Lai Châu từng bước khắc phục vướng mắc trong dạy và học môn tiếng Anh

26/05/2023 06:38
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay các trường học ở Lai Châu gặp rất nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn tiếng Anh sẽ được thực hiện theo lộ trình: lớp 1 (tự chọn) từ năm học 2020-2021; lớp 2 (tự chọn) và lớp 6 từ năm học 2021-2022; lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022-2023; lớp 4, lớp 8 và lớp 11 từ năm học 2023-2024; lớp 5, lớp 9 và lớp 12 từ năm học 2024-2025.

So với chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng đến việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Môn tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, triển khai từ năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhiều trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dạy môn này.

Năm học 2022-2023, nhiều trường học trên địa bàn huyện Tân Uyên đều thiếu phòng học, trang thiết bị tối thiểu phục vụ cho việc học môn tiếng Anh như: đài, băng, đĩa CD, máy chiếu đa năng, tivi.

Trong khi đó, đội ngũ giáo viên dạy môn tiếng Anh còn thiếu; một bộ phận giáo viên năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy còn hạn chế…

Ảnh minh họa: Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ảnh minh họa: Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Để khắc phục vướng mắc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Uyên đã tổ chức rà soát quy mô lớp, học sinh và tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Tân Uyên bố trí đủ định mức giáo viên dạy học tiếng Anh trong các nhà trường đảm bảo dạy tiếng Anh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 bắt buộc.

Ưu tiên nguồn kinh phí trang bị thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ việc học môn tiếng Anh trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Uyên chỉ đạo các trường tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng đủ các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các cuộc thi trên internet, tham gia ngày hội giao lưu tiếng Anh và các tiết học kết nối liên thông bậc học trong huyện và tỉnh.

Với cách làm này, hiện các trường tiểu học trên địa bàn huyện Tân Uyên đã tổ chức dạy học môn tiếng Anh bắt buộc đối với khối lớp 3 năm học 2022 – 2023 với số tiết là 4 tiết/tuần.

Bên cạnh đó, các trường đều duy trì tổ chức dạy học tự chọn môn tiếng Anh đối với khối lớp 1 và lớp 2 là 2 tiết/tuần. Duy trì tổ chức dạy học môn tiếng Anh lớp 4, lớp 5 (chương trình 2006): 4 tiết/tuần.

Đồng hành cùng các địa phương trên địa bàn, ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu tiếp tục sắp xếp, dồn các điểm trường lẻ, đưa học sinh từ lớp 3 về học tại điểm trường trung tâm; chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện sáp nhập các trường có quy mô nhỏ giai đoạn 2020-2025 nhằm giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm số lớp học/trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đưa ra biện pháp sáp nhập các trường có quy mô nhỏ để giảm số lớp học, trường.

Ngoài ra, Sở chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, phân loại giáo viên một cách công bằng, khách quan.

Giáo viên yếu, kém, không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ thì thực hiện tinh giản biên chế do dôi dư cục bộ, từ đó có cơ sở để tuyển dụng bổ sung giáo viên cho các môn học còn thiếu.

Trường hợp giáo viên có đủ trình độ, năng lực, khả năng đáp ứng giảng dạy được các môn học tiếng Anh và có nguyện vọng thì chỉ đạo các trường chủ động cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngay từ năm học 2018-2019 để bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn bố trí, sắp xếp giảng dạy.

Mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng có thể thấy, việc tổ chức dạy và học tiếng Anh trong các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh.

Phương Nga