Vì sao vụ tranh chấp Nhà máy cà phê Trung Nguyên Bắc Giang chưa có hồi kết?

15/12/2021 06:40
Hoàng Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc tranh chấp quyền quản lý, điều hành Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang đã xảy ra từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Sau khi bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc Nhà máy Cà phê Trung Nguyên (gọi tắt là Nhà máy- phóng viên) bị "cưỡng chiếm" rạng sáng ngày 20/11, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã có thông cáo báo chí thừa nhận đã "thu hồi" nhà máy này.

Trong đơn gửi đến các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bắc Giang và các cơ quan báo chí, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, hiện Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang trong quá trình giải quyết những tranh chấp liên quan đến quyền điều hành tại Nhà máy.

Do vậy, bà Thảo đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang điều tra, xử lý nghiêm minh hành vi "cưỡng chiếm" nói trên theo quy định của pháp luật.

Bà Thảo khẳng định, cho đến hiện nay, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chưa có bất cứ phán quyết nào liên quan đến quyền điều hành Nhà máy này. Vì vậy, bà vẫn là người đại diện theo pháp luật của Nhà máy.

Theo hồ sơ, việc tranh chấp quyền quản lý, điều hành Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang đã xảy ra từ năm 2016.

Nhà máy cà phê Trung Nguyên tại Bắc Giang có tranh chấp từ năm 2016.

Nhà máy cà phê Trung Nguyên tại Bắc Giang có tranh chấp từ năm 2016.

Cả phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều có đơn khởi kiện ra tòa và đã được tòa án thụ lý. Cho đến thời điểm này, vụ kiện đang được tạm đình chỉ.

Sau sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 20/11, phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã có thông cáo báo chí, nêu: "Ngày 20/11/2021 phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Công ty cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên) đã chính thức thu hồi và tiếp quản chi nhánh Bắc Giang.

Công ty cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên khẳng định hoàn toàn không có chuyện nhà máy tại Bắc Giang bị cưỡng chiếm vào ngày 20/11/2021...

Trong quá trình thu hồi, tiếp quản Nhà máy Trung Nguyên tại Bắc Giang không có phát sinh bất kỳ một xung đột, ẩu đả, hay xô xát nào tại nhà máy.

Công tác an ninh, an toàn luôn được đảm bảo tuyệt đối và đã được công ty báo cáo đầy đủ, chính xác đến các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang"…

Liên quan đến sự việc này, ngày 26/11/2021, Trung tá Vũ Xuân Tuân - Phó Trưởng công an huyện Việt Yên đã ký thông báo số 2785 về việc giải quyết đơn trình báo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với nội dung:

“…Liên quan đến phần góp vốn của bà (Thảo- Phóng viên) 5% tại Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (trong đó có Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang) đã được Tòa án nhân dân tối cao quyết định giao cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ 15% cổ phần của cả ông Vũ và bà trong Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (ông Vũ có 10% cổ phần và bà có 5% cổ phần) theo Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/3/2021 về việc tranh chấp hôn nhân và gia đình của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hiệu lực pháp luật... ”.

Theo Công an huyện Việt Yên, việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo phản ánh có nhóm đối tượng chiếm giữ trái pháp luật Nhà máy cà phê Trung Nguyên Bắc Giang là tranh chấp dân sự về kinh tế.

Công an huyện Việt Yên đề nghị bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết quyền lợi theo quy định.

Văn bản trả lời của Công an huyện Việt Yên về sự việc đêm ngày 19 rạng ngày 20/11 tại Nhà máy cà phê Trung Nguyên tại Bắc Giang.

Văn bản trả lời của Công an huyện Việt Yên về sự việc đêm ngày 19 rạng ngày 20/11 tại Nhà máy cà phê Trung Nguyên tại Bắc Giang.

Sau khi có văn bản trả lời của phía Công an huyện Việt Yên, ngày 6/12, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có Đơn khiếu nại khiếu nại Thông báo về việc giải quyết đơn tố cáo việc cưỡng chiếm trái pháp luật Nhà máy Cà phê Trung Nguyên tại Bắc Giang.

