Làm gì để gạt nỗi bất an cách mạng 4.0 cướp đi cơ hội nghề nghiệp tương lai?

12/11/2022 07:14
Bài và ảnh: Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Diễn giả, nhà văn Hoàng Anh Tú chỉ bí quyết chọn nghề cho học sinh và gạt nỗi bất an khi một số cơ hội nghề nghiệp có nguy cơ biến mất trước cuộc cách mạng 4.0.

Gạt nỗi bất an bằng cách làm sếp của chính mình

Chiều ngày 11/11, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và Trường Trung học phổ thông Tân Yên số 2 (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) phối hợp tổ chức hội thảo "Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0".

Hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thu hút hơn 1.600 học sinh.

Hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thu hút hơn 1.600 học sinh.

Chia sẻ tại hội thảo, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú - “Anh Chánh Văn” nổi tiếng của báo Hoa Học Trò một thời, cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều nỗi bất an. Bởi lẽ, cuộc cách mạng 4.0 đã thay đổi rất nhiều thứ, rất nhiều công việc đã được tự động hóa, được điều khiển bởi máy móc, bởi robot, bởi trí tuệ nhân tạo AI...

Chính điều đó làm chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú - “Anh Chánh Văn” nổi tiếng của báo Hoa Học Trò một thời chia sẻ tại hội thảo.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú - “Anh Chánh Văn” nổi tiếng của báo Hoa Học Trò một thời chia sẻ tại hội thảo.

Bên cạnh đó, liệu rằng, một ngành nghề hiện tại đang rất hot, nhưng bạn có chắc, bây giờ thi vào rồi sau quá trình học tập 4-5 năm, đến lúc tốt nghiệp, ngành nghề ấy có còn hay không?".

“Vậy, chúng ta phải chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cho những biến động của xã hội. Liệu rằng, những máy móc, công nghệ hiện đại của cách mạng 4.0 có cướp đi cơ hội việc làm của các bạn trẻ trong tương lai hay không?

Phải khẳng định, nhiều nghề nghiệp có thể mất đi, nhưng máy móc không thể thay thế con người. Vậy làm thế nào chúng ta có thể tồn tại trong thời đại cách mạng 4.0, làm thế nào để chúng ta không bị máy móc thay thế.

Tôi cho rằng, các bạn học sinh phải thay đổi cách học, thay đổi cách tư duy ngay từ bây giờ.

Thứ nhất, tôi rất mong các em có thể bắt đầu nghĩ đến cụm từ “công dân toàn cầu” thay vì chỉ là một học sinh Việt Nam, lớn lên thành một sinh viên Việt Nam hay đi làm, trở thành một nhân viên Việt Nam.

Các bạn học sinh đặt câu hỏi về nghề nghiệp tương lai.

Các bạn học sinh đặt câu hỏi về nghề nghiệp tương lai.

Công dân toàn cầu không có nghĩa là phải ra nước ngoài làm, mà là chúng ta làm chủ internet, làm chủ thế giới, phải biết internet cũng là một thế giới, internet cũng là một môi trường làm việc, chúng ta có thể ngồi ở Việt Nam nhưng vẫn làm được việc ở mọi quốc gia trên thế giới, và tương tự, khi chúng ta ra nước ngoài, cũng có thể kết nối được với gia đình...

IoT (internet of things) sẽ thay đổi rất nhiều cuộc sống của chúng ta, khi thấy rằng thế giới rất phẳng có thể làm việc được ở khắp mọi nơi, ngồi bất kỳ ở đâu cũng có thể biến chỗ đó thành công sở.

Đặc biệt, chúng ta vừa trải qua 2 năm Covid-19, bắt đầu với việc học online, đó chính là cơ hội để chúng ta tiếp cận và làm chủ công nghệ, làm chủ internet. Tôi mong muốn các em ngay bây giờ hãy nghĩ đến điều đó

Ngoài ra, ngay cả khi chúng ta có hàng ngàn phần mềm để dịch, chúng ta vẫn nên chủ động học ngoại ngữ nhiều hơn. Mỗi người có thể học một ngoại ngữ, bất kể là thứ tiếng gì, đó là tấm vé để trở thành công dân toàn cầu.

Thứ hai, các em cần thay đổi cách học, thay vì nghe giảng và được thầy cô truyền thụ hay đọc sách giáo khoa, thì hãy thay đổi, chủ động hơn trong tiếp cận, phân tích thông tin, tìm kiếm thôn tin, xây dựng tư duy phản biện để không chỉ học trong sách giáo khoa, không chỉ đọc những gì đang có trong sách giáo khoa, không chỉ nghe những gì cô giáo giảng bài, mà là chủ động tiếp cận và đi tìm nguồn thông tin trên internet, rất nhiều thông tin bổ ích cho mỗi bài tập... Việc thay đổi tư duy học tập như vậy, sẽ giúp các em mở rộng cơ hội học tập...

