Năm mèo nói chuyện… chuột (1)

06/03/2023 06:32
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mấy chục năm nay, không ít người - cả già lẫn trẻ, người dân và đội ngũ cán bộ quản lý - đều biết đến câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Có thể là không chính xác khi cho rằng không nhiều người Việt – đặc biệt là những người ngoài 60 tuổi – đọc hết một lần tác phẩm “Thời xa vắng” của cố nhà văn Lê Lựu. Tuy tác phẩm được tặng giải thưởng rất cao về văn học, được chuyển thể thành phim song không hiểu vì sao chỉ đọc tên của cuốn tiểu thuyết đã khiến cho người ta cảm thấy chạnh buồn.

Mấy chục năm nay, không ít người - cả già lẫn trẻ, cả người dân và đội ngũ cán bộ quản lý - đều biết đến câu: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Có sự đối nghịch trong hai ví dụ nêu trên về lượng người tiếp cận song lại có sự giống nhau về nỗi buồn khó tả mỗi khi nhắc đến.

“Mạch buồn” ấy trở thành động lực để rồi “năm mèo nói chuyện … chuột”.

Ảnh minh họa: nguồn: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: nguồn: baochinhphu.vn

Ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, đến nay, thời gian thực thi chương trình đã bước sang năm thứ 5.

Quãng thời gian 05 năm tương đương một nhiệm kỳ của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và các vị trí đứng đầu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: “Năm 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Hiện đã có 6 lớp được dạy theo chương trình mới và thay sách giáo khoa, các lớp còn lại sẽ tiếp tục được triển khai trong năm 2023 và những năm kế tiếp theo lộ trình đã đề ra”. [1]

Theo Bộ trưởng Sơn, thời gian 05 năm (tính từ năm 2018 đến năm 2023) là “nhịp ở giữa”, vậy có lẽ “cả nhịp” sẽ là khoảng 10 năm, nếu vậy thì phải chăng đến năm 2028 sẽ hoàn thành chương trình đổi mới giáo dục phổ thông và đó là thời điểm giáo dục sẽ cất cánh?

Thông thường, sau 05 năm các đơn vị sẽ có tổng kết, đánh giá những gì đã thực hiện theo kế hoạch và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời gian kế tiếp. Vậy đây có phải là mốc thời gian mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chuẩn bị sơ kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bao gồm cả khung chương trình và sách giáo khoa?

Mặt khác, năm 2023 là tròn 10 năm Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, gộp hai chuyện làm một có lẽ việc tổng kết là việc nên làm.

Vài ý kiến trong bài viết này không phải là “cầm đèn chạy trước ô tô” mà chỉ hy vọng có thể có ích cho người muốn đọc, cần đọc hoặc phải đọc.

Tính từ năm 1945 đến nay, nước ta đã thực hiện 3 cuộc cải cách giáo dục và 2 lần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa.

Những lần chính thức gọi là “cải cách giáo dục” diễn ra vào các năm 1950, 1956, 1981. Việc “đổi mới chương trình, sách giáo khoa” diễn ra vào các năm 2000 và 2018.

Riêng đợt cải cách giáo dục năm 1981, hệ thống giáo dục phổ thông chuyển từ 10 năm sang 12 năm (bỏ lớp vỡ lòng), kéo theo sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa và cải tiến chữ viết.

Chủ trương cải tiến chữ viết bị dư luận xã hội phản ứng mạnh, khiến ngành Giáo dục phải bỏ “đổi mới” quay lại chữ viết kiểu cũ.

Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, đánh giá vai trò phản biện xã hội của báo chí, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Báo chí phản biện phải đúng, trúng với thực tiễn”. [2]

Muốn “đúng và trúng với thực tiễn” thì phải nói thật, nói thẳng. Theo tinh thần đó, bài viết này hạn chế tối đa trình bày quan điểm của người viết mà chủ yếu dựa vào đánh giá, kết luận, đề xuất của các tác giả và cơ quan báo chí chính thống.

Bài viết này không đề cập đến giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra là sau 5 lần cải cách, đổi mới, thực trạng giáo dục phổ thông nước ta thay đổi thế nào?

