Những câu chuyện buồn về quyền lực của phụ huynh

16/05/2019 06:10
Trúc Mai
(GDVN) - Có lẽ ý thức được “sức mạnh” của mình nên phụ huynh vẫn thường hay hăm dọa giáo viên “Cô (thầy) muốn mất dạy à?”...

Giận giáo viên, hay bức xúc điều gì đó, một số phụ huynh hiện nay thường dùng mạng xã hội để trút giận.

Có người lại làm đơn kiện hết cấp này đến cấp khác gây biết bao phiền toán cho thầy cô.

Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh ngày càng xấu đi (Ảnh minh họa: thptnguyendu.edu.vn).
Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh ngày càng xấu đi (Ảnh minh họa: thptnguyendu.edu.vn).

Chỉ cần một thông tin trên mạng (câu chuyện có ít nhưng người viết xít ra nhiều) thì lập tức có hàng trăm lời bình luận (chưa cần kiểm chứng) nhảy vào quy kết, chửi rủa, và lăng nhục.

Chỉ cần có tờ đơn tố cáo giáo viên được chuyển đi thì những thầy cô giáo ấy sẽ “lên bờ xuống ruộng” vì tội làm ảnh hưởng danh tiếng của nhà trường.

Cái câu nói “chờ được vạ thì má đã sưng” luôn đúng trong những tình huống này.

Bất kể chuyện xích mích gì xảy ra giữa giáo viên và phụ huynh thì thầy cô luôn là người chịu thiệt thòi nhất.

Bởi, nhà trường thường muốn xoa dịu dư luận, làm hạ nhiệt cơn giận dữ, bốc đồng của một số phụ huynh bằng cách duy nhất ra quyết định xử phạt giáo viên của mình.

Có lẽ điều này, càng làm cho không ít phụ huynh ngộ nhận về uy thế, quyền lực của chính mình.

Lòng tôn sư trọng đạo đã mai một khi có không ít phụ huynh cho rằng chính họ đang nuôi giáo viên bằng những khoản tiền đóng học phí cho con hàng tháng.

Từ khi nào, nghề giáo bỗng trở thành một nghề nguy hiểm?

Họ luôn mặc định, bỏ tiền ra nên phải có quyền được đòi hỏi, được hạch sách.

Và dù là giáo viên vẫn phải phục tùng tuyệt đối những yêu cầu ấy.

Một lần, được trực tiếp nghe câu chuyện từ một người bà con kể về chuyện con bạn đi học bị té ngã trong giờ ra chơi.

Những giáo viên như tôi cảm thấy bị tổn thương nặng nề và buồn tê tái cho cái nghề của mình.

Cô bạn có con học tại một trường tư thục ở thành phố Hồ Chí Minh.

Hôm ấy, đưa con đến trường, vài tiếng sau bạn nhận được cuộc điện thoại của nhà trường thông báo trong giờ ra chơi con bạn bị té giập môi.

Bạn nói, mới nghe đã thấy máu sôi trong đầu “Mình đóng tiền nuôi họ, mà chỉ việc giữ con mình cũng không xong”.

Tức tốc chạy qua trường định bụng sẽ làm cho mấy cô giáo một trận nên hồn.

Nhưng khi bước chân đến trường, bạn thấy giáo viên của trường (có cả Ban Giám hiệu) xếp thành 2 hàng dài đứng trước cửa lớp.

Bạn đi đến đâu, họ cúi chào cùng câu nói “Mong phụ huynh bỏ qua. Chúng tôi thành thật xin lỗi”.

Bạn tôi nói lúc ấy thật sự bất ngờ và thấy thương giáo viên nên mình đã bỏ qua và không truy cứu nữa.

Một câu chuyện khác cũng buồn không kém. Có một cậu bé học trò lớp Lá khá hiếu động.

Hiệu trưởng bỏ mặc cô giáo quỳ nói không biết nhóm phụ huynh có bức xúc

Cũng giờ ra chơi, cậu chạy va vào cánh cửa lớp bầm u một cục ngay giữa trán.

Cô giáo đã xoa dầu, chườm đá cho khỏi sưng.

Chẳng biết về nhà cậu bé nói sao, ba cậu bé hùng hổ (cùng mấy người bạn) lao vào trường mắng chửi giáo viên không tiếc lời, họ còn vu cho cô giáo đã đánh con mình.

Khi giáo viên nhất quyết không nhận, phụ huynh lao vào đòi đánh, đòi kiện…trước sức ép ấy, hiệu trưởng khuyên giáo viên của mình nhận đã đánh bé và đến nhà xin lỗi để họ không làm lớn chuyện.

Nhà trường cũng không bảo vệ được giáo viên mà còn gây áp lực:

“Trường đang trong giai đoạn công nhận chuẩn quốc gia, để họ làm lớn chuyện, công lao sẽ đổ sông đổ biển, cô có gánh được không?”

Dù uất ức nhưng cô giáo ấy vẫn phải đến tận nhà phụ huynh xin lỗi để họ bỏ qua không kiện cáo nữa.

Có lẽ ý thức được “sức mạnh” của mình nên phụ huynh thường hăm dọa giáo viên “Cô (thầy) muốn mất dạy à?”;

“Tôi sẽ kiện lên phòng, lên sở xem thầy cô có được yên không?” hay những lời hăm dọa nặng nề hơn “Chỉ một đơn kiện của chúng tôi thì thầy cô về nhà cuốc ruộng nhá”…

Một số phụ huynh hành xử thiếu văn hóa nhưng không ít giáo viên cũng phải nhìn nhận lại mình.

Thu phục lòng tin yêu của phụ huynh nên bằng chính cái tâm, lòng nhiệt huyết của người thầy.

Khi phụ huynh và cha mẹ học sinh "đối đầu" thiệt thòi nhất vẫn là các em gánh chịu.

Thay vì "đối đầu" hãy tìm tiếng nói chung, khi thầy cô và phụ huynh có sự thấu hiểu, đồng cảm thì việc giáo dục học sinh cũng thuận lợi hơn nhiều.

Trúc Mai