Mô hình "Tổ tư vấn" với cách làm đột phá về hướng nghiệp cho học sinh THPT

Mô hình "Tổ tư vấn" với cách làm đột phá về hướng nghiệp cho học sinh THPT

11/12/2024 06:38
Vân Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Mô hình “Tổ tư vấn” với sự kết hợp giữa tư vấn và hoạt động tham quan trải nghiệm giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành nghề một cách thực tế và toàn diện.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực học sinh, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện. Một trong những điểm nổi bật của chương trình là chú trọng vào hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giúp học sinh tiếp cận kiến thức thông qua thực hành và tương tác thực tế.

Hoạt động này đã tạo ra môi trường thuận lợi để học sinh phát triển năng lực toàn diện, khai thác tối đa tiềm năng, khắc phục hạn chế cá nhân và nâng cao khả năng thích ứng với sự thay đổi không ngừng của xã hội.

Kết nối với các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thực tế

Là một trong những trường có mô hình hướng nghiệp hiệu quả, Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai (Lào Cai) đã không ngừng sáng tạo, cải tiến mô hình hướng nghiệp, để hỗ trợ học sinh khám phá sở thích, đánh giá năng lực cá nhân và hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường lao động hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vương Quang Trọng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai chia sẻ: “Nhà trường xác định công tác hướng nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Do đó, nhà trường tập trung vào mô hình Tổ tư vấn, để tư vấn nghề nghiệp. Không chỉ các em học sinh được định hướng nghề nghiệp, mà phụ huynh cũng dễ dàng nắm bắt thông tin, trao đổi với thầy cô và tổ tư vấn tuyển sinh của nhà trường”.

ảnh thầy.png

Theo thầy Vương Quang Trọng, mô hình Tổ tư vấn của Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai hoạt động theo hai hình thức chính: Thứ nhất, tư vấn và định hướng ngay tại trường, tập trung vào việc tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và thế mạnh của học sinh. Thứ hai, nhà trường tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, tạo cơ hội cho học sinh tham quan, tiếp cận thông tin thực tế và có cái nhìn trực quan, giúp định hướng nghề nghiệp một cách chính xác, hiệu quả.

Chia sẻ về cách vận hành mô hình hướng nghiệp này, thầy Trọng cho biết: “Đầu tiên, nhà trường thành lập tổ tư vấn, phân công và giao nhiệm vụ rõ ràng cho các thầy cô. Một tổ có khoảng từ 18-20 thầy cô phụ trách. Trong tổ tư vấn, có sự phối hợp của rất nhiều thầy cô. Bao gồm ban lãnh đạo nhà trường, thầy cô trong Ban chấp hành Đoàn trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, giáo viên bộ môn, thầy cô phụ trách về kỹ thuật.

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cùng nhau tìm hiểu về các ngành nghề, lĩnh vực, đặc thù, những thuận lợi, khó khăn và nhu cầu xã hội. Các thầy cô trong Ban tư vấn tuyển sinh là cầu nối gắn kết, lồng ghép các thông tin về phương thức tuyển sinh đại học, du học, học nghề... Ban chấp hành Đoàn trường sẽ phụ trách về công tác tổ chức và các vấn đề kỹ thuật liên quan. Để học sinh và phụ huynh có cái nhìn tổng quan về ngành nghề và sớm có lộ trình học tập hợp lý”.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai, trong quá trình thực hiện, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, thông qua giờ sinh hoạt lớp, các buổi chào cờ và các hoạt động ngoại khóa. Những buổi tư vấn này được thiết kế với nội dung và hình thức đa dạng, phong phú, giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về các ngành nghề và lĩnh vực mà mình quan tâm.

Tiếp đó, nhà trường tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp với sự tham gia của cả phụ huynh lẫn học sinh, được thực hiện theo từng lớp. Trong các buổi này, đội ngũ tư vấn sẽ trao đổi, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn cụ thể nhằm giúp học sinh và gia đình hiểu rõ hơn về định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Thầy Trọng cho biết thêm: “Tổ tư vấn được hoạt động xuyên suốt và liên tục trong cả năm học, đồng hành cùng học sinh trong suốt quá trình học tập, đảm bảo hỗ trợ kịp thời và hiệu quả sẽ giúp các em tự tin lựa chọn con đường nghề nghiệp tương lai”.

6.png

Trong quá trình đi vào hoạt động, Tổ tư vấn cũng gặp không ít khó khăn. Cô Nguyễn Thị Mai Trang, giáo viên môn Sinh học kiêm tư vấn tuyển sinh (Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai) chia sẻ: “Thách thức lớn nhất trong hướng nghiệp là việc nắm bắt các thông tin cơ bản về các lĩnh vực nghề nghiệp, đặc biệt khi xu hướng ngành nghề thay đổi nhanh chóng trong thời đại công nghệ.

Giáo viên, phần lớn không chuyên trách, phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, dẫn đến khó khăn trong việc đồng hành hiệu quả cùng học sinh.

Tiếp đó, sự khác biệt quan điểm giữa các thế hệ, bố mẹ ưu tiên đầu ra có nhiều cơ hội việc làm, vấn đề kinh tế gia đình, trong khi con cái lại chú trọng vào sở thích cá nhân, dễ dẫn đến xung đột và bất đồng ý kiến trong việc chọn nghề nghiệp”.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai nhấn mạnh: “Những năm qua, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của trường luôn được đổi mới, cải tiến và sáng tạo. Các em không chỉ được tư vấn trong trường, mà nhà trường cũng cố gắng kết nối với các doanh nghiệp, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm thực tế, nâng cao khả năng chọn nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu xã hội.

