôn đồng hành và sát cánh cùng em trong suốt 4 năm rưỡi là sinh viên”, Dung bày tỏ.

Sau khi tốt nghiệp, Dung dự định sẽ theo học thạc sĩ tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Sau đó, nữ sinh sẽ làm hồ sơ xét tuyển vào ngành Kiểm sát để thực hiện ước mơ được khoác lên mình màu áo xanh công lý mà bản thân đã mong đợi bấy lâu nay.

Anh Trang