Truyền hình trả tiền: Nguy cơ độc quyền người dùng lãnh đủ!

25/03/2013 07:11
Công Minh
(GDVN) - Sau hơn 9 năm truyền hình trả tiền phát triển tại Việt Nam, VTV chiếm hơn 70% thị trường với 3 thương hiệu là VCTV, SCTV, K+; sau đó đến BTS - Hà Nội, HTVC - TP.HCM và VTC.
Tại Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền hiện có gần 50 thương hiệu đang tham gia cung cấp dịch vụ như Truyền hình cáp Hà Nội (HCaTV), Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam VTC, HTVC, VSTV (K+), SCTV… với khoảng 4,5 triệu thuê bao (vệ tinh, IPTV, truyền hình cáp...) chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị. Điệp khúc giá: 3 năm tăng liên tục

Theo ước tính, 3 công ty gồm VCTV (Truyền hình cáp Việt Nam) thống lĩnh thị trường phía Bắc với hơn một triệu thuê bao; SCTV (liên doanh giữa VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn) mạnh  ở phía Nam với hơn 1,5 triệu thuê bao; K+ (VTV liên doanh với Canal Plus của Pháp) đang trở thành nhà đài cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh hàng đầu với hơn 400.000 thuê bao. Sơ bộ, 3 công ty có hơn 3 triệu thuê bao trên tổng số khoảng 4,5 triệu thuê bao của toàn thị trường, chiếm hơn 70% thị phần.
Ảnh: minh họa, nguồn internet
Ảnh: minh họa, nguồn internet
Không chỉ dừng lại ở mức thị phần “khủng”, truyền hình trả tiền còn đạt được “hattrick” với điệp khúc giá: 3 năm tăng liên tục. Trong ba năm qua, VCTV và SCTV đã tăng giá cước thuê bao đến mấy lần, đẩy mức cước từ 44.000 đồng/tháng lên 110.000 đồng/tháng như hiện nay. Có nghĩa là giá cước đã tăng đến 250%, 3 năm tăng giá gấp 3 lần. Đi từ những con số dư luận không phải không có lý khi lo lắng về nguy cơ độc quyền trên thị trường truyền hình trả tiền, sắp tới xảy ra việc tăng giá cước nữa thì suy cho cùng người dùng vẫn là người lãnh đủ. “Đắt nhưng không xắt ra miếng” Được xem là loại hình dịch vụ thiết yếu đối với người dân nhưng với khoảng khoảng 4,5 triệu thuê bao mới chỉ có khoảng 15% hộ gia đình của Việt Nam được sử dụng dịch vụ này. Sau hơn 9 năm phát triển thì đây là con số quá khiêm tốn. Không chỉ khiêm tốn về thuê bao, vùng phủ sóng dịch vụ còn khiêm tốn trong chính chất lượng. Nhiều người cho rằng, ở Việt Nam dịch vụ độc quyền thường có biểu hiện như chất lượng kém, phục vụ kém nhưng giá luôn tăng. Dường như thị trường truyền hình cáp đang ôm trọn những biểu hiện ấy. Năm 2010, việc K+ tuyên bố độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh ở Việt Nam và bán đầu thu, phí thuê bao cao đã bị người hâm mộ bóng đá Việt Nam phản đối. Đến nay câu chuyện lòng vòng bản quyền giải Ngoại hạng Anh giữa VTV, Hiệp hội Truyền hình trả tiền và Canal Plus – đối tác với VTV để K+ có bản quyền giải Ngoại hạng Anh tiếp tục được nhắc đến là câu chuyện buồn. Sau điệp khúc 3 năm giá tăng gấp 3 lần người dùng vẫn liên tục kêu về chất lượng dịch vụ. Giá tăng cứ tăng nhưng đắt mà không xắt ra miếng thì việc người dùng không mặn mà với dịch vụ cũng là điều dễ hiểu. Theo nhận định của ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng giám đốc VTV, truyền hình trả tiền tại Việt Nam tuy "đông vui" nhưng lộn xộn - nơi thừa, nơi vẫn "đói". Phải chăng đó là hệ luỵ của sự vừa độc quyền, vừa manh mún trên thị trường truyền hình trả tiền?
Tổ chức hệ thống phát thanh truyền hình gồm 3 khâu: Sản xuất nội dung chương trình do các đài phát thanh truyền hình thực hiện, hạ tầng truyền dẫn, phát sóng do các doanh nghiệp viễn thông thực hiện và tổ chức cung cấp dịch vụ (các doanh nghiệp cung cấp các kênh PTTH đến người xem).

Đối với khâu sản xuất nội dung chương trình, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch hệ thống báo chí và phát thanh truyền hình trên cả nước, trong đó nội dung quy hoạch này chủ yếu điều chỉnh số lượng các kênh phát thanh truyền hình, mô hình tổ chức, bộ máy, hoạt động của các đài trên toàn quốc…

Đối với hạ tầng truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình điều chỉnh về hạ tầng, mạng lưới tập trung chủ yếu đối với phương thức phát thanh truyền hình mặt đất. Hiện nay đã có Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đến năm 2020 được phê duyệt tại quyết định 22/2009 QĐ-TTg, Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến 2020.

Còn nữa...
Công Minh