Lào Cai phát động phong trào “Xây dựng tủ sách giáo khoa” cho học sinh vùng khó

14/06/2022 06:12
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mới đây, Sở GD&ĐT Lào Cai đã lên kế hoạch “Xây dựng tủ sách giáo khoa” cho học sinh vùng khó trên địa bàn tỉnh để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh vùng khó khăn sẽ được mượn sách giáo khoa miễn phí

Ngày 8/6, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch số 121/KH-SGD&ĐT về Phát động phong trào “Xây dựng tủ sách giáo khoa” cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Theo đó, để triển khai phong trào, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ việc ủng hộ sách giáo khoa của học sinh, cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân cho học sinh vùng khó khăn được thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Sách giáo khoa ủng hộ phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và còn sử dụng được.

Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Khuyến khích các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân tổ chức vận chuyển, trao tặng tại các cơ sở giáo dục, các em học sinh thuộc đối tượng được nhận sách giáo khoa.

Danh mục sách giáo khoa và nguồn lực vận động sách giáo khoa các cấp học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm: Sách giáo khoa chưa sử dụng và sách giáo khoa đã sử dụng nhưng còn sử dụng được cho các năm học tiếp theo. Ngoài sách giáo khoa, các tổ chức, cá nhân có thể ủng hộ trực tiếp bằng tiền mặt cho các nhà trường tổ chức mua sách cho học sinh.

Học sinh Tiểu học vùng khó tại huyện Mường Khương (Lào Cai). (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Học sinh Tiểu học vùng khó tại huyện Mường Khương (Lào Cai). (Ảnh minh họa: Ngân Chi).

Đối tượng ủng hộ sách là tất cả học sinh các khối lớp bậc phổ thông trong và ngoài tỉnh; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Đối tượng được nhận ủng hộ sách là học sinh vùng khó khăn; học sinh thuộc các gia đình chưa có điều kiện để mua sắm đủ sách giáo khoa cho các em học tập thuộc các cơ sở giáo dục bậc Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Giáo dục thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai. Các đối tượng khác có nhu cầu tùy theo điều kiện cụ thể của nhà trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cũng yêu cầu phải đảm bảo công bằng, khách quan giữa học sinh được nhận ủng hộ sách. Các cơ sở giáo dục thực hiện quản lý, cấp phát, hướng dẫn học sinh sử dụng sách; tổ chức mua sắm sách giáo khoa theo quy định của pháp luật nếu được các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí.

Mặt khác, tổ chức nhận lại sách của học sinh sau khi kết thúc năm học để học sinh khóa sau mượn. Học sinh thuộc đối tượng được ủng hộ sách và có nhu cầu sẽ được mượn sách giáo khoa miễn phí; đồng thời, có trách nhiệm quản lý, sử dụng, hoàn trả cho nhà trường ngay sau khi kết thúc năm học để cho học sinh khóa sau sử dụng.

3 giải pháp “Xây dựng tủ sách giáo khoa”

Kế hoạch Phát động phong trào “Xây dựng tủ sách giáo khoa” cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cũng đề cập đến 3 giải pháp triển khai quan trọng.

Thứ nhất, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức thông qua phát động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động, cha mẹ học sinh và học sinh trong và ngoài tỉnh.

Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác dụng, hiệu quả của phong trào xây dựng tủ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, nêu cao vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên và học sinh trong việc sử dụng sách giáo khoa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ hai, trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng sách giáo khoa sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát số lượng học sinh ở vùng khó khăn trong năm học không đủ sách giáo khoa trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch vận động, tài trợ các tổ chức, cá nhân, học sinh, cha mẹ học sinh ủng hộ sách giáo khoa cho học sinh.

Thư viện sách và hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu (Lào Cai). (Ảnh minh họa: NTCC).

Thư viện sách và hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu (Lào Cai). (Ảnh minh họa: NTCC).

Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục là đầu mối vận động ủng hộ và tiếp nhận ủng hộ sách giáo khoa. Căn cứ số lượng sách giáo khoa được ủng hộ và nhu cầu sử dụng, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phân bổ sách giáo khoa cho các trường học.

Các cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan quản lý giáo dục theo phân cấp trước khi nhận kinh phí của các tổ chức, cá nhân ủng hộ mua sách giáo khoa cho học sinh. Thực hiện mua sắm sách giáo khoa theo quy định, trừ trường hợp theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho đối tượng được ủng hộ sách giáo khoa.

Thực hiện kiểm tra, rà soát sách giáo khoa đã sử dụng trước khi cho học sinh mượn sách. Đảm bảo đầy đủ các loại hồ sơ sổ theo dõi; ghi chép, cập nhật số liệu đầy đủ, rõ ràng chính xác; thực hiện kiểm kê sách giáo khoa theo quy định.

Thứ ba, ngành giáo dục sẽ tổ chức tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho việc thực hiện phong trào; Xây dựng tiêu chí tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân, học sinh có nhiều đóng góp cho việc thực hiện phong trào. Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, đặc biệt học sinh có nhiều đóng góp cho phong trào.

Phong trào “Xây dựng tủ sách giáo khoa” cho học sinh vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai hướng tới mục đích đầy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về sử dụng sách giáo khoa nhiều lần ở các cấp học.

bên cạnh đó, giáo dục học sinh truyền thống “tương thân tương ái”; ý thức sống tiết kiệm, tránh lãng phí; tinh thần trách nhiệm, chia sẻ, giúp đỡ cho học sinh vùng khó khăn có đủ sách giáo khoa để học tập; đảm bảo công bằng cho học sinh trong việc tiếp cận các hoạt động giáo dục.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Tranh thủ sự ủng hộ tự nguyện của các tổ chức, cá nhân; các em học sinh, cha mẹ học sinh ủng hộ sách giáo khoa để tặng cho các em học sinh vùng khó khăn của tỉnh sau khi hoàn thành năm học.

Thực hiện mục tiêu tiết kiệm kinh phí, phần nào giảm bớt gánh nặng kinh tế cho các gia đình vùng khó khăn. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “phòng giúp phòng, trường giúp trường”. Kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, đặc biệt các em học sinh có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng sách giáo khoa.

Ngân Chi