Nếu tôi là cây nến trong giờ Trái đất: Đừng "tắt đèn bật nến"

08/04/2012 02:17
Phiêu Lưu
Giờ Trái đất 2012, cả nước đã tiết kiệm 546 MW. Tuy nhiên, số lượng nến được đốt cùng lượng CO2 sản sinh đặt ra câu hỏi: tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa?

Nhiều người gọi Giờ Trái đất là giờ “tắt đèn bật… nến”. Mặc dù năm nay dường như nến được đốt ít hơn những năm trước. Dường như con người đã hiểu ra phần nào tác hại của việc đốt nến so với lợi ích của nó. Song thực tế đó chưa thể tạo nên một Giờ Trái đất thực sự tiết kiệm năng lượng một cách tối đa, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu như ý nghĩa vốn có.

Tôi xin tường thuật lại những khoảnh khắc cuối cùng của họ nhà nến tối hôm đó. Tại các quảng trường rộng thênh thang, xung quanh hàng nghìn người nô nức trong bóng tối dịu dàng và tiếng nhạc tưng bừng. Ở những góc nhỏ, các bạn trẻ thắp chúng tôi lên, xếp chúng tôi thành đủ hình trái tim, vòng tròn, số 60,... Nhiều người cầm nến trên tay, xếp thành hàng dài, đung đưa và hát. Chốc chốc lại có người chạy đến bên chúng tôi tạo dáng để chụp ảnh. Có cậu nhóc 4 tuổi cả tiếng làm đủ trò dưới sự dỗ dành của bố mẹ và ông thợ ảnh. Cậu bé ban đầu thích thú, song chắc do phải ngồi lâu, cậu cứ dụi mắt liên tục, hắt hơi, ho sặc sụa, nũng nịu đòi về.

Nghe tiếng tách tách của máy ảnh, anh em tôi càng kiêu hãnh, không tiếc mình, tỏa sáng lung linh. Một anh nến đứng gần tôi reo lên với giọng văn vẻ:

- Ngày mai chúng ta sẽ được lên báo đấy. Cả khi lìa đời, hình ảnh của ta cũng thật oách.

- Vì một sự kiện đặc biệt của thế giới, chết như thế này thật huy hoàng – một cậu nến khác góp chuyện.

Vậy là chúng tôi xôn xao, tự tán tụng mình. Tôi thấy họ hàng nhà mình có ý nghĩa và công dụng thật lớn!
 

Những ngọn nến trong giờ Trái đất tại Hà Nội
Những ngọn nến trong giờ Trái đất tại Hà Nội

 Có lẽ chúng tôi sẽ cứ "tự sướng" như vậy cho đến khi rụi bấc, tàn hơi, nếu một bác nến không lên tiếng. Đó là một cây nến cũ kĩ, thân hình sứt sát nhiều chỗ và bộ áo đỏ đã bệch màu. Có lẽ bác ta đã bị vứt xó nhiều năm trời, nhân sự kiện Trái đất này mới được chủ nhân ngó tới. Trong khi đám nến trẻ huênh hoang đủ thứ, bác tuyệt nhiên không góp một lời vào câu chuyện. Cho đến khi sắp tàn đời, bác ta bỗng bùng lên dữ dội, cố chen tiếng kêu hấp hối vào đám đông hỗn loạn:

- Các bạn, chả lẽ đến chết chúng ta vẫn ấu trĩ, không hiểu rằng ta chết quá vô ích? Anh thấy tẻ ngắt khi người ta đốt anh lên lúc mất điện, nhưng anh cháy ở đây thì ý nghĩa, vinh quang? Anh cần biết mình sinh ra để làm gì. Thắp sáng cho một em bé học bài  hay cho nó nghịch, và rồi bị ho sặc sụa là có ích? Thắp sáng để con người ăn xong bữa cơm tối, tìm kiếm đồ đạc hay để họ chụp ảnh, khoe hình là hay?

Đêm nay người ta tắt điện để làm gì? Để tiết kiệm 1/24 lượng điện năng dùng trong ngày. Nhưng họ lại lãng phí hàng triệu cây nến. Chúng ta được làm ra, với bao công sức của con người, để rồi cuối cùng phí phạm mình trong một giờ mua vui thế này?

Mà các anh đâu biết mình độc hại thế nào? Hàng trăm con người đốt nến ở đây, rồi hàng triệu người đốt nến trên thế giới sẽ thải một lượng khí độc không nhỏ… Giờ Trái đất để giảm biến đổi khí hậu, giảm lượng thải CO2, nhưng chúng ta lại được dùng để sản sinh ra nó. Như thế có đáng không? 

Tôi thấy quả không sai. Thay vì thắp quá nhiều nến không cần thiết trong Giờ Trái đất, con người có thể:

1. Hạn chế tối đa thắp nến. Nhiều người có thể thắp chung 1 cây.

2. Thay thế nến bằng 1 loại đèn có công suất cực nhỏ, có thể tiết kiệm năng lượng và sạch hơn gấp nhiều lần nến.

3. Ban tổ chức cần có giải pháp cụ thể và tuyên truyền đến người dân.

Phiêu Lưu