Vietcombank học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường

24/10/2021 16:14
Nguyễn Tuấn Cảnh – Chi bộ 1 – Đảng bộ Vietcombank Nam Sài Gòn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, Vietcombank đã phát huy ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, hoàn thiện chính mình...

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Đây cũng là một trong những quan điểm chỉ đạo về động lực phát triển đất nước trong những năm tới được khẳng định trong Văn kiện Ðại hội XIII của Đảng, cụ thể “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Ý chí tự lực, tự cường là việc không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài, có quan điểm độc lập trong quan hệ quốc tế, là quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc và đặc biệt là chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân. Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là thực hiện khát vọng xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, cường thịnh, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, trải qua 58 năm xây dựng và trưởng thành, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã phát huy ý chí tự lực, tự cường; không ngừng đổi mới, hoàn thiện chính mình; đóng vai trò của một ngân hàng đối ngoại chủ lực, đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế đất nước và xây dựng hệ thống ngân hàng Việt Nam vững mạnh, ngang tầm khu vực và thế giới, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Sứ mệnh lịch sử của Vietcombank

Tiền thân của Vietcombank là Sở Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập ngày 20/01/1955, sau đó đổi tên thành Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Để phù hợp với tập quán quốc tế về hoạt động ngân hàng đối ngoại, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đã được thành lập theo Nghị định số 115/CP của Hội đồng Chính phủ, chính thức ra mắt và đi vào hoạt động vào ngày 01/04/1963.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Vietcombank là ngân hàng thương mại đối ngoại duy nhất tại Việt Nam, hỗ trợ chi viện tài chính cho chiến trường miền Nam, đồng thời góp phần xây dựng và phát triển kinh tế miền Bắc, đóng góp quan trọng cho chiến thắng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Vietcombank đã nhanh chóng tiếp quản hệ thống ngân hàng của chế độ cũ, đấu tranh với các ngân hàng nước ngoài trong việc chuyển các tài khoản đứng tên Ngân hàng Quốc gia Ngụy quyền Sài Gòn vào tài khoản đứng tên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài và sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ đã thu về hàng trăm triệu đô la Mỹ, góp phần vào công cuộc khắc phục hậu quả sau chiến tranh, kiến thiết đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, từ những năm đầu thập niên 90, Vietcombank chính thức chuyển từ ngân hàng chuyên doanh trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại thành ngân hàng thương mại hoạt động đa năng. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai và hoàn thành Đề án Tái cơ cấu (2000-2005) mà trọng tâm là nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, đóng góp cho sự ổn định và phát triển kinh tế. Từ đây, Vietcombank đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu, để từ đó, Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên được Chính phủ lựa chọn để thực hiện thí điểm cổ phần hóa, chính thức hoạt động với tư cách là một ngân hàng thương mại cổ phần vào ngày 02/06/2008 và tạo ra thương vụ M&A lớn nhất của năm 2011 khi ký kết Hợp đồng cổ đông chiến lược với Mizuho Corporate Bank thuộc Tập đoàn Tài chính Mizuho - tập đoàn tài chính lớn thứ ba tại Nhật Bản và lớn thứ 20 trên thế giới.

Vietcombank và ý chí tự lực, tự cường, vươn ra biển lớn

Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động trên thị trường, từ một ngân hàng chuyên doanh phục vụ kinh tế đối ngoại, Vietcombank đã có những đóng góp quan trọng cho sự ổn định và phát triển của kinh tế đất nước, phát huy tốt vai trò của một ngân hàng đối ngoại chủ lực, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế trong nước, đồng thời tạo những ảnh hưởng quan trọng đối với cộng đồng tài chính khu vực và toàn cầu. Đó là cả một quá trình chuyển mình mạnh mẽ, nỗ lực bền bỉ cùng với ý chí tự lực, tự cường của những con người Vietcombank. Trong đó, những chính sách, chủ trương đầu tư vào con người; quản trị rủi ro tốt cùng với đột phá về công nghệ và chuyển đổi số đã tạo nên nguồn lực nội sinh, góp phần quan trọng cho sự phát triển của Vietcombank.

Đầu tư vào con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Với quy mô người lao động vào cuối năm 2020 chạm ngưỡng hơn 20.000 con người và không ngừng gia tăng, Ban Lãnh đạo Vietcombank đã, đang và sẽ luôn chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực bởi đây là chìa khóa đem lại thành công, hiệu quả cho hoạt động ngân hàng và cũng là tài sản quý giá nhất của mỗi tổ chức. Đầu tư vào con người là sự đầu tư bền vững và là yếu tố có thể tác động đến các yếu tố còn lại, bởi suy cho cùng, mọi mục tiêu đều xuất phát từ con người và hướng tới con người.

