The Guardian ngày 22/1 cho biết, Chính phủ Colombia và phe vũ trang đối lập lớn nhất của nước này FARC đã đánh một dấu mốc quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình của họ. Hai phía đồng ý yêu cầu Liên Hợp Quốc thành lập một phái đoàn quan sát viên quốc tế để giám sát quá trình giải giáp quân sự, kết thúc cuộc xung đột vũ trang kéo dài nhất ở châu Mỹ Latinh này.
Như vậy là cuộc nội chiến kéo dài đằng đẵng mấy chục năm qua tại Colombia đã có cơ hội đi đến chấm dứt. Máu của người dân Colombia không còn phải đổ xuống mà không mang bất cứ ý nghĩa gì cho dân tộc Colombia.
Đây là một tín hiệu vui mừng cho người dân, cho đất nước Colombia ở Tây bán cầu – một đất nước mà nói tới là người ta nghĩ ngay tới nội chiến, buôn bán thuốc phiện và mafia. Nhân dân thế giới mừng cho cộng đồng các dân tộc Colombia đã tới lúc có thể được cùng sống thuận hòa dưới một mái nhà.
"Hôm nay chúng tôi thông báo rằng đây không chỉ là sự khởi đầu của một quá trình quốc tế hóa việc giám sát thực thi thỏa thuận, mà đó là minh chứng rõ ràng về mong muốn của chúng tôi để kết thúc cuộc đối đầu," The Guardian dẫn lời nhà đàm phán của Chính phủ Colombia Humberto de la Calle nói.
Những nhà đám phán của Chính phủ Colombia và FARC tại Havana, Cuba. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, có một điều rất lạ là một cơ hội mang lại hòa bình, chấm dứt đổ máu cho người dân Colombia đã đang dần trở thành hiện thực, nhưng trong cộng đồng người dân Colombia không phải ai cũng đón nhận với thái độ tích cực. Thậm chí có người, có lực lượng còn phản đối thỏa thuận hòa bình này. Chẳng lẽ họ muốn đất nước họ mãi bị cày xới bằng đạn pháo?
Thỏa thuận ký rồi, nguy cơ còn đó
FARC là một lực lượng vũ trang đối lập có địa bàn hoạt động trên 25-30% lãnh thổ Colombia. FARC tuyên bố là một tổ chức quân sự - chính trị đại diện cho dân nghèo ở nông thôn chống lại tầng lớp giàu có ở Colombia và chống lại ảnh hưởng của Mỹ tạị đất nước này. FARC tuyên bố sẽ nắm quyền lực ở Colombia qua một cuộc cách mạng vũ trang.
Vì mục đích tồn tại và hoạt động như vậy nên FARC đã liên tục chống lại chính phủ Colombia từ khi ra đời năm 1964 đến nay. Cùng với những nhóm vũ trang nhỏ khác, FARC đã tham gia vào cuộc xung đột vũ trang đẫm máu tại Colombia mấy chục năm qua và cũng gây ra nhiều hoạt động tấn công khủng bố, buôn lậu ma túy hay bắt cóc tống tiền, theo BBC ngày 19/9/2003.
Đã từ lâu chính phủ của Colombia muốn kết thúc xung đột nhưng không đủ khả năng và quan trọng là không đủ sức thu phục nhân tâm cho việc phát động các cuộc tấn công tiêu diệt FARC. Còn với FARC, dù tuyên bố vì người nghèo nhưng lại có nhiều hành động mang tính phi nghĩa nên họ không thể thực hiện một cuộc cách mạng như họ mong muốn.
Vì vậy, qua sự trung gian hòa giải của Cuba, Chính phủ Colombia và FARC đã chấp nhận ngồi lại với nhau, đi đến thống nhất chấm dứt đối đầu và tiến hành ký thỏa thuận nhằm mang lại hòa bình cho Colombia. Tuy nhiên, nội dung của thỏa thuận còn chưa được thực thi thì đã có lực lượng phản đối.
Tại sao vẫn còn một bộ phận dư luận Colombia thiếu lòng tin vào một tương lai hòa bình sau thỏa thuận giữa Chính phủ và FARC, cái mà bản thân họ đang mong muốn?
Chủ tịch Cuba Raul Castro cùng Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và lãnh đạo lực lượng FARC Rodrigo Londono. Ảnh: Getty Images. |
Có thể thấy rằng, việc đi đến ký kết thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt nội chiến tại Colombia là một sự cố gắng lớn của cả hai phía, Chính phủ Colombia và FARC, cùng với "chất xúc tác" mang tên Cuba.
Tuy nhiên, cũng sẽ không quá lời khi cho rằng thỏa thuận được ký kết là do hai bên phải chấp nhận thực tế là không bên nào chiến thắng được đối phương nên mới chấp nhận thỏa hiệp, chứ không phải hoàn toàn xuất phát từ lợi ích của người dân Colombia.
Mặt khác, việc cần phải có sự giám sát của Liên Hợp Quốc trong thực thi thỏa thuận thì chứng tỏ các bên chưa có niềm tin ở nhau, do vậy chưa thể có sự đồng thuận trong hành động.
Bất cứ một kế sách hay một hành động nào nhằm chấm dứt xung đột hay giải quyết mâu thuẫn xã hội chỉ đảm bảo sự công bằng cho các bên, nếu nó được đưa ra và thực hiện dựa trên lợi ích dân tộc hay đảm bảo lợi ích dân tộc.
