Nhà thông minh phòng dịch Covid với tiêu chí "ngon, bổ, rẻ" của sinh viên Huế

14/10/2021 06:46
NGUYÊN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhóm sinh viên khoa Kỹ thuật và Công nghệ (Đại học Huế) đã chế tạo bộ kiểm soát nhà thông minh với chi phí tiết kiệm hơn so với các sản phẩm trên thị trường.

Sản phẩm “ngon – bổ - rẻ” mang thương hiệu… sinh viên

Ứng dụng Module ESP8266 Nodemcu thiết lập bộ kiểm soát nhà thông minh phòng chống dịch bệnh của nhóm sinh viên khoa Kỹ Thuật và Công nghệ (Đại học Huế) đã đạt giải Nhất cuộc thi “Sáng kiến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho giảng viên và sinh viên năm 2021”.

Sáng chế công nghệ của nhóm sinh viên khoa Kỹ Thuật và Công nghệ (Đại học Huế) được trao giải nhất trong cuộc thi về công nghệ do Đại học Huế tổ chức. Ảnh: NM

Sáng chế công nghệ của nhóm sinh viên khoa Kỹ Thuật và Công nghệ (Đại học Huế) được trao giải nhất trong cuộc thi về công nghệ do Đại học Huế tổ chức. Ảnh: NM

Cuộc thi do Đại học Huế tổ chức nhằm lan tỏa tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp và tạo môi trường trải nghiệm cho sinh viên.

Hệ thống mang tên ABS, điều khiển được thiết bị điện, cơ bằng ứng dụng trên điện thoại qua wifi, kết nối các cảm biến để thông báo thông số môi trường hay phát hiện người đến nhà.

Hệ thống cảm biến hồng ngoại sẽ nhận diện khi có người bước vào nhà. Đồng thời yêu cầu đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, tuân thủ các biện pháp 5K phòng chống dịch bệnh.

Thiết bị sẽ nhắc nhở mọi người thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh. Ở các quán ăn, cửa hàng, lượng khách ra vào rất đông, không phải ai cũng có ý thức trong việc thực hiện 5K.

Ngoài ra, người chủ cũng không thể nhắc nhở khách hàng vì tâm lý e ngại”, trưởng nhóm Lê Quang Nhật chia sẻ.

Bộ kiểm soát nhà thông minh sử dụng nguồn điện 220V hoặc pin năng lượng mặt trời. Với ứng dụng này, các thiết bị điện dân dụng trong nhà sẽ trở thành thiết bị thông minh, có thể điều khiển và cảnh báo từ xa với chi phí tiết kiệm hơn so với việc lắp đặt các sản phẩm thông minh cùng chức năng.

“Người dùng không cần phải sở hữu các thiết bị thông minh, hiện đại. Chỉ cần một chiếc smartphone, chúng ta có thể điều khiển từ chiếc quạt máy, nồi cơm điện, bóng đèn…”, Nguyễn Cửu Sửu, một thành viên trong nhóm cho biết.

Ngoài ra, bộ kiểm soát nhà thông minh còn có chức năng đo điện áp, dòng điện, công suất tiêu thụ, giúp người dùng quản lý việc tiêu thụ điện năng của từng thiết bị điện.

“Tiết kiệm, đơn giản, dễ sử dụng, kết nối linh hoạt… là những ưu điểm của sản phẩm. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng Blynk trên cả 2 nền tảng Android và iOS là có thể làm chủ tất cả các thiết bị điện cơ trong nhà.

Với một bộ điều khiển có thể sử dụng cho nhiều thiết bị điện. Ngoài ra, khi gặp sự cố, hư hỏng có thể dễ dàng sửa chữa hoặc thay thế.

Trong khi đó, các thiết bị quản lý nhà thông minh hiện nay trên thị trường thường tích hợp bộ điều khiển vào sản phẩm, khó thay thế hoặc sửa chữa và giá thành cũng cao hơn”, Trương Đình Phát, một thành viên trong nhóm chia sẻ.

Vượt qua dịch bệnh để chống dịch bệnh

Dự án được nhóm bắt tay thực hiện từ tháng 4/2021. Ban đầu, nhóm gặp nhiều khó khăn khi một số thiết bị phải nhập về như module wifi, rơ le, cảm biến…

Bộ kiểm soát nhà thông minh do nhóm sinh viên Đại học Huế sáng chế. Ảnh: NM

Bộ kiểm soát nhà thông minh do nhóm sinh viên Đại học Huế sáng chế. Ảnh: NM

Sau đó, dịch bệnh Covid 19 bùng phát trở lại, việc vận chuyển gặp trở ngại. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm cũng không thể gặp nhau để bàn bạc, trao đổi ý tưởng. Mọi công việc đều được thực hiện online.

“Dự án về kỹ thuật và công nghệ nên làm việc trực tuyến rất khó khăn khi không có công cụ, thiết bị cụ thể. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời và hết mình của các thầy cô trong khoa mà nhóm đã thực hiện dự án kịp tiến độ”, trưởng nhóm Lê Quang Nhật cho biết.

Bộ kiểm soát nhà thông minh đã được vận hành và mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, cả nhóm vẫn đang tiếp tục hoàn thiện để hệ thống có thể sử dụng tiện lợi, dễ dàng hơn.

“Hiện tại, bộ điều khiển hoạt động thông qua mạng wifi. Cả nhóm đang nghiên cứu để có thể vận hành thiết bị bằng mạng di động. Như vậy, dù ở nơi không có wifi, người dùng vẫn có thể dễ dàng kiểm soát và quản lý”, Đỗ Thanh Tú, một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

Các bạn trẻ cho rằng, sản phẩm không những hữu ích trong việc tiết kiệm điện năng mà còn có ý nghĩa trong phòng chống dịch bệnh Covid 19.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Lịch, Phó trưởng khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Đại học Huế cho biết: “Ưu điểm của sản phẩm là có thể biến những thiết bị điện, cơ dân dụng thông thường thành thiết bị thông minh với giá thành hợp lý.

Ngoài ra, bộ kiểm soát nhà thông minh có thể ứng dụng, lắp đặt cho các tòa nhà công cộng, bệnh viện, trường học… với chức năng tự động nhắc nhở, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh.

Đây là dự án được thực hiện bởi các bạn sinh viên năm thứ 2, kết hợp giữa các ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điều khiển tự động hóa, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Với mô hình đào tạo “Học tập thông qua dự án”, Khoa luôn hỗ trợ và khuyến khích sinh viên tham gia các đề tài, công trình khoa học, phát triển kỹ năng và áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

NGUYÊN MINH