Luận án hữu danh vô thực sẽ khiến học vị tiến sĩ rẻ rúng, hậu quả khôn lường

21/05/2022 06:15
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảng hệ số lương tiến sĩ: 5.58, trong khi đó, thạc sỹ: 4.00; đại học: 2.34; cao đẳng: 1.80.

Thống kê của Bộ Giáo dục cho biết, từ năm 2015 đến 2020, cả nước có hơn 1.450 người được công nhận giáo sư nhưng số lượng người có học hàm tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học chiếm chưa đến một nửa.

Tính đến 31/12/2019, các đại học, học viện có 78.250 giảng viên, trong đó 619 giáo sư, 4.831 phó giáo sư, 17.035 tiến sĩ. Còn số lượng giáo sư, tiến sĩ ngoài các trường, các viện nghiên cứu thì không ai biết. [1]

Con số này cho thấy, số lượng giáo sư, tiến sĩ không tham gia công tác đào tạo, nghiên cứu là rất lớn. Và cũng chưa có một công bố nào cho thấy, các nghiên cứu của họ có đóng góp được gì cho khoa học, xã hội hay không.

Tiến sĩ dán nhãn hữu danh vô thực để lại hậu quả khôn lường. (Ảnh minh họa: Báo Lao Động)Tiến sĩ dán nhãn hữu danh vô thực để lại hậu quả khôn lường. (Ảnh minh họa: Báo Lao Động)

Những ồn ào về nhiều luận án tiến sĩ thời gian qua khiến không ít người đặt câu hỏi, để theo học tiến sĩ mất nhiều thời gian, tiền của, công sức nhưng tại sao nhiều người không tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học vẫn thi nhau đi học?

Tiến sĩ hữu danh vô thực để lại nhiều hệ lụy

Thứ nhất, tiến sĩ được ưu tiên trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức và hưởng mức lương cao hơn so với người có học vị thạc sĩ.

Cụ thể, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) như sau:

Bảng hệ số lương tiến sĩ: 5.58, trong khi đó, thạc sỹ: 4.00; đại học: 2.34; cao đẳng: 1.80. Khi bảo vệ luận án thành công thì công chức, viên chức sẽ được xếp lương với hệ số 3.0 mà không cần phải đợi đến kỳ tăng lương, bởi theo quy định, hệ số lương đối với tiến sĩ khởi điểm là hệ số 3.0. [2]

Nếu tiến sĩ có học hàm giáo sư, phó giáo sư thì mức lương theo đó cũng sẽ được tăng lên. Ví dụ, chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Ngoài ra, tiến sĩ có học hàm giáo sư, phó giáo sư ở đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, nhiều người sau khi có bằng tiến sĩ nhưng không tham gia vào công việc dạy học, nghiên cứu khoa học... dẫn đến lãng phí chất xám và ngân sách (nếu được cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo). Những người này bằng mọi cách phải có tấm bằng tiến sĩ sẽ được 'ưu tiên' khi thăng quan, tiến chức.

Nếu có quy định bắt buộc tất cả tiến sĩ phải tham gia dạy học, hay nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học viên làm luận văn, luận án thì có lẽ nhiều tiến sĩ 'dán nhãn' sẽ bỏ học vị... chạy lấy người vì không kham nổi.

Và một thực tế đáng buồn là, có nhiều cán bộ yếu chuyên môn, nghiệp vụ, làm không tốt nhiệm vụ được giao thì thường có xu hướng đi học tiến sĩ, kể cả học những ngành chẳng liên quan gì đến công việc để lấp lỗ hỏng kiến thức hoặc đợi thời cơ tiến thân nhờ học vị.

Cá nhân người viết cho rằng, công chức phường, xã như chủ tịch, phó chủ tịch cần gì phải có học vị tiến sĩ ngành này ngành nọ, cái họ cần học là chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công... rồi đạo đức công vụ, thái độ phục vụ Nhân dân để làm việc cho tốt.