Đây là một bước đi quan trọng để gắn kết giáo dục với thị trường lao động, đảm bảo đầu ra chất lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

Việc kết hợp mô hình tham quan hướng nghiệp thông qua các buổi tư vấn hướng nghiệp của một số ngành nghề như công an, quân đội, hay thông qua các hoạt động trải nghiệm của học sinh tại một số cơ quan đơn vị như bệnh viện, trường học đã được đón nhận một cách rất tích cực. Phụ huynh học sinh và thầy cô rất quan tâm, học sinh cảm thấy rất thích thú”.

Nữ sinh Phạm Minh Anh, học sinh lớp 12D1, Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai chia sẻ: “Việc tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp rất bổ ích. Sau khi tham gia và được tư vấn, em đã hiểu mình muốn làm ngành nghề gì, cũng như biết được những yêu cầu mà ngành nghề đó đang cần. Em nhận ra những ưu, nhược điểm của bản thân, để từ đó, có thể lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân trước, sau đó là chọn nghề.

Trước đó, em rất thích ngành luật, nhưng sau khi được thầy cô trong tổ tư vấn phân tích và chia sẻ, cùng với các buổi tham quan, em lại thấy mình hợp với ngành truyền thông hơn. Đặc biệt, trong toàn khối, cũng có không ít bạn cũng đã thay đổi định hướng nghề nghiệp tương tự”.

5.png

Vị Phó Hiệu trưởng cho biết thêm: “Trên thực tế, Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai đã cùng thực hiện với Ban Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố để tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng dẫn giải đáp cho học sinh quan tâm tại một số chương trình do các cơ quan này tổ chức.

Thông qua các hoạt động thiện nguyện như phát cháo tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, Bệnh viện đa khoa thành phố Lào Cai..., học sinh được gặp gỡ với các bác sĩ, y tá, các em đã phần nào hiểu công việc ngành nghề mình muốn theo đuổi.

Bên cạnh đó, nhà trường đã đưa học sinh tham gia trải nghiệm tại Sa Pa, để các em có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài, hiểu hơn về các ngành nghề du lịch, dịch vụ.

Ngoài ra, nhà trường giới thiệu học sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai tổ chức.

Các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp được tổ chức với nhiều chủ đề khác nhau, nhiều quy mô như toàn trường, theo khối lớp hay quy mô đơn vị lớp học, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng hấp dẫn và thu hút sự chia sẻ của học sinh toàn trường”.

Thầy Trọng cũng cho hay: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp. Do đó, ngay từ khi học sinh có kết quả thi vào lớp 10, nhà trường đã tiến hành định hướng và tư vấn, giúp học sinh và gia đình xác định cơ bản về ngành nghề phù hợp, lựa chọn mô hình học tập thích hợp và xây dựng lộ trình học tập rõ ràng.

Sau khi triển khai mô hình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tỉ lệ học sinh định hướng nghề nghiệp đã tăng rõ rệt. Học sinh của nhà trường được đánh giá cao về kỹ năng mềm, như giao tiếp, tự tin và làm việc nhóm...”.

Chọn đúng ngành nghề yêu thích, tình trạng bỏ dở đại học hoặc thi lại giảm

Chia sẻ thêm về hiệu quả của mô hình hướng nghiệp, cô Mai Trang cho biết: “Mô hình tổ tư vấn là sự kết hợp giữa tư vấn tại chỗ và hoạt động tham quan, trải nghiệm nghề nghiệp, đã đạt hiệu quả cao. Nhà trường duy trì tỉ lệ đỗ đại học trong những năm gần đây từ 94-97%.

Đặc biệt, khi học sinh chọn đúng ngành nghề mình yêu thích, mong muốn và phù hợp, tình trạng bỏ dở học đại học hoặc thi lại chuyển ngành nghề khác đã giảm đáng kể, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số học sinh đã tốt nghiệp của trường.

Black Modern Professional Business Project Presentation (2).png

Cô Trang cũng chia sẻ: “Sự tham gia của cha mẹ học sinh, gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác hướng nghiệp, bởi chỉ khi cha mẹ và con cái có tiếng nói chung thì công tác này mới đạt được hiệu quả.

Về phía các doanh nghiệp, đây là một kênh thông tin phong phú và hữu ích giúp học sinh có cái nhìn thực tế, đồng thời tạo cơ hội trải nghiệm để hiểu rõ bản thân cũng như ngành nghề mà các em dự định theo đuổi trong tương lai. Không chỉ hợp tác với doanh nghiệp, nhà trường còn phối hợp với các tổ chức khác như công an, quân đội, bệnh viện... để tổ chức các buổi hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; qua đó, tăng cường kỹ năng và hiểu biết về các ngành nghề, giúp học sinh cùng cha mẹ định hướng rõ ràng hơn cho con đường nghề nghiệp trong tương lai.

Một ví dụ điển hình là trong năm học 2023-2024, trong 8 học sinh của thành phố Lào Cai trúng tuyển vào các trường quân đội, có tới 6 học sinh của Trường Trung học phổ thông số 1 thành phố Lào Cai”.

Vân Anh