Niềm hạnh phúc của một nhà khoa học là khi có được những phát hiện thú vị

03/12/2022 06:35
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kết quả nghiên cứu là sự phối hợp của các nhà khoa học, từ việc tìm ra các hoạt chất, đánh giá cơ chế để nâng cao giá trị của các nguồn dược liệu quý .

Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng (sinh năm 1980) - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư ngành Hóa học năm 2022.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hải Đăng cho biết, niềm đam mê nghiên cứu của anh bắt đầu từ năm cuối đại học. Khi ấy, chàng sinh viên ngành công nghệ sinh học của Viện Đại học Mở Hà Nội bắt đầu thực tập tốt nghiệp tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Đỗ Ngọc Liên.

Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng gắn bó với hoạt động nghiên cứu về nguồn hoạt chất từ thực vật Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng gắn bó với hoạt động nghiên cứu về nguồn hoạt chất từ thực vật Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

“Tôi tham gia nghiên cứu về bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ, tìm các cây thuốc có khả năng chữa bệnh như cây thầu dầu, tìm cơ chế tác động lên đối tượng cá trắm cỏ. Tôi đã đến Viện nuôi trồng thủy sản I thử mô hình ở ao cá, xem mẫu cá bệnh và mẫu cá thường khác nhau như thế nào. Dù công việc khá vất vả nhưng rất thú vị và càng hấp dẫn tôi khi tìm ra được một phần cơ chế bệnh học.

Quyết định theo con đường nghiên cứu, sau khi tốt nghiệp, tôi sang Hàn Quốc học thạc sĩ chuyên ngành Hóa dược.

Sau đó, tôi trở về làm việc tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), rồi nhận được học bổng chương trình đào tạo xuất sắc của Chính phủ Đức, trở thành nghiên cứu sinh chuyên ngành Hóa sinh tại Trường Đại học Friedrich-Schiller Jena”, Phó Giáo sư Đăng cho biết.

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đức, thầy Đăng trở về Việt Nam và mong muốn có thể trở thành cầu nối các nhà hóa học với các nhà sinh học. Vì ở nước mình, mối liên kết này chưa thực sự khăng khít. Các nhà hóa học làm việc với các hợp chất, có rất nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu cấu trúc phức tạp nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển các hợp chất đó theo định hướng hoạt tính, trong khi đó các nhà sinh học có thể xây dựng các phép thử hoạt tính, nghiên cứu sâu về cơ chế tác động nhưng lại không có nhiều hoạt chất để thử nghiệm.

“Tôi muốn làm cầu nối giữa ngành hóa và ngành sinh, xây dựng hệ thống thử hoạt tính sinh học theo cơ chế, khi phát hiện chất có hoạt tính tốt thì sẽ nghiên cứu thêm về cơ chế để chứng minh được cơ chế đó hoạt động như thế nào, tìm cách nâng cao giá trị của nó. Cơ chế được đánh giá tốt thì hoạt chất đó sẽ có cơ hội được tiếp tục phát triển các nghiên cứu trên chuột, trên thỏ, nếu kết quả khả quan có thể nghiên cứu lâm sàng.

Nghiên cứu cơ chế bao giờ cũng phức tạp và tốn kém, tốn kém về cả thời gian lẫn tiền bạc, việc đánh giá cơ chế ở Việt Nam chưa được thực hiện nhiều, tôi muốn phối hợp với các nhà hóa học, khi họ có chất mang hoạt tính thì sẽ nâng cao giá trị của chất đó lên và thậm chí phát triển thành thuốc".

Con đường nghiên cứu khoa học không bao giờ thẳng băng và thông suốt

Với Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng, niềm hạnh phúc của một nhà khoa học là khi có được những phát hiện thú vị, tìm ra được những chất, hợp chất có khả năng chữa bệnh ở một số loài thực vật, dược liệu.