Muốn trả lời câu hỏi cần phân tích, đánh giá bốn yếu tố: Đường lối chính sách giáo dục; chất lượng đội ngũ nhà giáo; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; chất lượng học tập và đạo đức học đường (chất lượng học trò).

Trước hết là những sưu tầm các tác phẩm báo chí liên quan đến hai đối tượng chính trong không gian giáo dục Việt Nam: nhà giáo và học sinh.

Vậy sau các cuộc đổi mới hoặc cải cách, chất lượng hai đối tượng này có gì thay đổi?

Thứ nhất, nói về nhà giáo:

Nhà giáo nổi tiếng Giáo sư Hoàng Xuân Sính - một trong những người sáng lập Trường Đại học Thăng Long – năm 2013 đã phát biểu: “Ngành sư phạm bị coi nhẹ mấy chục năm trước rồi"!”. [3]

Trước khi xuất hiện ý kiến của bà Hoàng Xuân Sính, năm 2009, báo Dantri.com.vn đặt câu hỏi: “Ngành học sư phạm đang bị xếp “chiếu dưới”? ”. [4]

Năm 2011, cũng trên Dantri.com.vn đăng bài “Cải cách giáo dục - từ góc nhìn của người thầy”, tác giả là Tiến sĩ Dương Xuân Thành, cuối bài viết có lời tòa soạn, nguyên văn như sau:

LTS Dân trí - Nhìn một cách tổng thể, sự yếu kém khá “toàn diện” của nền giáo dục hôm nay mà con em chúng ta đang phải oằn lưng gánh chịu đều có nguyên nhân sâu xa từ chính sách đào tạo, sử dụng, đãi ngộ chưa đúng đối với đội ngũ giáo viên. Lương giáo viên thấp cũng như việc tuyển dụng giáo viên mới còn nhiều tiêu cực là lý do khiến cho ngành sư phạm không thu hút được những học sinh giỏi...” [5]

Năm 2016, báo Hà Nội mới - cơ quan của Thành ủy Hà Nội - nêu tình trạng: “Trên 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp: Nhìn lại miễn giảm học phí”. [6]

Năm 2022, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đăng bài:

“Cần có chính sách đãi ngộ hơn nữa với thí sinh vào ngành sư phạm và giáo viên giỏi giảng dạy các cấp học”. [7]

Ngày 28/08/2022, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát phóng sự “Cần chính sách để không còn “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” ”. [8]

Cũng trong năm 2022, báo điện tử Vietnamnet.vn có bài: “Hãy níu chân người tài vào sư phạm”, bài báo viết:

“Còn nhớ hồi đầu năm học mới, tin buồn về nhà giáo nơi này nơi kia nghỉ việc cứ “inh ỏi” dội đến khiến lòng người “gieo chữ” nghèn nghẹn. Mong lắm thay những đổi thay tích cực từ cơ chế quản lý, quyết sách về lương thưởng… để níu chân người tài vào sư phạm, giữ chân người giỏi ở bục giảng!”. [9]

Còn khá nhiều câu hỏi xuất hiện cách nay không lâu và có thể dễ dàng nhờ Google tìm thấy như: “Làm gì để “cứu” ngành sư phạm khỏi bị “hắt hủi”?”; “Vì sao sư phạm bị ngó lơ?”…

Hiển nhiên là không cần phải nói cơ quan báo chí đăng các bài trên trực thuộc đơn vị, bộ, ngành nào. Điều đáng nói là nhiều bài đã được đăng hơn chục năm trước, hồi chuông mà báo chí gióng lên đã có tác dụng khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm nhưng hiệu quả thế nào thì vẫn còn nhiều dấu hỏi.

Ảnh minh họa: nguồn: baochinhphu.vn

Ảnh minh họa: nguồn: baochinhphu.vn

Các ý kiến trên báo chí cho thấy hai vấn đề:

Một là đến thời điểm cuối năm 2022, ngành giáo dục vẫn chưa thu hút được nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm và người tài từ các lĩnh vực khác tự nguyện chuyển sang làm công việc trồng người.

Chỉ trong năm 2022 có tới 16.000 nhà giáo bỏ việc có nên xem là cần báo động về việc xây dựng đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục?

