Vinamilk, công ty có vốn hóa lớn nhất Việt Nam

29/09/2015 13:30
Diệu Khánh/Sài Gòn đầu tư
(GDVN) - Tính đến ngày 25/9, vốn hóa của Vinamilk đạt 121.225 tỷ đồng, Vietcombank đạt 117.261 tỷ đồng còn của GAS là 89.984 tỷ đồng.

Tuần qua, VNM (Vinamilk) đã vượt qua VCB (Vietcombank) để trở thành CP vốn hóa lớn nhất thị trường. Trong vòng 1 năm qua, ngôi quán quân về vốn hóa đã được chuyển giao từ GAS rồi đến VCB và giờ là VNM.

Tính đến ngày 25/9, vốn hóa của VNM đạt 121.225 tỷ đồng, VCB đạt 117.261 tỷ đồng còn của GAS là 89.984 tỷ đồng. Những con số này nói lên rất nhiều điều, thậm chí còn là chỉ báo cho thị trường chứng khoán (TTCK).

Ảnh minh họa/Zing.
Ảnh minh họa/Zing.

Điều dễ thấy là khi nhóm cổ phiếu (CP) nào đóng vai trò dẫn dắt chủ lực trên thị trường chứng khoán, thường sẽ có một cổ phiếu “đầu đàn” trở thành quán quân vốn hóa.

Hơn 1 năm trước, với mức giá vào khoảng 11.0, GAS trở thành cổ phiếu đầu tiên có giá trị vốn hóa xấp xỉ 10 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. GAS nói riêng và cổ phiếu Dầu khí nói chung đã bùng nổ trong quý III/2014 với những đợt sóng cực mạnh.

Quý II/2015, với mức giá lên đến khoảng 5.5, VCB đã vượt qua GAS để trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường. Đây cũng là giai đoạn cổ phiếu ngân hàng (NH) thăng hoa với tỷ lệ tăng từ 30-50%. Và đến tuần rồi, khi giá của VCB chỉ còn khoảng 4.4, trong khi VNM vượt mốc 10.0 nên VNM trở thành số 1 về vốn hóa.

Vấn đề của GAS và cổ phiếu dầu khí cũng như VCB và cổ phiếu ngân hàng là khá rõ ràng. Đây là những nhóm cổ phiếu mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, nên chỉ cần có sóng tác động mang tính cộng hưởng nội khối cũng như cả thị trường là cực lớn. Nhưng trường hợp của VNM lại có những điểm khác biệt nhất định.

Thứ nhất, số lượng cổ phiếu ngành sữa trên sàn đếm chưa được bàn tay, HNM (Hanoimilk) có vốn hóa chưa đến 200 tỷ đồng, bằng “số lẻ” của VNM. Còn xét rộng hơn là ngành thực phẩm, tiêu dùng, quân số của ngành này (trong đó có VNM) cũng không thể hùng hậu được như dầu khí hay ngân hàng.

Điều này gợi ra cảm giác, việc VNM lên ngôi số 1 về vốn hóa dường như là “nỗ lực cá nhân” nhiều hơn là một “tập thể” nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu phân loại VNM vào nhóm CP dành cho đầu tư giá trị và nắm giữ dài hạn, câu trả lời sẽ rất khác.

Nhìn lại thị trường chứng khoán trong cả tháng 9 vừa qua, một số cổ phiếu mang tính thị trường bao gồm những cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số chứng khoán và đầu cơ đã có diễn biến không quá nổi bật. Điều này cũng dễ hiểu, vì VN Index vừa trải qua một đợt điều chỉnh, sau đó lại phục hồi rồi đi ngang. Tích lũy chờ những thông tin mới, nên những cổ phiếu thị trường sẽ có xu hướng lặng sóng.

Tuy nhiên, một loạt những cổ phiếu có nền tảng kinh doanh ổn định, vị thế tốt trong từng ngành lại có diễn biến rất tích cực.

