Muốn đẩy mạnh NCKH trong trường ĐH: Cần đổi sang hình thức khoán sản phẩm

23/09/2022 06:57
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hoạt động chuyển giao công nghệ của khối ngành sức khỏe mang lại nhiều đóng góp to lớn cho kinh tế xã hội, nhưng rất khó cân đong đo đếm về mặt kinh tế.

Không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và kết quả nghiên cứu, đặt trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học đang tiến tới tự chủ như hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các trường đại học còn phải đạt được mục tiêu mở rộng nguồn thu nhằm tăng cường tài chính cho trường khi ngân sách nhà nước bị cắt giảm.

Tuy nhiên trên thực tế, nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học còn rất hạn chế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 2,8% nguồn thu của trường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã có chia sẻ về nội dung này, trong đó ông nhấn mạnh đến rào cản về các cơ chế, chính sách hiện nay đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.

Cụ thể, theo thầy Nguyễn Vũ Quốc Huy, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung và hoạt động chuyển giao công nghệ nói riêng tại các trường đại học trong nước còn vướng phải nhiều rào cản, thiếu hành lang pháp lý cho các nhà khoa học trong các trường đại học tham gia thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia vào khoa học công nghệ cũng chưa thực sự hiệu quả, sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp để tạo đầu ra cho nghiên cứu chưa mạnh, các đề tài ứng dụng có thể tạo ra sản phẩm cuối cùng để thương mại hóa chưa nhiều.

Để giúp độc giả có thêm cái nhìn tổng quát hơn về cơ cấu nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong tổng thể nguồn thu của Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổng hợp một vài số liệu, chi tiết theo dõi biểu đồ dưới đây:

Nhìn vào biểu đồ, chúng ta thấy trong vòng 3 năm trở lại đây (từ năm 2019-2021), nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường dao động từ 3,15 tỷ đồng đến 5,1 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn thu từ học phí gấp khoảng 46 lần nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào năm 2019.

Tính riêng năm 2021, tỷ lệ nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong tổng nguồn thu của trường là 2,8%. Nguồn thu từ học phí chiếm tới hơn 70% trong tổng cơ cấu nguồn thu.

Thông tin với phóng viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế cho biết, để chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với phụ huynh, sinh viên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, ngoài việc giữ nguyên mức thu học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021 theo quy định của Nhà nước, nhà trường còn thực hiện giãn thời gian nộp học phí của các năm học từ 2019-2020 đến năm học 2021-2022, làm số dư nợ học phí phải thu rất lớn, dẫn đến tổng nguồn thu học phí trong 2 năm 2020, 2021 giảm mạnh.

Như vậy, trên thực tế nếu việc thu học phí diễn ra bình thường, tỷ lệ phần trăm trên có thể còn cao hơn mức 70%.

"Rất khó cân đong đo đếm về mặt kinh tế"

Chia sẻ về khó khăn, hạn chế của hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại trường Đại học Y Dược, Đại học Huế, Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy cho biết:

“Hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường có những khó khăn, hạn chế như: cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn ở mức thiếu so với yêu cầu; kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn chưa cao; các nhà khoa học có chuyên môn, kỹ thuật nhưng vẫn phải xử lý các thủ tục hành chính và tài chính với quá nhiều quy định, thủ tục.

Cơ sở pháp lý để thành lập và tổ chức hoạt động quỹ đầu tư và phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học chưa được ban hành. Nghị định quản lý quy định về hoạt động khoa học công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học vẫn đang là dự thảo, chưa ban hành nên khó cho các hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là hợp tác với các đối tác doanh nghiệp”.


Theo Giáo sư Quốc Huy một trong những nguyên nhân dẫn tới nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường còn hạn chế là do đặc thù về khối ngành khoa học sức khỏe. Cụ thể:

“Một đặc thù riêng của khối ngành khoa học sức khỏe nói chung, của trường và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược nói riêng là sau khi hoàn thành các nhiệm vụ khoa học, công tác chuyển giao được thực hiện trực tiếp thông qua việc tích hợp các thành quả nghiên cứu vào công tác đào tạo bậc đại học và nhất là cho đào tạo sau đại học, cũng như hỗ trợ chuyển giao các kỹ thuật cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trước trong khu vực và toàn quốc”. Do đó, để quy đổi, thống kê hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ về mặt kinh tế là một điều khó khăn.

Mặc dù vậy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế cũng chia sẻ nhiều nỗ lực của trường trong thời gian qua nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tạo ra nhiều giá trị cống hiến cho xã hội.

Theo đó, trong giai đoạn vừa qua, song song với việc nỗ lực tăng cường đăng ký đề tài các cấp từ nguồn kinh phí của các Bộ, ngành và địa phương, cũng như đề tài cấp Đại học Huế và cấp cơ sở; cán bộ, viên chức và các nhà khoa học của Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế cũng tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Trong giai đoạn 2012-2022, hoạt động khoa học công nghệ của Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nhiều đề tài lớn, cấp nhà nước, cấp nghị định thư, hợp tác quốc tế đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Số lượng công bố khoa học của giảng viên Trường Đại học Y Dược đăng tải trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước tăng lên đáng kể, đặc biệt là trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục Web of Science/Scopus.

Nhiều giảng viên, sinh viên của trường đạt được các giải thưởng lớn về khoa học công nghệ như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhân tài đất Việt, Giải thưởng Cố đô về khoa học công nghệ… Công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu thông qua các hoạt động đào tạo tại trường và Bệnh viện trường như các hoạt động đào tạo, công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện, cơ sở y tế các tỉnh đã được tổ chức hiệu quả…

“Mặc dù những hoạt động này mang lại nhiều đóng góp to lớn cho kinh tế xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, nhưng rất khó cân đong đo đếm về mặt kinh tế”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Quốc Huy nhấn mạnh lại.


“Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, một số hoạt động khoa học công nghệ trong năm 2020-2021 có chững lại. Tuy nhiên hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế vẫn được duy trì. Đặc biệt số lượng công trình khoa học công bố trên các tạp chí Web of Science/Scopus trong năm 2021 vẫn đạt hơn 160 bài, tăng so với các năm trước”, thầy Nguyễn Vũ Quốc Huy lý giải về mức giảm của hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của trường vào năm 2021 so với năm 2020.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đưa ra một số kiến nghị:

“Thiết nghĩ cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc thành lập các doanh nghiệp khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học; cần có các quy định và cơ chế thông thoáng cho các nhà khoa học trong các trường đại học tham gia thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, đặc biệt nghiên cứu ứng dụng thông qua các chương trình đầu tư phát triển các phòng thí nghiệm/nhóm nghiên cứu trọng điểm tại các Trường trọng điểm trong mỗi lĩnh vực.

Cuối cùng, theo tôi cần có đột phá trong các quy định về tài chính để cởi trói cho nhà khoa học, chú trọng đến sản phẩm, kết quả nghiên cứu, chuyển giao theo hình thức khoán sản phẩm hơn là đánh giá chi tiết các hoạt động, các mục chi”.

Doãn Nhàn