Lai Châu: Nhiều SV diện NĐ116 bỏ học giữa chừng vì chưa nhận được sinh hoạt phí

15/05/2023 06:35
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lai Châu gặp nhiều khó khăn khi triển khai NĐ116: Không thể đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thiếu GV thực tế ; có SV sư phạm bỏ học giữa chừng do chưa nhận hỗ trợ.

Sau một thời gian triển khai, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, đã có một số tín hiệu tích cực đối với công tác tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai tại một số địa phương, vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập, cho thấy Nghị định này chưa thực sự hiệu quả.

Để tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 116 tại địa phương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu để lắng nghe chia sẻ của ông về công tác triển khai Nghị định 116 trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Thưa Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm?

Ông Tống Thanh Hải: Sự ra đời của Nghị định 116/2020/NĐ-CP (Nghị định 116) là quá trình luật hóa chủ trương được nêu trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2023 của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29). Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định ngân sách nhà nước hỗ trợ sinh viên theo học ngành sư phạm hai khoản sau:

a) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;

b) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường”.

Điều kiện ràng buộc là sinh viên sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ nếu không thực hiện đầy đủ các quy định nêu tại điều 6, Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Phải khẳng định đây là sự chuyển biến lớn trong việc biến chủ trương của Đảng thành chính sách cụ thể, là sự đầu tư không nhỏ của Nhà nước đối với ngành sư phạm, nhằm thu hút những học sinh có lực học khá, giỏi thực sự tham gia dự tuyển vào học ngành sư phạm, nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo.

Từ đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo viên, đáp ứng yêu cầu về chất và lượng giáo viên tại các địa phương; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu. Ảnh: NVCC.

Ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu. Ảnh: NVCC.

Phóng viên: Xin ông cho biết thực tiễn triển khai Nghị định 116 tại Lai Châu trong thời gian qua.

Ông Tống Thanh Hải: Thực tiễn triển khai Nghị định 116 tại địa phương trong những năm qua cho thấy chính sách đãi ngộ sinh viên sư phạm đã phần nào thu hút được học sinh trung học phổ thông theo học ngành sư phạm (thể hiện qua: Số lượng học sinh trung học phổ thông đăng ký dự tuyển ngành sư phạm tăng, việc vận động chiêu sinh của cơ sở đào tạo giáo viên dễ dàng hơn…).

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tại Nghị định 116 vẫn chưa thật sự thu hút được nhiều học sinh có lực học khá, giỏi đăng ký dự tuyển vào học ngành sư phạm, chủ yếu là học sinh nhà nghèo, có điều kiện kinh tế khó khăn theo học ngành sư phạm để không phải đóng học phí.

Mặt khác, qua khảo sát của các cơ sở đào tạo cho thấy nhiều sinh viên sư phạm có ý định sau khi tốt nghiệp sẽ bồi hoàn kinh phí hỗ trợ và không làm việc trong ngành sư phạm, nhất là sinh viên chuyên ngành Ngoại Ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hóa học, Sinh học… với lý do thu nhập thấp, gò bó và áp lực công việc nhiều…

Vài năm gần đây, tỉnh Lai Châu đều tổ chức tuyển dụng giáo viên nhưng một số môn học thiếu giáo viên như Tiếng Anh, Tin học,… đều không tuyển đủ chỉ tiêu do không đủ nguồn tuyển (số đăng ký dự tuyển ít hơn chỉ tiêu tuyển dụng). Hơn nữa, những năm gần đây, số giáo viên xin chuyển vùng về xuôi, sang làm ngành khác, xin bỏ việc cũng có chiều hướng gia tăng.

Qua thực tiễn triển khai tại địa phương cho thấy, để thu hút đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác trong ngành sư phạm thì ngoài chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm quy định tại Nghị định 116, cần thiết phải có nhiều hơn nữa các chính sách về lương, phụ cấp, các chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên vùng khó...

Phóng viên: Qua 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định 116 đã bộc lộ nhiều vướng mắc; bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở đào tạo ít nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ phía địa phương. Về phía tỉnh Lai Châu, hiện đang tồn tại những khó khăn, bất cập gì? Điều địa phương còn băn khoăn trong công tác đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên là gì, thưa ông?

