Xây dựng Hải Phòng trở thành Trung tâm dịch vụ Logistics quốc gia

10/07/2021 14:17
LÃ TIẾN - PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc.

Hải Phòng hướng tới mục tiêu là Trung tâm dịch vụ Logistics quốc gia

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hải Phòng triển khai chiến lược có hiệu quả việc phát triển và quản lý hệ thống dịch vụ logistics nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế, tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời hỗ trợ, khuyến khích, kiến tạo môi trường thuận lợi nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.

Trong đó, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: chính sách về thu hút vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics; phát triển cơ cấu hạ tầng kết nối với các Trung tâm logistics, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; chính sách phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, quỹ đất phát triển logistics.

Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2030, Hải Phòng xây dựng 17 loại hình dịch vụ trong chuỗi hoạt động logistics bao gồm: xếp dỡ, kho bãi hỗ trợ vận tải biển, kho bãi hỗ trợ mọi phương thức vận tải, chuyển phát,…

Đây là điểm nhấn quan trọng, tạo cơ sở khai thác hiệu quả hơn thế mạnh của phân ngành vận tải Hải Phòng.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là đô thị loại 1, là giao điểm của 2 hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng.

Hiện nay, Hải Phòng là một trong 3 cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trọng điểm trong kế hoạch phát triển 2 vành đai 1 vành đai giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hạ tầng logistics của Hải Phòng đang ngày càng hoàn thiện, hạ tầng cảng biển, giao thông được đầu tư mạnh mẽ có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Cảng kiểu mẫu quốc tế Hải Phòng hoàn thành xây dựng giai đoạn khởi động và đưa vào khai thác tuyến số 1, số 2, hạ tầng giao thông đường bộ cơ bản đáp ứng, kết nối giữa các khu công nghiệp với hệ thống cảng biển.

Hệ thống cảng biển được đầu tư xây mới phù hợp xu hướng phát triển từng bước trở thành Trung tâm dịch vụ logistic của khu vực và quốc tế.

Hải Phòng hướng tới mục tiêu là Trung tâm dịch vụ Logistics quốc gia (Ảnh: internet)

Hải Phòng hướng tới mục tiêu là Trung tâm dịch vụ Logistics quốc gia (Ảnh: internet)

Năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng đạt hơn 142 triệu tấn, tăng bình quân 17.55%, dịch vụ hàng không cũng được phát triển mạnh mẽ với 11 đường bay nội địa, 4 đường bay quốc tế được khai thác.

Các dịch vụ logistics đã từng bước được quan tâm, có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cũng chỉ rõ, hiện nay kết quả hoạt động logistics chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế của thành phố.

Hải Phòng chưa có trung tâm logistics, trung tâm tiếp nhận và phân phối hàng hóa lớn, chi phí dịch vụ cao, chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ.

Phó Chủ tịch cho biết thêm, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQTW về phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 để xác định rõ đến năm 2025 thành phố Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia.

Đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực: trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.

Tận dụng triệt để lợi thế của thành phố

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo kết quả PCI mới được VCCI công bố, Hải Phòng hiện xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019.

Đây là lần thứ ba thành phố Hải Phòng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.

Ở góc độ hạ tầng cứng, với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Bắc.

Đặc biệt, Hải Phòng giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác "Hai hành lang - Một vành đai kinh tế" giữa Việt Nam và Trung Quốc, và là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Song, dù có vị trí thuận lợi và nhiều tiềm năng, nhưng Hải Phòng vẫn chưa phát huy được hết những lợi thế đã có, chưa thực sự trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ.

Trước đó, trong giai đoạn 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, Hải Phòng đã được Trung ương quan tâm đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn.

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Trung ương, thành phố cũng đã triển khai nhiều cơ chế chính sách, nhằm thu hút những nguồn lực khác, đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

Ngoài hệ thống cầu đường như đã đề cập ở kỳ trước, thành phố thực hiện dự án phát triển giao thông đô thị, với vốn ngân sách 360 tỷ đồng và 358 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA.

Tận dụng lợi thế về hạ tầng giao thông để phát triển dịch vụ Logistics (Ảnh: internet)

Tận dụng lợi thế về hạ tầng giao thông để phát triển dịch vụ Logistics (Ảnh: internet)

Được biết, thành phố cũng đang phối hợp với các cơ quan Trung ương, khẩn trương hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị khởi công cầu Tân Vũ 2, đây sẽ là tiền đề cho việc xây dựng một loạt những công trình giao thông, tạo ra mạng lưới dịch vụ logistics hoàn thiện.

Còn theo đề án quy hoạch phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Thành phố sẽ xây dựng 38 bến hành khách, 4 cảng khách, 62 cảng thủy nội địa với công suất xếp dỡ 29,2 triệu tấn/năm.

Nhưng điểm nhấn quan trọng bậc nhất có lẽ chính là việc quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Hải Phòng, đã tạo điều kiện cho thành phố phát triển mạnh mẽ mảng dịch vụ này.

Theo đó Đình Vũ đã hình thành khu bến tổng hợp, tiếp nhận tàu vận tải biển cỡ lớn chuyên chở container, hàng lỏng và hàng chuyên dụng khác.

Từ hướng phát triển này, năng lực xếp dỡ của hệ thống cảng biển Hải Phòng đã có sự gia tăng cao trong những năm tới, kỳ vọng lớn là hướng phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, nơi được xác định là trung tâm hệ thống cảng biển Hải Phòng trong tương lai.

Đây là cảng tổng hợp hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu hàng 10 vạn tấn giảm tải, tàu container đến 8.000 TEU giảm tải, tàu du lịch đến 6.000 khách và kết hợp vai trò trung chuyển quốc tế, năng lực thông qua khoảng 115 đến 125 triệu tấn hàng hóa/năm.

Qua đó có thể khẳng định, Hải Phòng đang sở hữu một hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đưa phân ngành vận tải thực sự trở thành cốt lõi của phát triển kinh tế tổng thể, trong đó có dịch vụ logistics.

LÃ TIẾN - PHẠM LINH