Việt Nam tăng 21 bậc về mức độ thuận lợi kinh doanh

30/01/2015 11:34
Lâm Giang
(GDVN) - Việt Nam giành được vị trí thứ 78 trong 189 nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới tiến hành khảo sát, tăng 21 bậc so với xếp hạng năm ngoái.

Việt Nam đã tăng hơn 20 bậc về Mức độ thuận lợi kinh doanh (Ease of doing business 2015) theo khảo sát của Ngân hàng thế giới.

Vị trí của Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
Vị trí của Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Theo báo cáo lần thứ 12 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam giành được vị trí thứ 78 trong 189 nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới tiến hành khảo sát, tăng 21 bậc so với xếp hạng năm ngoái.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 10.

Tuy nhiên, trong bảng đánh giá tổng thể về Môi trường kinh doanh (Doing Business 2015), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 78, giảm 6 bậc so với năm 2014.

Dẫu vậy, tiêu chí tiếp cận tín dụng lại là một điểm sáng của Việt Nam, đạt 64,42 điểm DTF (distant to frontier – khoảng cách đến hàng đầu), tăng từ 64,11 điểm DTF của năm 2014. Chỉ số này nghĩa là chỉ cách nước đứng đầu thế giới hơn 35% điểm.

Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam và vị trí xếp hạng theo 10 tiêu chí Khởi nghiệp, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Đăng ký tài sản, Thông tin tín nhiệm, Bảo vệ cổ đông thiểu số, Thuế, Xuất nhập khẩu, Hiệu lực hợp đồng và Thủ tục phá sản.
Chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam và vị trí xếp hạng theo 10 tiêu chí Khởi nghiệp, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Đăng ký tài sản, Thông tin tín nhiệm, Bảo vệ cổ đông thiểu số, Thuế, Xuất nhập khẩu, Hiệu lực hợp đồng và Thủ tục phá sản.

Báo cáo cũng cho biết, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 1.730 USD/người, tăng 340 USD so báo mức 1.400 USD/người trong báo cáo năm 2014.

Vị trí xếp hạng Mức độ thuận lợi kinh doanh được đưa ra dựa trên kết quả đánh giá 10 tiêu chí khác nhau gồm: Khởi nghiệp, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận điện năng, Đăng ký tài sản, Thông tin tín nhiệm, Bảo vệ cổ đông thiểu số, Thuế, Xuất nhập khẩu, Hiệu lực hợp đồng và Thủ tục phá sản.

Trong các tiêu chí này, Việt Nam được đánh giá cao bởi các nỗ lực cung cấp thông tin tín nhiệm đến nhà đầu tư và cải cách thuế. Nhưng vẫn còn một số điểm yếu khác như Thuế (xếp hạng 173), Tiếp cận điện năng (135), Khởi nghiệp (125) hay Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số (117).

Singapore tiếp tục là nơi kinh doanh thuận lợi nhất thế giới, trong khi New Zealand và Hong Kong giành vị trí thứ 2 và 3. Mỹ rớt từ vị trí thứ 4 xuống thứ 7, sau Đan Mạch, Hàn Quốc và Na Uy. Trung Quốc đại lục xếp vị trí thứ 90./.

Lâm Giang