Từ mức 9.5 cách đây 1 tháng, BMP (Nhựa Bình Minh) đã tăng lên gần 11.0 vào cuối tuần rồi, cũng trong khoảng thời gian tương tự, DQC (Điện Quang) tăng từ 5.2 lên 6.5; NCT (CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài) từ 11.2 tăng lên 12.5; SKG (Superdong-Kiên Giang) tăng từ 5.8 lên 7.5… Song với BMP hiện là ông lớn trong ngành nhựa, DQC là thương hiệu thiết bị chiếu sáng nổi tiếng, NCT thuộc nhóm có cổ phiếu có EPS cao hàng đầu thị trường, trong khi SKG có nhiều lợi thế trong kinh doanh.

Mới nhìn qua diễn biến về giá, nhiều người không xem bảng điện có thể mường tượng ra những đợt sóng nhộn nhịp mạnh mẽ của những CP nói trên, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. BMP, DQC, NCT, SKG... nhìn chung tăng giá khá chán bởi 2 lý do: thanh khoản thấp và vài phiên mới lại nổi sóng.

Điều này không phù hợp với những nhà đầu tư thích lướt hoặc ưa mạo hiểm, nhưng lại thích hợp với những nhà đầu tư thích giữ cổ phiếu dài hạn.

Trong khi VNM với vị thế và quy mô của mình, luôn có thanh khoản cao, tính bằng hàng trăm ngàn cổ phiếu mỗi phiên, nhưng cách tăng của cổ phiếu này cũng không dồn dập mà chia theo từng đợt.

Nói đến đây, sẽ thấy một sự tương đồng rất mạnh mẽ giữa VNM và những cổ phiếu kể trên. Và việc VNM trở thành quán quân vốn hóa cũng có thể xem như chỉ báo cho dòng cổ phiếu phù hợp cho đầu tư giá trị và dài hạn.

Hiện tại, VNM đã hết room sở hữu nước ngoài, như vậy xem ra cuộc chơi của cổ phiếu này phụ thuộc nhiều từ nhà đầu tư trong nước, khác với GAS hay VCB vẫn còn room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Có ý kiến cho rằng, vì khối ngoại không thể giải ngân thêm, nên khi VNM trở thành quán quân về vốn hóa, cổ phiếu này vẫn không thể tiếp nhận dòng tiền từ các quỹ mô phỏng chỉ số. Vậy nên, nếu khối ngoại muốn mua VNM sẽ phải đi tìm đối tác khác và mua lại.

Dù vậy, khi mà kỳ vọng về việc nới room vẫn đang được duy trì, với một cổ phiếu tốt như VNM, được nhìn nhận là sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai thì diễn biến của cổ phiếu này vẫn rất đáng chú ý.

Trong một chừng mực nào đó, VNM dường như “khan hàng” hơn so với GAS hay VCB, vì đây là cổ phiếu có thị giá thuộc nhóm cao nhất thị trường (tính đến ngày 25/9 là 101.000 đồng/CP). Với mức giá như vậy, sở hữu vài ngàn VNM đã mất vài trăm triệu đồng, và trong thực tế nắm giữ số lượng như vậy là không “đã” đối với nhiều người.

Thanh khoản cũng không quá cao, vì đa phần kể cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều muốn giữ cổ phiếu này dài hạn thay vì lướt ngắn, vậy nên chỉ cần có tin tốt liên quan đến kết quả kinh doanh, chia cổ tức, hay kỳ vọng về mở room, cổ phiếu này lập tức có thể bật mà không gặp nhiều lực chốt lãi.

Có thể nói việc VNM trở thành quán quân vốn hóa trong giai đoạn thị trường đi ngang hiện nay là một chỉ báo thú vị cho thị trường chứng khoán, cho thấy dòng tiền thông minh vẫn đang ở lại thị trường và có những lựa chọn rất hợp lý để giải ngân.

Qua đó tạo ra sức bật cho những cổ phiếu tốt thực sự, không chỉ có VNM mà còn một loạt những mã khác. Điều này cũng thể hiện sức hấp dẫn của các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là chất lượng thực sự của hàng hóa.

Và cổ phiếu tốt, dù có thể ít sóng, nhưng sau một khoảng thời gian vẫn có thể tăng giá ấn tượng, nếu “gặp thời” sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.

Diệu Khánh/Sài Gòn đầu tư