Nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng thế giới chia sẻ về hành trình NCKH

24/03/2023 06:44
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Giáo sư Phạm Hùng Việt là 1/13 nhà khoa học ở Việt Nam có trong bảng xếp hạng thế giới của Research.com năm 2023.

Website Research.com (cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học trên thế giới) hôm 9/3 cập nhật kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố nghiên cứu ở 24 lĩnh vực.

Giáo sư Phạm Hùng Việt, hiện đang công tác và làm việc tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong hai nhà khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học Môi trường ở Việt Nam có tên trong danh sách này.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và lắng nghe thầy chia sẻ về hành trình trở thành giảng viên, nhà nghiên cứu. Cùng với đó là những trăn trở về thế hệ nhà khoa học trẻ và việc tuyển sinh đối với các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản.

Hành trình dài để đến với chuyên ngành nghiên cứu hiện tại

Giáo sư Phạm Hùng Việt sinh năm 1953 tại Hà Nội. Thầy là cựu học sinh chuyên Toán của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội). Xuất phát từ “dân chuyên Toán”, trong kỳ thi tuyển học sinh đi nước ngoài vào năm 1970, thầy Việt là một trong những thí sinh có tổng điểm cao, nhưng đặc biệt ở chỗ: môn Hóa mới là môn đạt điểm tuyệt đối. Chính vì vậy, thầy được tư vấn, định hướng đi du học chuyên ngành Hóa học ở Đức.

Năm 1975, thầy Việt tốt nghiệp Đại học Martin-Luther của Đức, chuyên ngành Hóa - Lý (nghiên cứu về Điện hóa).

Nhớ lại hành trình đến với chuyên ngành Hóa phân tích, thầy kể: sau khi tốt nghiệp đại học, thầy được phân về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giảng dạy môn Hóa hữu cơ. Tại đây, thầy cùng một số giảng viên khác đã thành lập chuyên ngành mới ở khoa Hóa là Hóa kỹ thuật.

Từ năm 1979 - 1980, thầy Việt đi thực tập sau đại học và lấy bằng tương đương thạc sĩ tại Đại học Kỹ thuật liên bang Zurich (Thụy Sĩ). Sau đó, đến giữa năm 1982, thầy được cấp học bổng của Liên bang Thụy Sĩ và quay lại đây để làm nghiên cứu sinh.

Khoảng thời gian này, thầy Việt may mắn được làm việc với một giáo sư có uy tín cao ở bộ môn Hóa hữu cơ nhưng lại chuyên sâu nghiên cứu về sự phát triển các công cụ, phương pháp xác định thành phần cấu tạo và hàm lượng các thành phần của những mẫu khảo sát (Hóa phân tích). Đây cũng chính là cơ hội để thầy chuyển chuyên ngành.

“Tôi có cơ hội chuyển từ chuyên ngành Hóa - Lý sang Hóa hữu cơ rồi sang Hóa kỹ thuật, cuối cùng làm luận án tiến sĩ Hóa phân tích. Mỗi lần chuyển chuyên ngành vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tôi có những trải nghiệm quý giá, được học thêm những kiến thức mới”, thầy Việt nói.

Giáo sư Phạm Hùng Việt kể về hành trình đến với chuyên ngành hiện tại của mình. Ảnh: Trần Lý

Giáo sư Phạm Hùng Việt kể về hành trình đến với chuyên ngành hiện tại của mình. Ảnh: Trần Lý

Khi được hỏi về những mốc thời gian có ảnh hưởng nhiều nhất đến hành trình trở thành nhà khoa học của mình, thầy trả lời, đó là khoảng thời gian học tập và nghiên cứu tại Đức và Thụy Sĩ.

Nếu như Đại học Martin-Luther là ngôi trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản uy tín của Đức, gần những trung tâm hóa học lớn, nơi đã cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản tương đối tốt thì khoảng thời gian học tại Đại học Kỹ thuật liên bang Zurich (Thụy Sĩ) được thầy ví như “bước nhảy vọt” trong hành trình tiếp thu tri thức và nghiên cứu của bản thân.

“Khoảng thời gian làm nghiên cứu sinh là dấu ấn vô cùng đáng nhớ trong cuộc đời tôi khi được “tận mục sở thị” nền khoa học Thụy Sĩ nói chung và Đại học Kỹ thuật liên bang Zurich nói riêng. Khi mới vào học, tôi đã bị choáng ngợp bởi năng lực xây dựng phòng thí nghiệm; giảng viên, nhà nghiên cứu là các giáo sư giỏi, uy tín đến từ nhiều quốc gia trên thế giới (hạt nhân của những nhóm nghiên cứu mạnh thuộc các trường phái khoa học); kỹ năng sử dụng thiết bị khoa học thành thạo của sinh viên;...

Chính tại môi trường học tập này, tôi đã học hỏi được thêm nhiều kiến thức quý báu và hữu ích; đồng thời, thúc đẩy bản thân ngày một phát triển và tiến bộ.

Sau này, khi trở về Việt Nam và xây dựng trung tâm nghiên cứu, tôi cũng mong muốn thiết kế một môi trường ít nhiều mang dấu ấn, phong cách làm việc chuyên nghiệp như Thụy Sĩ để tạo “bước đệm” vững chắc cho các cán bộ, sinh viên trong quá trình trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học tương lai”, thầy Việt nói.

Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, mang tính chất tiên phong, tạo tiền đề

Trong sự nghiệp gần 50 năm nghiên cứu khoa học của Giáo sư Phạm Hùng Việt, thầy cho biết, hướng nghiên cứu chính chủ yếu tập trung ở 5 lĩnh vực.

Một là, nghiên cứu sự phát sinh, phân bố và vận chuyển của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, các kim loại nặng có độc tính cao trong môi trường và thực phẩm.

Hai là, nghiên cứu cơ chế phát sinh và lan truyền ô nhiễm asen (một chất độc có tên gọi khác là thạch tín) trong các tầng chứa nước dưới đất.

Ba là, phát triển và ứng dụng các thiết bị xách tay phục vụ xác định các chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm.

Bốn là, nghiên cứu và phát triển các bài thuốc dân gian và thực phẩm chức năng trên cơ sở nghiên cứu hóa thực vật của các dược liệu theo kiến thức cổ phương.

Năm là, nghiên cứu ứng dụng kết hợp Chemometrics (hóa học) với mô hình machine-learning (máy học) và QSAR (Quantitative Structure - Activity Relationship, tạm hiểu là “Mối quan hệ định lượng giữa cấu trúc - hoạt tính”) trong phân loại đồ uống và thực phẩm có giá trị xuất khẩu.

Theo thầy Việt, tính đến nay, thầy đã công bố khoảng 200 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế và có 7 bằng độc quyền sở hữu trí tuệ được cấp bằng. Trong số đó, thầy tâm đắc nhất với 3 công trình.

Đầu tiên là, nhóm nghiên cứu của thầy đã cộng tác với nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Nước - Liên bang Thuỵ Sĩ (EAWAG) thực hiện các nghiên cứu cơ bản về ô nhiễm asen trong nước ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 1998. Nghiên cứu đã công bố bài báo đầu tiên “Ô nhiễm nước ngầm và nước uống tại Việt Nam: Mối đe dọa tới sức khỏe con người” (Arsenic Contamination of Groundwater and Drinking Water in Vietnam: A Human Health Threat, 2001) trên Tạp chí Environmental Science & Technology của Mỹ.

Bài báo nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng khoa học quốc tế, tính đến nay đã được trích dẫn 1.400 lần và được đánh giá là công bố quốc tế mang tính tiên phong về vấn đề ô nhiễm asen trong nước ngầm tại Việt Nam.

Tiếp theo là, công trình nghiên cứu “Transport and release of chemicals from plastics to the environment and to wildlife” cùng nhóm nghiên cứu của Giáo sư Takada (Nhật Bản) năm 2009 với số lượng trích dẫn lên tới 2.700 lượt.

Nghiên cứu này trình bày các kết quả về vi nhựa và hóa chất hấp phụ trên vi nhựa như PCBs, PAHs, PBDEs và Bisphenol A được thu thập từ 7 nước châu Á (Malaysia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Lào, Campuchia và Ấn Độ). Đây là một trong những nghiên cứu tiên phong và tạo tiền đề cho các nghiên cứu về vi nhựa sau này.

Cuối cùng, trong dự án hợp tác với các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia (Hoa Kỳ) và Viện Khoa học và Công nghệ thủy sản - Liên bang Thụy Sĩ (EAWAG), các nghiên cứu sâu hơn tìm hiểu cơ chế ô nhiễm và các yếu tố có thể làm tăng, giảm sự ô nhiễm asen trong nước ngầm đã được thực hiện.

Kết quả, nghiên cứu đã được đăng trên Tạp chí Nature (một trong những tạp chí lâu đời, uy tín và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong giới khoa học quốc tế) vào năm 2013 với tựa đề “Cơ chế làm chậm sự di chuyển của asen qua tầng chứa nước sâu Pleistocene” (Retardation of arsenic transport through a Pleistocene aquifer). Chỉ số ảnh hưởng của tạp chí (IF) năm 2019 là 43.070. Đây cũng là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu của Việt Nam năm 2013.