Kể cả ở trường đại học, viện hay những đơn vị sự nghiệp giáo dục, những người chỉ đơn thuần làm công việc hành chính cũng không cần học vị tiến sĩ. Tuy nhiên, nhiều vị trí chuẩn chức danh chỉ yêu cầu tốt nghiệp nhưng đa số lãnh đạo đều tiến sĩ. Đây có phải là một sự lãng phí nguồn nhân lực? Tôi lấy ví dụ, quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc sở giáo dục và đào tạo (trích): "tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm" (Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT).

Tuy vậy, hiện nay nhiều giám đốc sở giáo dục và đào tạo hoặc các trưởng phòng trực thuộc sở giáo dục, trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện rất nhiều người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu trước khi được bổ nhiệm họ đã có học vị thì không bàn đến, nhưng sau khi được bổ nhiệm, họ vẫn học lên thạc sĩ, tiến sĩ, có cần thiết?.

Bởi tiêu chuẩn chung của giám đốc, phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo theo Thông tư 13/2019/TT-BGDĐT là "có năng lực dự báo, tư duy chiến lược, định hướng phát triển và tổng kết thực tiễn; năng lực quản lý sự thay đổi; năng lực xử lý thông tin và truyền thông trong giáo dục và đào tạo" (trích).

Thứ ba, thầy dán nhãn học vị tiến sĩ thì sẽ đào tạo ra nhiều thế hệ học trò yếu kém. "Tiến sĩ giấy" nếu là thành viên của hội đồng chấm khóa luận, luận văn, luận án thì sẽ gây hậu quả khôn lường cho nhiều thế hệ, hủy hoại sự liêm chính của khoa học.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales), hai tiêu chuẩn quan trọng của một luận án cấp tiến sĩ là tính nguyên thủy (originality) và tầm quan trọng.

Tính nguyên thủy đòi hỏi luận án phải có ít nhất một cái mới. Còn tầm quan trọng có thể hiểu rằng kết quả nghiên cứu sản sinh ra tri thức khoa học, và tri thức đó có ảnh hưởng hay tác động trong và ngoài chuyên ngành khoa học, hay chính sách công, hay xã hội. [3]

Chiếu theo tiêu chuẩn này, hàng loạt đề tài về thể thao như dư luận ồn ào thời gian qua đáng để viết thành một luận án tiến sĩ? Trên trang Luận văn - Luận án của Bộ Giáo dục còn lưu trữ 10 luận án tiến sĩ như thế này. Bên cạnh đó, lĩnh vực Lịch sử - Văn hóa cũng có 30 luận án có nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét lại có xứng tầm luận án tiến sĩ.

Thay lời kết

Còn nhớ, dư luận từng mổ xẻ việc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sản xuất số lượng tiến sĩ nhiều.

Trong 2 năm 2015 và 2016 cơ sở này cho “ra lò” 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ. Trong đó, có những đề tài tiến sĩ, thạc sĩ, cho dù nghĩ mãi cũng không biết dùng vào việc gì, mang lại lợi ích gì cho nền khoa học nước nhà. [4]

Và thời gian qua, dư luận lại một phen "dậy sóng" khi luận án: “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La” được nhiều chuyên gia khẳng định là "chưa xứng tầm".

Tôi cho rằng, từ nhiều năm qua, việc nghiên cứu sinh sản xuất ra hàng loạt luận án tiến sĩ chẳng đâu vào đâu có một phần nguyên nhân là do chính sách tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của các cơ quan đơn vị chưa hợp lí. Cùng với đó là quy chế đào tạo sau đại học có phần phần dễ hơn. Chính vì thế, đã đến lúc cần rà soát lại tổng thể các nguyên nhân để có các chính sách toàn diện góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ và tiến sĩ phải được dùng đúng nơi, đúng việc tránh lãnh phí nguồn nhân lực.

Tài liệu tham khảo:

[1] //www.baogiaothong.vn/tu-chuyen-tien-si-cau-long-nghi-ve-giac-mo-giao-su-tien-si-d551618.html

[2] //luatminhkhue.vn/bac-luong-tien-si-la-bao-nhieu-.aspx

[3] //vnexpress.net/xung-tam-tien-si-4460916.html

[4] //laodong.vn/su-kien-binh-luan/san-xuat-tien-si-dom-nhieu-nhu-lo-ap-trung-825834.ldo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài