“Lò ấp Tiến sĩ” và ông “thợ dạy”

03/08/2021 07:35
Phó giáo sư Ngô Tứ Thành
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 12 tháng “làm Tiến sĩ” phải có công bố quốc tế là điều viễn tưởng. Hậu quả, như đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Từ khi Thông tư 08 có hiệu lực...

Đề tài Chuẩn Tiến sĩ thời gian qua tốn không biết bao giấy mực của giới báo chí Việt Nam, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Trong bài viết này, tác giả sẽ lý giải nguyên nhân căn bản của những “lùm xùm” từ “lò ấp Tiến sĩ”… đến “Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới”… để chấm dứt cuộc tranh luận không cần thiết này.

1. Từ “lò ấp Tiến sĩ” đến ông “thợ dạy”

Trong tiềm thức người Việt, học hết bậc phổ thông lên Đại học, được gọi là sinh viên “học Đại học”… và để có bằng Tiến sĩ phải “học Tiến sĩ”. Chính vì quan niệm như vậy, nên từ lúc Việt Nam bắt đầu đào tạo Tiến sĩ đến nay, khi xây dựng chương trình đào tạo Tiến sĩ luôn xem “học” nhiều hơn “làm”.

Chương trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 10/2009 và 08/2017 gồm:

Khối lượng học tập tối thiểu 90 đến 120 tín chỉ, bao gồm: các học phần bổ sung, các học phần ở trình độ tiến sĩ. Song song các học phần tối thiểu, nghiên cứu sinh đồng thời thực hiện làm Tiểu luận tổng quan trong 12 tháng đầu tiên, 12 tháng tiếp theo làm 3 chuyên đề Tiến sĩ.

Thời gian hoàn thành luận án Tiến sĩ cả khóa học chỉ có 3 năm, nên thời gian thực tế “làm Tiến sĩ” để hoàn thành Luận án chỉ còn 12 tháng cuối. Thông tư 10/2009 quy định chuẩn đầu ra luận án Tiến sĩ chỉ cần 02 bài báo đăng trên tạp chí trong nước, quá thấp nên đã bùng nổ “lò ấp Tiến sĩ” như báo chí đã từng phản ánh.

Để ngăn chặn “lò ấp Tiến sĩ”, ngày 4/4/2017, Bộ Giáo dục công bố thông tư 08/2017 với chuẩn đầu ra (sản phẩm) luận án Tiến sĩ phải: “công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus …”.

12 tháng “làm Tiến sĩ” phải có công bố quốc tế là điều viễn tưởng. Hậu quả, như đánh giá của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: “Từ khi Thông tư 08 có hiệu lực cho đến nay, số lượng tốt nghiệp của cả Việt Nam chưa được 100 tiến sĩ”. Tỷ lệ nghiên cứu sinh bảo vệ đúng hạn 10%.

Yêu cầu đầu ra Tiến sĩ tương đương chuẩn Quốc tế nhưng phải đóng mác Tiến sĩ “made in VietNam” nên hầu hết những ứng viên tìm đường ra nước ngoài làm Tiến sĩ cho “đáng đồng tiền bát gạo”, nên số nghiên cứu sinh đầu vào ở mọi cơ sở đào tạo trong nước giảm xuống gần đáy.

Một cơ sở đào tạo “vang bóng một thời” có 100 giáo sư/phó giáo sư/tiến sĩ (80 giảng viên cơ hữu, 20 giảng viên thỉnh giảng) sau khi áp dụng thông tư 08/2017, các năm 2018, 2019, 2020 mỗi năm chỉ tuyển được 02 nghiên cứu sinh, có năm 0 nghiên cứu sinh (xem tài liệu tham khảo [1]).

Giáo sư/phó giáo sư không hướng dẫn nghiên cứu sinh, không đào tạo Tiến sĩ, trở thành ông “thợ dạy” Đại học” (theo Luật Giáo dục Đại học, Giảng viên dạy Đại học chỉ cần Thạc sĩ). Có người mỉa mai rằng: nếu Đại học là trường phổ thông cấp 4, thì nơi Đào tạo Tiến sĩ là trường phổ thông cấp 5.

Như vậy nếu thông tư 10/2009 tạo ra các “lò ấp Tiến sĩ” thì thông tư 08/2017 biến các giáo sư/phó giáo sư thành ông “thợ dạy” ở trường phổ thông cấp 5”. Còn số người chịu làm nghiên cứu sinh trong nước theo thông tư 08/2017 thì bế tắc như không có đường ra.

Một phần quy trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 08/2017 và 10/2009. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Một phần quy trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 08/2017 và 10/2009. (Ảnh do tác giả cung cấp)

2. Lý giải bất cập trong chương trình đào tạo Tiến sĩ theo thông tư 08/2017

Theo thông tư 08, trong 12 tháng đầu tiên, nghiên cứu sinh phải hoàn thành Tiểu luận tổng quan với mục tiêu: “… nêu những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những vấn đề mà luận án cần tập trung NC giải quyết.”

Như vậy, Tiểu luận tổng quan là một thủ tục “hành là chính” bước đầu mà nghiên cứu sinh phải đương đầu vượt qua.

Không được làm cái mới, không được khám phá những công trình khoa học, chỉ quanh quẩn làm lại cái cũ, viết đi viết lại nội dung đã biết là một cực hình.

Vì nội dung “hành là chính” nên những góp ý của mọi người cho Tiểu luận tổng quan là vô bổ, sản phẩm chỉ là tập giấy in cất ngăn kéo lưu trữ.

