Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng Việt Nam, đối phó thế nào?

08/11/2019 06:00
Nguyễn Ngọc
(GDVN) - Bộ Công thương đã có kịch bản nào để đối phó với việc Trung Quốc đột ngột ngừng nhập khẩu một số hàng hoá của ta mà chủ yếu là nông thuỷ sản, nông sản?

Đây là câu hỏi Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Trần Tuấn Anh tại Quốc hội vào ngày 7/11.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng nêu thực trạng trong cùng với những hành động đột ngột bất thường ấy thì hàng hoá của Trung Quốc vẫn cứ ùn ùn đổ vào Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tăng cao nhất từ trước đến nay trong một thời gian rất ngắn. 8 tháng năm nay, nhập siêu từ Trung Quốc tăng đột biến lên mức 45,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội. ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn tại Quốc hội. ảnh: quochoi.vn

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, trong năm 2019 tăng trưởng thương mại xuất khẩu đạt 8,4%, nhưng sụt giảm đối với thị trường Trung Quốc, trong đó ngành nông sản và thuỷ sản giảm 6% so với năm 2018. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc đang siết chặt lại quy định kiểm soát nhập khẩu.

Những quy định này liên quan đến truy xuất nguồn gốc, kiểm soát thực vật, động vật, các vấn đề về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kỹ thuật canh tác...

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dẫn đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm, nhập khẩu của Trung Quốc giảm 4%. Vì vậy, rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sụt giảm.

Bộ trưởng cho biết: “Không chỉ nông sản, thuỷ sản, mà còn một số các sản phẩm của ngành tơ sợi, dệt may có xuất khẩu rất lớn, quy mô hơn 1 tỷ USD cũng bị giảm vì dệt may của Trung Quốc cũng không xuất khẩu được.

Mặt hàng điện thoại, các nhà đầu tư nước ngoài đóng cửa cơ sở sản xuất tại Trung Quốc nên dẫn đến các linh kiện, thiết bị của các cơ sở điện tử và nhất là điện thoại thông minh của Samsung cũng không xuất khẩu sang Trung Quốc, như vậy đã mất hơn 1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm”.

Thị trường Trung Quốc không còn dễ cho nông sản Việt
Trung Quốc ngừng nhập khẩu hàng Việt Nam, đối phó thế nào? ảnh 2

Bộ trưởng Công thương thẳng thắn cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã có sự lúng túng, bỡ ngỡ trong quy mô sản xuất, mô hình tổ chức sản xuất dẫn đến không chủ động trong sản xuất và xuất khẩu đi Trung Quốc.

Vì vậy, thời gian tới, phải tổ chức sản xuất lại trong nông nghiệp, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chất lượng, kỹ thuật canh tác cũng như những yêu cầu hàng rào kỹ thuật.

Vấn đề mà Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chất vấn Bộ trưởng Công thương không mới, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự bởi chưa giải quyết được giải quyết dứt điểm.

Nếu như trước đây chúng ta phải đối diện với một số vấn đề thủ tục kỹ thuật thì nay đã có những vấn đề lớn hơn, đó là việc nước này tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Tức là thị trường Trung Quốc không còn "dễ tính" như trước nữa.

Để giải quyết tình trạng này, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ và hướng dẫn từ các bộ, ngành thì các doanh nghiệp cần chủ động sản xuất theo quy hoạch, căn cứ theo nhu cầu thị trường, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại Trung Quốc.

Tư duy xuất khẩu nông thủy sản cũng phải thay đổi theo hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch và chuyển sang xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý, từng bước xây dựng được thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này, Phó Giáo sư - tiến sĩ Quyền Đình Hà, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho hay: “Thu nhập bình quân trên đầu người của người dân Trung Quốc khá cao, gần 10.000 đô la Mỹ nên họ yêu cầu cao về chất lượng nông sản là điều tất yếu. Bởi vậy, việc Trung Quốc hay nhiều thị trường khác trên thế giới siết nhập khẩu nông sản cũng là điều hết sức bình thường.

Bài toán đặt ra làm sao để nông sản Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường như Trung Quốc bằng con đường chính ngạch hay xuất khẩu sang bất cứ thị trường khó tính nào.  

Để làm được điều đó chúng ta phải có quy hoạch vùng một cách bài bản. Không thể mãi tư duy bán những gì mình có”.

Phó Giáo sư Hà nêu giải pháp: “Xuất khẩu nông sản chính ngạch sẽ mang lại giá trị cao cho nông sản Việt Nam. Còn buôn bán, xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều rủi ro bởi đối tác nước ngoài có thể trì hoãn, ép giá nông sản.

Trong khi đó, hoa quả tươi chỉ đảm bảo trong ít ngày, nếu không bán được sẽ phải đổ bỏ. Như nhiều lần thương lái phải vứt bỏ nông sản tại cửa khẩu, nhìn sản phẩm bà con nông dân vất vả làm ra phải đổ bỏ rất đau lòng và lãng phí.

Để phát triển nông sản Việt một cách bài bản, lâu dài và mang lại giá trị cao thì cả nông dân, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy theo hướng xuất khẩu  chính ngạch. Xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp Việt sẽ ký kết hợp đồng với đối tác. Có vấn đề gì còn kiện được, chứ xuất khẩu tiểu ngạch thì kiện ai.

Bà con nông dân, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, thay đổi hành động ngay, sản phẩm đến được thị trường Trung Quốc hay các thị trường khó tính khác, nông sản của chúng ta phải có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng”.

Nguyễn Ngọc