Vì vậy Vietcombank luôn coi trọng và ưu tiên nguồn lực trong việc xây dựng, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dám thay đổi, sáng tạo, làm chủ công nghệ, khả năng thích nghi tốt trong giai đoạn công nghệ 4.0 và đặc biệt là chịu được áp lực công việc bởi áp lực cạnh tranh hiện tại là rất lớn. Vietcombank luôn quan tâm tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, năng động, cạnh tranh công bằng, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy giá trị bản thân, tinh thần cầu tiến trong công việc, đóng góp chung vào sự phát triển của tổ chức. Cơ chế lương được xây dựng linh hoạt, gắn chế độ đãi ngộ với năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc, tạo động lực cho cán bộ cống hiến lâu dài.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay, sức khỏe và sự an toàn của cán bộ, người lao động càng được Ban Lãnh đạo quan tâm và đặt ưu tiên ở mức cao nhất, chia sẻ và động viên kịp thời từ những hành động thiết thực như: cung cấp khẩu trang, nước khử khuẩn, vitamin… cho từng cá nhân; môi trường làm việc luôn đảm bảo vệ sinh an toàn; điều kiện vật chất cho làm việc theo ca, làm việc từ xa được bố trí tối đa; các chính sách hỗ trợ tài chính cho người lao động được triển khai kịp thời.

Thực tế, năng suất lao động bình quân toàn hệ thống Vietcombank ở mức cao (Lợi nhuận trước thuế/cán bộ năm 2020 đạt xấp xỉ 1,22 tỷ đồng). Nhờ vậy, Vietcombank duy trì vị trí dẫn đầu trong 5 năm liên tiếp là ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam theo kết quả khảo sát “100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” do Công ty Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Nhật Bản Intage công bố hàng năm. Đồng thời, Vietcombank cũng vinh dự 2 lần liên tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.

Quản trị rủi ro, phát triển gắn liền với sự an toàn, hiệu quả và bền vững

“Quản trị rủi ro tốt nhất” là một trong 6 mục tiêu chiến lược mà Vietcombank đặt ra đến năm 2025. Vietcombank đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý rủi ro và không ngừng hoàn thiện, nâng cao hệ thống quản trị rủi ro. Công tác quản trị điều hành, quản trị nội bộ đã tiệm cận dần với các chuẩn mực quốc tế và là ngân hàng đầu tiên đáp ứng chứng nhận Basel II, hiện đang triển khai một số trụ cột của Basel III. Trong mảng tín dụng, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì vị thế ngân hàng có chất lượng tín dụng hàng đầu Việt Nam như chủ động phân loại khách hàng vay thành các nhóm định hướng quan hệ tín dụng với các tiêu chí khoa học và hệ thống; kiên định không hạ chuẩn điều kiện tín dụng và yêu cầu về tài sản bảo đảm; thường xuyên rà soát, tháo gỡ khó khăn trong phê duyệt tín dụng với từng hợp đồng vay,…

Việc chú trọng tới quản trị rủi ro là chiến lược đúng đắn giúp Vietcombank kiểm soát thành công chất lượng tín dụng ngay trong thời kỳ khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu liên tục giảm từ 1,46% năm 2016 xuống 1,11% năm 2017; 0,97% năm 2018; 0,78% năm 2019 và chỉ còn 0,62% năm 2020. Bên cạnh đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng của Vietcombank liên tục tăng, đến cuối năm 2019 là 179% và vào thời điểm cuối năm 2020, tỷ lệ này đã được nâng lên mức kỷ lục là 368%, đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Vietcombank và ngành ngân hàng. Điều này đảm bảo được sự an toàn, chắc chắn và hoạt động ổn định cho hệ thống trước những rủi ro, bất trắc của thị trường.

Nhờ quản trị tốt rủi ro, Vietcombank đã ghi dấu ấn trong hoạt động kinh doanh với sự an toàn, hiệu quả và trở thành điểm sáng trong toàn ngành ngân hàng. Ngoài tăng trưởng tín dụng tốt song vẫn bảo đảm được chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu thấp thì các mặt hoạt động khác vẫn duy trì được đà tăng trưởng: năm 2020, tổng tài sản của Vietcombank vượt 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2019; lợi nhuận trước thuế đạt 23.050 tỷ đồng, tương đương quy mô năm 2019; tổng huy động vốn từ nền kinh tế đạt 1.053.354 tỷ đồng, tăng 10,9% so với 2019; dư nợ tín dụng đạt 845.128 tỷ đồng, tăng 14% so với 2019, đảm bảo mức tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao.