Các em nên nhớ, với cách mạng 4.0, mọi kiến thức mà ta học đều sẽ trở nên bị lỗi thời rất nhanh, rất nhanh bị thay thế. Cách học tập ở giáo dục phổ thông chính là học tập suốt đời, là cập nhật liên tục thông tin, kiến thức, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở những thông tin, kiến thức mà chúng ta đang có, mà phải mở rộng thông tin, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm những khóa học online miễn phí trên mạng, để làm chủ thông tin, làm giàu thông tin.

Chúng ta sẽ thay đổi về cách học, làm chủ cách học, học một cách có tư duy phản biện, biết đặt câu hỏi với những gì đang học, biết lật ngược lật xuôi vấn đề, nhìn vấn đề theo nhiều góc khác nhau... Cách mạng 4.0 rất đề cao sự sáng tạo. Tôi mong rằng các em có thể xây dựng sự sáng tạo, đổi mới, và sáng tạo, đổi mới đầu tiên ngay từ bản thân mình, bằng cách tìm kiếm, đổi mới thông tin, làm chủ thông tin để có nhiều kiế thức hơn.

Với cách mạng 4.0, ngoài kiến thức sách vở, kiến thức qua mạng, một điều nữa cũng rất quan trọng là trí tuệ cảm xúc. Đó là một kỹ năng cho cách mạng 4.0. Ngoài ra, cũng cần kỹ năng làm việc nhóm, bởi mỗi người chỉ giỏi một lĩnh vực, một khía cạnh nhưng khi kết hợp với nhau, có sự hỗ trợ đắc lực, chắc chắn sẽ làm được nhiều thứ mà máy móc không làm được.

Cuối cùng là kỹ năng lãnh đạo. Mỗi chúng ta hãy tập dượt cho bản thân kỹ năng lãnh đạo. Ở đây không có nghĩa là làm sếp của ai, mà là làm sếp của chính bản thân mình, lãnh đạo được bản thân, điều khiển, làm chủ cuộc sống của mình quản lý thời gian và cảm xúc của mình, quản lý năng lượng, hiệu quả công việc của mình... Khi chúng ta có thể làm chủ bản thân, sẽ dễ dàng thành công ở tương lai” - vị diễn giả nhấn mạnh.

Chọn nghề bằng sự yêu thích, phải biến thành đam mê và thành công

Tại hội thảo, trong vai trò diễn giả, nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú đã giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của học sinh trước định hướng nghề nghiệp.

Học sinh Phan Thị Trà My - lớp 11A3 đặt câu hỏi: “Trước đây em cũng có khá nhiều băn khoăn về ngành nghề. Cá nhân em thích những công việc được hoạt động xã hội khá nhiều như du lịch, marketing,... tuy nhiên, qua sự định hướng của gia đình, đã cho thấy bên cạnh những ưu điểm cũng có những hạn chế. Sau đó, em cũng có sự thay đổi trong định hướng của mình.

Học sinh Phan Thị Trà My - lớp 11A3 đặt câu hỏi về chọn ngành theo sự yêu thích hay định hướng của gia đình.

Học sinh Phan Thị Trà My - lớp 11A3 đặt câu hỏi về chọn ngành theo sự yêu thích hay định hướng của gia đình.

Tuy nhiên, em muốn đặt câu hỏi: Chúng em nên theo đuổi ngành nghề yêu thích của bản thân hay nên nghe theo định hướng của gia đình, những người đã có những trải nghiệm, có suy nghĩ chín chắn hơn về tương lai sau này?”.

Nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú giải đáp: “Trong một bài báo gần đây của tôi đã đề cập đến việc lựa chọn nghề nghiệp như thế nào, chọn nghề hay chọn con đường?

Có rất nhiều bạn nghĩ rằng chọn nghề, tức là theo tiêu chí nghề này hot, nghề kia kiếm ra nhiều tiền,... Đúng là chúng ta cũng phải đi tìm một công việc có thể nuôi sống được mình.

Nhưng, như tôi vừa chia sẻ, có rất nhiều ngành nghề nay đang hot nhưng mai có thể lại không hot nữa. Ví dụ như chứng khoán, vừa qua, có rất nhiều “chứng sĩ” tiêu tan mộng vàng. Hay có rất nhiều nghề khác, “hot” ở thời điểm này nhưng sau này liệu có còn nguyên sức hot? Đó chính là một vấn đề.

