Nên xem xét lại từ mục tiêu Dự thảo Chuẩn cơ sở GDĐH để không chồng chéo

06/06/2023 06:34
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Còn nhiều vấn đề cần xem xét, nhất là cách tiếp cận mục tiêu, để đảm bảo Chuẩn được áp dụng khả thi và hướng đến phát triển bền vững cơ sở giáo dục đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa xây dựng Dự thảo Quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Ảnh minh hoạ trên Baochinhphu.vn

Ảnh minh hoạ trên Baochinhphu.vn

Xem xét lại từ mục tiêu để không chồng chéo

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học được dự thảo gồm có 6 Tiêu chuẩn: (1) Tổ chức và quản trị, (2) Giảng viên, (3) Điều kiện dạy và học, (4) Tài chính, (5) Tuyển sinh và đào tạo, (6) Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, trong đó có nhiều tiêu chí của tiêu chuẩn được các chuyên gia đánh giá là khó đạt và chưa phù hợp với thực tế cũng như xu hướng phát triển như diện tích xây dựng; tỉ lệ sinh viên/ giảng viên; số lượng đầu sách; số máy tính cá nhân,…

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là mục tiêu của chuẩn cơ sở giáo dục đại học có phải là nằm ở các tiêu chí, tiêu chuẩn đó hay không?

Nếu tập trung vào các tiêu chí, tiêu chuẩn đó thì khác gì so với Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT về kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục đại học?

Tại Điều 3 của Dự thảo “Mục đích sử dụng Chuẩn” là:

“…3. Xác định các điều kiện bảo đảm chất lượng và các biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục của cơ sở đào tạo.

4. Thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin của cơ sở đào tạo đối với người học, xã hội và cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Chính phủ.

5. Xem xét, kiểm tra, giám sát các điều kiện, tiêu chí về mở ngành, duy trì hoạt động ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo” và “Điều 5. Đánh giá và báo cáo thực hiện Chuẩn” thì “b) Cơ sở đào tạo không đạt chuẩn hoặc cơ sở đào tạo có phân hiệu không đạt chuẩn phải xây dựng kế hoạch khắc phục có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo”, như vậy đã thấy sự chồng chéo từ mục tiêu…

Vấn đề ở đây cần phân biệt mục tiêu của Chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư 12/2017/ TT-BGDĐT là “đánh giá toàn bộ hoạt động của đơn vị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng giáo dục và hiệu quả hoạt động của đơn vị”, còn Chuẩn cơ sở giáo dục đại học chỉ nên “sử dụng làm cơ sở: 1. Thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và đầu tư phát triển hệ thống giáo dục đại học theo quy định của pháp luật. 2. Xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các cơ sở đào tạo và phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ”.

Chuẩn… cần tiếp cận quan điểm phát triển bền vững cơ sở giáo dục đại học

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tồn tại nhiều mô hình quản trị cũng như chịu sự quản lý nhà nước của các cấp, các ngành khác nhau.

Có trường mạnh, trường chưa mạnh nhưng quan trọng hơn cả là các mô hình quản trị đó có đảm bảo phát triển bền vững hay không thì không dám chắc.

Trong vòng mấy chục năm lại đây, số lượng trường mở ra nhiều, chuyển đổi mô hình cũng nhiều, có trường đột phá vươn lên mạnh mẽ nhưng rồi cũng gặp khó khăn, vướng mắc nhiều chỗ, kể cả chịu tác động của sự cạnh tranh không lành mạnh.

Đó là vì công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học của chúng ta chưa tốt.

Để đảm bảo cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học quốc gia chuẩn chỉnh, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển bền vững đất nước, trước hết phải xây dựng được Chuẩn cơ sở giáo dục đại học chuẩn chỉnh.

Khi phân biệt rạch ròi từ mục tiêu của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học và Chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học thì chúng ta cần đánh giá thật kĩ, phân tích thật sâu xu thế phát triển của xã hội cũng như xu thế phát triển giáo dục đại học, nhất là trong bối cảnh của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 để thiết kế Bộ tiêu chuẩn đối với cơ sở giáo dục đại học.

Bộ tiêu chuẩn này chỉ nên tập trung vào một số trụ cột chính sau:

Một là, phải xác định cho được chuẩn về mô hình tổ chức và quản trị. Luật 34/2018 đã có quy định về cơ cấu tổ chức và vận hành của cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên về khía cạnh quản lý nhà nước cần xác định một số mô hình “chuẩn” để quy hoạch phát triển cũng như đảm bảo các cơ sở giáo dục đại học vận dụng một cách phù hợp.

Chẳng hạn như mô hình đại học đa ngành hay mô hình đại học chuyên ngành đặc thù thì tối thiểu phải đạt một số tiêu chí nhất định mới đảm bảo bền vững.

Hiện tại, có trường tồn tại chỉ vài ngành đào tạo đã từng rất mạnh, nay gặp khó khăn trong tuyển sinh rồi thì loay hoay không biết chọn hướng phát triển nào.

Có trường chuyển đổi và bỏ đi thế mạnh, đào tạo các ngành không đúng sứ mệnh, rất bấp bênh…

Hai là, cần xác định chuẩn về quy mô. Cũng cần khẳng định rằng một cơ sở giáo dục đại học không thể giống y như một cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, hôm nay sản xuất hoặc buôn bán mặt hàng này, ngày mai đổi sang mặt hàng khác một cách đơn giản chỉ bằng một tờ quyết định là xong.