Đầu tư mạnh mẽ, đúng hướng cho công nghệ và chuyển đổi số

Với mục tiêu chiến lược trở thành Ngân hàng bán lẻ số 1 Việt Nam và không ngừng mang đến những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, Vietcombank liên tục cập nhật những thành tựu mới của công nghệ và chuyển đổi số, trọng tâm là hiện đại hóa hạ tầng và nâng cao năng lực an ninh thông tin, để đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn, tiện dụng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Cùng với việc chuyển đổi thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), tháng 7/2020, Vietcombank tiếp tục ra mắt ngân hàng số VCB Digibank với sự hợp nhất của hai nền tảng Internet Banking và Mobile Banking, khách hàng chỉ cần sử dụng một tên đăng nhập và một mật khẩu cho dịch vụ VCB Digibank duy nhất, tên đăng nhập VCB Digibank chính là số điện thoại khách hàng đăng ký với ngân hàng.

Cùng với việc chuyển đổi thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking), tháng 7/2020, Vietcombank tiếp tục ra mắt ngân hàng số VCB Digibank với sự hợp nhất của hai nền tảng Internet Banking và Mobile Banking, khách hàng chỉ cần sử dụng một tên đăng nhập và một mật khẩu cho dịch vụ VCB Digibank duy nhất, tên đăng nhập VCB Digibank chính là số điện thoại khách hàng đăng ký với ngân hàng.

Sở hữu hạ tầng kỹ thuật ngân hàng hiện đại với việc chuyển đổi thành công hệ thống ngân hàng lõi (Core Banking) vào ngày 27/01/2020, Vietcombank có nhiều lợi thế trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý tự động các dịch vụ ngân hàng, cho phép đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số. Không gian giao dịch công nghệ số cùng các dịch vụ ngân hàng số đa tiện ích cung cấp cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp như: VCB Digibank, VCB - iB@nking, VCB CashUp, VCB Booking, mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng công nghệ định danh điện tử eKYC... đã, đang và sẽ tiếp tục thu hút đông đảo khách hàng bằng sự tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt cho đông đảo khách hàng. Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên kết nối thành công với Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai thanh toán Bảo hiểm xã hội qua Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục mở rộng hợp tác cung ứng các giải pháp thanh toán trực tuyến trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, hải quan, bảo hiểm,...

Ngoài ra, Vietcombank còn khởi động nhiều dự án chuyển đổi, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng lực hoạt động và quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế như: Hệ thống khởi tạo và phê duyệt tín dụng CLOS, Hệ thống dấu hiệu cảnh báo sớm EWS, Hệ thống quản lý hạn mức tổng GLIMS, Phân tích lợi nhuận đa chiều MPA, Quản trị nguồn nhân lực HCM...

Với những đổi mới số hóa đột phá trong việc ứng dụng các thành tựu công nghệ nổi bật để mang đến cho khách hàng dịch vụ thanh toán hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi, đảm bảo an toàn, bảo mật, Vietcombank đã được vinh danh là ngân hàng chuyển đổi số tiêu biểu trong năm 2020 và bước thêm một bước dài trên con đường trở thành Ngân hàng bán lẻ số 1 Việt Nam, không ngừng mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Khát vọng Vietcombank phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Định hướng phát triển tầm nhìn đến năm 2030 của Vietcombank là trở thành “Ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.”.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sức mạnh nội sinh mạnh mẽ nhất, luôn thôi thúc Vietcombank không ngừng vươn xa, lớn mạnh để có thể xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện của Bác.

Đóng góp vào vai trò huyết mạch nền kinh tế của hệ thống ngân hàng

Vietcombank phát huy tốt vai trò của một ngân hàng chủ lực, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế trong nước, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển ổn định, lành mạnh, có sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng, là kênh dẫn vốn hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Qua các giai đoạn phát triển của đất nước, Vietcombank luôn đi tiên phong đồng hành cùng các đối tác, khách hàng.

Trong giai đoạn nền kinh tế ổn định và tăng trưởng tốt, Vietcombank là sự lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn và của đông đảo khách hàng cá nhân với những giải pháp tài chính tối ưu, dịch vụ chất lượng và hợp tác hiệu quả.

Trong những giai đoạn khó khăn như tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế - xã hội, Vietcombank đã nỗ lực, quyết tâm và thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, an toàn, hiệu quả; vừa chung tay cùng cả nước quyết liệt phòng, chống dịch và tiên phong triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, góp phần nhanh chóng phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong điều kiện bình thường mới.

