Cô Cao Thị Trang (sinh năm 1991), hiện là giáo viên Trường Mầm non Văn Tiến (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề, nữ giáo viên đã đạt được bước tiến lớn trong sự nghiệp giáo dục của mình.
Cô là một trong 25 nhà giáo trong khối giáo dục mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Chia sẻ về khoảnh khắc đáng tự hào ấy, Cô Cao Thị Trang bộc bạch: “Tận sâu trong trái tim mình, tôi cảm thấy được truyền cảm hứng mạnh mẽ để tiếp tục phấn đấu, không ngừng đổi mới và cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục.
Tôi không chỉ cảm nhận được niềm vui cá nhân, mà còn thấy rõ hơn sự thiêng liêng, giá trị của nghề giáo. Đây sẽ mãi là động lực để tôi tiếp tục giữ vững niềm tin vào giá trị của nghề giáo, yêu nghề, yêu trẻ và không ngừng sáng tạo trên con đường mà mình đã chọn”.
Mỗi trẻ là một “thế giới” khác nhau
Cô Trang chia sẻ, ngay từ tấm bé, cô đã mang trong mình ước mơ giản dị nhưng ý nghĩa - trở thành một cô giáo mầm non: “Khi còn nhỏ, mỗi lần được cô giáo mầm non hỏi: Lớn lên, con muốn làm gì?, tôi luôn trả lời không chút do dự: “Con muốn làm cô giáo giống cô”.
Hình ảnh “người mẹ hiền thứ hai” với giọng nói nhẹ nhàng, đôi tay dịu dàng chăm sóc từng đứa trẻ đã khắc sâu vào tâm trí cô bé Trang ngày ấy, rồi trở thành ước mơ cháy bỏng sau này.
Những trải nghiệm trong quá trình trưởng thành cũng đã góp phần củng cố ước mơ ấy. Khi còn đi học, cô thường tham gia các hoạt động cộng đồng, tiếp xúc với trẻ em. Được chăm sóc em út trong gia đình, rồi tiếp tục phụ giúp trông nom các cháu nhỏ, cô cũng dần cảm nhận được niềm vui trong ánh mắt và tiếng cười vui của trẻ thơ.
“Tôi thấy mình yêu trẻ con từ những điều giản dị nhất - những câu nói ngây ngô nhưng chân thật, sự hồn nhiên trong mỗi ánh nhìn” - cô Trang tâm sự.
Quãng thời gian thực tập tại các trường mầm non trong địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc lại một lần nữa giúp nữ giáo viên nhận ra rằng, đây chính là công việc mà cô muốn gắn bó cả đời. Những đứa trẻ, với tất cả sự ngây thơ và đáng yêu, đã mang lại cho cô nguồn năng lượng sống dồi dào.
Năm 2012, tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non (Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc), cô Trang chính thức trở thành một giáo viên như mơ ước từ thuở nhỏ. Kể từ đó đến nay, cô đã có 12 năm gắn bó với Trường Mầm non Văn Tiến.
Những ngày đầu tiên làm cô giáo mầm non không hề dễ dàng với cô gái trẻ. Khi mới ra trường, cô phải đứng lớp với hơn 30 trẻ từ 3-5 tuổi. Mỗi trẻ đều có cá tính riêng, tâm lý khác biệt. “Trong tuần đầu tiên tôi nhận lớp, tiếng khóc của trẻ gần như không ngừng nghỉ” - cô nhớ lại.
Đặc biệt, có những trẻ rất nhạy cảm, từ chối giao tiếp và không cho cô tiếp cận. Cô phải học cách kiên nhẫn, dành nhiều thời gian quan sát và tìm ra phương pháp phù hợp với từng trẻ: “Có những lúc tôi chỉ biết ôm lấy các con để xoa dịu, nhưng chính sự yêu thương đó đã giúp tôi và các con dần gắn kết với nhau”.
Cô Trang cho rằng, yêu trẻ là yếu tố quan trọng nhất để trụ vững với nghề này: “Nếu không yêu trẻ, bản thân tôi sẽ không thể chịu được áp lực. Mỗi trẻ là một “thế giới” khác nhau, đòi hỏi sự quan tâm, kiên nhẫn và linh hoạt từ người giáo viên”.
Có một kỷ niệm đặc biệt đối với cô giáo Cao Thị Trang: Trong năm học 2019-2020, cô Trang được giao phụ trách lớp có một học sinh khuyết tật vận động. Đối với cô, đó không chỉ là một thử thách mà còn là cơ hội để lan tỏa giá trị yêu thương và hòa nhập.
“Bạn nhỏ ấy đi lại rất khó khăn, mỗi bước chân lên cầu thang là một thử thách lớn. Ban đầu, tôi phải bế bạn ấy đến từng góc trong lớp học, nhưng tôi biết không thể mãi làm như vậy... Từ đó, tôi đã viết một sáng kiến nhằm cải thiện khả năng vận động cho trẻ, kết hợp giáo dục ý thức yêu thương, đoàn kết cho những trẻ khác trong lớp. Tôi hướng dẫn từng trẻ trong lớp về cách giúp đỡ bạn, từ việc dìu bạn đi lại, lấy ba lô, đến chia sẻ đồ chơi.