Vấn đề ở đây, cơ sở giáo dục đại học là cơ sở đào tạo có sứ mệnh, có tầm nhìn, có trách nhiệm đối với sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của quốc gia hay của cả một vùng rộng lớn.

Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm định hướng, dẫn dắt xã hội chứ không chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu xã hội và chỉ chạy theo nhu cầu xã hội.

Và để làm được điều đó, một cơ sở giáo dục đại học phải có quy mô đủ lớn, nguồn lực đủ mạnh mới bảo đảm xác định được các chính sách và trách nhiệm hợp lí cho từng thời kì phát triển.

Quy mô cơ sở giáo dục đại học ở đây cần nhìn rộng từ bậc đào tạo, lĩnh vực đào tạo, ngành đào tạo, kể cả các định hướng nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành.

Không nhất thiết một cơ sở giáo dục đại học đa ngành mà buộc phải đi theo 1 định hướng duy nhất nghiên cứu hay ứng dụng.

Mặt khác, quy mô cũng cần bao hàm cả số lượng người học, phạm vi tuyển sinh, phạm vi làm việc của người học…

Đây chính là tiêu chuẩn để cơ quan quản lý nhà nước xác định việc cho phép hay không cho phép mở mới các cơ sở giáo dục đại học, nhất là trên cùng phạm vi không gian.

Ba là, cần xác định một số tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng chủ yếu, không quá cụ thể, chi tiết như số lượng tối thiểu, mà chỉ tập trung xác định các tỉ lệ để đảm bảo cân bằng và bền vững.

Chẳng hạn như tỉ lệ nghiên cứu, đào tạo và phục vụ cộng đồng; tỉ lệ giảng viên/ sinh viên; tỉ lệ cơ sở vật chất phục vụ/ quy mô người học…

Đây là tiêu chuẩn giúp đánh giá việc vận hành cơ sở giáo dục đại học có đảm bảo chất lượng và bền vững hay không.

Thay đổi cách tiếp cận sử dụng Chuẩn…

Một việc cũng rất đáng quan tâm là mỗi khi có được Bộ tiêu chuẩn tốt thì việc còn lại là sử dụng như thế nào để phát huy hiệu quả.

Theo Dự thảo tại “Điều 5. Đánh giá và báo cáo thực hiện Chuẩn” quy định: “1. Hằng năm, cơ sở đào tạo tiến hành đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí và lập báo cáo thực hiện Chuẩn cho năm trước liền kề (năm báo cáo) theo mẫu tại Phụ lục III, hoàn thành gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/04.

Báo cáo thực hiện Chuẩn phải được lập riêng cho phân hiệu không nằm trong tỉnh, thành phố giáp ranh với tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính. Thời điểm lấy số liệu thống kê là ngày 31/12 của năm báo cáo.

2. Căn cứ yêu cầu quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá độc lập hoặc thẩm định báo cáo thực hiện Chuẩn đối với một số cơ sở đào tạo, yêu cầu cơ sở đào tạo giải trình đối với những nội dung chưa đầy đủ, chưa chính xác. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm chỉnh sửa, gửi lại Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo chỉnh sửa.

3. Trước ngày 30/6 hằng năm: a) Cơ sở đào tạo công bố báo cáo thực hiện Chuẩn trên trang thông tin điện tử và đưa các kết quả đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí vào báo cáo thường niên của của cơ sở đào tạo, đồng thời cập nhật thông tin trên HEMIS.

b) Cơ sở đào tạo không đạt chuẩn hoặc cơ sở đào tạo có phân hiệu không đạt chuẩn phải xây dựng kế hoạch khắc phục có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Việc áp dụng các biện pháp xử lý đối với cơ sở đào tạo không đạt chuẩn, phân hiệu không đạt chuẩn thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.

5. Hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và nhất quán của thông tin, số liệu thống kê, về thời hạn hoàn thành và chất lượng báo cáo đánh giá thực hiện Chuẩn”.

Nếu áp dụng như quy định trong Dự thảo là việc làm rất rườm rà, tất nhiên là chồng chéo và khó đem lại hiệu quả cao.

Thực ra cần phải xác định rõ mục tiêu của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học để triển khai công tác đánh giá và áp dụng.

Nếu như đánh giá đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học là trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện thì đánh giá chuẩn cơ sở giáo dục đại học phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học.

Căn cứ vào chu kì quy hoạch, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học cần thực hiện việc đánh giá để phục vụ quy hoạch, tham mưu ban hành các quy định quản lý phù hợp với trình độ phát triển từng thời kì.

Đồng thời căn cứ vào quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đã được phê duyệt và Chuẩn cơ sở giáo dục đại học đã ban hành để xem xét việc cho phép mở mới các cơ sở giáo dục đại học cũng như ban hành các chính khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học tại một số vùng “trũng” nếu có.

Và dĩ nhiên, những cơ sở giáo dục đại học không đạt chuẩn thì phải có hướng dẫn sáp nhập, giải thể, sắp xếp lại… chứ không thể để hoạt động và “xây dựng kế hoạch khắc phục có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp và báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Nếu chúng ta vẫn quản lý theo kiểu không đạt chuẩn mà vẫn cho phép tuyển sinh, đào tạo… thì khó đảm bảo có một môi trường giáo dục đại học lành mạnh, đồng nghĩa với việc khó đảm bảo các điều kiện để mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phát triển bền vững.

Hướng Sáng