Lãnh đạo trường ĐH kiến nghị gỡ nhiều nút thắt khi triển khai Nghị định 116

03/04/2023 06:29
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi thực hiện triển khai tuyển sinh theo Nghị định 116, có trường đại học gặp khó do bị khống chế chỉ tiêu tuyển sinh theo nhu cầu xã hội.

Mặc dù đã triển khai được hơn 2 năm, nhưng đến nay, một số trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành sư phạm vẫn đang gặp nhiều vướng mắc với Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm.

Chia sẻ về tình hình thực hiện triển khai Nghị định 116 trong những năm qua với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho hay, mặc dù việc có Nghị định 116 giúp cho sinh viên được hưởng những quyền lợi hỗ trợ học tập tốt nhưng lại khiến nhiều trường đào tạo sư phạm gặp khó khăn để có được chỉ tiêu.

Sinh viên Ngành Giáo dục tiểu học Trường Đại học Khánh Hòa tại Hội thi Nghiệp vụ sư phạm vào ngày 16/03 vừa qua (Nguồn: Fanpage Trường Đại học Khánh Hòa).

Sinh viên Ngành Giáo dục tiểu học Trường Đại học Khánh Hòa tại Hội thi Nghiệp vụ sư phạm vào ngày 16/03 vừa qua (Nguồn: Fanpage Trường Đại học Khánh Hòa).

Khi tuyển sinh, nhà trường phải tuyển đúng theo chỉ tiêu được giao, nhưng tuyển thế nào cho đúng chỉ tiêu lại là một bài toán mở. Bởi, khi trường tuyển sinh chưa chắc thí sinh đủ điều kiện sẽ vào trường học. Tuy nhiên, nếu tuyển số lượng thí sinh dư vào trường để đảm bảo chắc chắn đủ thì nếu dư ra, nhà trường mỗi năm phải tự chi trả nguồn kinh phí rất lớn gồm tiền hỗ trợ sư phạm (3,63 triệu đồng/tháng) cũng như học phí cho các em.

Năm 2022, Trường Đại học Khánh Hòa được Ủy ban nhân dân tỉnh giao 60 chỉ tiêu, và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 20 chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội nhưng số lượng thí sinh đăng ký vào trường rất đông.

Do vậy, để tuyển sinh được đúng 80 chỉ tiêu, nhà trường đã rất khó khăn mới có thể thực hiện được.

Việc tuyển sinh theo Nghị định 116 không chỉ khiến các trường đào tạo sư phạm gặp vướng mắc mà còn khiến các đơn vị tham mưu (chủ lực là Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ) cho Ủy ban nhân dân tỉnh rất khó khăn khi phải rất thận trọng, cân nhắc trong việc đề xuất ra chỉ tiêu tuyển sinh. Vì khi tỉnh giao chỉ tiêu phải đảm bảo được đầu ra cho các em.

“Nghị định 116 chưa thực sự thiết thực và phù hợp với tình hình hiện nay, đặc biệt là trong việc tính toán nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại cho ngành giáo dục chưa có số liệu chính xác, chưa có sự điều tra nhu cầu sắp tới cần có bao nhiêu giáo viên, chưa dự báo được số lượng giáo viên nghỉ hưu, chuyển việc,...”, thầy Phiếm bày tỏ quan điểm.

Theo Tiến sĩ Phan Phiếm, khi tỉnh Khánh Hòa hỏi các cơ quan chức năng có liên quan, các cơ quan này chỉ thống kê được nhu cầu tuyển dụng của các trường công lập. Trong khi đó, sau khi tốt nghiệp từ sư phạm ra, ngoài việc dạy cho các trường công lập, các em còn đi dạy tại các trường tư thục, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,...

Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra vướng mắc khiến các đơn vị tham mưu chỉ tiêu khó đề xuất được chỉ tiêu đào tạo.

Không những vậy, khó khăn lớn hiện nay cho các trường đào tạo sư phạm qua chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi triển khai thực hiện Nghị định 116 là nếu tỉnh không giao chỉ tiêu, Bộ cũng sẽ không giao chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội cho trường.

“Khi tuyển dụng, đâu phải chỉ ưu tiên người dân địa phương mà tuyển dụng áp dụng cho ứng viên trên cả nước, vậy tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo phải khống chế việc giao chỉ tiêu nhu cầu xã hội với các địa phương?

Việc giao chỉ tiêu như vậy là quá hạn chế so với năng lực đào tạo của trường. Nếu địa phương đó những năm tới không có nhu cầu cần tuyển dụng giáo viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không cho chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội sẽ rất thiệt thòi cho các trường đào tạo sư phạm của địa phương”, thầy Phiếm nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cấp chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội chung cho tất cả các trường có đào tạo giáo viên thay vì phải có chỉ tiêu được tỉnh giao thì Bộ mới giao. Bởi, việc đào tạo theo nhu cầu xã hội là đào tạo chung cho cả nước và sinh viên cả nước đều có quyền được phép tham gia học.

Đơn cử như, nếu năm nay, tỉnh Khánh Hòa không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong 4 năm tới, nhưng các em sinh viên trên địa bàn vẫn phải có quyền được đi học sư phạm theo nhu cầu xã hội cũng như có quyền lựa chọn trường trong tỉnh để thuận tiện trong việc đi học, tiết kiệm được nhiều nguồn kinh phí. Sau khi em tốt nghiệp, các em cũng có quyền đi tham gia ứng tuyển tại các địa phương khác.

Việc khống chế chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội đối với các trường đào tạo sư phạm không chỉ gây ra khó khăn cho trường mà còn gây ra khó khăn cho những người có nhu cầu học sư phạm đang sinh sống tại địa phương đó.

Với bất kỳ học sinh nào dù có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đến mấy đều có thể học sư phạm. Do vậy, việc khó khăn trong giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm có thể vô tình khiến các em không thể lựa chọn được ngành học phù hợp với mong muốn cả về tài chính và chuyên ngành của bản thân. Hơn nữa, tùy từng hoàn cảnh, có những em không thể đến địa phương khác để tham gia học được.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), khó khăn lớn nhất khi triển khai Nghị định 116 là muốn có chỉ tiêu, trường phải xin ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh (ý kiến, đề xuất từ Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính) thì mới xin chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo được.

“Trong 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 116 vừa qua (2021, 2022), việc phối hợp với các sở ngành liên quan trong xác định chỉ tiêu đào tạo và kinh phí thực hiện để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thực hiện đào tạo theo Nghị định có nhiều nội dung chưa rõ.

Đến thời điểm hiện tại, qua trao đổi giữa các đơn vị, ý kiến phúc đáp của Bộ, ngành, việc phối hợp thực hiện của trường với các đơn vị liên quan đã có sự chủ động hơn. Hiện, các sinh viên sư phạm của trường từ khóa 21 có cam kết hưởng theo Nghị định 116 đều đã được hỗ trợ”, thầy Hoàng cho biết.

Khánh An