Tôi nói với các con rằng, mỗi người đều có một điểm mạnh và điểm yếu. Việc chúng ta giúp bạn không chỉ làm bạn vui mà còn làm chính mình trưởng thành” - nữ giáo viên chia sẻ.
Nhờ sự tận tâm của cô giáo Cao Thị Trang, em học sinh khuyết tật đó đã tiến bộ rõ rệt, không chỉ về khả năng vận động, mà còn cả sự tự tin khi giao tiếp. Các trẻ khác trong lớp cũng trở nên đoàn kết, biết yêu thương và chia sẻ hơn.
Phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp với truyền thống
Một trong những điều đặc biệt ở cô giáo Cao Thị Trang chính là niềm đam mê sáng tạo đồ chơi cho trẻ từ những vật liệu đơn giản, gần gũi.
“Đồ chơi cho trẻ không nhất thiết phải mua sẵn, mà chính sự khéo léo và tâm huyết của giáo viên có thể biến những vật liệu tái chế thành những món đồ thú vị và an toàn. Chỉ cần một chút giấy màu, vài chiếc lá cây, sỏi đá hay những chai nhựa bỏ đi, tôi có thể làm ra cả thế giới kỳ diệu cho học sinh” - cô Trang nở một nụ cười rạng rỡ.
Với sự tỉ mỉ cùng đôi tay sáng tạo đầy khéo léo, rất nhiều món đồ chơi cơ bản được nữ giáo viên hô biến thật tài tình: Từng viên sỏi được tô màu, biến hóa thành những quả thị vàng tươi, những chai nhựa được cắt tỉa thành bông hoa hay con vật ngộ nghĩnh... Cô còn tận dụng cả vỏ trứng, lõi giấy vệ sinh hay cành cây khô, để tạo thành các món đồ chơi vừa mang tính giáo dục, vừa bảo vệ môi trường.
Cô Trang chia sẻ, quá trình làm đồ chơi không chỉ giúp cô thể hiện tình yêu với trẻ, mà còn là phương pháp khuyến khích trẻ tự tay tham gia sáng tạo. Các con học được cách tái chế, phát triển sự khéo léo và tư duy logic tự nhiên qua từng hoạt động. “Tự làm đồ chơi không chỉ rèn luyện trí óc, mà còn giúp trẻ cảm nhận được giá trị của sự cố gắng, của tình yêu thương mà cô dành cho mình” cô giải thích.
Có một lần, cô giáo Cao Thị Trang đã tổ chức hoạt động làm đồ chơi với tập thể lớp. Từ những mảnh vải vụn và hộp sữa đã qua sử dụng, cô trò đã cùng tạo nên cả một khu rừng đầy sắc màu với các con thú bằng giấy và bông. “Các con vui đến nỗi không muốn rời lớp, cứ nắm tay tôi, đòi kể tiếp câu chuyện về khu rừng kỳ diệu” - cô nhớ lại.
Nữ giáo viên cũng luôn chú trọng áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp với truyền thống. Một trong những phương pháp yêu thích của cô là dạy học thông qua trò chơi. Các trò chơi vận động, nhập vai, giải đố không chỉ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng xã hội, tư duy logic, mà còn phát triển khả năng sáng tạo.
Ngoài ra, cô Trang cũng khuyến khích trẻ tự lập trong những việc nhỏ hàng ngày. Từ việc tự đi vệ sinh, xếp gọn đồ dùng cá nhân đến chăm sóc cây xanh trong lớp, cô luôn cố gắng giúp trẻ rèn luyện ý thức tự giác và trách nhiệm.
Nữ nhà giáo luôn tâm niệm: “Dạy trẻ không chỉ là cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, mà còn là tạo môi trường để các con phát triển toàn diện, vun đắp nhân cách, truyền cảm hứng và tình yêu thương cho những tâm hồn non nớt”.
Cô Trang tự ví mình như “người làm vườn”, ngày ngày kiên nhẫn vun trồng để những mầm xanh lớn lên mạnh mẽ, vươn cao. Với cô, phần thưởng lớn nhất chính những là ánh mắt sáng ngời, nụ cười hồn nhiên và tình cảm chân thành từ học sinh.
Nữ nhà giáo tiêu biểu năm 2024 cũng nhắn gửi tới đội ngũ giáo viên mầm non trẻ rằng, tình yêu thương, sự kiên nhẫn và sáng tạo là những yếu tố không thể thiếu để gắn bó với nghề: “Hãy trân trọng từng khoảnh khắc bên trẻ thơ, vì đó là những giây phút quý giá mà không nghề nào có được!”.