Nhà trường và phụ huynh cần giúp học sinh “vẽ” ước mơ đúng với năng lực

11/11/2022 13:44
Bài và ảnh: Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo diễn giả, nhà văn Hoàng Anh Tú, nhà trường và phụ huynh cần giúp học sinh hiểu rõ hơn về ước mơ và “vẽ” ra ước mơ phù hợp với năng lực, trình độ của mình

Sáng ngày 11/11, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phối hợp tổ chức hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Hội thảo diễn ra với sự tham gia của nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú - “Anh Chánh Văn” nổi tiếng của báo Hoa Học Trò một thời, đã thu hút hơn 1.200 học sinh và sự quan tâm của các thầy cô, phụ huynh học sinh.

Ông Nguyễn Minh Vỹ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn cho biết rất kỳ vọng buổi hội thảo sẽ tăng cường sự gắn kết, sẻ chia giữa nhà trường, thầy cô với học sinh và phụ huynh, thông qua những câu hỏi, những chia sẻ liên quan đến các băn khoăn về định hướng trong tương lai.

Ông Nguyễn Minh Vỹ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phát biểu.

Ông Nguyễn Minh Vỹ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) phát biểu.

Tại hội thảo, trong vai trò diễn giả, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ thiết thực về những định hướng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh, cũng như cơ hội và thách thức trên con đường khởi nghiệp.

Sau khi chia sẻ, nhiều học sinh đã có dịp tương tác, bày tỏ những băn khoăn, tò mò của mình đối với cơ hội tiềm năng và khả năng đáp ứng nghề nghiệp, để nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú hỗ trợ giải đáp.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ với học sinh về định hướng nghề trong tương lai.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ với học sinh về định hướng nghề trong tương lai.

Chia sẻ với phóng viên, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết: “Đây là một buổi đánh giá lại những ước mơ của các em học sinh. Hiện nay, có một thực trạng, các em không biết mình ước mơ, không có định hướng thực sự của riêng mình, không biết sau này mình sẽ làm gì, tất cả đang vô tình bị cuốn theo định hướng của cha mẹ.

Thậm chí, có những em có thể đã mường tượng được ước mơ sẽ làm công việc gì, nhưng lại không biết công việc đó sẽ diễn ra như thế nào, sẽ vận hành ra sao, tức là còn mơ hồ với rất nhiều thứ.

Chính vì vậy, thông qua buổi nói chuyện hôm nay, tôi muốn thức tỉnh các em học sinh.

Cách mạng 4.0 thoạt đầu nghe thì có vẻ to tát, nhưng thực tế, là chúng ta phải gạt bỏ suy nghĩ cũ, hướng đến suy nghĩ mới. Bản chất trong giai đoạn này là sự kết nối, đa nhiệm, học tập suốt đời, đa dạng hóa hình thức học tập...

Và điều mà tôi ưng ý nhất hôm nay chính là chia sẻ với các em, thúc giục sự trải nghiệm của các em học sinh nhiều hơn; đồng thời, chia sẻ với phụ huynh để tránh tình trạng ước mơ một đằng, năng lực một nẻo. Cha mẹ phải làm thế nào để ước mơ của các con đúng với năng lực.

Tức là khuyến khích các con trải nghiệm với cuộc sống năng lực 4.0 đa nhiệm, cùng lúc làm nhiều công việc khác nhau, chú trọng nhiều kỹ năng, như kỹ năng làm việc nhóm, lãnh đạo, trí tuệ cảm xúc, giao tiếp ứng xử... chính là các khả năng tồn tại trong một xã hội đầy biến động”.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo, nhiều em học sinh đã chia sẻ câu chuyện của riêng mình.

Một nam sinh tên Hùng chia sẻ ước mơ học nấu ăn, nhưng lại không biết được định hướng cụ thể sẽ làm việc ở đâu, công việc cụ thể thế nào, mức lương bao nhiêu... Hình dung về “nấu ăn” của Hùng chỉ đơn giản như nấu một bữa cơm gia đình, hoàn toàn chưa có hoạch định lộ trình cho tương lai, rằng học xong sẽ làm gì...

Em Hùng - học sinh lớp 12 chia sẻ về ước mơ học nấu ăn.

Em Hùng - học sinh lớp 12 chia sẻ về ước mơ học nấu ăn.