Tiếp đến là thực hiện 3 chuyên đề Tiến sĩ với mục Tiêu là: “….cập nhật kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ”. “Cập nhật kiến thức mới” thực chất là quá trình “học”, không phải là quá trình “làm”.

Khác với thế kỷ 20, thế kỷ 21 là thời cách mạng công nghiệp 4.0, việc học không còn khó như trước đây, mọi kiến thức đều có trên internet, chỉ cần trang bị cho người học kiến thức căn bản và dạy người học cách tự học là người học có năng lực có thể “bơi ra biển lớn”.

Vì vậy yêu cầu nghiên cứu sinh phải dành 12 tháng để viết 03 chuyên đề Tiến sĩ hơn 150 trang tương đương quyển luận án Tiến sĩ chỉ để liệt kê “kiến thức mới liên quan trực tiếp đến đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ” là một sự lãng phí vô cùng.

Đánh giá Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ được thực hiện phức tạp như Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, nên làm xong Tiểu luận tổng quan và 3 chuyên đề Tiến sĩ, do ức chế với thủ tục “hành là chính”, nhiều nghiên cứu sinh mất hết “năng lượng”, không còn muốn tiếp tục, không còn “thăng hoa” để “làm Tiến sĩ”.

Khi đã hết “năng lượng”, mà 12 tháng còn lại nghiên cứu sinh phải hoàn thành luận án Tiến sĩ để có công bố quốc tế không còn là viễn tưởng nữa mà trở thành hoang tưởng. Đây là lý do thứ 2 nghiên cứu sinh theo thông tư 08/2017 không hoàn thành đúng thời hạn 3 năm quy định.

3. Đổi mới tư duy từ “học Tiến sĩ” sang “làm Tiến sĩ”

Thông tư 18/2021, bỏ thủ tục Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ, Bộ Giáo dục giao quyền tự chủ cho Cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo thay thế Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ bằng phương thức khác có nội dung tương đương hoặc cao hơn.

Muốn đặt chuẩn đầu ra Tiến sĩ để có công bố quốc tế, Cơ sở đào tạo phải đưa nghiên cứu sinh vào tình huống “làm” nhiều hơn “học”, phải giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết trong chương trình đào tạo.

Khi chuyển sang “làm Tiến sĩ”, ngoài học bổ sung các học phần theo quy chế, toàn bộ thời gian và công sức của nghiên cứu sinh được đầu tư cho nghiên cứu đề tài và bài báo khoa học để gửi tạp chí quốc tế không còn là áp lực.

Đầu ra 2 bài báo trên tạp chí quốc tế có phản biện chỉ là đầu ra tối thiểu, giáo viên hướng dẫn phải định hướng nghiên cứu sinh có 1 đến 2 bài trên tạp chí ISI/Scopus trước khi đưa luận án Xemina trước bộ môn.

Các công bố khoa học trên tạp chí quốc tế của nghiên cứu sinh, không chỉ là điều kiện để bảo vệ luận án mà còn giúp cơ sở đào tạo tăng hạng theo chuẩn Quốc tế, đồng thời còn là tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học trên thế giới cũng như trong nước.

Sau khi có thông tư 18/2021, một số cơ sở đào tạo vẫn muốn duy trì Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ để có điều kiện quản lý nghiên cứu sinh, để các giảng viên trong bộ môn có điều kiện được ngồi nhiều Hội đồng đưa ra những phán xét chỉ bảo nghiên cứu sinh.

Họ lo lắng, khi bỏ Tiểu luận tổng quan và chuyên đề Tiến sĩ, giao toàn quyền cho giáo viên hướng dẫn, thì vai trò của các giảng viên khác trong bộ môn sẽ giảm xuống, các nghiên cứu sinh không còn sợ, không còn kính nể bộ môn nữa. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm.

Vì khi đặt nghiên cứu sinh phải “làm Tiến sĩ”, phải có công bố quốc tế, giảng viên và tập thể bộ môn muốn nghiên cứu sinh phải “tâm phục khẩu phục”, không còn cách nào khác là phải “nâng cấp” mình lên để đủ tầm phản biện lại các bài báo khoa học đã được các tạp chí quốc tế xuất bản.

Kết luận

Điều gì sẽ xảy ra, nếu vẫn theo thông tư 08/2017, “học” quá nhiều nhưng lại yêu cầu đầu ra theo chuẩn Quốc tế, “để tiến sĩ mới Việt Nam không là nỗi hổ thẹn với thế giới” như của một Giáo sư Toán nổi tiếng đã từng tuyên bố?

Câu trả lời là, nếu còn duy trì thông tư 08/2017, các cơ sở đào tạo sẽ không còn nguồn tuyển nghiên cứu sinh, các giáo sư/phó giáo sư/tiến sĩ trước đây làm thợ trong “lò ấp Tiến sĩ” nay chuyển thành ông “thợ dạy” Đại học.

Các giáo sư/phó giáo sư có năng lực không muốn là ông “thợ dạy” sẽ tìm cách “tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”, liên kết các Viện nghiên cứu nước ngoài để tham gia đồng hướng dẫn chính các nghiên cứu sinh người Việt đã sang “tỵ nạn” giáo dục.

Để kết thúc bài viết này, xin trích lại tuyên bố của tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn “Học thật, thi thật, nhân tài thật” và “xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ”. Chuyển từ “học Tiến sĩ” sang “làm Tiến sĩ” là việc làm hưởng ứng tuyên bố trên của Bộ trưởng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://set.hust.edu.vn/cac-con-so

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phó giáo sư Ngô Tứ Thành