Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh gần 16.000 chỉ tiêu

05/03/2023 06:41
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường dự kiến sẽ dành nguồn kinh phí nhất định để xây dựng học bổng và các cơ chế để các em học sinh xuất sắc phía Nam được tỉnh chọn đi học tập ở ĐHGQHN.

Đại học Quốc gia Hà Nội tăng gần 2000 chỉ tiêu, mở thêm 4 ngành mới

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2023, nhà trường mở thêm 4 ngành mới, gồm cử nhân Thiết kế sáng tạo (khoa Các khoa học liên ngành); cử nhân Truyền thông (trường Đại học Ngoại ngữ); Kỹ sư công nghệ thực phẩm và sức khỏe, Kỹ sư kỹ thuật công nghệ cơ điện tử (trường Đại học Việt Nhật).

"Đây đều là các ngành liên quan đến nghề nghiệp, lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghệ 4.0, cũng như của cuộc sống đương đại. Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ và tin tưởng ngành mới sẽ có sức thu hút tốt với thí sinh", Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU

Bên cạnh đó, năm nay, Đại học Quốc gia sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên khoảng 10% so với năm ngoái. Cụ thể, từ mức 14.000 năm 2022 lên khoảng 15.600 chỉ tiêu năm 2023.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức lý giải nguyên nhân của việc tăng chỉ tiêu, bên cạnh việc mở ngành học mới, nhà trường cũng có thêm một số cơ sở đào tạo đã được nâng cấp, ví dụ khoa Luật thành trường Đại học Luật; khoa Các khoa học liên ngành có định hướng trở thành trường Liên ngành và Nghệ thuật đổi mới sáng tạo.

Năm nay, theo tinh thần giữ ổn định công tác tuyển sinh như năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do vậy các phương thức tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội cơ bản ổn định, gồm xét theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét bằng điểm thi đánh giá năng lực; bằng các kỳ thi, chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ; xét tuyển học sinh các trường chuyên, trung học phổ thông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Điểm mới năm nay là tỉ lệ xét tuyển phương thức dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực sẽ tăng, do chất lượng thí sinh trúng tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực rất tốt (năm 2022 dành 20% chỉ tiêu).

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực hai năm nay đã có những đổi mới, theo hướng hội nhập quốc tế. Cụ thể bài thi gồm có: Toán đọc hiểu ngữ văn và phần khoa học.

“Như vậy những em thi vào ngành khoa học kỹ thuật cũng cần có kiến thức của ngữ văn và ngược lại những em thi vào các ngành khoa học xã hội thì cũng có kiến thức tư duy toán học”, Giáo sư Đức nhấn mạnh.

Ngoài ra, một điểm mới trong điều lệ thi đánh giá năng lực thí sinh cần lưu ý: Nếu năm 2022 sau 28 ngày thí sinh được đăng ký đợt thi mới, nhiều em thi rất nhiều lần gây tốn kém mà không cải thiện được chất lượng nhiều, thì năm nay mỗi thí sinh chỉ được thi 2 lần. Do vậy năm nay thí sinh cần phải cân nhắc rất kỹ để có kết quả tốt trong kỳ thi đánh giá năng lực.

Nhiều chính sách thu hút nhân tài

Được biết, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang đưa ra nhiều chính sách, chương trình học bổng ngân sách, ngoài ngân sách nhằm khuyến khích tinh thần học tập cho sinh viên, hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó có thành tích xuất sắc trong học tập.

Ảnh minh họa: VNU

Ảnh minh họa: VNU

Từ năm học 2022-2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã lần đầu tiên triển khai chương trình gói học bổng bao gồm hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Khoa học Cơ bản. Theo đó, sinh viên các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, Hóa học,... và một số lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn sẽ được hỗ trợ hoàn toàn học phí, và khoảng 2 triệu đồng tiền sinh hoạt phí/tháng, miễn phí chỗ ở kí túc xá,...

“Đại học Quốc gia Hà Nội luôn kiên định với những sự hỗ trợ này vì đây là lựa chọn nhân tài cho các em có niềm đam mê để đeo đuổi sự nghiệp khoa học cơ bản. Chúng ta đã biết, các ngành khoa học cơ bản có những giá trị rất cốt lõi, đây cũng là giá trị và thương hiệu của Đại học Quốc gia Hà Nội. Do vậy chúng tôi phải nâng niu, gìn giữ cũng như có các chính sách để lựa chọn nhân tài, giúp các em có điều kiện theo đuổi những ngành học này”, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nói.

Ngoài ra, Giáo sư Đức cũng cho biết, hiện nhà trường đang xây dựng đề án đào tạo học sinh miền Nam. Cụ thể, trường dự kiến sẽ dành nguồn kinh phí nhất định để xây dựng học bổng và các cơ chế để các em học sinh xuất sắc được tỉnh chọn đi học tập ở Đại học Quốc gia Hà Nội, sau này các em thành tài sẽ quay trở về phục vụ tại địa phương.

“Đây một chiến lược có tầm nhìn lâu dài. Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng đề án và đang lấy ý kiến các địa phương và trường đại học phía nam, với sự hưởng ứng và phản hồi rất tích cực.

Nếu triển khai thí điểm năm nay sẽ thực sự góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các miền, đồng thời thể hiện vai trò là cơ sở đào tạo hàng đầu của Đại học Quốc gia Hà Nội”, Giáo sư Đức nhận định.

Với những nguồn lực hiện có của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ giúp các em có điều kiện hội nhập quốc tế, tiếp xúc các giáo sư đầu ngành, phòng thí nghiệm hiện đại, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các tỉnh phía nam.

Tuệ Nhi