Nam cử nhân Báo chí cất bằng về quê làm nông nghiệp sạch hữu cơ

07/07/2019 07:29
Công Tiến
(GDVN) - Lê Sơn Hải đã mạnh dạn cất tấm bằng cử nhân Trường Báo chí về quê khởi nghiệp làm nông nghiệp sạch có mức thu nhập khiến nhiều người mơ ước.

Giống như bao bạn trẻ khác, năm 2015 sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền chàng tân cử nhân cũng có rất nhiều dự định, ước mơ…

Hải hăng hái mang hồ sơ đi ứng tuyển nhiều nơi phần vì thực hiện ước mong của bố mẹ, rằng mong con rời quê ra phố, có được công ăn việc làm ổn định, chẳng phải sớm tối vất vả với đồng ruộng.

Ai cũng có những quãng ngày tháng vất vả riêng, với Hai quãng thời gian sau khi tốt nghiệp đại học cũng là những tháng ngày đầy chật vật và mệt mỏi khi em phải chạy xuôi, chạy ngược mà vẫn không tìm được công việc phù hợp.

Lê Sơn Hải (bên trái) tốt nghiệp cử nhân Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: L.H
Lê Sơn Hải (bên trái) tốt nghiệp cử nhân Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: L.H

Hải bộc bạch rằng: “Thời gian đầu lúc mới ra trường rồi quyết định ở nhà, mẹ em phản đối nhiều lắm.

Mẹ chỉ muốn con cái học xong ra trường làm công việc nhàn nhã hơn. Bởi, trước đây bố mẹ mình đã trải qua công việc này rồi nên biết vất vả, không muốn con mình phải theo nghề này nữa...

Sau tất cả, vượt qua những cảm giác đầy khó khăn của quãng thời gian mới ra trường và cầm hồ sơ đi xin việc em cảm thấy bản thân mình không phù hợp với bất kỳ công việc nào, trong đầu em chỉ có một suy nghĩ là muốn trở về đồi chè gia đình.

Em xác định lại tư tưởng rằng dù làm nghề gì đi chăng nữa, chỉ cần mình làm bằng lương tâm thì sẽ chạm tới trái tim và sẽ nhận được kết quả xứng đáng”.

Cách làm nông nghiệp mới của chàng cử nhân trường Báo

Cất tấm bằng cử nhân Trường Báo chí, hiện tại Hải không làm bất cứ công việc nào khác liên quan tới ngành mình được học mà em chỉ chú tâm vào làm các sản phẩm trà sạch và được ướp với các loại hoa Sen, hoa Nhài là chính.

Từ đam mê về cây cối, Hải mong muốn làm ra những sản phẩm trà kết hợp với các loại hoa Sen, hoa Nhài để có được có mùi hương đặc biệt mà em đã bước đầu hiện thực từ chính những cây trà xanh Thái Nguyên của nhà mình.

Những cây trà vườn nhà em được trồng, chăm sóc theo một quy trình hiện đại, thân thiện môi trường và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Sản phẩm trà của Hải rất đặc biệt bởi vì toàn bộ quy trình sản xuất trà và các loại hoa như hoa sen, hoa nhài… kết hợp dùng để ướp trà 100% không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do vậy rất được thị trường ưa chuộng.

Cất tấm bằng cử nhân, Lê Sơn Hải về quê bắt tay vào làm trà sạch ướp hương sen. Ảnh: L.H
Cất tấm bằng cử nhân, Lê Sơn Hải về quê bắt tay vào làm trà sạch ướp hương sen. Ảnh: L.H

Để tránh côn trùng, sâu phá hoại cây trồng, Hải thường sử dụng các chế phẩm được pha từ hỗn hợp rượu, tỏi, ớt.

Chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trà em thường sử dụng các loại phân bón hữu cơ và bột đậu tương để tạo vị đặc biệt cho mùi thơm của trà. 

Làm ra những sản phẩm trà xanh thông thường truyền thống, thì bất cứ ai trong vùng trà đặc sản đều có thể làm được nhưng trồng theo một quy trình vòng tròn khép kín, theo hướng nông nghiệp sạch hữu cơ Organic thì không mấy người làm được.

Từ tình yêu đối với cây trà và các loài hoa của dân tộc Hải tiếp tục có một sự kết hợp thành công mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hải có chia sẻ: “Em thường trăn trở suy nghĩ, sao mình không thử kết hợp trà xanh với các loại hoa để tạo ra những dòng trà mới có hương thơm tự nhiên, đồng thời sự kết hợp ấy có thể lưu giữ được hương hoa lâu hơn thay vì chỉ là nở rồi tàn thì rất phí.

Những dòng trà ướp hoa đòi hỏi người ướp trà cần có kỹ thuật, sự tập trung cao độ nhất vì thế mà sẽ ít người làm hơn.

Mỗi khách thưởng trà lại thích dùng những hương vị trà khác nhau nên em muốn đa dạng các sản phẩm để khách có thể lựa chọn hương vị trà mình thích”.

Chăm chỉ, ham học hỏi và làm trà bằng cả trái tim đam mê

Con đường đi tới thành công thường không có dấu chân của những kẻ lười biếng và thường những cách làm mới thì sẽ có thể gặp phải những áp lực và cả sự phản đối.

Cô thủ khoa quê Lạng Sơn ước mơ được về xây dựng quê hương

Áp lực đó có thể từ chính người thân trong gia đình và của những người xung quanh vì cách làm mới thường khác xa cách làm cũ đã in sâu vào tiềm thức mà thành quả thu lại chưa biết thế nào.

Với Hải cũng vậy, khi mới ra trường, ngoài kinh nghiệm vốn có từ trước về làm trà thì hầu như mọi kiến thức về làm nông nghiệp hữu cơ Organic là hoàn toàn mới lạ với em.

Em gặp rất nhiều khó khăn, có cả khó khăn về kinh nghiệm làm và nguồn vốn để đầu tư chưa có, kiến thức về ướp trà cũng ít và những thông tin trên mạng cũng vô cùng ít ỏi.

Được sự giúp đỡ từ gia đình, sự đam mê, cần mẫn đọc sách báo, tài liệu và học học kinh nghiệm của các bậc tiền bối ở địa phương, Hải đã dần tích lũy cho bản thân kinh nghiệm và sản xuất thành công cho thị trường những sản phẩm đầu tay về trà.

Hải nói rằng: “Khi quyết định quay trở về khởi nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ Organic mà không tiếp tục theo đuổi con đường mình đã được học thì khi ấy em vỡ ra khái niệm thích và đam mê là hai thứ nghe qua thì giống nhau nhưng thích thì chỉ có thời gian, còn đam mê thì là mãi mãi.

Em nghĩ mình thuộc về nông nghiệp công việc truyền thống làm trà của gia đình, đây mới là đam mê thật sự của mình nên em quyết định theo đuổi công việc này”.

Bằng sự chịu khó ham học hỏi, sau gần 4 năm làm trà thì nay Hải đã bước đầu thành công và cho ra thị trường những sản phẩm trà thơm ngon, uy tín và được rất nhiều khách hàng cả nước ưa chuộng.

Hiện nay, Hải đã có rất nhiều sản phẩm trà được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: L.H
Hiện nay, Hải đã có rất nhiều sản phẩm trà được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: L.H

Nhìn thấy giá trị của của loài hoa, Hải đã mạnh dạn kết hợp hoa để ướp với trà Thái Nguyên.

Em đã tạo dựng thêm cho thị trường hai loại trà ướp có hương thơm và đã được nhiều người yêu thích là chè ướp hương nhài và ướp hương sen.

Mỗi bông sen dùng để ướp trà cũng được chọn lựa rất kỹ càng: “Những bông sen được chọn là những bông chớm nở, còn nhiều hương nhất.

Chè ướp cũng phải là loại chè mới, chưa lên hương. Nếu chè đã xao kỹ thì khi ướp vào bông sen sẽ không có hương sen nữa.

Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát”, Hải chia sẻ.

Búp chè, hoa sen đã chắp cánh thành công mới cho chàng thanh niên trẻ

Hiện nay, Hải bán hai loại trà chính ra thị trường cả nước đó là trà mộc và trà ướp hương.

Trà mộc có 3 loại, trà móc câu và trà tôm có giá 500 ngàn đồng/kg, trà đinh (hay còn gọi là trà Tiến Vua) có giá từ 2-3 triệu đồng/kg vì kỹ thuật hái khó, chỉ sử dụng những lá non nhất trên đỉnh cây chè.

Trà ướp hương có hai loại: trà nhài và trà sen. Trà nhài có giá từ 500-700 ngàn đồng/kg. Trà sen có giá từ 8-9 triệu đồng/kg (1 cân trà sen cần từ 1.200-1.500 bông sen).

Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, thu nhập của Hải mỗi tháng đạt từ 20-30 triệu đồng.

Hải chia sẻ mong muốn: “Em muốn đưa những sản phẩm trà đặc sản được chăm sóc chuẩn hữu cơ tới với nhiều khách hàng hơn nữa, không chỉ hướng tới khách hàng trong nước mà còn là khách nước ngoài.

Em muốn giới thiệu cách canh tác trà hữu cơ thuận tự nhiên cũng như văn hóa trà của người Việt và vận động, hướng dẫn, giúp đỡ bà con nông dân thay đổi hướng canh tác hữu cơ thân thiện với môi trường…”.

Với cách làm táo bạo và khoa học chúc chàng cựu cử nhân Trường Báo chí sớm cho ra mắt những dòng trà mới lạ, ngon được thị trường ưa chuộng trên chính mảnh đất thủ phủ của chè.

Công Tiến