Bên cạnh đó, có nhiều bạn không biết mình yêu thích gì, đam mê gì, không biết năng lực của mình có phù hợp với nghề mình theo đuổi hay không, rồi để cho bố mẹ lựa chọn giúp mình.

Đúng như Trà My nói, bố mẹ là người đã có nhiều trải nghiệm, đã thấy nhiều điều xảy ra trong cuộc sống, có tầm nhìn xa hơn các con, có thể giúp các con rất nhiều, nhưng như tôi vẫn nói, bố mẹ cũng chỉ nhìn thấy thế giới của những năm về trước, chỉ nhìn thấy 3 cuộc cách mạng trước đây, bố mẹ hoàn toàn không thể nhìn thấy cách mạng 4.0...

Tôi không khuyên các em phản đối lại ý kiến của bố mẹ, nhưng tôi mong các em có quyết định của riêng mình. Bởi vì tôi biết có rất nhiều bố mẹ mong con theo những ngành nghề nhẹ nhàng, ổn định hoặc những ngành như kinh tế,... nhưng đó là ưu thế, là tương lai của những năm trước đây...

Các em hãy lựa chọn nghề nghiệp bằng sự yêu thích của mình, và làm thế nào để biến công việc mình yêu thích trở thành đam mê, trở thành một sự thành công trong tương lai. Chúng ta vẫn nhầm lẫn ở một điểm, rằng phải có đam mê mới có thành công.

Tôi không cho là như vậy. Tôi cho rằng, thành công đến là nhờ đam mê nhưng phải có thành công mới thực sự khơi dậy và nuôi dưỡng được đam mê. Giống như tôi trước đây, chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành nhà báo, cho đến khi, tôi có một thành công nho nhỏ trên báo Hoa Học Trò, và nó giúp tôi tiếp tục nuôi dưỡng con đường ấy, biến thành đam mê và đạt được thành công.

Tôi mong rằng, khi các bạn tìm thấy một đam mê, hãy cho phép mình trải nghiệm, cho phép mình sai, dám thử để tìm ra được công việc yêu thích thực sự.

Thậm chí, có thể dừng một năm thi đại học để có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, vì có nhiều bạn lựa chọn trường chỉ dựa trên cơ hội đỗ đại học, mà quên mất rằng, chọn trường đại học là chọn một con đường, chọn một con người mà mình muốn trở thành... Các em hãy xây dựng một mục tiêu, định hướng và có lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu ấy”.

Sau khi lắng nghe những chia sẻ của diễn giả, học sinh Trường Trung học phổ thông Tân Yên số 2 đã tự tin hơn trong việc xác định định hướng của bản thân. Học sinh Trần Thịnh - lớp 11A3 cũng chia sẻ: “Em dự định sẽ thi đại học, chọn ngành công nghệ thông tin, bởi em có năng khiếu và phù hợp với năng lực của bản thân. Có ai đó từng nói, cuộc sống là một chuỗi những thử nghiệm, thử càng nhiều sẽ làm càng tốt hơn. Nên em sẽ cố gắng trải nghiệm và làm điều đó thật tốt”.

Học sinh Trần Thịnh - lớp 11A3 bày tỏ quyết tâm chọn nghề sau khi nghe những chia sẻ của diễn giả.

Học sinh Trần Thịnh - lớp 11A3 bày tỏ quyết tâm chọn nghề sau khi nghe những chia sẻ của diễn giả.

Thầy Trịnh Văn Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Yên số 2 kỳ vọng: “Thông qua các nội dung của buổi hội thảo, hy vọng các em học sinh sẽ tự khám phá được chính mình, xác định được lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp và tự xây dựng được lộ trình phát triển cho bản thân.

Thầy Trịnh Văn Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Yên số 2 hy vọng thầy cô và học sinh nhà trường sẽ vận dụng những bài học qua buổi hội thảo vào thực tiễn.

Thầy Trịnh Văn Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Yên số 2 hy vọng thầy cô và học sinh nhà trường sẽ vận dụng những bài học qua buổi hội thảo vào thực tiễn.

Qua đó, đề nghị các em học sinh sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc, rèn luyện tích cực chăm chỉ để những bài học ý nghĩa hôm nay sẽ đi vào thực tiễn, gắn bó với suốt cuộc đời.

Đồng thời, đề nghị các thầy cô giáo tiếp tục tăng cường giao lưu, học hỏi, mở mang kiến thức chuyên môn nghiệp vụ qua buổi hội thảo hôm nay, để từ đó áp dụng vào thực tiễn giáo dục học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học”.

Bài và ảnh: Mộc Trà