Trong Đơn khiếu nại, bà Thảo đã trân trọng cảm ơn Công an huyện Việt Yên đã tiếp nhận và giải quyết đơn và giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên, bà Thảo không đồng ý với trả lời của Công an huyện Việt Yên khi cho rằng đây là tranh chấp dân sự, kinh tế và hướng dẫn kiện ra Tòa.

Trong đơn bà Thảo đã chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý về sự việc đêm 19 rạng sáng ngày 20/11.

Cũng liên quan đến sự việc, ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho hay: "Ban đã có văn bản gửi Công an tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh để báo cáo. Hiện Công an đang xem xét giải quyết đơn của các bên".

Ông Cường cũng cho biết thêm: "Hiện tại, Ban chưa nhận được văn bản nào liên quan đến việc thi hành án tại Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang".

Về phía Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang, ngày 3/4/2020, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bắc Giang đã có công văn số 444/CTHADS-VP trả lời phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ, nêu rõ: "Tại đơn số 05/2020TNTH ngày 2/3/2020 do ông Đặng Lê Nguyên Vũ (là người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên) kiến nghị cơ quan xem xét hỗ trợ Công ty một số vấn đề liên quan đến quyền sở hữu và thực hiện quyền sở hữu…

Theo bản án số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố, tuyên "Giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu 3.000.000 cổ phần tương đương 15% vốn của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên…".

Tuy nhiên, đây là bản án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Quyền lợi tuyên trong bản án liên quan đến cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ, không phải là quyền của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Do vậy, Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên không có cơ sở để đề nghị bảo vệ quyền lợi của Công ty đối với nội dung này.

Hơn nữa, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, việc thi hành bản án nêu trên thuộc thẩm quyền của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

Về nội dung tranh chấp quyền điều hành Nhà máy, việc quản lý, điều hành Nhà máy được thực hiện theo quy định của pháp luật doanh nghiệp và các pháp luật khác có liên quan. Do đó, đề nghị Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan…

Hơn nữa, theo trình bày của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên thì hiện nay vụ việc tranh chấp quyền điều hành Nhà máy đang được Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang thụ lý giải quyết.

Vì vậy, Công ty cần liên hệ với Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang để phối hợp giải quyết"…

Cho đến ngày 13/12/2021, bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa nhận được bất kỳ Quyết định thi hành án nào liên quan đến việc bàn giao Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang.

Do vậy, bà Thảo đề nghị Công an tỉnh Bắc Giang, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên xem xét, giải quyết sự việc theo đúng quy định pháp luật.

Đơn khiếu nại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Đơn khiếu nại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Về phía luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo, nêu quan điểm: "Nếu lấy lý do thực thi bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật để tiếp quản Nhà máy, thì việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự phải theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

Không một tổ chức, cá nhân nào có thể tự ý làm thay việc này. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo chưa nhận được bất kỳ Quyết định thi hành án nào liên quan đến việc bàn giao Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang.

Còn liên quan đến tư cách người đại diện và quyền quản lý, điều hành tại Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang, hiện nay có đến 3 vụ kiện tranh chấp đang được Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết".

Cũng theo phía luật sư, trong lúc tranh chấp đang được Tòa án giải quyết, sự việc tự chiếm quyền điều hành Nhà máy vừa qua có dấu hiệu trái pháp luật và để lại hệ quả pháp lý nghiêm trọng.

Bởi lẽ, việc tự đòi quyền chuyển giao, tiếp quản Nhà máy Cà phê Trung Nguyên Bắc Giang mà không có sự tham gia của bà Lê Hoàng Diệp Thảo hay cơ quan thi hành án sẽ dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, thất thoát tài sản, hồ sơ, chứng từ của nhà máy.

Nếu không xử lý kịp thời, nghiêm minh thì đó là tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh trật tự, đến môi trường đầu tư, hình ảnh, uy tín của tỉnh Bắc Giang.

* Những vụ việc tranh chấp tài sản trong thực tế là tình huống pháp lý có rất nhiều kiến thức về pháp luật để sinh viên theo học ngành luật có thể theo dõi, tham khảo phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu.

Hoàng Quỳnh