Theo đó, Vietcombank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung liên quan của Ngân hàng Nhà nước cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Dư nợ được cơ cấu tại thời điểm 31/12/2020 là 5.156 tỷ đồng và hiện tại đang tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ đối với những khách hàng chịu ảnh hưởng ở đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư.

Trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội

Với việc giữ vị trí là ngân hàng kinh doanh hiệu quả nhất trong nhiều năm liền, Vietcombank là doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam với số tiền nộp vào ngân sách nhà nước năm 2020 gần 8.689 tỷ đồng, trong đó nộp thuế là 6.470 tỷ đồng, luôn tiên phong trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Trong hoạt động kinh doanh, Vietcombank mong muốn mang đến lợi ích cao nhất cho khách hàng, bên cạnh đó cũng sẵn sàng đồng hành và chia sẻ với khách hàng trong giai đoạn khó khăn bằng những hành động thiết thực. Với tinh thần chủ động, tích cực, Vietcombank đã thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi dịch bệnh COVID-19và ảnh hưởng của bão lũ tại miền Trung. Từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 08 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Tổng số tiền lãi Vietcombank đã giảm cho khách hàng trong năm 2020 là 3.290 tỷ đồng, 06 tháng đầu năm 2021 là 2.115 tỷ đồng và dự kiến cả năm 2021 lên tới 7.100 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietcombank giảm hàng loạt các loại phí dịch vụ trên toàn bộ các kênh cho các tất cả các đối tượng khách hàng dự kiến số tiền phí được giảm lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội cũng luôn được Vietcombank đặt lên hàng đầu với những chia sẻ thiết thực dành cho người nghèo, những địa phương nghèo trên cả nước với kinh phí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, trong đó các lĩnh vực được quan tâm đặc biệt là y tế và giáo dục nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống, dân trí tại những địa phương còn khó khăn. Năm 2020, Vietcombank đã dành trên 386,5 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020, số tiền cho hoạt động này là gần 1.121 tỷ đồng.

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, lời kêu gọi của Chủ tịch nước và Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020 đến nay, Vietcombank đã cam kết và tài trợ lên đến 368 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật như vật tư y tế, máy móc thiết bị, gói an sinh xã hội… để hỗ trợ các địa phương và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhìn lại chặng đường hoạt động hơn nửa thế kỷ với nhiều dấu ấn, nhiều mốc son, người Vietcombank có thể tự hào về những đóng góp của mình cho sự phát triển của ngành ngân hàng, của kinh tế - xã hội đất nước. Tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, mỗi con người Vietcombank sẽ không ngừng phát huy ý chí tự lực, tự cường; phấn đấu trau dồi đạo đức và chuyên môn; chung niềm tin và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, vững tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, tập 1, trang 34.

  2. Hiền Hòa và Phạm Cường (2021), Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, truy cập ngày 10/09/2021, từ https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/phat-huy-y-chi-tu-luc-tu-cuong-va-khat-vong-phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc-582988.html.

  3. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (2020), Báo cáo thường niên 2020, truy cập ngày 05/09/2021, từ https://portal.vietcombank.com.vn/Investors/Pages-/chi-tiet-nha-dau-tu.aspx?ItemID=1086&devicechannel=default

  4. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (2021), Báo cáo của Hội đồng quản trị về hoạt động năm 2020 và định hướng hoạt động năm 2021 ngày 23/04/2021.

  5. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (2021), Vietcombank giảm lãi suất tiền vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, truy cập ngày 10/09/2021, từ https://portal.vietcombank.com.vn/News/newsevent/Pages/-Vietcombank.aspx?ItemID=10246.

  6. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (2021), Vietcombank tiếp tục giảm thêm lãi suất tiền vay hỗ trợ khách hàng tại 19 tỉnh, thành phố phía nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, truy cập ngày 10/09/2021, từ https://portal.vietcom-bank.com.vn/News/newsevent/Pages/Vietcombank.aspx?ItemID=10339.

  7. Nghiêm Xuân Thành (2018) , Vietcombank - 55 năm, một hành trình đáng tự hào, Tạp chí Đầu tư Chứng khoán, truy ngày 05/09/2021, từ https://tinnhanhchung-khoan.vn/vietcombank-55-nam-mot-hanh-trinh-dang-tu-hao post187687.html.

Nguyễn Tuấn Cảnh – Chi bộ 1 – Đảng bộ Vietcombank Nam Sài Gòn