TS Lê Đăng Doanh: Tập đoàn độc quyền lãi khủng là bình thường

11/01/2014 07:12
Lực Hoàng
(GDVN) - Theo TS Lê Đăng Doanh, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thông báo lãi lớn trong khi nền kinh tế khó khăn do không ít doanh nghiệp ở thế độc quyền…

Suốt gần một năm không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên tục kêu lỗ nhưng cuối năm trong báo cáo tổng kết lại thông báo số lãi khủng.

Bất ngờ nhất trong số các “ông lớn” có lãi khủng là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông. Bất ngờ vì cứ mỗi lần tăng giá điện, EVN lại than lỗ, than rằng phải từng bước đưa giá điện về đúng giá thị trường, cắt lỗ cho nhà nước. Trong vòng 1 năm qua, giá điện đã tăng 2 lần với mức tăng thêm 5%. Lần gần nhất giá tăng là 1/8/2013, lên mức bình quân 1.508,85 đồng/kWh và tiếp tục hứa hẹn sẽ tăng tiếp.

Có lãi nhưng EVN vẫn kiến nghị tăng giá điện trong năm 2014. Ảnh minh họa.
Có lãi nhưng EVN vẫn kiến nghị tăng giá điện trong năm 2014. Ảnh minh họa.

Kết thúc năm 2013, doanh thu toàn ngành của EVN đạt 172 nghìn tỷ đồng. Bước sang năm 2014, EVN cho biết, giá điện sẽ tăng thêm ít nhất 34 đồng/kWh. Với việc dự kiến tăng giá điện công với 126,5 tỉ kWWh điện thương phẩm EVN tính thu về 4.300 tỉ đồng doanh thu nhờ việc tăng giá điện. Đồng thời đặt mục tiêu trả nợ gốc và lãi vay gần 33.000 tỉ đồng trong năm 2014.

Bên cạnh EVN, trong danh sách các “ông lớn” lãi khủng trong năm 2013 phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Năm 2013 PVN đã nộp ngân sách Nhà nước vượt 46,8 nghìn tỷ đồng, tương đương với 2,22 tỷ USD so với kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu toàn tập đoàn về đích trước 50 ngày, đạt 762,86 nghìn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm.

Ngoài ra, tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này đạt 62,8 nghìn tỷ đồng (nếu tính cả phần lãi từ hoạt động của VSP thì đạt 72 nghìn tỷ đồng), bằng 127,5% kế hoạch năm.

Người “em” của PVN, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cũng cán đích khá sớm trong năm 2013 khi hoàn thành nhiều chỉ tiêu trước kế hoạch từ 2 đến 5 tháng. Ước tính năm qua, GAS đạt tổng doanh thu trên 65.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 15.000 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch.

Ở lĩnh vực viễn thông ghi nhận lãi lớn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).

Có thể nói, bất chấp khó khăn của nền kinh tế rõ ràng các tập đoàn nhà nước kinh doanh có lãi là một điều đáng mừng. Bởi lẽ doanh nghiệp lãi, nhà nước sẽ có thêm nguồn để xoay trở, đầu tư cho những dự án cấp bách trong những giai đoạn kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho rằng, đây là điều không quá ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp trong số này ở vị trí độc quyền.

“Trong số doanh nghiệp đạt kết quả tốt, có những doanh nghiệp có vị thế độc quyền như EVN. Do vậy việc một tập đoàn độc quyền ở một hàng hóa đặc biệt như điện lãi lớn không có gì đáng ngạc nhiên”, TS Lê Đăng Doanh cho biết.

TS Doanh cho rằng, cần làm rõ những lợi nhuận đạt được đó trên cơ sở có những biện pháp hay chỉ dựa vào độc quyền, dựa vào tăng giá sản phẩm?.

Hai tập đoàn VNPT và Viettel liên tục than thở lỗ và phải tăng giá dịch vụ 3G bất chấp sự phản đối của người tiêu dùng, bất chấp việc chất lượng dịch vụ kém nhưng sau đó lại đưa ra con số lãi hàng chục tỉ đồng.
Hai tập đoàn VNPT và Viettel liên tục than thở lỗ và phải tăng giá dịch vụ 3G bất chấp sự phản đối của người tiêu dùng, bất chấp việc chất lượng dịch vụ kém nhưng sau đó lại đưa ra con số lãi hàng chục tỉ đồng.

Với Tập đoàn Dầu khí quốc gia, theo TS Lê Đăng Doanh ngành dầu khí đạt kết quả cao cũng là điều bình thường vì đó là ngành khai thác tài nguyên. “Nói chung tập đoàn nhà nước kinh doanh có lãi đạt kết quả cao là một điều mừng vì các tập đoàn này mà lỗ còn chết hơn nữa, lãi là điều đáng mừng và nên chúc mừng họ nhưng cần có một báo cáo toàn diện hơn để biết rằng họ đã đạt được kết quả ấy dựa trên biện pháp và tiến bộ gì?”, TS Doanh nhận định.

Cũng thể hiện góc nhìn toàn diện theo TS Lê Đăng Doanh sở dĩ doanh nghiệp nhà lãi lớn do lâu nay doanh nghiệp nhà nước được đối xử một cách ưu đãi về vấn đề điều kiện như tiếp cận đất, tiếp cận vốn, tiếp cận dự án…Tuy nhiên, "nên xem xét một cách cụ thể hơn, công bằng hơn xem kết quả đó vì sao đạt được”, TS Lê Đăng Doanh lật lại vấn đề.

Giống như EVN, số lãi khủng của các đơn vị khác như Tổng công ty Khí Việt Nam, Viettel và VNPT cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Hai tập đoàn VNPT và Viettel liên tục than thở lỗ và phải tăng giá dịch vụ 3G bất chấp sự phản đối của người tiêu dùng, bất chấp việc chất lượng dịch vụ kém nhưng sau đó lại đưa ra con số lãi hàng chục tỉ đồng.

Trên Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Sơn (Khoa luật cạnh tranh Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho rằng con số lãi của tập đoàn, tổng công ty nhà nước là “tin mừng cay đắng”:  “EVN lời lớn khi giá điện tăng liên tục. Viettel lợi nhuận “khủng”, VNPT cũng vậy, khi ngành viễn thông không cải thiện chất lượng dịch vụ mà chỉ tăng giá. Lợi nhuận mà các tập đoàn này công bố cho thấy nguyên lý độc quyền luôn có lợi vẫn luôn luôn đúng”.

Cũng thể hiện quan điểm trên tờ Tuổi Trẻ, Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường) băn khoăn, thắc mắc về lỗ, lãi của EVN: “Trong trường hợp EVN đã có lãi cao thì phải xem lại lộ trình tăng giá điện. Vì sao tôi đặt vấn đề như vậy? Vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, đông đảo người dân có cuộc sống chật vật với thu nhập ít ỏi, tại sao ngành điện đã có lãi rồi mà vẫn muốn tăng giá?”.

Cho đến nay chưa có sự giải thích rõ ràng nào từ phía cơ quan chủ quản và các tập đoàn về những con số lỗ, lãi vừa được công bố. Tuy nhiên câu chuyện: “Kêu lỗ để… tăng giá” lặp đi lặp lại  và trở nên quá quen thuộc với người tiêu dùng

Lực Hoàng