Nghịch lý: học sinh trường chuyên, năng khiếu vẫn đang phải đi học thêm

15/04/2023 06:36
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều học sinh trường chuyên, trường năng khiếu vẫn đi học thêm ngay cả môn chuyên của mình đang khiến cho nhiều người băn khoăn, trăn trở về việc học hiện nay.

Lâu nay, vẫn có nhiều người vẫn bảo vệ việc dạy thêm, học thêm ở các trường phổ thông và họ cho rằng việc học sinh đi học thêm là nhằm phụ đạo thêm kiến thức căn bản đã bị mất. Và đó là nhu cầu của học sinh…

Song, mấu chốt của việc dạy thêm, học thêm không đơn thuần chỉ vậy. Chúng tôi tin rằng không mấy học sinh trong hàng chục triệu học sinh phổ thông hiện nay lại muốn đi học thêm từ lớp 1 đến lớp 12 với một áp lực quá nặng nề so với lứa tuổi, sức khỏe của các em- nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề căn cơ hiện nay.

Nhìn rộng ra, không chỉ học sinh các lớp đại trà mà ngay cả những em đang học ở các trường chuyên, trường năng khiếu- những em có học lực được xem là giỏi, tiêu biểu của các tỉnh vẫn đang phải đi học thêm như thường.

Thậm chí, các em còn phải học thêm nhiều hơn, giá tiền học thêm cao hơn các em ở trường không chuyên vì một lý do đơn giản là học thêm với…thầy cô giỏi.

Việc không ít học sinh trường chuyên vẫn phải đi học thêm như những em ở các trường không chuyên rõ ràng đang đặt ra rất nhiều câu hỏi. Bởi nơi đây, vẫn được xem là thầy giỏi, trò giỏi nhưng tại sao cả thầy và trò đều giỏi những vẫn dạy thêm, học thêm?

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Vietnamnet

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Vietnamnet

Nghịch lý học sinh trường chuyên vẫn phải đi học thêm

Về cơ bản, những học sinh đang học ở các trường trung học phổ thông chuyên, năng khiếu là những em có học lực giỏi thực sự bởi trước khi vào học ở những ngôi trường này, các em học sinh lớp 9 phải cạnh tranh gay gắt với những em học sinh cũng có học lực giỏi khác mới có thể đậu vào đây.

Bởi khi thi vào các trường chuyên, trường năng khiếu thì việc đầu tiên là học lực 4 năm trung học cơ sở phải ở mức giỏi mới qua được vòng sơ tuyển.

Mỗi năm, trường chuyên của mỗi tỉnh, thành cũng chỉ tuyển 1-2 lớp chuyên/ 1 môn học nên trong số những em vào được các lớp chuyên là những em đã tham gia học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh đạt giải đối với môn chuyên đó.

Đặc biệt, việc lựa chọn, tuyển dụng, tiếp nhận giáo viên ở các trường chuyên cũng rất khắt khe và luôn có những yêu cầu nhất định về chuyên môn, năng lực và thành tích đã học, đã công tác ở các đơn vị khác trước khi về trường chuyên.

Phần nhiều những giáo viên mới được tuyển dụng phải có học lực giỏi, xuất sắc, nhiều trường còn yêu cầu đã từng đạt học sinh giỏi quốc gia; hoặc những giáo viên thuyên chuyển từ các trường khác về đều có thành tích mới có cơ hội vào dạy trường chuyên.

Vì thế, điều mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy là giáo viên dạy trường chuyên, trường năng khiếu là những thầy cô giáo giỏi và học sinh học trường chuyên, trường năng khiếu cũng đều là những học sinh giỏi thực sự mới có thể đậu vào lớp chuyên.

Nhiều trường còn có chính sách “đãi cát tìm vàng” đi tìm nguồn từ nhiều trường trung học cơ sở và đưa về học tập ở trường chuyên nhằm đào tạo, bồi dưỡng để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia…

Thế nhưng, có một thực tế mà mọi người đều nhìn thấy là học sinh các trường chuyên, trường năng khiếu vẫn đi học thêm như những học sinh ở các trường không chuyên. Thậm chí, các em còn học thêm nhiều hơn, áp lực học tập nhiều hơn các bạn ở trường không chuyên.