Ông Tống Thanh Hải: Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116 trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh gặp phải những khó khăn, vướng mắc sau:

Trước hết, về việc đặt hàng đào tạo giáo viên: Thực tế, tại địa phương còn thiếu nhiều giáo viên so với định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng theo biên chế được giao thì lại không còn biên chế trống để tuyển dụng nên địa phương không thể đặt hàng đào tạo theo nhu cầu thiếu giáo viên thực tế mà chỉ có thể đặt hàng đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng (ít hơn nhiều so với thực tế).

Nghị định 116 không quy định cơ chế ràng buộc và tuyển dụng riêng đối với sinh viên sư phạm thuộc diện địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sau khi tốt nghiệp phải làm giáo viên tại địa phương đặt hàng.

Do đó, nếu địa phương có đặt hàng đào tạo (phải bỏ ngân sách địa phương ra để chi trả tiền hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116) thì cũng chưa chắc đã thu hút được giáo viên thuộc diện đặt hàng về công tác tại địa phương, nhất là đối với các địa phương miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Lai Châu. Bởi, sinh viên sư phạm thuộc diện đặt hàng đào tạo sau khi tốt nghiệp có thể cố tình thi trượt tuyển dụng tại địa phương đặt hàng để đến địa phương khác (có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn) dự tuyển làm giáo viên mà vẫn không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Vì vậy, các địa phương không muốn chọn phương thức đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm để tránh phải bỏ ngân sách địa phương hỗ trợ cho sinh viên mà vẫn không thu hút được sinh viên về làm giáo viên tại địa phương.

Thứ hai, về kinh phí thực hiện chi trả tiền học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội: Tỉnh Lai Châu có Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, hằng năm vẫn tuyển sinh đào tạo ngành Cao đẳng sư phạm Mầm non theo nhu cầu xã hội, việc bố trí kinh phí thực hiện chi trả tiền hỗ trợ đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm mầm non học tại trường này theo quy định tại Nghị định 116 gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như sau:

Tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 116 quy định: Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu): Căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại trong phạm vi chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo sau khi trừ đi chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, hằng năm cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội được cấp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo hình thức giao dự toán theo quy định”.

Một giờ học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Thành Vũ.

Một giờ học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Thành Vũ.

Theo đó, đối với Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, cơ quan cấp trên là Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, báo cáo cơ quan tài chính là báo cáo với Bộ Tài chính.

Tại mục 3 Công văn số 5019/BGDĐT-GDĐH ngày 03/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn đối với các địa phương, các bộ/ngành có cơ sở đào tạo giáo viên như sau:

“Chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở đào tạo trực thuộc lập dự toán và bố trí kinh phí cho việc đào tạo giáo viên của cơ sở đào tạo trực thuộc (bao gồm các đối tượng sinh viên do bộ, ngành địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng, và các sinh viên còn lại trong chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ đặt hàng) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

Tổng hợp dự toán của các đơn vị trực thuộc, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí năm 2021 và năm 2022 theo quy định.

Như vậy, kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ do Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ giao dự toán thực hiện từ ngân sách Trung ương chứ không phải do ngân sách địa phương đảm bảo.

Tổng nhu cầu kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu năm 2021, 2022, 2023 là: 6.389 triệu đồng. Năm 2021 Bộ Tài chính đã bố trí cho tỉnh Lai Châu: 752 triệu đồng (tại Công văn số 13726/BTC-NSNN ngày 27/12/2022 của Bộ Tài chính); kinh phí còn thiếu của năm 2021 và 2022 chưa được Bộ Tài chính giao bổ sung dự toán là 5.637 triệu đồng nên rất khó khăn cho việc triển khai thực hiện chính sách theo nghị định 116 tại địa phương.

Hiện tại, đã có một số sinh viên sư phạm tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu bỏ học giữa chừng do chưa nhận được chính sách hỗ trợ tiền sinh hoạt phí.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu đã có Báo cáo số 08/BC-UBND ngày 11/01/2023 và Tờ trình số 1407/TTr-UBND ngày 18/4/2023 gửi Bộ Tài chính đề nghị bổ sung dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm học tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu năm 2022, 2023 theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 cho sinh viên sư phạm Tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, kèm theo Tờ trình số 1407/TTr-UBND ngày 18/4/2023 gửi Bộ Tài chính. Ảnh chụp màn hình.

Nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 cho sinh viên sư phạm Tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, kèm theo Tờ trình số 1407/TTr-UBND ngày 18/4/2023 gửi Bộ Tài chính. Ảnh chụp màn hình.

Thứ ba, việc theo dõi, thu hồi tiền bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP rất phức tạp và khó khăn. Cụ thể, nếu sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng/hợp đồng làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoặc địa phương khác (không phải địa phương đặt hàng đào tạo và địa phương mà cơ sở đào tạo trực thuộc), sẽ rất khó khăn trong việc theo dõi, phát hiện sinh viên có thuộc diện bồi hoàn kinh phí hỗ trợ hay không .

Chẳng hạn, sau khi tốt nghiệp, sinh viên hợp đồng làm việc tại nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập, thì sẽ rất khó theo dõi, xác định sinh viên đã đủ thời gian công tác trong ngành giáo dục theo quy định hay chưa…

Những bất cập nêu trên cũng chính là vấn đề khiến Lai Châu cũng như các địa phương khác đều không muốn chọn phương thức đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm để tránh phải bỏ ngân sách địa phương hỗ trợ cho sinh viên, mà vẫn không thu hút được sinh viên về làm giáo viên tại địa phương.

Phóng viên: Để Nghị định 116 thực sự có hiệu quả, đối với công tác bồi hoàn kinh phí, cần phải lưu tâm đến những vấn đề gì, thưa ông?

Ông Tống Thanh Hải: Như đã chia sẻ, Nghị định 116 không quy định cơ chế ràng buộc và tuyển dụng riêng đối với sinh viên sư phạm thuộc diện địa phương giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sau khi tốt nghiệp phải làm giáo viên tại địa phương đặt hàng.

Vì vậy mà các địa phương không muốn chọn phương thức đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm để tránh phải bỏ ngân sách địa phương hỗ trợ cho sinh viên mà vẫn không thu hút được sinh viên về làm giáo viên tại địa phương.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định 116 theo hướng: Nếu sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không làm giáo viên tại địa phương đặt hàng đào tạo thì sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho địa phương đặt hàng đào tạo.

Giờ học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Thành Vũ.

Giờ học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Thành Vũ.

Phóng viên: Từ những khó khăn ấy, ông có góp ý, đề xuất gì để Nghị định 116 đi vào thực tiễn triển khai có thể phát huy hiệu quả, thưa ông?

Ông Tống Thanh Hải: Để Nghị định 116 đi vào thực tiễn phát huy hiệu quả, đặc biệt là không gây khó khăn cho địa phương cũng như cơ sở đào tạo trong quá trình triển khai thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm nghiên cứu, phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ:

Sửa đổi Nghị định 116 theo hướng bổ sung quy định cơ chế ràng buộc sinh viên sư phạm thuộc diện địa phương đặt hàng: Nếu sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp 02 năm không làm giáo viên tại địa phương đặt hàng đào tạo thì sẽ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho địa phương đặt hàng đào tạo.

Hằng năm, giao bổ sung dự toán kinh phí cho các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không do địa phương đặt hàng/giao nhiệm vụ đào tạo). Như vậy, sẽ giảm bớt khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương, đặc biệt đối với các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Lai Châu.

Đồng thời, điều chỉnh chế độ tiền lương, phụ cấp cho giáo viên cả nước nói chung để đảm bảo cho trang trải cuộc sống gia đình cho giáo viên (như nhu cầu ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ, cải thiện cuộc sống…); đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ giáo viên công tác tại các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo, tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số,... tương xứng với mức độ khó khăn của từng vùng tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, khắc phục tình trạng giáo viên nghỉ thôi việc ngày một tăng. Theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Bên cạnh đó, xem xét chỉ đạo không thực hiện cứng nhắc việc tinh giản 10% biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, đồng thời giao bổ sung biên chế giáo viên cho địa phương để đảm bảo triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, đảm bảo định mức giáo viên/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giảm áp lực công việc cho đội ngũ giáo viên, hiện nay do thiếu giáo viên nên các địa phương đã phải bố trí điều động, tăng cường giáo viên giảng dạy tại nhiều trường gây xáo trộn, mất ổn định đời sống sinh hoạt cho gia đình giáo viên, nhiều giáo viên phải tăng giờ vượt định mức quy định (vượt trên 200 giờ/năm).

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Mộc Trà