Tiki-taka của Barcelona: Loài vi khuẩn đã gặp thuốc kháng sinh

03/03/2013 13:30
Hoàng Quân
(GDVN) - Nguyên tắc của các nhà ảo thuật: Không bao giờ được diễn một trò tới 2 lần. Bởi vì khi diễn tới lần thứ 2, người ta sẽ tìm cách vạch mặt anh.
Bóng đá cũng như y học, có bệnh tất có thuốc chữa. Có đội bóng mạnh thì tất có đối thủ mạnh hơn. Có cầu thủ này giỏi thì tất sẽ mọc ra cầu thủ khác chế ngự anh ta. Và có chiến thuật hay thì tất sẽ có chiến thuật khác khắc chế nó.
Thế cho nên cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi Barcelona thua liểng xiểng 2 trận liên tiếp trước Real Madrid và trước đó là thua AC Milan.
Những gì diễn ra ở San Siro, rồi Nou Camp, và đêm qua là Bernabeu, không có gì khác nhau mấy. Barcelona vẫn vào trận với lối đá ban ngắn và chạy chỗ quen thuộc, vẫn làm bóng qua nhiều kênh, vẫn ép sân… Thế nhưng AC Milan rồi Real Madrid lần lượt ngăn cản họ theo cùng một cách đá.
Cách đá đó là thay vì kèm người và tranh bóng thật quyết liệt, Milan lẫn Real chỉ cần dồn người về sân nhà, thu hẹp càng nhiều khoảng trống càng tốt, và khi có cơ hội là lập tức phản công thật nhanh và chính xác.

Real Madrid đã hạ gục Barcelona đêm qua nhờ chơi phòng ngự chặt chẽ và tận dụng tốt mọi cơ hội ăn bàn
Real Madrid đã hạ gục Barcelona đêm qua nhờ chơi phòng ngự chặt chẽ và tận dụng tốt mọi cơ hội ăn bàn

Real và Milan đã nhắm đúng tới cái quan trọng nhất trong lối chơi tiki-taka của Barcelona, đó là khoảng trống. Lionel Messi cần khoảng trống để thao diễn kỹ thuật, Andres Iniesta cũng cần khoảng trống để chuyền bóng… bí quyết của tiki-taka là tạo càng nhiều khoảng trống càng tốt, nên đó là ưu tiên hàng đầu mà Jose Mourinho lẫn Massimiliano Allegri đặt cho các học trò khi bước ra sân để đấu với những người đến từ Catalonia. Khi mà không có khoảng trống tồn tại, những gì Barcelona làm là chuyền bóng lòng vòng cho nhau.
Real và Milan thực ra đã nhận thấy điều đó từ mùa giải năm ngoái, khi Chelsea đánh bại Barcelona ở loạt bán kết Champions League. Chelsea sẽ là đội bóng duy nhất mà Barcelona dưới thời Pep Guardiola không thể đánh bại được trong một trận đấu, bởi Chelsea luôn tự rơi vào thế thủ mỗi khi gặp Barca, nhưng cũng chính vì thế mà họ triển khai phòng ngự một cách chặt chẽ. 
Vào năm 2009, Guus Hiddink dùng Jose Bosingwa và John Terry để khóa khu vực cánh phải và cho Michael Essien kèm Messi ở cánh trái để buộc Barca phải dùng đến sút xa. Còn năm 2012 vừa rồi, Roberto Di Matteo cho Chelsea đá 4-5-1 và dùng Ramires để bắt Dani Alves, buộc Barca phải đưa bóng ra trung lộ mà tại đây họ gặp phải hàng tiền vệ dày đặc của Chelsea.
Lại nói tới Pep Guardiola, Barcelona đã có trận thứ 13 liên tiếp thủng lưới, điều mà lần gần nhất xảy ra đã là từ năm 1962. Vậy vì sao Barcelona thủng lưới liên tục như thế?
Ngay trước khi trận Real Madrid - Barcelona này diễn ra, tôi đã viết rằng Pep Guardiola giúp Barcelona có một hàng thủ mạnh là nhờ họ đã chơi phòng ngự toàn sân, theo phong cách của huyền thoại Valeriy Lobanovskiy. Chính vì cách đá phòng ngự toàn mặt sân mà Liên Xô của Lobanovskiy thành công ở World Cup 1986. Pep Guardiola cũng áp dụng chiến thuật như thế, khi mất bóng thì tiền đạo lẫn tiền vệ đều vào tranh bóng ngay. Cách đá ấy giúp cho Barca tránh được phản công, vì các tiền vệ và tiền đạo đã giúp kéo dài thời gian để các hậu vệ lui về tổ chức phòng ngự.

Trước một AC Milan phòng thủ đông đảo, Xavi và các đồng đội tịt ngóm
Trước một AC Milan phòng thủ đông đảo, Xavi và các đồng đội tịt ngóm

Một khi cách đá ấy mất đi cùng với Pep Guardiola, thì hàng thủ Barcelona cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn. Và cũng trong bài viết ấy, tôi đã đánh giá rằng Pique, dù có thể chất và kỹ thuật rất tốt, đôi lúc có những quyết định không hợp lý và nhiều khi phải có Puyol đá cùng để chỉ bảo cho những việc gì phải làm.
Thế nên, công cùn, thủ kém, những thất bại liên tiếp không đơn thuần chỉ là một thời điểm phong độ đi xuống. Tiki-taka của Barcelona giờ là loài vi khuẩn mà con người đã nghĩ ra thuốc kháng sinh để chống lại. Chelsea, AC Milan và Real Madrid là những bác sĩ đủ trình độ để nghĩ ra thuốc kháng sinh đó. Và đấy là chưa kể bản thân loài vi khuẩn không có sự thay đổi nào để đối phó.
Có điều, không có loài vi khuẩn nào là tuyệt diệt. Khi kháng sinh diệt tới 95% loài vi khuẩn, thì chúng sẽ bắt đầu thay đổi cấu trúc để kháng thuốc. Và khi đó, con người lại phải nghĩ ra những thuốc kháng sinh mới hơn.
Hoàng Quân