Một phụ huynh ở miền Tây đang có con học chuyên Ngữ văn chia sẻ với chúng tôi rằng học sinh trường chuyên học thêm kinh khủng lắm. Lịch học kín hết các ngày trong tuần.

Bởi lẽ, trên lớp học chính khóa, thầy cô giảng nhanh lắm, nếu không học thêm sẽ không nắm được kiến thức nên dù là học sinh trường chuyên nhưng học thêm cũng không khác những học sinh đang học ở các trường không chuyên.

Vì sao lại có những điều tréo ngoe đến vậy?

Giáo viên dạy thêm, học sinh học thêm ở các trường trung học phổ thông- kể cả chuyên, trường năng khiếu hay những trường không chuyên đều có hàng loạt nguyên nhân, lý do khác nhau để nhà trường, giáo viên mở lớp và học sinh sẽ tham gia học thêm tại trường hoặc tại nhà thầy cô giáo.

Cách viện dẫn nguyên nhân, lý do học thêm khá nhiều.

Người ta có thể nói là chương trình nặng, kiến thức quá nhiều, thời gian học trên lớp không hết; nhu cầu của học sinh muốn học nâng cao để thi, xét vào các trường đại học tốp trên, trường đại học uy tín;

Học sinh muốn học thêm để phấn đấu và duy trì chế độ học bổng của trường chuyên theo Quyết định số 44/2007/QĐ – BGDĐT; học sinh học thêm để tham gia các cuộc thi…

Học sinh có nhu cầu thì nhà trường dạy dạy; giáo viên mở lớp- khi có cung ắt có cầu.

Thế nhưng, điều mà nhiều người quên mất rằng là học sinh trường chuyên, năng khiếu hay học sinh trường không chuyên cũng đều đang dạy và học 1 bộ sách giáo khoa chung, 1 chương trình chung với nhau suốt hàng chục năm qua.

Sách giáo khoa chương trình 2006 hay chương trình 2018 thì các em cũng học chung 1 chương trình với nhau, không có độ lệch về về nội dung kiến thức. Chương trình 2006 thì hướng tới chuẩn kiến thức, kĩ năng; chương trình 2018 thì hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò.

Điều này có nghĩa học sinh vùng khó khăn hay học sinh trường chuyên cũng có chừng ấy kiến thức cơ bản mà thôi, không hơn, không kém.

Hơn nữa, đầu ra là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông suốt từ năm 2002 cho đến nay vẫn đang thực hiện kỳ thi “3 chung”, đó là: chung đợt thi, chung đề và dùng chung kết quả để xét tuyển đại học. Nên học sinh trường nào đi chăng nữa cũng chỉ thực hiện làm chung 1 đề thi của Bộ hàng năm.

Trong khi, học sinh trường chuyên nếu có kết quả tốt sẽ được cấp học bổng hàng tháng; giáo viên dạy ở các trường đang được nhận phụ cấp đứng lớp cao hơn giáo viên dạy ở các trường không chuyên. Mức đầu tư từ ngân sách cho các trường hiện nay cũng được chú trọng hơn…

Vậy nhưng, tại sao thầy giỏi, trò giỏi mà học sinh vẫn đang phải đi học thêm đều đều từ năm này sang năm khác? Giáo viên trường chuyên, học sinh trường chuyên đã thực sự là mũi nhọn trong giáo dục và của các địa phương hay chưa?

Nếu giáo viên trường chuyên vẫn dạy thêm cho học trò của mình, học sinh trường chuyên vẫn đi học thêm với thầy cô của mình thì những trường trung học phổ thông chuyên, trường năng khiếu đã thực sự hoàn thành được sứ mệnh, vai trò của những trường đào tạo ra nhân tài cho địa phương, cho đất nước?

Học sinh trường chuyên, trường năng khiếu mà vẫn đi học thêm ngay cả môn chuyên của mình đang khiến cho nhiều người băn khoăn, trăn trở về việc học hiện nay. Thế nhưng, sự thật vẫn là sự thật, nhiều em học sinh chuyên vẫn đang đi học thêm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN