Lào Cai: Nâng cao đào tạo nghề, giảm tỉ lệ HS vừa tốt nghiệp trung học đã đi làm

23/03/2023 06:40
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS học nghề trình độ trung cấp của tỉnh Lào Cai còn thấp (năm 2022 đạt 25%, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước - là 30%).

Nhiều giải pháp nâng hiệu quả phân luồng, hướng nghiệp

Ngày 21/3, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2023.

Tham dự hội nghị, có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố.

Tại hội nghị, các báo cáo cho thấy công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh của Lào Cai trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực; tỉ lệ học sinh học xong lớp 9, lớp 12 đi học nghề tăng.

Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề các trình độ có chuyển biến rõ rệt. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề các trình độ năm 2021-2022 đạt 25% (tăng 5-9% so với năm 2019-2020); học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông học nghề các trình độ năm 2021-2022 đạt 36% (tăng 4-6% so với năm 2019-2020).

Tuy nhiên, số lượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học nghề trình độ trung cấp còn thấp (năm 2022 đạt 25%, thấp hơn mặt bằng chung của cả nước - là 30%, thấp hơn mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2025 - là 35%).

Hội nghị triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2023 tại Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai

Hội nghị triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh năm 2023 tại Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai

Số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không tham gia các loại hình học tập; tham gia lao động trực tiếp chiếm hơn 20%.

Một số huyện, thị xã có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tham gia lao động trực tiếp chiếm tỉ lệ cao như Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất giải pháp hạn chế học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở bỏ học để đạt các mục tiêu:

Phấn đấu nâng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông học nghề có trình độ đến năm 2025, giảm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lao động trực tiếp đến năm 2025 xuống 5-6%, giảm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông lao động trực tiếp đến năm 2025 xuống 12%.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trường trung học phổ thông chủ động, tích cực, quyết liệt triển khai tại đơn vị và tham mưu cho chính quyền địa phương huy động học sinh ra lớp, học sinh chuyển cấp, duy trì sĩ số học sinh; các trường chuyên nghiệp tích cực trong công tác tuyên truyền, phối hợp đạt được mục tiêu tuyển sinh từ nay đến 2025.

Nhu cầu kinh phí nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp năm 2023 là 253,836 tỷ đồng

Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về thực hiện “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho người lao động tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025” năm 2023.

Theo đó, mục tiêu cụ thể nhằm tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho 11.500 người, trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp (4.500 người); sơ cấp và dưới 3 tháng (7.000 người). Đồng thời, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 67,7%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 29,3%.

Kế hoạch cũng đề cập đến thực hiện hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các ngành/nghề trọng điểm và các ngành/nghề có nhu cầu đào tạo cao, phù hợp với xu hướng phát triển cho Trường Cao đẳng Lào Cai và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Trường Cao đẳng Lào Cai sẽ được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các ngành/nghề trọng điểm và các ngành/nghề có nhu cầu đào tạo cao. Ảnh: Fanpage nhà trường.
Trường Cao đẳng Lào Cai sẽ được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các ngành/nghề trọng điểm và các ngành/nghề có nhu cầu đào tạo cao. Ảnh: Fanpage nhà trường.

Bên cạnh đó, vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động cũng được chú trọng, quan tâm.

Đối với trình độ cao đẳng, trung cấp: Thực hiện hỗ trợ cho người học theo các chính sách quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp; học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập; Vay vốn tín dụng,...

Theo đó, hỗ trợ tổ chức thực hành, thực tập cho học sinh, sinh viên thuộc 07 ngành/nghề trọng điểm của Trường Cao đẳng Lào Cai để đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Dự kiến tổng số học sinh, sinh viên được hỗ trợ là trên 4.900 lượt người (trong đó số học sinh, sinh viên tuyển sinh mới khoảng 1.800 người và học sinh, sinh viên chuyển tiếp khoảng 3.100 người).

Hỗ trợ đối với các ngành nghề đào tạo: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị khách sạn; Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ; Nghiệp vụ nhà hàng và khách sạn; Nghiệp vụ lễ tân; Hướng dẫn du lịch; Tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp; Nghiệp vụ chế biến món ăn; Pha chế đồ uống; Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Trung Quốc; Y - dược; Điều dưỡng; Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Kỹ thuật xây dựng; Kỹ thuật Gò hàn; Cốt thép hàn; Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Vận hành nhà máy thủy điện; Nông lâm nghiệp;...

Người học ngành Hàn - một trong những ngành nghề được hỗ trợ tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Ảnh: Fanpage nhà trường.

Người học ngành Hàn - một trong những ngành nghề được hỗ trợ tại Trường Cao đẳng Lào Cai. Ảnh: Fanpage nhà trường.

Đối với trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: Thực hiện theo Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2454/QĐ-UBND ngày 30/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đơn giá đặt hàng đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Học viên tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai. Ảnh: Fanpage trung tâm.

Học viên tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành phố Lào Cai. Ảnh: Fanpage trung tâm.

Các đơn vị được giao nguồn ngân sách thực hiện, triển khai xây dựng phương thức đặt hàng đào tạo nghề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ về việc giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Số lượng: Dự kiến mở khoảng 210 lớp với tổng số học viên được hỗ trợ là 7.000 người. Trong đó ưu tiên các đối tượng là lao động nông thôn, lao động bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid -19, lao động bị mất việc làm tại vùng biên giới, lao động di cư tự do, lao động là người khuyết tật, người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người có công với cách mạng; người chấp hành xong hình phạt tù...

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án trong năm 2023 là 253,836 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách trung ương (226,336 tỷ đồng); Ngân sách địa phương (2,5 tỷ đồng); Nguồn xã hội hóa (25 tỷ đồng).

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án: Từ nguồn kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách tỉnh; kinh phí thực hiện các chương trình, đề án của tỉnh; Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, dự án, nhiệm vụ khác trung ương bổ sung có mục tiêu; nguồn kinh phí huy động từ xã hội, cộng đồng, các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Mộc Trà