Giáo sư Phạm Hùng Việt và Giáo sư Michael Berg (Thuỵ Sĩ) chụp ảnh chung trong chuyến ghé thăm Việt Nam của Giáo sư Michael Berg. Ảnh: NVCC

Giáo sư Phạm Hùng Việt và Giáo sư Michael Berg (Thuỵ Sĩ) chụp ảnh chung trong chuyến ghé thăm Việt Nam của Giáo sư Michael Berg. Ảnh: NVCC

“Trong những năm gần đây, nhóm nghiên cứu của tôi chú trọng vào nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn, phát triển và chế tạo các thiết bị như thiết bị đo hô hấp và thiết bị đo độ ổn định của phân hữu cơ.

Ngoài ra, tiếp tục mở nhánh nghiên cứu mới về y sinh, phát triển các bài thuốc dân gian và thực phẩm chức năng trên cơ sở nghiên cứu hóa thực vật của các dược liệu theo kiến thức cổ phương.

Đặc biệt, đề tài thuộc chương trình Tây Bắc đã công bố 4 sở hữu trí tuệ được cấp bằng, trong đó có 1 sở hữu trí tuệ được nhiều công ty quan tâm và muốn ký kết chuyển giao công nghệ”, thầy Việt cho hay.

Những trăn trở về vấn đề nguồn lực khoa học cơ bản trong tương lai

Hiện nay, Giáo sư Phạm Hùng Việt là Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp Đại học Quốc gia Hà Nội về Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm; Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh.

Trong năm 2022 và năm 2023, với những đóng góp của mình, thầy là một trong các nhà khoa học lĩnh vực Khoa học Môi trường nằm trong bảng xếp hạng thế giới của Research.com.

Thầy Việt cho rằng, nghiên cứu Khoa học Môi trường đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh các vấn đề ô nhiễm môi trường, thực phẩm ngày càng nghiêm trọng, kéo theo vô vàn những khó khăn, thách thức cho cuộc sống của chúng ta.

Giáo sư Phạm Hùng Việt (ngoài cùng bên phải) cũng các đại biểu là nhà khoa học tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V năm 2022. Ảnh: NVCC

Giáo sư Phạm Hùng Việt (ngoài cùng bên phải) cũng các đại biểu là nhà khoa học tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V năm 2022. Ảnh: NVCC

Mặc dù nghiên cứu khoa học nói chung đã và đang được các bộ, ban, ngành quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và kinh phí nhưng nhìn chung, môi trường làm khoa học ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể như, điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng bộ; chưa đáp ứng được kinh phí duy trì bảo dưỡng thiết bị; chế độ đãi ngộ với các nhà khoa học và số lượng đề tài nghiên cứu còn khiêm tốn.

Vì vậy, thầy Việt cho rằng, nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa để lĩnh vực Khoa học Môi trường được phát triển, mở rộng. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này để đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.

“Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng 4.0 phát triển mạnh mẽ đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức về nghiên cứu khoa học đối với các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng. Các nhà khoa học trẻ đã nắm bắt thời cơ và đang tiến bộ rất nhanh thể hiện qua số lượng công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín hay các công trình ứng dụng Al trong nghiên cứu khoa học.

Từ những kết quả đó, tôi đánh giá cao những đóng góp của thế hệ các nhà khoa học trẻ bây giờ, tuy nhiên không ít nhà khoa học lại chỉ "tích cực" đăng bài trên các tạp chí "săn mồi" hoặc “kinh doanh” bài báo.

Điều này dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực, vì thế, mong các nhà khoa học trẻ bên cạnh việc kế thừa, phát huy tinh hoa nghiên cứu thì phải luôn đề cao vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng được những yêu cầu trong bối cảnh tình hình mới, giai đoạn mới”, thầy Việt nhấn mạnh.

Không chỉ là một nhà nghiên cứu, Giáo sư Phạm Hùng Việt còn là một giảng viên luôn đau đáu về việc làm sao có thể đào tạo được các thế hệ người học kế cận có chất lượng.

Một trong những điều thầy luôn trăn trở là, nhiều sinh viên hiện nay lựa chọn các ngành học theo xu hướng đông như kinh tế, công nghệ thông tin,... - các ngành được cho là có nhu cầu việc làm lớn và chế độ lương bổng cao. Điều này dẫn tới các ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản rơi vào tình trạng “yếu thế”, tuyển sinh khó khăn.

Vì vậy, thầy Việt hy vọng sớm có những giải pháp để khắc phục, tháo gỡ bất cập trong tuyển sinh để các ngành khoa học cơ bản khẳng định được đúng vai trò và vị trí quan trọng đối với xã hội.

Trần Lý