Em Trần Thu Thảo - học sinh lớp 12A1 chia sẻ, em có ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Thảo đã bước đầu có những sự chuẩn bị như học thêm ngoại ngữ, tìm hiểu về các vùng đất du lịch, xây dựng kế hoạch viết các bài thuyết trình du lịch, trải nghiệm hướng dẫn viên...

Diễn giả Hoàng Anh Tú lắng nghe những chia sẻ của học sinh và đưa ra những lời khuyên.

Diễn giả Hoàng Anh Tú lắng nghe những chia sẻ của học sinh và đưa ra những lời khuyên.

“Thoạt đầu, nghe có vẻ ổn, nhưng chỉ ổn với cách mạng 3.0. Những điều đó hoàn toàn bị đe dọa bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo AI...

Với Hùng, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật in 3D hoàn toàn có thể phục vụ một bữa ăn ngon cho mọi người, vậy vai trò của Hùng nằm ở đâu?

Với Thảo, người ta hoàn toàn có thể đi du lịch không cần hướng dẫn viên khi đã có công cụ hỗ trợ như smartphone chẳng hạn...” - diễn giả phản biện.

Từ những phân tích trên, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ những giải pháp để học sinh thời nay có thể chiến thắng AI: “Bằng sự tập trung và đam mê, các bạn phải tạo được sự khác biệt mà máy móc không làm được, như trí tuệ cảm xúc. Bởi vì, con người sẽ chiến thắng máy móc nhờ cảm xúc. Nếu chúng ta, tập trung cho công việc, dành trí tuệ cảm xúc cho công việc ấy, chắc chắn chúng ta vẫn sẽ thành công, tạo ra những giá trị còn tuyệt vời hơn thế!”.

Trước đó, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng các thầy cô tại Trung tâm đã có trao đổi về hoạt động giáo dục và đào tạo.

Học sinh trao đổi với diễn giả tại buổi hội thảo.

Học sinh trao đổi với diễn giả tại buổi hội thảo.

Nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng: “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là môi trường với nhiều lợi thế. Các em học sinh vào trường đã được trải nghiệm nghề, tiếp xúc với nghề, định hướng rõ ràng. Trong khi đó, có nhiều học sinh ở phổ thông, thậm chí có bạn học đến lớp 12 trung học phổ thông vẫn chưa biết nghề nào với nghề nào, chưa phân định được và hoang mang về định hướng. Điều đó khiến cuộc hội thảo hôm nay trở nên hữu ích hơn.

Tuy nhiên, cũng có một số hạn chế nhất định. Vừa trải qua 2 năm đại dịch Covid-19, khiến việc trải nghiệm gặp không ít khó khăn. Thứ hai, các hoạt động trải nghiệm của trung tâm hiện chưa phải quá chuyên sâu, chất lượng cao nhất, mới chỉ dừng lại ở giới thiệu việc làm, giới thiệu nghề, định hướng nghề, chưa có tìm hiểu tâm lý, ước mơ và năng lực của các em học sinh.

Thậm chí, có thể nói, học sinh hiện đang được phân loại theo cảm tính chủ quan, chưa theo đánh giá năng lực”.

Phụ huynh cũng rất quan tâm đến những nội dung của buổi hội thảo.

Phụ huynh cũng rất quan tâm đến những nội dung của buổi hội thảo.

“Chính vì vậy, tôi rất mong trung tâm có thể đánh giá được năng lực. Hay nói một cách đầy mơ mộng như trường học trong Harry Potter, có “mũ phân loại” học sinh. Và thực tế, “mũ phân loại” ở đây chính là các chuyên gia đánh giá năng lực, phân loại năng lực và tư vấn cho các em học sinh. Như vậy, tránh được tình trạng có em học nghề nhưng vẫn còn chưa chắc chắn về định hướng, chưa tìm hiểu và vạch ra lộ trình cho chính bản thân mình” - vị diễn giả bày tỏ.

Nhờ có buổi chia sẻ, nhiều học sinh đã có thêm những hình dung rõ hơn về định hướng nghề nghiệp.

Nhờ có buổi chia sẻ, nhiều học sinh đã có thêm những hình dung rõ hơn về định hướng nghề nghiệp.

Bên cạnh những chia sẻ về định hướng nghề nghiệp, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú cũng giao lưu với học sinh, chia sẻ thêm về tâm lý với vấn đề bạo lực học đường và cách “sử dụng tình bạn”.

Bài và ảnh: Mộc Trà