Nếu người ta xem quyền lợi của nhân dân là động lực, lợi ích của dân tộc là mục đích thì sẽ không có sự bất bình đẳng dẫn đến vi phạm những thỏa thuận. Người dân và đất nước Colombia vẫn chưa thể yên tâm rằng mình sẽ có một cuộc sống ổn định sau bao năm bất ổn bởi nội chiến.
Nếu thực sự vì dân...
Ngoài ra, lý do mà những người, những lực lượng phản đối thỏa thuận hòa bình cho Colombia là do họ không muốn FARC được đối xử như những người kiến tạo hòa bình. Họ coi lực lượng này là những tội phạm chiến tranh và đòi hỏi phải bị xét xử, phải bị trừng phạt FARC.
Theo The Guardian, phe đối lập cánh hữu do cựu Tổng thống và bây giờ Thượng nghị sĩ Álvaro Uribe lãnh đạo, đã công khai chỉ trích nội dung các thỏa thuận. Ông cho rằng một thỏa thuận hòa bình được ký kết cũng là lúc công lý mất đi sức mạnh – sức mạnh của công lý bị trừng phạt.
"Đây là một tiền lệ xấu cho xã hội, nó sẽ tạo ra nhiều bạo lực hơn ", ông Uribe nói.
Theo người viết, đây là một suy nghĩ cực đoan, một mong muốn thiếu nhân văn và nó sẽ là những mầm mống nuôi dưỡng cho cuộc nội chiến tại Colombia tái diễn.
Đối với người dân sống trong một đất nước có xung đột vũ trang, hòa bình là thứ quý giá nhất, nhưng đồng thời cũng là thứ khó được dễ mất nhất. Vì vậy, với những người yêu chuộng hòa bình thì chỉ cần có một cơ hội dù nhỏ nhoi người ta cũng cố gắng chắt lọc và tận dụng.
Việc những người tham chiến ngồi lại với nhau để đi đến thỏa thuận, thống nhất chấm dứt xung đột, đổ máu và chết chóc là việc hiện thực hóa cơ hội cho hòa bình được chắt lọc. Những hành động ấy nên được khuyến khích.
Khi những thỏa thuận hòa bình cho dân tộc được ký kết thì cần phải được cổ vũ. Việc không đồng ý với nội dung thỏa thuận không thể đồng nghĩa với gạt bỏ bản thỏa thuận.
Đây là kết thúc nội chiến nên không có kẻ thắng người thua, mà chỉ nhân dân Colombia mới là người thắng nếu hòa bình được lập lại và duy trì. Nhưng cũng chính nhân dân Colombia là người thất bại nếu thỏa thuận không được thực thi và hòa bình không còn trong hy vọng.
Lực lượng du kích FARC. Ảnh: AP. |
Vì vậy, người nào không chấp nhận giải pháp mang lại hòa bình cho đất nước Colombia, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân Colombia là những người chống lại nhân dân đất nước này.
Tuy nhiên, qua việc phản đối của lực lượng đối lập và những người bất đồng chính kiến có thể thấy họ đã có hai sự nhầm lẫn ở đây.
Thứ nhất, có thể họ không công nhận nhà nước Colombia hiện tại là nhà nước của nhân dân Colombia nên họ phản đối tất cả những gì của nhà nước ấy mà họ cảm thấy không vừa ý họ.
Trong khi trên cả 2 phương diện lý luận và thực tiễn, không có nhà nước nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Một nhà nước là mong muốn của những con người này, nhưng có những con người lại không mong nó tồn tại, mà phải thay bằng một thể chế khác.
Tuy nhiên, nhà nước vì dân thì lại đương nhiên tồn tại và có thể khẳng định đó là một trong những phương cách tồn tại của bất cứ hình thức nhà nước nào. Bởi lẽ, sẽ có những biện pháp, những chính sách mà nhà nước đó hướng tới tất cả người dân và được tất cả người dân đón nhận. Trong những kế sách vì dân ấy, có hòa bình cho đất nước và thống nhất đối với tổ quốc.
Thứ hai, có thể họ cho rằng do được hoạt động chính trị với tư cách đối lập nên họ tưởng rằng có thể đem tư tưởng đối lập ấy vào mọi hoạt động, kể cả đấu tranh cho hòa bình và lợi ích dân tộc Colombia. Đây là một sự đánh đồng mang tính võ đoán.
Trong chính trị, quan điểm đối lập tồn tại là tất yếu và đó chính là sự phản biện, thẩm định lại giá trị những chính sách vì dân của nhà nước, của chính quyền, của lực lượng chính trị cầm quyền trong những thời kỳ, những giai đoạn lịch sử nhất định. Tuy nhiên, với lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân thì chỉ có một, đi ngược lại là phản dân, hại nước.
Vì vậy, dư luận thế giới chờ mong người dân Colombia sẽ không đánh mất cơ hội có thể mang lại hòa bình cho đất nước họ, mang lại cuộc sống yên bình cho bản thân họ và gia đình họ.
Điều đó chỉ trở thành hiện thực nếu mọi người dân Colombia đều tương đồng trong nhận thức, thống nhất trong hành động, hình thành nên tình đoàn kết dân tộc, bỏ qua mọi hận thù, hướng tới những gia trị cao cả và nhân văn.
The Guardian dẫn lời của Alonso González, một trong những lãnh đạo của FARC nói rằng, một khi chính phủ Colombia và FARC ký một thỏa thuận hòa bình, nó sẽ thay đổi tất cả: "Nó sẽ thay đổi tiến trình lịch sử. Cuối cùng tôi đã có thể nhìn thấy hòa bình”.