Năm 2013 Trung ương ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vậy có nghĩa là đã có chủ trương, chính sách, việc luật hóa các chủ trương, chính sách đó để sớm đưa nó vào cuộc sống thuộc về cơ quan ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Có hay không việc xem nhẹ quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo?

Chưa (hoặc không?) thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm không phải là bất cập duy nhất của quá trình xây dựng đội ngũ nhà giáo. Một sự thật khác được báo Tuoitre.vn phản ánh khá tế nhị trong bài viết: “Giáo viên nghỉ việc vì giá trị người thầy bị xem thường?”, bài viết trích ý kiến của một số người trong cuộc về lý do nghỉ việc:

“Lý do không chỉ là lương đâu. Vấn đề còn ở vai trò và vị trí người thầy hiện nay không còn được xem trọng như xưa”. [10]

“Vai trò và vị trí người thầy không còn được xem trọng” có đồng nghĩa với chuyện giảm nhẹ tầm quan trọng của chuyện “dạy thật”?

Một nền giáo dục nếu không dành sự quan tâm thích đáng đến “dạy thật” thì đầu ra không thể là đội ngũ lao động chất lượng chưa cao chứ chưa nói đến nhân tài.

Mặt khác, như ý kiến nêu trên Tạp chí Tổ chức nhà nước trực thuộc Bộ Nội vụ thì “Nhân tài, người tài phải có sự đầu tư, chăm sóc, vun trồng. Không thể có nhân tài, người tài một cách tự nhiên”. [11]

Vậy ai sẽ đảm nhận vai trò “chăm sóc, vun trồng” nhân tài nếu không phải là nhà giáo, và nếu nhiều (hay phần lớn?) nhà giáo lại thuộc diện “chuột chạy cùng sào” thì làm sao chăm sóc, vun trồng được nhân tài?

Hai là xem xét lại một cách toàn diện quan điểm, chủ trương, chính sách đối với nhà giáo từ bậc mầm mon đến đại học. Đặc biệt là cần thống nhất việc quản lý nhân sự giáo dục theo ngành dọc.

Cần đẩy nhanh việc kết nối với cơ quan thống kê hoặc xây dựng một cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ dự báo nhu cầu giáo viên cho từng địa phương, từ đó lên kế hoạch tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo sư phạm.

Được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị dự thảo Luật Nhà giáo, có luật là tốt nhưng thực hiện triệt để các chủ trương, đường lối, điều luật hiện tại quan trọng không kém. Trước mắt là thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về xếp lương nhà giáo cũng như nên công khai chuyện dành 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo đã được thực hiện như thế nào.

Tài liệu tham khảo

[1]https://baodautu.vn/loi-nhan-dau-nam-moi-cua-bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-nguyen-kim-son-d182572.html

[2] https://tuoitre.vn/truong-ban-tuyen-giao-trung-uong-bao-chi-phan-bien-phai-dung-trung-voi-thuc-tien-20221224140215269.htm

[3] https://giaoduc.net.vn/gshoang-xuan-sinh-nganh-su-pham-bi-coi-nhe-may-chuc-nam-truoc-roi-post126673.gd

[4] https://dantri.com.vn/ban-doc/nganh-hoc-su-pham-dang-bi-xep-chieu-duoi-1246461854.htm?utm_source=article&utm_campaign=related

[5] https://dantri.com.vn/dien-dan/cai-cach-giao-duc-tu-goc-nhin-cua-nguoi-thay-1318208261.htm

[6] http://hanoimoi.com.vn/ban-in/Giao-duc/834801/tren-70000-sinh-vien-su-pham-that-nghiep-nhin-lai-mien-giam-hoc-phi

[7] https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=62914

[8] https://quochoitv.vn/can-chinh-sach-de-khong-con-chuot-chay-cung-sao-moi-vao-su-pham

[9]https://vietnamnet.vn/hay-niu-chan-nguoi-tai-vao-su-pham-2094278.html

[10] https://tuoitre.vn/phan-hoi-14-11-giao-vien-nghi-viec-vi-gia-tri-nguoi-thay-bi-xem-thuong-20221114163459086.htm

[11] https://tcnn.vn/news/detail/34425/Ban-ve-nhan-tai-va-phat-hien-su-dung-nhan-tai-hien-nay.html

Xuân Dương