Khi còn công tác ở Viện Hóa sinh biển – thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, thầy làm đề tài về các hợp chất từ các loài nấm lớn. Sau khi phối hợp với Phó Giáo sư Nguyễn Phương Đại Nguyên thu thập được hơn 30 loài nấm dược liệu khác nhau, thầy đã có một phát hiện thú vị về linh chi (Ganoderma lucidum), một loài nấm rất phổ biến với nhiều tác dụng. Tuy nhiên, hoạt tính chống loãng xương của một số hợp chất rất mạnh phân lập từ nấm linh chi thì mới lần đầu tiên được nhóm nghiên cứu của Phó Giáo sư công bố.

Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng chia sẻ mong muốn làm cầu nối giữa ngành hóa học và ngành sinh học. (Ảnh: Nguyên Phương)

Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng chia sẻ mong muốn làm cầu nối giữa ngành hóa học và ngành sinh học. (Ảnh: Nguyên Phương)

Nghiên cứu về hoạt tính kháng viêm của cây bá bệnh (Eurycoma longifolia) – loài cây được biết đến với công dụng bổ thận, tráng dương, thầy Nguyễn Hải Đăng đã phát hiện ra một chất có tác dụng rất mạnh. Cơ chế kháng viêm thông qua tác động độc đáo của hợp chất này đã được chứng minh. Các kết quả này đã được đăng tải trên các tạp chí uy tín quốc tế và được cấp bằng độc quyền sáng chế ở Hàn Quốc. Cũng theo hướng này, Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng còn có một số đề tài nghiên cứu với những phát hiện quan trọng như tách được các hoạt chất kháng viêm và chứng minh cơ chế tác động từ một số loài cây thuộc chi Sa nhân (Amomum)…

Và mới đây, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do thầy Đăng làm chủ nhiệm đề tài đã chiết xuất thành công các hoạt chất có tác dụng chống loãng xương từ cây đinh lăng, bướm bạc, vót vàng nhạt,… Từ thực nghiệm đánh giá hoạt tính trên tế bào, các nghiên cứu về cơ chế đã giúp hiểu sâu hơn về tác động của các hợp chất tiềm năng trên các đích sinh học. Từ đó, định hướng các nghiên cứu tiếp theo trên chuột.

Quá trình thực hiện một số đề tài giúp hình thành một nhóm nghiên cứu có sự phối hợp giữa các nhà khoa học về hóa học và sinh học. Từ đó có sự ra đời của nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Trên cơ sở vận hành nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm các nguồn hoạt chất tiềm năng có dược tính cao, hướng đến các hoạt tính như chống loãng xương, chống viêm và chống ung thư.

Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng tâm sự: “Con đường nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng thẳng băng và thông suốt, không phải đề tài nào cũng sẽ chạm đến thành công.

Thời gian làm nghiên cứu sinh ở Đức, tôi đã mất 2 năm đầu để xác định được hướng đi chuẩn nhất cho mình, và chỉ có một năm cuối để hoàn thiện. Thời điểm đó, tôi nghiên cứu cơ chế tương tác của protein – một nghiên cứu mang tính chất cơ bản nhưng không tìm được, và cuối cùng đến cuối năm thứ hai, tôi mới tìm ra cách để đánh giá được cơ chế này.

Trong mỗi nghiên cứu, mỗi thời điểm sẽ có những khó khăn riêng nhưng quan trọng là phải biết cách khắc phục những khó khăn đó để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu”.

Trở thành Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội năm 38 tuổi, vừa làm công tác quản lý giáo dục, thầy Nguyễn Hải Đăng vừa kiên trì, nỗ lực trên hành trình nghiên cứu khoa học, song song với công tác giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Chia sẻ về hành trình tương lai, thầy Đăng cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu của mình, tiếp tục công tác giảng dạy và nỗ lực trong công tác quản lý để đưa Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có nhiều bứt phá về chất lượng đào tạo.

Nhắn gửi tới các sinh viên, nghiên cứu sinh, thầy Nguyễn Hải Đăng kỳ vọng, các bạn trẻ sẽ luôn luôn cố gắng, giữ niềm tin vào con đường mình chọn. Làm khoa học có nhiều khó khăn nhưng phải nỗ lực phấn đấu, quan trọng nhất là tạo tính tự lập trong công việc, phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, kiên trì với con đường của mình để bước tới thành công.

Nguyên Phương